Từ bỏ kiêu căng ngạo mạn, bạo lực bất công và sống yêu thương
Từ bỏ thái độ sống kiêu căng ngạo mạn, sử dụng bạo lực để chiếm được địa vị và quyền lợi ngày càng lớn hơn và bảo dảm cho mình thành công bằng mọi giá, thôi khai thác thiên nhiên bừa bãi, sống bất bạo động, tôn trọng sự thật trong tương quan nhân bản giữa con người với nhau cũng như giữa các xã hội và chống lại mọi thứ bất công.
Từ bỏ kiêu căng ngạo mạn, bạo lực bất công và sống yêu thương
Từ bỏ thái độ sống kiêu căng ngạo mạn, sử dụng bạo lực để chiếm được địa vị và quyền lợi ngày càng lớn hơn và bảo dảm cho mình thành công bằng mọi giá, thôi khai thác thiên nhiên bừa bãi, sống bất bạo động, tôn trọng sự thật trong tương quan nhân bản giữa con người với nhau cũng như giữa các xã hội và chống lại mọi thứ bất công.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mời gọi mọi người như trên trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 3-7-2011.
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, hôm nay trong Phúc Âm Chúa Giêsu lặp lại với chúng ta những lời mà chúng ta biết rất rõ, và chúng luôn luôn làm chúng ta cảm động: “Hỡi các con là những kẻ mệt nhọc và bị áp bức, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ bồi dưỡng cho. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học nơi Ta, là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và các con sẽ tìm được nghỉ ngơi cho cuộc sống các con. Vì ách của Ta êm ái và gánh của Ta nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).
Khi Chúa Giêsu rong ruổi trên các nẻo đường của vùng Galilea để loan báo Nước Thiên Chúa và chữa lành mọi bệnh nhân, Người cảm thương các đám đông, bởi vì họ mệt mỏi và kiệt lực giống như chiên không có người chăn (x. Mt 9,35-36). Cái nhìn của Chúa Giêsu xem ra trải dài cho tới thế giới của chúng ta ngày nay. Cả ngày nay nữa, Chúa đặt cái nhìn trên biết bao nhiêu người bị áp bức bởi các điều kiện sống khó khăn, và cũng không có các điểm tham chiếu có giá trị để tìm ra một ý nghĩa và một mục đích cho cuộc sống. Có biết bao nhiêu đám đông kiệt lực trong các quốc gia nghèo khổ nhất, bị thử thách bởi sự nghèo đói, và cả trong các nước giàu có nhất cũng có biết bao nhiêu người không được thoả mãn, tệ hơn nữa họ còn bị bệnh trầm cảm. Thế rồi chúng ta hãy nghĩ tới nhiều đám đông của những người tị nạn và biết bao nhiêu người liều mạng di cư. Cái nhìn của Chúa Giêsu đặt trên tất cả những người đó, còn hơn thế nữa đặt trên từng người trong các con cái của Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên trời, và Người lặp lại với họ các lời này: “Hỡi các con tất cả, hãy đến cùng Ta…”.
Tiếp tục suy tư về bài Phúc Âm của phụng vụ Chúa Nhật hôm qua, Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu hứa ban cho tất cả “sự bồi dưỡng”, nhưng đặt một điều kiện, đó là: “Các con hãy mang lấy ách của Ta và học nơi Ta, là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Cái “ách đó” là gì, mà thay vì đè nặng thì lại làm vơi nhẹ, và thay vì nghiền nát thì lại nâng lên?” Ách của Chúa Kitô là luật của tình yêu thương, là giới răn mà Người đã để lại cho các môn đệ Người (x. Ga 13,34; 15,12).
Rồi Đức Thánh Cha áp dụng ý nghĩa của nó vào cuộc sống thường ngày như sau: Liều thuốc đích thực chữa trị được các vết thương của nhân loại, các vết thương vật chất như sự đói khát và các bất công cũng như các vết thương tâm lý và luân lý do sự giàu có giả tạo gây ra, đó là một luật lệ cuộc sống dựa trên tình yêu thương huynh đệ, bắt nguồn từ tình yêu thương của Thiên Chúa. Vì thế, cần phải từ bỏ con đường của kiêu căng ngạo mạn, của bạo lực dùng để mưu cầu các địa vị ngày càng nhiều quyền bính hơn, để bảo đảm cho mình sự thành công bằng mọi giá. Cả đối với môi sinh cũng cần phải từ bỏ thái độ xâm lăng của các thế kỷ qua để có một thái độ hiền dịu hữu lý hơn. Nhưng nhất là trong tương quan nhân bản, liên bản vị và xã hội, luật của sự tôn trọng và bất bạo động, nghĩa là sức mạnh của sự thật chống lại mọi bất công, là luật có thể bảo đảm một tương lai xứng đáng cho con người.
Đức Thánh Cha kết luận bài huấn từ như sau: Các bạn thân mến, hôm qua chúng ta đã cử hành việc kính nhó đặc biệt Đức Maria Rất Thánh, bằng cách chúc tụng Thiên Chúa vì Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Xin Đức Trinh Nữ giúp chúng ta “học” nơi Chúa Giêsu sự khiêm nhường thật, cương quyết mang lấy ách nhẹ nhàng của Người, để sống kinh nghiệm niềm an bình nội tâm, và đến lượt chúng ta có khả năng an ủi các anh chị em khác đang mệt nhọc bước đi trên con đường cuộc sống.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã cất kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Slovac, Ba Lan, và ngài cầu chúc mọi người một ngày Chúa Nhật và tháng bảy an lành. Bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha mời mọi người cùng ngài chung vui với Giáo hội Rumani, đặc biệt là cộng đoàn Satu Mare, nơi diễn ra Lễ Phong Chân phước cho Đức cha János Scheffler, Giám mục sở tại, tử đạo năm 1952. Đức Thánh Cha xin cho chứng tá can đảm của người nâng đỡ đức tin của những ai tưởng nhớ người với lòng yêu mến, và nâng đỡ đức tin của các thế hệ trẻ. Đức Thánh Cha cho biết trong các ngày tới ngài sẽ ra nhà nghỉ mát Castel Gandolfo, và ngài hẹn gặp lại tín hữu tại đây trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật tuần tới.