23/11/2024

Lễ Thăng Thiên – A: Sống tình trạng lên trời với Chúa Giêsu

Các bài Kinh Thánh hôm nay như mời gọi chúng ta suy niệm về mầu nhiệm lên trời của Đức Giêsu cũng là cuộc lên trời của mỗi người chúng ta…Điều này có thể thực hiện ngay trong đời sống trần thế như đời sống của nhiều tín hữu đã chứng minh

Sống tình trạng lên trời với Chúa Giêsu

Hành Khất Kitô

Lời mở

Các bài Kinh Thánh hôm nay như mời gọi chúng ta suy niệm về mầu nhiệm lên trời của Đức Giêsu cũng là cuộc lên trời của mỗi người chúng ta.

Nói đến lên trời, nhiều người nghĩ ngay đến việc Chúa Giêsu dần dần nâng người lên, vào cõi không trung xa tít tắp nào đó giống như các môn đệ vẫn dõi theo hình ảnh Chúa Giêsu đang xa đi trước mắt họ, để rồi thiên thần phải đến cảnh tỉnh họ đừng dõi mắt theo hướng như vậy (x. Cv 1,9-11) vì Chúa Giêsu vừa mới nói với họ rằng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

1. Vậy lên trời hay về trời ở đây muốn nói gì?

Trời ở đây không phải là một khoảng không gian rõ rệt, nhưng là một tình trạng (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 659-667, 2794-2796) mà Đức Giêsu đi vào trong đó để dẫn chúng ta theo. Người về trời là về với Chúa Trời, Người thăng thiên là về với Thiên Chúa, mà Thiên Chúa ở khắp mọi nơi nên trời cũng ở khắp mọi nơi. Ngay khi Chúa Giêsu sống lại, thân xác của Người không bị chi phối bởi vật chất, không gian và thời gian nên Người có thể đến bất cứ nơi nào, vào bất cứ lúc nào.Người đã về trời ngay lúc đó.

Gặp Maria Madalena ngay ở cửa mồ vào ngày phục sinh, Chúa Giêsu nói rằng: “Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17). Bài Phúc Âm của thánh Matthêu hôm nay (x. Mt 28,16-20), cũng như các bài của thánh Marcô (x. Mc 16,15-20) và Luca (x. Lc 24,46-53) đều muốn nói lên tình trạng Chúa Giêsu về ngay với Chúa Cha để kết hợp mật thiết với Ngài, chia sẻ vinh quang tuyệt vời của Thiên Chúa trong thân xác của con người được biến đổi.

Hơn nữa, Người cùng kéo tất cả mọi người chúng ta về trời với Người vì chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người. Thánh Phaolô trong bài đọc II (x. Ep 1,17-23) đã nói Giáo Hội là Hiền thê của Chúa Giêsu, Người là đầu của thân thể mầu nhiệm và chúng ta là những chi thể. Khi Chúa Giêsu về trời là mỗi người chúng ta cũng được chia sẻ thần tính cao cả của Người, đi vào một tình trạng mới mẻ hoàn toàn với Người. Điều này không phải chỉ xảy ra sau khi chúng ta chết, nhưng có thể thực hiện ngay trong đời sống trần thế như đời sống của nhiều tín hữu đã chứng minh: thánh Phaolô được đưa lên tầng trời thứ ba (x. 2Cr 12,2). Nhiều vị thánh như Phanxicô Khó nghèo, Gioan Thánh Giá, Catarina de Sienna… cảm nghiệm trời trong những cơn xuất thần; còn mẹ Têrêsa Calcutta thì lại thấy trời giữa lòng xã hội với những con người khốn khổ, bệnh tật.

2. Có hai cuộc lên trời

Bài đọc I, sách Tông đồ Công vụ mà tác giả là thánh Luca, kể lại việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ 40 ngày đêm, trước khi Người chính thức rời xa đi. Thánh Luca cũng viết Phúc Âm nói đến việc Chúa Giêsu lên trời ngay sau khi Người sống lại. Nhiều người thắc mắc vì có vẻ như hai cuộc lên trời ở sách Công vụ và sách Phúc Âm không ăn khớp với nhau. Vậy cái nào đúng, cái nào sai hay có hai cuộc lên trời?

Chúng ta có thể giải thích rằng việc Chúa Giêsu đi vào tình trạng kết hợp mật thiết với Chúa Cha được thực hiện ngay sau khi sống lại, Người đã về trời ngay sau khi sống lại, tức là Người đã đi vào tình trạng kỳ diệu, vô biên, vô cùng, vĩnh hằng của Thiên Chúa và dẫn chúng ta vào tình trạng đó, qua thân xác sống lại của Người.

Nhưng sự kiện được thánh Luca kể trong Công vụ Tông đồ hôm nay có ý ‎nghĩa là: sau những lần hiện ra một cách hữu hình trong 40 ngày, Chúa Giêsu đã chấm dứt tình trạng đó. Người không còn hiện ra với thân xác cụ thể cho các môn đệ nữa để Người có thể hiện ra cho tất cả mọi người chúng ta, giúp ta cảm nghiệm được tình trạng sống động kỳ diệu của Người, nếu chúng ta kết hợp mật thiết với Người. Đó là tình trạng về trời với Chúa Giêsu. Đó cũng là điều chúng ta cần ghi nhớ khi cử hành mầu nhiệm hôm nay.

3. Vài ứng dụng trong đời sống

Nói đến đây, tôi nhớ lại hình ảnh của những anh chị em đến xin cầu nguyện do một số linh hồn đã nhập vào thân xác của họ như một dấu chỉ của mầu nhiệm hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa, nhớ đến hình ảnh của những vị sư, ni cầu nguyện giải oan cho những hồn ma để họ siêu thoát; nhớ đến những trang thờ bên vệ đường của những nạn nhân xấu số. Tại sao lại có những chuyện như vậy? Bởi vì họ đang sống trong tình trạng trước khi về trời của Chúa Giêsu.

Khi thân xác nặng nề của con người, sau khi chết, chưa được siêu thoát, tức là chưa về trời với Chúa Giêsu, thì họ phải gắn bó với một nơi chốn, một thời điểm hay một con người nào đó. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi chị Phan Thị Bích Hằng, một nhà ngoại cảm nổi tiếng, thấy nhiều hồn ma đứng ngồi và sinh hoạt trong các nghĩa trang. Khi lên chiến trường Điện Biên Phủ, dù cuộc chiến đã kết thúc nhiều năm, nhưng những hồn ma ấy vẫn còn vất vưởng trên những cây cối hay bên dòng suối… vì họ chưa được siêu thoát. Mấy gia đình ở bên cạnh Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM mời tôi đến cầu nguyện cho những hồn ma của các thai nhi còn hận thù vì cha mẹ nỡ giết chết mình nên chưa được siêu thoát và chúng đến trú ngụ trong một vài gia đình ở gần đó.

Khi chúng ta cầu nguyện cho những hồn ấy được siêu thoát, đi vào tình trạng về trời của Chúa Giêsu, họ sẽ không còn bám vào một nơi chốn vật chất hay thời điểm nào đó. Lúc đó họ mới thật sự cảm nghiệm được tình trạng thiên đàng với hạnh phúc vô biên. Chỉ từ mấy năm gần đây chúng ta mới dám nói lên điều này. Thời trước người ta cho là lạc đạo, là mê tín vì hiểu lầm trời như một khoảng không gian ước định nào đó. Số 130 của cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, do Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, xuất bản năm 2004, đã dạy ta về điều này: khi chúng ta gắn bó với Chúa là Tinh thần Tuyệt đối, chúng ta cũng có thể dùng tinh thần mình để gặp gỡ những tinh thần khác để giúp họ siêu thoát, nghĩa là đem ơn cứu độ cho họ qua việc rao giảng Tim Mừng (x. 1Pr 3,19-20).

Còn nếu chúng ta bám vào một vật chất nào đó, chúng ta sẽ thấy nặng nề, mệt mỏi, tàn tạ như những người hút thuốc lá, nghiện rượu bia, nghiện phim đồi truỵ hay tìm thoả mãn dục vọng nơi một người tình bất chính nào đó… Khi sử dụng những thứ đó họ cảm thấy sung sướng như được vào thiên đàng, được lên trời: chích một liều hêrôin hay uống rượu say thì như vào cõi trời. Nhưng đó không phải là trời hay thiên đàng thật sự vì nó lệ thuộc vào vật chất, vào dục vọng. Còn khi chúng ta gắn bó với Chúa, được Ngài chuyển thông cho chúng ta sự sống k‎ỳ diệu, hạnh phúc vô biên, niềm vui vô tận, quyền năng lạ lùng… chúng ta cảm thấy mình như được lên trời với tâm trí nhẹ nhàng, thanh thoát.

Cuộc sống của chúng ta hiện nay cũng vậy, nếu chúng ta bám vào vật chất, bám vào những tham vọng và dục vọng, cuộc sống lúc nào cũng nặng nề, mệt mỏi. Người ta nói xấu ta một chút, ta cứ suy nghĩ làm sao để loại bỏ được tiếng xấu đó; người ta làm hại ta một chút, ta cứ nghĩ làm sao để đòi lại món nợ đó để rồi căng thẳng mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ không yên.

Kết luận

Hôm nay chúng ta hãy dâng cho Chúa tất cả những gì đang làm cho lòng chúng ta ra nặng nề: “Lạy Chúa, con xin dâng những lời họ nói xấu con cho Chúa, họ muốn nói gì thì nói, chửi gì thì chửi. Lạy Chúa, xin cho con được yêu quý những sự trên trời nơi Đức Giêsu Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa vì con hiểu rằng Chúa đang ở bên con, con đang sống trong tình trạng lên trời với Chúa Cha và Chúa Giêsu của con, với Thánh Thần Tình yêu ở trong con để con có thể tha thứ, đón nhận, cầu nguyện cho người nói xấu và làm hại con”.

Cầu nguyện được như thế, tha thứ được như thế là chúng ta bắt đầu đi vào tình trạng lên trời cùng Chúa Giêsu, với tâm hồn nhẹ nhàng, sung sướng và hạnh phúc vô biên vì Đức Giêsu nói với chúng ta hôm nay: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.