23/11/2024

Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi – A: Cộng tác với nhau như Ba Ngôi Thiên Chúa

Ngày lễ Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta tìm hiểu về mầu nhiệm sống động của Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời mỗi người tín hữu và trong cộng đồng Giáo Hội để chúng ta cộng tác với nhau xây dựng hạnh phúc cho mình cũng như cho cộng đồng

 Cộng tác với nhau như Ba Ngôi Thiên Chúa

Hành Khất Kitô

 

Lời mở

Ngày lễ Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta tìm hiểu về mầu nhiệm sống động của Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời mỗi người tín hữu và trong cộng đồng Giáo Hội để chúng ta cộng tác với nhau xây dựng hạnh phúc cho mình cũng như cho cộng đồng. Quả thật, Thiên Chúa Ba Ngôi dựng nên tất cả chúng ta, đã chia sẻ sự thật, sự sống, tình yêu, công l‎ý và hoà bình cho ta để mời gọi ta cùng tham gia vào kế hoạch yêu thương của Chúa cũng là kế hoạch cứu độ loài người (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, 2007, tr. 43-69).

Mầu nhiệm này mời gọi chúng ta suy nghĩ về hành động của chúng ta xem chúng ta có biết cộng tác với nhau và biết phân công cho nhau như Ba Ngôi Thiên Chúa đang thể hiện kế hoạch của mình hay chưa.

1. Người Việt cần học cách cộng tác với nhau

Trước khi suy nghĩ về cách thể hiện của Ba Ngôi, có lẽ chúng ta nên nhìn vào con người Việt Nam một chút để thấy rằng sự cộng tác giữa những người Việt Nam với nhau còn nhiều thiếu sót. Tình trạng này bắt nguồn từ những nguyên nhân bên ngoài như hoàn cảnh, môi trường giáo dục, cá tính từng người, và cả những nguyên nhân bên trong, nhất là do cấu trúc tâm l‎ý xã hội của cộng đồng người Việt.

Thật vậy, người VN đã trải qua 11 thế kỷ bị người Trung Hoa đô hộ. Chính quyền xâm lược luôn áp dụng chính sách “chia để trị” vì người dân càng chia rẽ bao nhiêu càng không thể đoàn kết để lật đổ ách thống trị bấy nhiêu. Chính quyền luôn gây nghi ngờ giữa người này với người khác, giữa tổ chức này với tổ chức khác, giữa cộng đồng này với cộng đồng kia. Người Việt Nam bên ngoài tỏ ra thân thiện, tin tưởng người khác nhưng bên trong luôn nghi kỵ, ngại ngùng vì sợ người khác tố cáo họ với chính quyền đô hộ.

Những hành động nghi ngờ, sợ hãi, khép kín, không cộng tác với người khác được lặp đi lặp lại hằng ngày đã trở thành thói quen của từng cá nhân, từng cộng đồng rồi sau vài thế hệ trở thành bản sắc của người VN. Sự chia rẽ bây giờ ăn sâu vào cấu trúc tinh thần của dân tộc ta.

Hơn nữa, qua bao nhiêu thế kỷ người Việt sống tụ họp nhau trong luỹ tre làng, không đi ra ngoài nên tầm nhìn bị hạn hẹp trong cộng đồng nhỏ. “Phép vua còn thua lệ làng” nên tinh thần “thượng tôn luật pháp” không có. Vì thế, người Việt ít nhắm đến ích chung mà thường nhằm đến ích lợi của địa phương, của cộng đồng, thậm chí chỉ nhắm đến lợi ích của gia đình, gia tộc của mình do đời sống quá khổ sở, nghèo đói.

Sau 11 thế kỷ bị đô hộ, dân tộc được độc lập, tự do từ năm 938-1945. Trải qua 10 triều vua với 4 triều lớn là Lý – Trần – Lê – Nguyễn, người ta luôn được kêu gọi bảo vệ quyền lợi cho dòng tộc của mình hơn là quyền lợi đất nước; thậm chí người con gái cũng được dạy rằng: “Lấy chồng thì phải theo chồng, lấy chồng phải gánh giang san nhà chồng”. Chính trong tinh thần hẹp hòi đó, người Việt khó cộng tác với nhau vì ích lợi chung, vì quyền lợi tối cao của đất nước hay của gia đình nhân loại, trừ những hoàn cảnh hết sức khó khăn nguy hiểm như khi bị ngoại xâm đe doạ.

Chúng ta rất lo âu khi nhìn vào nền kinh tế và hiện tình đất nước, vì không biết cộng tác với nhau và chỉ ham cái lợi trước mắt nên dần dần hàng Trung Quốc và hàng nước ngoài càng ngày càng chiếm lĩnh thị trường còn hàng sản xuất nội địa thì bán không được. Sau vài năm đạt được uy tín và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bây giờ nhiều nước đã bỏ VN, không muốn đầu tư nữa vì chúng ta làm ăn không đàng hoàng và nạn tham nhũng tràn lan khắp nơi.

Vì thế, người Việt nên nhìn lại cấu trúc tâm lý xã hội để vượt thoát ra ngoài thói ích kỷ, cầu lợi, cầu an, giả dối, thiếu trung thực, bất hợp tác và nhìn vào gương của Ba Ngôi Thiên Chúa để sống trung thực, yêu thương và cộng tác với nhau. Có như thế, dân tộc chúng ta mới có thể trường tồn, đất nước của chúng ta mới có thể phát triển một cách vững bền và tốt đẹp được.

2. Sự cộng tác của Ba Ngôi Thiên Chúa

Hôm nay, Ba Ngôi Thiên Chúa như mời gọi người Kitô hữu Việt Nam chúng ta nhìn lại và  sửa đổi cách thế hành động của mình để làm gương cho đồng bào. Vậy Ba Ngôi Thiên Chúa dạy chúng ta điều gì?

– Trước hết, dù Ba Ngôi khác biệt nhau về hành động nhưng chỉ có chung một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau. Chúng ta cần phải nhìn vào công ích của đất nước, của gia đình nhân loại để vượt lên trên những quyền lợi riêng tư của cá nhân, của gia đình, của cộng đồng nhỏ bé mà mình thuộc về, đồng thời tôn trọng mọi người vì tất cả đang tham gia vào kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa chứ không phải kế hoạch của riêng ta.

Hơn nữa, Ba Ngôi Thiên Chúa phân công cho nhau: Ngôi Cha sáng tạo, Ngôi Con cứu độ, Ngôi Thánh Thần thánh hoá. Dù phân chia hoạt động nhưng cả ba đều hành động chung cho mỗi một công trình. Thí dụ trong công trình sáng tạo muôn loài, Chúa Cha tạo dựng nên mọi sự khi phán bảo bằng Lời của Ngài và Thánh Thần bay là là trên mặt nước (x. St 1-3).

Người Việt Nam vì không biết phân công rõ rệt nên chúng ta thường hành động theo người khác hoặc dẫm chân lên nhau. Nếu chúng ta biết phân công cho từng đơn vị, từng cá nhân trong tổ chức biết phải làm gì và làm như thế nào thì công việc hợp tác mới rõ ràng và có kết quả.

– Ba Ngôi Thiên Chúa dạy chúng ta nguyên tắc mà lời chào đầu thánh lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta: “Ân sủng Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”.

Yếu tố đầu tiên là động lực hành động, động lực ở đây là: tình yêu của Chúa Cha. Vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16) nên tất cả mọi hoạt động của chúng ta đều bắt nguồn từ tình yêu và thể hiện tình yêu. Tình yêu ấy không nhỏ bé, hẹp hòi do con tim của con người, nhưng chia sẻ cách quảng đại, cho không biếu không như tình yêu Thiên Chúa. Vì thế, khi hành động, chúng ta cần được thúc đẩy bởi tình yêu quảng đại, sáng tạo, vô tư, không đòi hỏi điều kiện nào của Thiên Chúa. Ước gì chúng ta có thể nói: “ Tôi xin nhận công tác này, làm việc này không phải vì tư lợi mà vì ích chung để làm sáng danh Chúa và mưu ích cho càng nhiều người càng tốt”.

‎Yếu tố thứ hai là hành động giống như Chúa Giêsu để thể hiện tình yêu với Cha Trên Trời bằng đời sống phục vụ của mình, đó là ân sủng của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu chia sẻ tất cả mọi thứ cho chúng ta giống như Cha Trên Trời đã “yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài để những ai tin vào Con của Ngài thì được sống đời đời” (Ga 3,16). Thiên Chúa đã cho tất cả như vậy. Chúa Giêsu, trong tình yêu đáp lại, Người cũng cho như thế: cho cả cuộc sống, tình yêu, quyền năng và đón nhận cái chết nhục nhã trên thập giá. Khi cộng tác với nhau, chúng ta hãy hành động như Đức Giêsu: chọn phần khó khăn, nặng nề, bẩn thỉu nhất hay chọn phần mà ai cũng muốn đẩy đi cho người khác vì tin tưởng rằng Chúa Giêsu sẽ giúp ta hoàn thành chúng và vì “tất cả đều là ân sủng” .

Yếu tố thứ ba là ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần. Khi cộng tác, chúng ta nhớ rằng chính Chúa Thánh Thần là nguyên lý nối kết mọi người chúng ta lại với nhau và nối kết chúng ta lại với Thiên Chúa để thánh hoá mọi công việc chúng ta làm. Ngoài việc cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để xin Ngài soi sáng, hướng dẫn và ban ơn hoạt động thì chúng ta còn phải biết thông cảm và chia sẻ quảng đại cho nhau những kiến thức, kinh nghiệm, của cải vật chất hay tinh thần, sự cộng tác mới chân thành và tốt đẹp. Người Việt Nam thường giấu nghề, giấu việc nên rất khó cộng tác với nhau. Rất nhiều công ty, có lẽ vì không tin vào Thiên Chúa nên người ta chỉ lập ra biểu đồ để kiểm soát công việc của nhân viên mà quên đi sức mạnh liên kết do Thánh Thần tình yêu thể hiện.

Cộng đồng người Công giáo Hàn Quốc là một thí dụ điển hình: Người Công giáo Hàn Quốc, vào năm 1949, chỉ chiếm 1% dân số đất nước, bây giờ là hơn 10% và đến năm 2020 họ quyết tâm đạt 20%. Vì sao có sự phát triển nhanh như vậy? Đó là nhờ những người Công giáo Hàn Quốc biết cộng tác và nâng đỡ nhau vì tình yêu Thiên Chúa. Doanh nhân Công giáo Hàn Quốc mở những siêu thị ở thành phố để nâng đỡ những nông dân và tiêu thụ nông sản với giá cao thay vì để các thương lái chèn ép người nông dân qua rất nhiều trung gian nên giá nông sản họ bán ra rất thấp. Những người chủ siêu thị Công giáo hợp thành công ty mua trực tiếp nông sản của nông dân, thay vì qua nhiều trung gian.  Nhiều nông dân không Công giáo cũng muốn bán hàng cho người Công giáo vì người nông dân Công giáo Hàn quốc được nhắc bảo chỉ trồng và bán hàng có chất lượng tốt,  sạch, đẹp và an toàn. Ai cũng tin tưởng vào nông sản của người Công giáo. Kết quả là nhiều người muốn trở thành người Công giáo để liên kết với nhau xây dựng đất nước và cộng đồng nhân loại.

Kết luận

Thí dụ trên đây cho chúng ta thấy với tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta có thể liên đới, cộng tác với nhau, cùng nhau diễn tả niềm tin và tình bác ái thành những hành động cụ thể trong đời sống để làm sáng danh Chúa cũng như mưu ích cho con người./.