25/12/2024

Kế hoạch phong chức giám mục của Trung Quốc không có sự chấp thuận của ĐGH cho thấy sự thiếu tôn trọng

TTCG (Bắc Kinh, Trung Quốc, 24-6-2011, CNA/EWTN News) – Hội Công giáo Yêu nước do nhà nước Trung Quốc kiểm soát đã gây nên làn sóng tranh cãi dữ dội hôm 23-6 qua việc thông báo ý định truyền chức giám mục lên đến 40 vị mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng.

 

Kế hoạch phong chức giám mục của Trung Quốc không có sự chấp thuận của ĐGH cho thấy sự thiếu tôn trọng


TTCG (Bắc Kinh, Trung Quốc, 24-6-2011, CNA/EWTN News) – Hội Công giáo Yêu nước do nhà nước Trung Quốc kiểm soát đã gây nên làn sóng tranh cãi dữ dội hôm 23-6 qua việc thông báo ý định truyền chức giám mục lên đến 40 vị mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng.

Ông Joseph Kung, một chuyên gia về Giáo Hội bị đàn áp ở Trung Quốc, nói với CNA rằng động thái này cho thấy chính phủ Trung Quốc không có “một sự chân thành và tôn trọng dù rất nhỏ” hầu tạo “một mối quan hệ đáng tin cậy về mặt ngoại giao hoặc tôn giáo với Toà Thánh”.

Tổ chức được nhà nước hậu thuẫn – Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc – tuyên bố sẽ bổ nhiệm các giám mục mới, vì có 40 trong số 97 giáo phận của nước này không có giám mục.

Linh mục Yu Yang, phát ngôn viên của Hội Công giáo Yêu nước, cho biết hôm 23-6 rằng các giám mục sẽ được chỉ định một cách “tích cực và thận trọng” dựa trên những gì mà vị linh mục này gọi là phù hợp với những điều kiện quốc gia và công việc mục vụ và truyền bá Phúc Âm.

Vụ việc xảy ra gần đây đã làm xấu thêm mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Vatican, mà xem ra được cải thiện phần nào hồi đầu tháng 6 khi các nhà lãnh đạo của Hội tạm dừng kế hoạch phong chức cho một giám mục. Nhà cầm quyền Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng phong chức cho ứng viên 50 tuổi là Cha Guoan làm giám mục Hán Khẩu vào ngày 9-6, dù không được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI chấp thuận và bị người Công giáo địa phương chống đối.

Dù việc huỷ bỏ làm các nhà lãnh đạo Giáo Hội tạm thời cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng thông tin hôm thứ năm 23-6 lại làm nóng trở lại những lời chỉ trích của người Công giáo đối với chính phủ về việc coi thường thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng.

“Chính phủ Trung Quốc và Hội Công giáo Yêu nước đơn giản là không có quyền tự gọi mình là Công giáo trong khi họ chủ tâm và cố ý phá vỡ một trong những giáo điều cơ bản nhất của Giáo hội Công giáo”, ông Kung nói.

Ông Kung – Chủ tịch Quỹ Hồng y Kung, một tổ chức tranh đấu cho những người Công giáo Trung Quốc bị bách hại – nhấn mạnh rằng Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI là vị “đại diện Chúa Kitô trên trần gian”. 

“Do đó, ngài là người duy nhất, theo giáo lý của Giáo hội Công giáo Rôma, có thẩm quyền bổ nhiệm các giám mục”, ông nói.

Bối cảnh những cuộc phong chức giám mục mới là nỗ lực đang tiếp diễn của chế độ cộng sản Trung Quốc nhằm kiểm soát tất cả mọi mặt trong đời sống của Trung Quốc, bao gồm cả Giáo hội Công giáo. Vào năm 1951, chính phủ Trung Quốc buộc người Công giáo tại đất nước này cắt đứt mối quan hệ với Vatican và thành lập và điều hành Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, vốn không thừa nhận thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng.

Ước tính có khoảng 6 triệu người Công giáo ở Trung Quốc, mặc dù còn có hàng triệu người (thuộc Giáo hội ‘hầm trú’) giữ đạo bên ngoài Hội Công giáo Yêu nước chính thức do nhà nước kiểm soát.

Sự tiến triển về mặt ngoại giao dường như đã được thực hiện trong những năm gần đây, với việc một số giám mục được sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng. Nhưng ngày 20-11-2010, các quan chức Trung Quốc tiến hành tấn phong Cha Giuse Quách Kim Tài (Guo Jincai) làm Giám mục Thừa Đức mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng. Vụ truyền chức của Giám mục Kim Tài đã bị Vatican khiển trách mạnh mẽ và bị xem là một trở ngại nghiêm trọng.

“Vatican phải cho chính phủ Trung Quốc biết rõ ràng, không chút nghi ngờ – và nếu cần thì tiếp tục lặp đi lặp lại điều này – rằng có những vấn đề nhất định… không thể nhượng bộ”, ông Kung nói. 

“Việc bổ nhiệm các giám mục với sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng là một trong những vấn đề này”, ông nói và thêm rằng việc chính phủ không nhận ra giáo điều này có thể sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

ĐGH Bênêđictô XVI đã điều đình một cách cẩn trọng các mối quan hệ với Trung Quốc trong triều đại giáo hoàng của ngài và đã quan tâm đến việc giữ đối thoại cởi mở với người Công giáo Trung Quốc. Tuy nhiên, không biết những tin tức vừa xảy ra muốn nói điều gì trong mối quan hệ tương lai của Vatican với đất nước này.