23/11/2024

Cái hôn huynh đệ của Thánh Phêrô và Phaolô

Giáo Hội quy tụ được nhân loại mà không phân biệt một biên giới nào, và làm thế nào để Giáo Hội, giữa những chia rẽ của trần gian này, có thể làm cho hoà bình của Chúa, sức mạnh hoà giải của tình yêu Người được hiện diện

Cái hôn huynh đệ của Thánh Phêrô và Phaolô

 

Bài giảng Lễ trọng kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô

của Đức Thượng phụ Giáo Chủ Đại Kết Bartholomaios I và

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI

Tại Nhà nguyện của Đức Giáo Hoàng

Vương cung thánh đường Vatican

Chúa nhật XIII Thường Niên, Lễ Thánh Phêrô và Phaolô, 29/6/2008

 

Bài giảng của Đức Thượng phủ Giáo chủ Đại Kết Bartholomaios I

Kính thưa Đức Thánh Cha,

Chúng tôi vẫn còn cảm thấy thật sâu xa niềm vui và sự xúc động qua việc cá nhân Đức Thánh Cha đáng kính đến tham dự lễ quan thầy của Constantinople, nhân ngày lễ kính Thánh Anrê Tông Đồ, tháng 11/2006,  là vị Tông đồ được Chúa gọi đầu tiên, “với những bước chân hân hoan“, chúng tôi đã đến đây, đến từ khu phố Phanar của tân kinh thành Rôma, đến bên cạnh ngài, để chia sẻ với ngài niềm vui nhân ngày lễ quan thầy của kinh thành Rôma cổ kính. Và chúng tôi đã đến bên cạnh ngài “lòng đầy tràn muôn phúc lộc của Đức Kitô“ (Rm 15, 29),  khi phục hồi lại danh dự và tình yêu, để cùng với người anh em đáng mến của chúng tôi bên vùng trời Tây phương, mừng lễ kính “những truyền lịnh sư đáng tin và được linh ứng, những vị thủ lãnh của các môn đệ đi theo Chúa“, đó là hai  Thánh Tông Đồ Phêrô, em của Thánh Anrê, và Thánh Tông Đồ Phaolô, cả hai là những cột trụ chính của toàn thể Giáo Hội, thật vĩ đại, hướng thẳng tắp về trời cao, và trong thành phố lịch sử này, cả hai đã tuyên xưng đức tin lần cuối thật hiên ngang vào Chúa Kitô, và, nơi đây, qua cái chết vì đạo, người thì bằng thập giá, kẻ thì bằng gươm đao, đã phó dâng linh hồn mình trong tay Chúa, và đã thánh hiến kinh thành này. 

Giờ đây, với một tình yêu sâu xa và rất thành kính, từ Giáo Hội Constantinople rất thánh, cùng với những người con có mặt trên toàn thế giới, chúng tôi xin chào Đức Thánh Cha, là người Anh em đáng mến, và xin hết lòng cầu chúc  cho “tất cả những người con yêu quý của Thiên Chúa đang sinh sống tại Rôma“ (Rm 1,7) được hưởng một sức khoẻ dồi dào, bình an, thịnh vượng, và đêm ngày tiến dần tới ơn cứu độ “lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa, hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân và chuyên cần cầu nguyện“ (Rm 12, 11-12).

Kính thưa Đức Thánh Cha, trong cả hai Giáo Hội, chúng ta đều tôn kính và sùng mộ cho phải đạo cả Thánh Phêrô, là người tuyên xưng Thần tính của Đức Kitô, một lời tuyên xưng mang lại ơn cứu độ, cũng như Thánh Phaolô, chiếc bình tuyệt hảo, là người đã công bố lời tuyên tín và đức tin này cho đến tận cùng bờ cõi trái đất, cho dù có biết bao là khó khăn và hiểm nguy mà ta không thể nào tưởng tượng được. Chúng ta đã tưởng nhớ các Ngài ngay từ năm cứu độ 258, vào ngày 29/6, tại Tây phương cũng như Đông phương, và dựa theo truyền thống của Giáo Hội cổ xưa, tại Đông phương, vào những ngày trước lễ, chúng tôi cũng đã ăn chay để chuẩn bị tâm hồn mừng lễ kính các Ngài. Để làm nổi bật   giá trị ngang hàng của các Ngài, cũng như ảnh hưởng của các Ngài trong Giáo Hội, cũng như trong hoạt động tái sinh và cứu rỗi của Giáo Hội qua suốt dòng lịch sử, Đông phương cũng thường tôn kính các Ngài qua cùng một bức ảnh chung, mô tả các Ngài đang cầm trong tay một chiếc thuyền nhỏ tượng trưng cho Giáo Hội, hoặc trình bày các Ngài đang ôm nhau và trao cho nhau cái hôn trong Đức Kitô.

Kính thưa Đức Thánh Cha, chính vì cái hôn này mà chúng tôi đến đây trao đổi với Ngài những điều liên hệ thật gần gũi với cả hai bên chúng ta, bằng cách làm nổi bật ước muốn nồng nàn và tình yêu trong Đức Kitô.

Cuộc đối thoại thần học giữa các Giáo Hội của chúng ta “về đức tin, chân lý và tình yêu“, nhờ ơn Chúa giúp, đã tiến tới, đã vượt qua bên kia những khó khăn quan trọng vẫn còn kéo dài và những vấn nạn mà chúng ta đã cảm nghiệm. Chúng ta thật sự ước mong và cầu nguyện nhiều cho công việc này; ước gì những khó khăn này sẽ được vượt qua và những vấn nạn trên sẽ biến mất, vào thời điểm nhanh nhất có thể, để đạt được đối tượng mong muốn sau cùng cho vinh danh Thiên Chúa.

Chúng tôi biết rõ rằng điều mong ước này cũng là điều Đức Thánh Cha mong ước, cũng như chúng tôi tin chắc rằng Đức Thánh Cha sẽ không bỏ qua điều gì, khi đích thân làm việc với những cộng sự viên lỗi lạc của người, để hoàn toàn san bằng con đường dẫn tới một kết quả tích cực cho công cuộc Đối thoại, nếu Chúa muốn.

Kính thưa Đức Thánh Cha, chúng tôi đã công bố năm 2008 là “Năm của Tông Đồ Phaolô“, cũng như chính Ngài đã tuyên bố năm kỷ niệm hai ngàn năm sinh nhật của vị Đại Tông Đồ này bắt đầu từ ngày hôm nay và kết thúc vào năm tới.  Ngoài những cuộc tổ chức có liên quan đến ngày sinh nhật này, chúng tôi cũng tôn kính địa điểm đích xác nơi Người tử đạo, và ngoài ra, chúng tôi cũng lên kế hoạch tổ chức hành hương đến một vài địa điểm có liên quan đến hoạt động loan báo Tin Mừng của Vị Tông Đồ tại Đông phương, chẳng hạn như Éphèse, Perges; và những thành phố khác tại Tiểu Á, cũng như tại Rhodes và Crète, trong vùng được gọi là “Cảng an bình“.  Kính thưa Đức Thánh Cha, xin Ngài hãy tin chắc rằng trên con đường thánh thiện nầy, Ngài cũng có mặt trên đó, cùng tiến bước với chúng tôi trong tinh thần, và xin Ngài cũng hãy tin chắc rằng ở mọi nơi, chúng tôi đều tha thiết cầu xin Chúa cho Ngài và cho tất cả những người anh em của chúng tôi trong Giáo Hội Công giáo Rôma đáng kính, nhờ lời bầu cử mạnh mẽ của Thánh Phaolô cho Ngài trước mặt Chúa.

Và giờ đây, khi kính nhớ những đau khổ và Thánh giá của Thánh Phêrô, khi ôm hôn nhũng sợi dây xích và năm dấu đinh của Thánh Phaolô, và khi kính nhớ lời tuyên xưng đức tin, sự tuẩn tiết vì đạo và cái chết đáng kính của cả hai Thánh Tông đồ vì Danh Chúa, là Đấng đã thực sự dẫn đưa chúng ta đến sự Sống, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa ba lần thánh, và chúng ta nài xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của hai vị Tông Đồ thủ lãnh xuất chúng, ban cho chúng ta, cũng như cho tất cả con cái Chúa ở khắp nơi trên toàn thế giới, thuộc Giáo Hội Chính thống và Công giáo Rôma, ngay ở trần gian này, được “ơn hợp nhất trong đức tin và hiệp thông trong Chúa Thánh Thần“ trong “mối dây bình an“, và mai sau, được hưởng sự sống vĩnh cửu và ơn thương xót vô biên trên Thiên đàng.  Amen

 

Bài giảng của Đức Thánh Cha

 

Kính thưa Đức Giáo Chủ và các đại biểu anh em,

Kính thưa các Đức Hồng y,

Chư huynh đáng kính trong Giám mục đoàn và Linh mục đoàn,

Anh chị em thân mến!

Ngay từ những thời gian rất xa xưa, Giáo Hội Rôma đã cử hành long trọng lễ kính hai Đại Tông Đồ Phêrô và Phaolô vào trong cùng một ngày lễ duy nhất , ngày 29/6. Qua cái chết vì đạo, các ngài đã trở nên anh em với nhau; cùng nhau  sáng lập tân kinh thành Rôma Kitô giáo. Thánh thi giờ Kinh Chiều II, có từ thời Paulin d’Aquilée (+806)! đã ca ngợi các Ngài như thế: “O Roma felix –  Rôma hỡi, ngươi quả là diễm phúc, nhuốm máu hồng hai chiến sĩ hùng oai, nhờ anh linh, nhờ công đức các ngài, ngươi trổi vượt mọi kỳ quan thế giới“. Dòng máu của các Vị Tử đạo không đòi phải được báo oán, mà lại mong muốn hoà giải.  Dòng máu ấy không được mô tả như một lời buộc tội, mà như là một “luồng ánh sáng soi đời“, dựa theo lời ca trong bài thánh thi giờ Kinh Chiều II: Dòng máu ấy được mô tả như một sức mạnh của tình yêu vượt thắng hận thù và bạo lực, và nhờ đó, xây dựng một kinh thành mới, một cộng đoàn mới. Qua cái chết vì đạo của các Ngài, Phêrô và Phaolô giờ đây đã thuộc về kinh thành Rôma; qua cái chết vì đạo của mình, Phêrô cũng đã vĩnh viễn trở thành một công dân của kinh thành Rôma. Qua cái chết vì đạo giáo, qua đức tin và tình yêu, hai Thánh Tông đồ đã chỉ cho ta thấy niềm hy vọng thực sự nằm ở nơi đâu, qua cái chết vì đạo giáo, qua đức tin và tình yêu, các Ngài đã trở nên những nhà sáng lập một loại hình kinh thành mới, một kinh thành phải luôn được cấu tạo giữa lòng kinh thành cũ của con người, một kinh thành vẫn luôn bị những sức mạnh đối nghịch của tội lỗi và ích kỷ của con người đe doạ.

Nhờ cái chết vì đạo của mình mà Phêrô và Phaolô từ nay luôn sống liên kết với nhau. Một trong những bức hình được nền hội hoạ Kitô giáo ưa thích hơn cả, đó là cái hôn của hai vị Tông Đồ trên đường đi chịu chết. Chúng ta có thể nói rằng  chính cái chết vì đạo của các Ngài, trong ý nghĩa sâu xa nhất, là sự thể hiện của một cái hôn huynh đệ. Các Ngài chết cho cho một mình Chúa Kitô, và khi làm chứng cho Chúa Kitô, các Ngài đã thí mạng sống mình cho Người, thì các Ngài cũng chỉ là một. Dựa theo các Sách Tân Ước, chúng ta có thể theo dõi được sự phát triển của cái hôn huynh đệ mà hai Ngài đã trao cho nhau, có theo dõi được cách thức tạo nên sự hợp nhất trong lời chứng và trong công cuộc truyền giáo. Tất cả được bắt đầu khi Phaolô lên Giêrusalem, ba năm sau cuộc trở lại của người “để làm quen với Phêrô“ (Gl 1, 18). Mười bốn năm sau đó, Phaolô lại lên Giêrusalem để trình bày cho “các nhân vật có thế giá nhất“ Tin Mừng mà người rao giảng, để không phải liều lĩnh “ngược xuôi,và cho đến bây giờ đã không ngược xuôi vô ích” (Gl 2, 1tt). Sau cuộc gặp gỡ này, Giacôbê, Kêphas và Gioan đã bắt tay mặt của Phaolô, qua cử chỉ này xác nhận mối hiệp thông liên kết họ lại trong cùng một Tin Mừng duy nhất của Đức Giêsu Kitô (Gl 2, 9). Một dấu chỉ tốt đẹp của nụ hôn nội tâm này đã bắt đầu trải rộng, phát triển, cho dầu tính khí và nhiệm vụ có khác biệt nhau, đó là sự kiện hai ông Silvain và Marcô là những cộng sự viên được Thánh Phêrô nhắc đến trong cuối Thư thứ nhất của mình cũng là những cộng sự viên rất gần gũi của Thánh Phaolô. Sự hiệp thông trong Giáo Hội duy nhất, nụ hôn của những vị đại Tông đồ, đã được diễn tả một cách cụ thể và hữu hình qua cộng đoàn của những cộng sự viên.

Thánh Phêrô và Phaolô đã gặp nhau ít nhất là hai lần tại Giêrusalem; và cuối cùng, hai chặng đường các ngài đi đã hướng về Rôma. Tại sao thế? Có phải đó chỉ là một sự tình cờ không hơn không kém? Một sứ điệp trường tồn có được chứa đựng trong đó không? Phaolô đã đến Rôma như một tù nhân, nhưng đồng thời, cũng như một công dân, sau khi bị bắt tại Giêrusalem, với tư cách là một công dân Rôma, người đã nại đến hoàng đế, khi người bị xử tại toà người ta  điệu người đến. Nhưng theo một ý nghĩa còn sâu xa hơn, Phaolô đã tự nguyện đi đến Rôma. Dựa vào lá Thư quan trọng nhất trong những lá Thư người viết, ta biết được là người đã tiến dần đến kinh thành này một cách thiêng liêng: Phaolô đã gởi cho Giáo Hội Rôma một lá Thư, lá Thư quan trọng nhất đã tổng hợp được toàn bộ lời người loan báo cũng như đức tin của người. Trong lời chào đầu  Thư, Phaolô nói rằng trong khắp hoàn cầu, ai ai cũng đều nói về lòng tin của những Kitô hữu Rôma, và như thế, Giáo Hội Rôma được khắp nơi biết đến như tấm gương soi (Rm 1, 8). Người viết tiếp: “Thưa anh em, tôi không muốn để cho anh em chẳng hay là đã nhiều lần tôi có ý định đến thăm anh em“ (1, 13). Vào phần cuối lá Thư, người lập lại ý định trên khi đề cập đến dự định đi Tây Ban Nha của mình: “Vì chưng, khi nào tôi sang Tây Ban Nha, tôi hy vọng trên đường đi sẽ ghé thăm anh em, và được anh em tiễn đưa qua đó, sau khi được thoả mãn phần nào vì đã gặp anh em“ (15, 24).  “Và tôi biết rõ rằng khi tôi đến với anh em, tôi sẽ được đầy tràn phúc lành của Đức Kitô“ (15, 29). Ở đây, ta thấy nổi bật hai điều sau đây: đối với Phaolô, kinh thành Rôma là một chặng trên đường đi đến Tây Ban Nha, mà dựa theo quan niệm của Phaolô về thế giới, thì đó là điểm tận cùng của trái đất. Người xem sứ mạng của mình là thi hành công việc Chúa Kitô giao phó, đó là mang Tin Mừng đến tận cùng bờ cõi trái đất. Trên chặng đường này, ta thấy có kinh thành Rôma. Trong khi mà bình thường ra thì Thánh Phaolô chỉ đi đến những nơi nào mà Tin Mừng chưa được loan báo, thì Rôma ở đây lại là một ngoại lệ. Tại đây đã có một Giáo Hội, và đức tin của Giáo Hội ấy đang được cả thế giới biết đến. Đi đến kinh thành Rôma nói lên một phần tính phổ quát trong công cuộc rao giảng Tin Mừng của Thánh Phaolô được xem là sứ giả được phái đến mọi dân tộc. Con đường đi đến Rôma, con đường mà trước khi Phaolô khởi hành đi đến, thì Phaolô đã hành trình đến đó một cách thiêng liêng nhờ lá Thư của người, con đường ấy cấu tạo nên toàn bộ nhiệm vụ mang Tin Mừng đến với các dân tộc, cấu tạo nên nhiệm vụ xây dựng Giáo Hội Công giáo, phổ quát. Đối với Phaolô, đi đến Rôma là cách biểu lộ công giáo tính trong sứ mệnh truyền giáo của mình. Rôma phải làm cho toàn thể thế giới thấy được đức tin, Rôma phải là nơi gặp gỡ trong một đức tin duy nhất.

Nhưng tại sao Phêrô lại đi đến Rôma? Về điểm này, ta không thấy Tân Ước đề cập đến một cách trực tiếp. Tuy nhiên, Tân Ước cũng cho ta một đôi chỉ dẫn.  Phúc Âm theo Thánh Marcô, mà ta có thể xem là một phản ảnh lời rao giảng của Thánh Phêrô, thì đều quy hướng về giây phút mà viên đại đội trưởng Rôma, khi chứng kiến cái chết trên Thập giá của Đức Giêsu Kitô, đã nói rằng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa“ (15, 39). Mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô đã được biểu lộ trên Thánh giá. Giáo Hội của chư dân được sinh ra dưới chân Thánh giá: viên đại đội trưởng phân đội hành hình Rôma đã nhận ra Đức Kitô là Con Thiên Chúa. Sách Công vụ Tông đồ mô tả giai thoại về ông Cornêliô, viên đại đội trưởng của đội quân Italia, như là một giai đoạn có tính quyết định trong việc rao giảng Tin Mừng cho thế giới lương dân. Theo lệnh Chúa truyền, ông Cornêliô phái người đi mời Phêrô, và Phêrô, cũng vâng theo lệnh Chúa truyền, đã đi đến nhà của viên đại đội trưởng và rao giảng lời Chúa. Khi Phêrô đang nói, thì Thánh Thần hiện xuống trên cộng đoàn người nhà đang tụ họp, và Phêrô nói: “Làm sao  ta lại có thể từ chối không rửa tội cho những người đã lãnh nhận Thánh Thần như chúng ta?“ (Cv 10, 47). Như thế, trong Hội nghị các Tông đồ, Phêrô trở nên người biện hộ cho Giáo Hội lương dân là những người không cần Lề luật, bởi vì “Thiên Chúa đã thanh tẩy lòng họ bằng đức tin “ (Cv 15, 9). Thật thế, trong Thư gởi tín hữu Galát, Thánh Phaolô nói rằng Thiên Chúa đã ban cho Thánh Phêrô sức mạnh để thi hành thừa tác vụ Tông đồ phục vụ những người chịu cắt bì, còn trái lại, đối với Thánh Phaolô, thì Thiên Chúa ban cho sức mạnh để thi hành thừa tác vụ giữa lương dân (2, 8). Nhưng sự phân chia công việc này chỉ có giá trị bao lâu Phêrô còn ở lại với Nhóm Mười hai tại Giêrusalem, với hy vọng là toàn dân Israel tháp nhập vào Đức Kitô. Đứng trước sự phát triển sau này, Nhóm Mười hai nhận ra rằng đã đến lúc họ cũng phải ra đi đến với toàn thế giới để loan báo Tin Mừng. Phêrô, theo lệnh truyền của Chúa, là người đầu tiên đã mở cánh cửa bước vào thế giới lương dân, và từ nay, giao lại cho ông Giacôbê hậu nhiệm vụ lãnh đạo Giáo Hội Kitô gốc Do Thái, để toàn tâm toàn ý lo cho sứ mạng đích thật của mình: thừa tác phục vụ sự hợp nhất trong Giáo Hội duy nhất của Thiên Chúa bao gồm người Do Thái và Hy Lạp. Như chúng ta đã biết, việc Thánh Phaolô muốn đi đến Rôma làm nổi bật một trong những đặc tính của Giáo Hội, đó là từ ngữ “catholica “ – Công giáo-.  Còn con đường của Thánh Phêrô đi đến Rôma, thành phố được xem là đại diện cho các dân tộc trên trần gian, thì lại đặc biệt nói đến từ ngữ “ una” – duy nhất -: nhiệm vụ của Thánh Phêrô là tạo nên sự hợp nhất của catholica – công giáo -, của Giáo Hội bao gồm người Do Thái và lương dân, của Giáo Hội bao gồm mọi dân tộc. Và đấy là nhiệm vụ thường xuyên của Phêrô: làm thế nào để cho Giáo Hội không bao giờ bị đồng hoá với một quốc gia duy nhất, với một nền văn hoá duy nhất hay với một Nhà Nước duy nhất. Làm thế nào để Giáo Hội luôn là Giáo Hội của mọi người. Làm thế nào để Giáo Hội quy tụ được nhân loại mà không phân biệt một biên giới nào, và làm thế nào để Giáo Hội, giữa những chia rẽ của trần gian này, có thể làm cho hoà bình của Chúa, sức mạnh hoà giải của tình yêu Người được hiện diện. Nhờ cùng một nền kỹ thuật ở khắp mọi nơi, nhờ hệ thống thông tin toàn cầu, cũng như nhờ sự hợp nhất công ích, ngày nay trên thế giới có những hình thức hợp nhất mới, tuy nhiên lại cũng phát sinh những đối nghịch mới, và tạo nên một xung lực mới cho những đối nghịch cũ. Đứng trước sự hợp nhất ngoại tại này, được xây dựng trên những sự vật vật chất, chúng ta lại cần đến sự hợp nhất nội tâm, đến từ sự bình an của Thiên Chúa – sự hợp nhất của tất cả những ai, qua Đức Giêsu Kitô, đã trở nên anh chị em với nhau.  Đó là sứ mạng thường xuyên của Thánh Phêrô, và cũng là nhiệm vụ đặc biệt được giao phó cho Giáo Hội Rôma.

Chư huynh trong Giám mục đoàn thân mến! Giờ đây tôi muổn ngỏ lời một cách đặc biệt với anh em là những người đã đến Rôma để nhận dây Pallium, như là biểu tượng chức vụ và trách nhiệm làm Tổng Giám mục của anh em ở trong Giáo Hội của Đức Giêsu Kitô. Dây Pallium được dệt từ len cừu, mà cứ mỗi năm, vào ngày lễ kính Toà Thánh Phêrô, Giám mục Rôma lại làm phép để dành dây Pallium, nếu ta có thể nói được thế, như một dấu hiệu của đoàn chiên Chúa Kitô mà anh em được giao phó để lãnh đạo. Khi chúng ta mang dây Pallium trên  vai, thì cử chỉ ấy nhắc chúng ta nhớ lại vị mục tử vác trên đôi vai mình con chiên lạc, mà tự sức riêng, nó không thể nào tìm ra được đường về nhà, và dẫn  chiên lạc về ràn chiên. Các Giáo phụ đã nhìn thấy trong con chiên này hình ảnh của toàn thể nhân loại, của toàn thể bản tính con người, đã lầm đường lạc lối, và đã không còn tìm được con đường về nhà nữa. Người Mục tử dẫn chiên lạc về nhà chỉ có thể là Logos, là Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa. Qua Mầu nhiệm Nhập thể, Người đã mang tất cả chúng ta là con chiên “nhân trần“ trên đôi vai của Người. Người là Lời vĩnh cửu, là vị mục tử đích thật của nhân loại, đã mang lấy chúng ta; trong nhân tính của Đức Kitô, Người mang lấy mỗi người trong chúng ta trên đôi vai của Người. Trên con đường Khổ giá, Người đã mang tất cả chúng ta về nhà, Người đang mang chúng ta về nhà. Nhưng Đức Kitô cũng muốn có những con người biết cùng “mang“ với Người. Là mục tử trong Giáo Hội của Đức Kitô có nghĩa là tham dự vào bổn phận này, bổn phận mà dây Pallium nhắc nhở ta nhớ đến. Khi chúng ta đeo dây Pallium, Chúa hỏi chúng ta: “Con có mang với Ta tất cả những ai thuộc về Ta không? Con có mang họ đến với Ta, đến với Chúa Giêsu Kitô không?“ Và lúc đó, câu chuyện Chúa Phục Sinh sai Phêrô đi lại hiện ra trong tâm trí ta. Đức Kitô Phục Sinh liên kết một cách chặt chẽ lệnh truyền: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy“ với câu hỏi: “Con có yêu mến Thầy không, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?“  Cứ mỗi lần chúng ta mang lấy dây Pallium của mục tử chăn dắt đoàn chiên Chúa Kitô, thì chúng ta sẽ nghe Chúa hỏi chúng ta: “Con có yêu mến Thầy không?“, và chúng ta sẽ phải để cho Người cật vấn chúng ta về tình yêu dư tràn Người mong đợi nơi người mục tử.

Như thế, dây Pallium trở nên biểu tượng tình yêu chúng ta dành cho Đức Kitô Mục tử, và hành động chúng ta cùng yêu thương với Người. Dây Pallium trở nên biểu tượng kêu gọi chúng ta yêu mến mọi người như Đức Kitô, và cùng với Đức Kitô: yêu mến những ai đang đi tìm, những ai đang đặt ra cho mình những câu hỏi, những ai tin chắc về mình, và những ai sống khiêm nhường, những ai có cuộc sống đơn sơ và những ai quyền cao chức trọng. Dây Pallium trở nên biểu tượng kêu gọi chúng ta yêu mến họ với sức mạnh của Đức Kitô, để họ có thể tìm gặp được Người, và có thể tìm gặp được chính mình trong Đức Kitô. Nhưng dây Pallium mà anh em nhận “từ“ mồ của Thánh Phêrô, cũng còn có một ý nghĩa thứ hai, được liên kết một cách khắng khít với ý nghĩa thứ nhất. Để hiểu được ý nghĩa này, chúng ta có thể dựa vào một câu nói trong Thư thứ nhất của Thánh Phêrô. Người khuyên nhủ các kỳ mục phải chăn dắt đoàn chiên một cách chính đáng, Thánh Phêrô tự gán cho mình là sympresbýteros – cùng thuộc hàng kỳ mục (5, 1). Công thức này mặc nhiên chứa đựng  một lời khẳng định về nguyên tắc kế vị Tông đồ: các vị mục tử kế vị là những mục tử như Thánh Phêrô, và cùng với Thánh Phêrô, họ thuộc về cùng một thừa tác vụ của các mục tử trong Giáo Hội của Đức Giêsu Kitô, một thừa tác vụ cùng nối tiếp nhau. Nhưng từ ngữ “cùng với“ này còn có hai ý nghĩa khác. Nó cũng diễn tả thực thể mà ngày nay chúng ta nói đến dưới hạn từ “Giám mục đoàn“ của các Giám mục. Tất cả chúng ta là hàng kỳ mục.  Không một vị chủ chăn nào  đứng một mình cả.  Chúng ta chỉ kế vị các Tông đồ khi chúng ta sống hiệp thông với Giám mục đoàn, mà qua đó, tông đồ đoàn được tiếp nối. Sự hiệp thông, cái “chúng tôi“ của các chủ chăn là thành phần cấu tạo nên hữu thể các mục tử, bởi vì đoàn chiên chỉ là một, chỉ là Giáo Hội duy nhất của Đức Giêsu Kitô. Và cuối cùng, cái “cùng nhau” này cũng nói đến sự hiệp thông với Thánh Phêrô và người Kế vị của Thánh Phêrô như là  bảo chứng cho sự hợp nhất.  Như thế, dây Pallium nói với chúng ta về công giáo tính của Giáo Hội, về sự hiệp thông phổ quát giữa chủ chăn và đoàn chiên. Và dây Pallium cũng đưa chúng ta về tính tông truyền: về sự hiệp thông với đức tin của các Tông Đồ, mà trên đó, Giáo Hội được xây dựng. Dây Pallium nói với chúng ta về ecclesia una, catholica, apostolica – Giáo Hội duy nhất, công giáo, tông truyền – và dĩ nhiên, khi liên kết chúng ta với Đức Kitô, dây Pallium cũng nói với chúng ta Giáo Hội là sancta – thánh thiện – và công việc của chúng ta là phục vụ cho sự thánh thiện của Giáo Hội.

Nói đến đây, tôi còn muốn quay lại đề tài Thánh Phaolô và công cuộc truyền giáo của người. Người đã diễn tả yếu tính công cuộc truyền giáo của mình, cũng như lý do sâu xa nhất thúc đẩy người đến Rôma, qua một câu nói thật tuyệt vời trong chương 15 của Thư gởi tín hữu Rôma. Người biết rằng mình được kêu gọi “để làm người phục vụ Đức Giêsu Kitô giữa các dân ngoại, lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để các dân ngoại được Thánh Thần thánh hoá mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa“ (15, 16).  Chỉ trong câu này, ta mới thấy Thánh Phaolô sử dụng từ ngữ “hierourgein“ – quản trị với tư cách là thừa tác viên – với từ ngữ “leitourgós“ – người lo việc tế tự: Thánh Phaolô nói đến phụng vụ hoàn vũ, mà qua đó, thế giới con người phải trở nên một nghi lễ thờ phượng Thiên Chúa, phải trở nên của lễ trong Thánh Thần. Khi toàn thể thế giới  trở nên phụng vụ thần linh, khi toàn thể thế giới trở nên nghi lễ thờ phượng Thiên Chúa, thì lúc đó nó sẽ đạt được mục đích, và lúc đó thế giới sẽ được bình an vô sự. Đấy là mục đích tối hậu của sứ mạng tông đồ của Thánh Phaolô, và cũng là sứ mạng của chúng ta. Chúa kêu gọi chúng ta đảm nhận thừa tác vụ này. Và bây giờ, chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta hoàn thành được sứ mạng này một cách chính đáng, giúp chúng ta trở nên những người cử hành lễ tế thực sự của Đức Giêsu Kitô.  Amen.