23/01/2025

Chuyện hai người con

Người con trai 43 tuổi, gương mặt cứ mềm ra ngây ngây, mếu máo như đứa trẻ: “Mẹ đừng chết! Mẹ chỉ có một, chết rồi không tìm được mẹ mới”

Chuyện hai người con

Hai người con trong hai câu chuyện dưới đây ở hai thái cực trái ngược nhau. Một người có ăn có học, giàu có, tranh giành đất với mẹ; một người trí não chậm phát triển, vô cùng hiếu thảo, đi lượm ve chai để phụng dưỡng mẹ già.

Giành đất với mẹ

Ngày xưa có một cậu bé ham chơi, ngỗ nghịch. Một lần bị mẹ mắng, cậu giận dỗi bỏ nhà đi. Người mẹ vò võ chờ mong, không thiết ăn uống, kiệt sức gục xuống, mắt vẫn ngóng về phía cửa. Người mẹ chết hoá thành một cây xanh trước nhà. Còn cậu bé mãi la cà. Đến khi đói rét, rồi bị bắt nạt, mới chợt nhớ đến mẹ, tìm đường quay về.

Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa nhưng bóng dáng mẹ hiền vắng bặt. Cậu bé chạy tìm gọi mẹ, khóc khản tiếng, đói lả người, ôm lấy cây xanh quỵ xuống. Kỳ lạ thay cây run rẩy, nở ra quả rơi vào lòng cậu bé. Môi cậu vừa chạm vào, một dòng sữa trắng trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ. Cậu ngước nhìn lên tán lá, lá một mặt xanh bóng như tấm lòng mẹ mãi bao dung che chở cho con. Mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ mong con. Cậu bé oà lên hối hận…

Câu chuyện cổ tích về cây vú sữa mà tôi nghe thời ấu thơ cứ hiện lên trong tâm trí khi dự phiên toà xét xử vụ tranh chấp quyền sử dụng đất ở TAND TP.HCM vào một ngày giữa tháng 4…

“Ngày xưa nó rất có hiếu với cha mẹ, rất thương em út nhưng giờ có lẽ giá đất đã làm xiêu đổ tình nghĩa ruột rà nên đến lúc cuối đời mẹ con còn phải đối mặt nhau chốn pháp đình”

Trước toà, người mẹ tên T.K.N., 66 tuổi, trình bày nguồn gốc 1,5 mẫu đất của vợ chồng bà được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chồng bà đứng tên. Chồng mất, bà giao cho con trai giữ. Năm 2010, bà yêu cầu con trai giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bà tách thửa chia cho con trai 0,5 mẫu và con gái 1 mẫu. Nhưng người con nhất quyết không đưa. Tức lý, bà đâm đơn kiện.

Giống như phiên sơ thẩm, người con trai không đến dự mà ủy quyền cho luật sư. Luật sư cho rằng thân chủ mình có hùn tiền vô 1,5 mẫu đất đó, còn cô em gái không bỏ ra đồng nào mà hưởng gấp đôi là không đúng nên yêu cầu toà xử theo hướng ngược lại.

Bà N. nói rằng số tiền con trai bỏ vô mua chỉ được 1 công đất. Khi con cưới vợ ra riêng, vợ chồng bà đã gom góp hết số vàng tích cóp để mở cửa hàng vật liệu xây dựng cho con. Còn con gái là giáo viên, hiện giờ đang phụng dưỡng mẹ, bà lại ốm đau liên miên cần tiền thuốc thang nên muốn chia con gái phần hơn.

Toà tuyên y án sơ thẩm. Tuy thắng kiện nhưng mặt bà N. buồn hiu. Bà ngồi xuống ghế đá. Tôi lân la bắt chuyện. Có lẽ nỗi đau quá lớn ở tuổi cao niên khiến bà trút tâm sự với một người dưng xa lạ như tôi.

Trước đây hai vợ chồng bà là thương lái trái cây. Làm quần quật, sắm nhà, tậu vườn tược để mai sau con cháu sống đủ đầy. Rồi chồng mất, con rể cũng đột ngột qua đời nên bà kêu con gái và cháu ngoại về sống chung. Cảm thấy sức khoẻ ngày càng yếu nên bà tính trước chuyện hậu sự. Sở dĩ bà chia như vậy vì con gái một nách hai con. Còn vợ chồng con trai chỉ có một đứa con, có thu nhập cao từ cửa hàng.

Bà còn nhớ khi sinh ra thằng con trai còn thiếu của đất trời cả chục ngày nhưng lớn lên con khoẻ mạnh, kinh doanh giỏi khiến bà rất đỗi tự hào. Ngày xưa nó rất có hiếu với cha mẹ, rất thương em út nhưng giờ có lẽ giá đất đã làm xiêu đổ tình nghĩa ruột rà nên đến lúc cuối đời mẹ con còn phải đối mặt nhau chốn pháp đình. Nói đến đây mắt bà ầng ậng nước.

Câu chuyện miên man kéo về thuở bà đang học đệ thất (lớp 6) thì cha mất nên việc học gãy ngang. Mẹ bà tảo tần mưu sinh nuôi hai con. Rồi chị em bà lần lượt lập gia đình ra riêng. Mẹ đi bước nữa. Lúc đó bà 26 tuổi, cái tuổi chưa thấu đáo lẽ đời nên không chấp nhận một người đàn ông xa lạ thay thế vị trí cha mình. Bà ít đến thăm mẹ, trừ khi giỗ quải.

Hôm mẹ bệnh nặng, bà đang ở tận tỉnh xa cho một chuyến làm ăn. Nghe tin dữ, bà đón xe hộc tốc về. Vừa đến sân đã nghe tiếng búa đóng cây đinh cuối cùng vào quan tài vang lên chan chát buốt cả tim khiến bà té xỉu. Em gái kể lại phút lâm chung mẹ cứ gọi tên bà mãi. Sau đó rơi vào hôn mê. Đôi mắt nhắm nghiền, hai hàng lệ cứ tuôn ra chảy qua màng tang ướt sũng tóc. Đứa em nói: “Chắc mẹ nấn ná đợi chị”.

Giọng bà nghèn nghẹn:“Cháu ơi! Không ai có thể đợi được người sống khi đã đến giờ tốt tẩn liệm người chết. Khi chết, mẹ bác chỉ 52 tuổi, bác thì 30. Thời gian bác sống bên cạnh mẹ đâu có bao lâu. Thế mà bác không quý trọng lại làm mẹ buồn. Nếu thời gian trở lại bác sẽ nói lời xin lỗi mẹ vì sự ích kỷ của mình.

Giờ có lẽ là báo ứng nên đứa con trai bác mới làm như thế. Điều bác sợ là sau này khi tuổi xế chiều nó sẽ hối hận day dứt y như bác”.

___________

Mẹ chỉ có một

Theo thông tin từ bạn đọc Tuổi Trẻ, tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Đẹt, 80 tuổi, ở một đường làng hun hút sâu ra tận cánh đồng thuộc phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Căn nhà lá vá víu đầy giấy cactông, thấp lè tè, diện tích chưa đầy 15m2 chỉ có hai cái giường, một cái lò đất, vài cái nồi, dăm ba cái chén…

Bà Đẹt nằm trên giường, đắp cái mền ngả màu cháo lòng, tóc xác xơ bạc, khuôn mặt chằng chịt nếp nhăn. Anh Nguyễn Văn Đợi con của bà đang lui cui thổi lửa, thức ăn hôm nay là nửa trái bầu luộc.

“Người con trai 43 tuổi nghe thế gương mặt cứ mềm ra ngây dại, mếu máo như đứa trẻ: “Mẹ đừng chết! Mẹ chỉ có một, chết rồi không tìm được mẹ mới”…”

Bà Đẹt kể khi sinh Đợi ra chẳng bao lâu thì chồng bà mất. Mấy chục năm trước, mọi người xài bếp củi nên mẹ con bà sống được bằng nghề chẻ củi mướn. Rồi khi bếp gas, nồi cơm điện thịnh hành, hai mẹ con sống bằng nghề lượm ve chai.

Vài năm nay, sức khoẻ đổ dốc khiến bà không còn sức, chỉ ở nhà nấu cơm cho Đợi đi làm mà thôi. Rồi bệnh cao huyết áp khiến bà chỉ đủ sức ngồi dậy, đi dò dẫm vài bước chứ không thể bắc nổi nồi cơm, răng cũng rụng gần hết nên chỉ ăn cháo trắng trộn đường mà thôi. Còn Đợi, bác sĩ nói cơ thể phát triển bình thường nhưng trí não ngưng lại từ bé. Vì vậy phía sau tên Đợi, hàng xóm gắn thêm chữ “tửng”.

Bà Năm Hiếu, hàng xóm, phân bua: “Gọi là gọi thế, chứ không phải ghét nó mà ngược lại chúng tôi rất mến nó, bởi nó hiếu thảo và tốt bụng, bà con lối xóm nhờ chuyện gì làm được đều làm. Thời gian trước khi còn khoẻ mạnh, hai mẹ con đi hái, chặt cây thuốc nam làm công quả cho chùa”.

Ông Trí, một người hàng xóm, nhớ lại: “Tuy nghèo nhưng cả hai sống đầm ấm. Mẹ vất vả lo cho con. Còn con tuy trí não kém nhưng rất hiếu thảo. Chòm xóm thấy gia đình khó khăn nên giúp lon gạo, trái bí… nhờ đó mà những ngày mưa bão bếp cũng đỏ lửa”.

Cứ sáng sớm anh Đợi mang theo lon cơm, đi lượm ve chai đến chiều. Chuyến về do đường xa đi bộ không nổi, phải đi đò, cũng may các chủ đò thấy thế tội nghiệp không lấy tiền.

Thời gian gần đây, thấy mẹ thường hay bệnh nên anh Đợi không dám đi xa. Quanh quẩn vài cây số để tới trưa kịp về lo cơm nước. Nhờ vậy anh đưa mẹ tới trạm xá kịp lúc như lần về thấy bà Đẹt nằm im, anh lay mẹ kêu “Mẹ ơi! Mẹ hỡi!”.

Không thấy trả lời là anh cõng mẹ chạy thốc tháo đến trạm xá. Vừa chạy vừa nức nở: “Mẹ ơi, đừng bỏ con”. Khi bác sĩ truyền dịch mà bà vẫn chưa tỉnh, anh lại khóc dậy cả lên.

Nghe mọi người kể, anh khoe thêm: “Tôi còn bảo vệ mẹ nữa à nghen”. Rồi anh kể với vẻ mặt ngây ngô và đầy tự hào. Hoá ra do nhà nằm xuôi theo đường làng nên có khi người trong xóm say rượu cự cãi đi gần sát vách nhà. Đợi sợ họ xông vô nhà đánh mẹ mình nên bồng mẹ rồi cùng chui xuống gầm giường trốn.

Anh hồn nhiên nói: “Lượm ve chai rất cực, mà vui ghê vì có tiền mua gạo nấu cháo cho mẹ. Nghe nói làm giám đốc có tiền nhiều lắm nhưng không ai mướn làm giám đốc cả”.

Mỗi ngày anh kiếm gần 10.000 đồng đủ mua vài lon gạo, mớ rau hoặc bầu bí. Củi thì lượm nhánh cây khô, nước thì hứng nước mưa hoặc nước sông, xài đèn dầu nên ít tốn kém… Đợi “tửng” rất thích ăn bún riêu nhưng hôm nào “trúng mánh” như nhặt được đống sắt… mới dám mua một tô. Lâu quá rồi chưa “trúng mánh” nên anh nhịn thèm…

Bà Đẹt mới vừa xuất viện nên còn rất yếu, uống nước hay ăn cháo đều phải nhờ Đợi đỡ dậy. Bà tâm sự: “Tôi 80 tuổi, già rồi, đâu sợ chết nhưng sợ bỏ thằng Đợi ở lại côi cút một mình”. Người con trai 43 tuổi nghe thế gương mặt cứ mềm ra ngây ngây, mếu máo như đứa trẻ: “Mẹ đừng chết! Mẹ chỉ có một, chết rồi không tìm được mẹ mới”…