Đi phụ hồ để lo cho thí sinh
Nếu là con chim chiếc lá Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh Lẽ nào vay mà không trả Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình!
Đi phụ hồ để lo cho thí sinh
Từ hơn một tháng nay, Nguyễn Xuân Tiến len lỏi khắp các dãy trọ gần trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Đà Nẵng để tìm chỗ ở miễn phí và chuẩn bị đón “sĩ tử” lên dự thi đại học.
Đến nay Tiến đã tìm được hơn 75 chỗ ở miễn phí cho thí sinh và phụ huynh ở xa.
Đến hẹn lại lên
Ba năm học tập tại khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cũng là ba lần Nguyễn Xuân Tiến dùng phòng trọ của mình để đón các bạn thí sinh. Nhờ kiên trì tìm kiếm và liên hệ với bạn bè, mỗi năm Tiến giúp đỡ được gần 70 thí sinh và phụ huynh có chỗ ở miễn phí. Năm nay Tiến cho biết mình đang tiếp tục gõ cửa phòng trọ các bạn cùng lớp mượn phòng và vận động thêm các bạn giúp đỡ, cho mượn thêm nồi niêu, xoong chảo, chăn màn, quạt điện… để phục vụ các thí sinh yên tâm ôn và thi đại học.
Hằng ngày tranh thủ sau giờ học, trên chiếc xe đạp cũ Tiến rong ruổi khắp các nhà ga, bến xe để đón thí sinh. Nhiều đêm vì sợ thí sinh ở xa lần đầu lên thành phố dễ bị lạc nên Tiến phải thức đợi đến 2-3 giờ sáng.
Còn vài tuần nữa là bước vào kỳ thi đại học nên những ngày này trong căn phòng trọ nhỏ của Tiến nằm trên đường Nguyễn Khuyến, P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu đã nhộn nhịp hẳn bởi tiếng nói cười, trao đổi bài học của các sĩ tử và những câu chuyện, những tâm sự của các phụ huynh.
Bác Nguyễn Văn Long quê ở Thanh Hóa đưa con trai là Nguyễn Văn Thành dự thi tại Trường ĐH Sư phạm cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi đưa con vào Đà Nẵng dự thi và cũng là lần thứ hai tôi đến ở tại phòng trọ của Tiến. Hôm trước cháu nó gọi ra hỏi thăm gia đình rồi bảo đưa em vào Đà Nẵng rồi con lo cho, vậy là bố con tôi sắp xếp đồ đạc lên xe vào”.
Còn Tiến bày tỏ: “Đây là lần thứ ba mình đón thí sinh vào ở cùng nên cũng có chút ít kinh nghiệm. Năm nay mình sẽ cố gắng liên hệ và tìm khoảng 150 chỗ ở miễn phí cho thí sinh và phụ huynh”.
Đi phụ hồ và giúp sĩ tử
Nhìn khuôn mặt thư sinh, điển trai của Nguyễn Xuân Tiến ít ai nghĩ rằng anh chàng sinh ra trong một gia đình nghèo khó… có hạng trong xã! Bố Tiến là họa sĩ nghiệp dư, còn mẹ thì bị bệnh tim, gần như “thường trú” trong bệnh viện. Không ít lần Tiến phải lựa chọn: tiếp tục học hoặc về nhà làm nương làm rẫy để tiện chăm sóc mẹ.
Nhưng rồi được ba mẹ, anh em, bạn bè khích lệ, Tiến đã không bỏ cuộc và kiên trì vượt qua. Hằng ngày để có tiền trang trải cho cuộc sống và học tập, sau những giờ lên giảng đường Tiến lại trở thành chàng phụ hồ trên các công trường lớn nhỏ. Tiến còn viết báo và cộng tác cho một số tờ báo.
Không những lo cho thí sinh có chỗ ăn chỗ ở, nhiều lúc Tiến còn bỏ cả tiền túi mua đồ về nấu ăn để các em có thêm nhiều thời gian ôn bài. Mặc dù tất bật với ôn thi và đi đón thí sinh, nhưng Tiến cho biết sắp tới vẫn tranh thủ thời gian đi phụ hồ để kiếm thêm tiền về trang trải tiền điện, nước và thuê thêm phòng trọ để có chỗ ở cho thí sinh.
Sống là cho để tri ân cuộc đời
Trong cuộc sống Tiến luôn tâm niệm bốn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu giống như kim chỉ nam cho quan niệm sống của mình:
Nếu là con chim chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình!
Ba năm trước, khi Tiến thi đại học cũng là ngày bệnh của mẹ Tiến bộc phát. Tiến dùng dằng nửa ở nửa về, muốn bỏ kỳ thi. Bạn bè biết, rồi không biết từ đâu một nhà hảo tâm ở TP.HCM đã giúp tiền và giúp đưa mẹ Tiến đi mổ tim. Nhờ vậy mà Tiến còn mẹ đến ngày nay. Tiến nói mình biết ơn cuộc đời từ đó.
Phần mình, Tiến cho biết sau mỗi kỳ thi đại học, nhận những lời cảm ơn từ các thí sinh và phụ huynh “cảm thấy rất vui”. “Không gì vui bằng nhiều em gọi điện báo tin đậu đại học. Có nhiều phụ huynh hai năm nay rồi vẫn thường xuyên gọi điện thăm hỏi làm mình cảm thấy rất hạnh phúc”, Tiến bộc bạch.
Thạc sĩ Lê Thanh Huy, bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, tự hào cho biết: “Những gì em Nguyễn Xuân Tiến làm được rất đáng quý trọng. Hằng năm chúng tôi đều ghi nhận thành tích tình nguyện của sinh viên và Tiến luôn là một tấm gương điển hình trong công tác tình nguyện”.
Tiến cho biết hiện tài sản mình đang có là hơn 30 ngày công phụ hồ chưa lấy tiền, mỗi ngày 100.000 đồng. “Mình dự định sắp tới sẽ trích ít tiền đã dành dụm được rồi vay thêm bạn bè mua chiếc xe máy tầm 4-5 triệu đồng để tiện chở các bạn thí sinh đi thi”, Tiến bày tỏ và lý giải vì hầu hết thí sinh đều là con nhà nghèo có hoàn cảnh khó khăn, rất cần giúp đỡ. |