23/01/2025

Nhà đài không thể vô can!

Nếu các nhà đài tuân thủ đúng quy định nhà nước, nghiêm khắc đòi hỏi Happy Shopping phải trưng ra các giấy tờ đúng theo quy định thì các sản phẩm vớ vẩn không thể xuất hiện trên tivi và người dân đã không bị lừa.

 

Nhà đài không thể vô can!

“Theo lời quảng cáo của Công ty Happy Shopping phát trên SCTV, áo ngực Wonderful ai ngực nhỏ mặc vào sẽ to, ai ngực to mặc vô sẽ gọn nhỏ. Nghĩ rằng đài truyền hình nhà nước chắc không có chuyện tiếp tay với gian thương để lừa đảo người dân nên tôi có mua một áo ngực Wonderful với hi vọng được như lời quảng cáo.

Ai ngờ áo mặc rất nóng nực, khó chịu, kết quả lại xấu đi. Tôi đem lại hỏi công ty thì được trả lời do cơ địa tôi không phù hợp! Tôi hỏi sao quảng cáo trên tivi bảo là ai mặc cũng có tác dụng như mong muốn thì nhân viên đánh trống lảng không trả lời. Từ vụ này, chồng tôi cự tôi nhiều. Ông ấy cho rằng tôi đua đòi vô lý, đem tiền bạc đi cho bọn lừa đảo ăn. Đúng là mua sắm hạnh phúc đâu không thấy, chỉ thấy rước thêm bất hạnh vô nhà” – đó là tâm sự của bạn đọc Nguyễn Thị H. gửi đến Tuổi Trẻ hôm qua.

Không chỉ chị H., đã có cả trăm thư điện tử gửi đến Tuổi Trẻ kể chuyện mình là nạn nhân của những quảng cáo đường mật trên tivi như thế nào. Tất cả đều cho rằng vì thấy truyền hình quảng cáo nên tin tưởng, bỏ ra những khoản tiền không nhỏ để mua dao đa năng, chảo chống dính, kem tẩy trắng, giày cải thiện chiều cao… Nhưng kết quả là tiền mất tật mang: dao mới xài một bữa đã hỏng, kem xài hết cả hũ bự nhưng “mèo vẫn hoàn mèo”, rồi cây lau nhà bảo hành sáu tháng thì “sáng tháo”…

Phía công ty bán hàng thì đã rõ sai phạm khi quyết định xử phạt Happy Shopping đã được công bố. Vấn đề mà người tiêu dùng bị lừa đảo bức xúc là chuyện nhà đài – nơi tiếp tay cho Happy Shopping quảng bá hàng dỏm, hàng lậu và quảng cáo không đúng sự thật không lẽ lại vô can?

Không. Nhà đài không thể vô can. Một quan chức của Cục Phát thanh truyền hình & thông tin điện tử cho biết ngay sau khi Happy Shopping bị phạt, nơi đây đã có văn bản gửi đến tất cả nhà đài yêu cầu báo cáo ngay về cục vụ việc này.

Theo đó, các nhà đài không thể nói rằng mình không biết hay bị lừa. Đơn giản bởi đã có quy định rõ ràng: Sản phẩm quảng cáo trên truyền hình phải có tờ khai hải quan (nếu là hàng nhập khẩu), giấy chứng nhận chất lượng. Nếu các nhà đài tuân thủ đúng quy định nhà nước, nghiêm khắc đòi hỏi Happy Shopping phải trưng ra các giấy tờ đúng theo quy định thì các sản phẩm vớ vẩn không thể xuất hiện trên tivi và người dân đã không bị lừa.

Thậm chí, với một số mặt hàng có giấy phép lưu hành, giấy phép nhập khẩu thì nhà đài cũng “dính” tội quảng cáo không đúng sự thật (điều 26 khoản 5-b của quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản ban hành tháng 1-2011).

Vì vậy, vấn đề giờ đây người dân – người tiêu dùng bị hại đang chờ đợi là những mức phạt xứng đáng dành cho các nhà đài đã tiếp tay với Happy Shopping (và còn nhiều đơn vị khác nữa).

Điều đáng tiếc nhất trong câu chuyện này là vụ việc chẳng phải mới mẻ gì. Chúng tôi thử vào trang Google và gõ cụm từ “Vi phạm quy định quảng cáo trên truyền hình” thì có đến hơn 7,5 triệu kết quả. Trong đó đã có những bài viết nêu lên những bức xúc của người dân với quảng cáo trên truyền hình từ cách đây 6-7 năm về nội dung “tiếp tay” quảng bá những sản phẩm thiếu tin cậy, về thời lượng quảng cáo quá nhiều…

Liệu lần này với sự kiện Happy Shopping đã “hai năm rõ mười”, chuyện quảng cáo trên truyền hình có được chấn chỉnh rốt ráo?