23/12/2024

Công dân thua kiện CSGT

Có phải luật pháp quá khó hiểu với dân? Và nếu luật pháp thực sự quá khó hiểu như vậy, người dân sẽ phải ứng xử ra sao khi không biết việc làm thường ngày của mình làm sẽ đúng luật hay sai luật?

Công dân thua kiện CSGT

Tại phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án hành chính một công dân kiện công an về quyết định xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ cuối tuần qua, phần tranh luận đã làm nảy sinh nhiều vấn đề đáng lưu ý. Đặc biệt là khi những phán quyết của Hội đồng xét xử không khiến người dân tâm phục.

Bên khởi kiện trong vụ án này là ông Nguyễn Đức Đông có hộ khẩu tại huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Đại diện cho bên bị kiện là ông Nguyễn Quang Khải, Đội phó Đội CSGT – trật tự, phản ứng nhanh thuộc Công an Q.Cầu Giấy.

Theo hồ sơ vụ án, chiều ngày 15.11.2010, ông Đông điều khiển xe ô tô từ đường Phan Văn Trường ra đường Xuân Thuỷ, khi đến nhà số 61-63 Xuân Thuỷ, ông dừng và đỗ xe dưới lề đường thì bị CSGT – trật tự – phản ứng nhanh của Q.Cầu Giấy lập biên bản và xử phạt 800.000 đồng, tạm giữ giấy phép lái xe trong thời gian 30 ngày với lý do đỗ xe trên tuyến phố bị cấm. Ông Đông đã 2 lần làm đơn khiếu nại gửi đến công an các cấp nhưng không được chấp nhận nên khởi kiện đòi Công an Q.Cầu Giấy huỷ quyết định xử phạt, bồi thường thiệt hại 4 triệu đồng và xin lỗi công khai.

“Ngã ba là có cắm biển…”

 

Có phải luật pháp quá khó hiểu với dân?

Tại phiên toà này, luật sư Phạm Ngọc Minh, Đoàn luật sư Hà Nội, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Đông đặt vấn đề: “Đây là vụ việc rất nhỏ nhưng thân chủ tôi phải trải qua quãng thời gian 7 tháng 18 ngày mới nhận được câu trả lời cuối cùng. Tại sao quá trình giải quyết kéo dài, tốn biết bao thời gian, công sức của cơ quan chức năng và người dân đến như vậy? Phải chăng luật pháp quá khó hiểu với người dân? Và nếu luật pháp thực sự quá khó hiểu như vậy, người dân sẽ phải ứng xử ra sao khi không biết việc làm thường ngày của mình làm sẽ đúng luật hay sai luật?”.

 

Ông Đông cho rằng, trong quá trình điều khiển xe ô tô từ đường Phan Văn Trường tới đường Xuân Thuỷ là đi qua ngã ba, “quan sát rất kỹ không thấy có biển cấm nên mới đỗ xe”. Ông lập luận, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, trên đoạn đường cấm thì tại ngã tư, ngã ba phải có biển báo nhắc lại. Không có biển báo tức là không cấm. Ngược lại, bị đơn cho rằng, đầu và cuối đường Xuân Thuỷ đã có biển cấm thì người tham gia lưu thông phải chấp hành.

Không chấp nhận, ông Đông và luật sư đòi làm rõ, điểm giao giữa đường Phan Văn Trường và Xuân Thuỷ có phải là ngã ba hay không thì phía bị đơn giải thích: “Ngã ba là có cắm biển, không cắm tức không phải… ngã ba”.

Tiếp tục tranh cãi, nguyên đơn cho rằng, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. Nhưng phía bị đơn bổ sung: “Ngoài biển báo phải chấp hành thêm các quy định, điều lệ khác”.

Ngay lập tức nguyên đơn phản pháo: “Nếu nói như thế thì đề nghị bị đơn không cần giở văn bản đọc cho toà nghe 56 tuyến phố Hà Nội cấm đỗ dừng xe là những phố nào?”.

Rất may, trong lúc bị đơn đang lúng túng thì chủ toạ phiên toà đã kịp lên tiếng nhắc nhở nguyên đơn: “Không được đi quá xa nội dung tranh luận”.

 “Công dân thủ đô thì phải chấp hành”

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử tuyên bác toàn bộ nội dung khởi kiện của ông Đông, khẳng định việc ông Đông đi trên đường Xuân Thuỷ và đỗ xe dưới lòng đường là sai và quyết định xử phạt của Công an quận Cầu Giấy là đúng pháp luật.

Bản án lập luận rằng ông Đông là công dân có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, được cấp giấy phép lái xe nên khi tham gia giao thông phải tuân theo Luật Giao thông đường bộ, các biển báo giao thông đường bộ. Ngoài ra, ông Đông còn phải tuân theo các quy định của UBND TP Hà Nội quy định về các tuyến phố văn minh, thương mại cấm đỗ xe dưới lòng đường…

Tiếp xúc với báo chí ngay sau khi phiên toà sơ thẩm khép lại, ông Đông cho biết không đồng tình với phán quyết của toà và sẽ kháng cáo lên cấp phúc thẩm.“Hội đồng xét xử cho rằng tôi là công dân thủ đô thì ngoài việc phải tuân theo Luật Giao thông đường bộ, các biển báo giao thông đường bộ còn phải tuân theo các quy định của UBND TP. Nhưng trong trường hợp, nếu công dân ở các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội làm sao họ biết được có các quy định này mà chấp hành?”, ông Đông bức xúc.