24/12/2024

Vơ vét titan: Tàn phá làng ven biển

Nhiều làng ven biển ủa các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định trở nên xơ xác trước tình trạng khai thác titan. Làng không còn xanh và người cũng không bình yên

 Vơ vét titan: Tàn phá làng ven biển

Nhiều làng ven biển ủa các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định trở nên xơ xác trước tình trạng khai thác titan. Làng không còn xanh và người cũng không bình yên.

Những cánh rừng phi lao hàng chục năm tuổi ở vùng cát ven biển bị đốn chặt để khai thác titan. Vành đai phòng hộ ngăn gió và bão cho làng quê từ bao đời nay bị phá bỏ. Thảm thực vật bị huỷ hoại, nguồn nước ngầm cạn kiệt, những núi cát được hình thành tạo ra những vết sẹo lồi lõm ven biển.

Dân kêu cứu

Sau những vùng được chọn khai thác titan của Quảng Trị như các thôn Tân Hòa, Tân Thuận (xã Vĩnh Thái, Vĩnh Linh), Cang Gián, Thuỷ Bạn, Gio Mỹ (xã Trung Giang, Gio Linh), bây giờ đến lượt thôn Thâm Khê (xã Hải Khê, Hải Lăng). Những ngày này, người dân Thâm Khê vẫn tiếp tục gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, trên bãi cát phía tây của thôn đã có một nhà xưởng của Công ty TNHH Hiếu Giang (đơn vị khai thác titan) được xây dựng xong. Hàng trăm máy khoan hình ốc vít cũng được tập kết sẵn.

Ông Trần Ngọc Trai, một người dân trong thôn, nói: “Trên tivi gần đây chiếu rất nhiều hình ảnh về hậu quả của khai thác titan ở Bình Định, Phú Yên. Người làng cũng đi khảo sát tình hình của các vùng đã khai thác ở Vĩnh Linh, Gio Linh. Thực tế cho thấy nước ngầm Gio Linh đang bị đe dọa cạn kiệt, đất đai bị hoang hoá, nguy cơ nhiễm mặn nguồn nước ở Vĩnh Linh rất rõ ràng. Không hiểu vì sao người ta vẫn cho triển khai việc khai thác titan dù dân làng phản đối nhiều lần”.

Năm 2006, khi Công ty TNHH Hiếu Giang về khảo sát titan tại Thâm Khê, trong cuộc họp dân hàng trăm người nhất quyết phản đối. Sau đó, công ty này lại về khảo sát lần hai và gặp sự phản đối quyết liệt hơn. Tuy nhiên, ngày 1-7-2008 UBND tỉnh Quảng Trị vẫn có quyết định cho Công ty Hiếu Giang thuê 10ha đất khai thác titan.

Theo một nguồn tin, việc cho thuê này được thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu”. Khi khai thác hết 10ha đất sẽ trả mặt bằng và tiếp tục thuê 10ha đất tiếp theo. Tổng thể quy hoạch khai thác hơn 138ha thuộc thôn Thâm Khê và một số khu đất thuộc xã Hải Dương.

Giữa năm 2010, UBND huyện Hải Lăng tổ chức một cuộc đối thoại công khai với người dân về vấn đề khai thác titan ở thôn Thâm Khê. Tại đây, nhiều người dân cho biết họ không đồng tình với việc cho phép khai thác nhưng một tháng sau chính quyền địa phương vẫn bàn giao mặt bằng cho Công ty Hiếu Giang. Quá bức xúc, ngày 28-8-2010 một số người dân thôn Thâm Khê cùng ký vào đơn kêu cứu gửi cơ quan chức năng các cấp. Ngay sau đó, thêm hơn 200 người dân trong thôn cùng ký tên vào đơn kêu cứu.

Ông Văn Tiến Thuận, một người dân thôn Thâm Khê, nói: “Titan có thể đẻ ra tiền, nhưng hậu quả về môi trường thì con cháu của làng phải chịu…”. Dù vậy, bà Lê Thị Vinh – phó chủ tịch UBND huyện Hải Lăng – vẫn khẳng định: “Việc triển khai dự án titan ở xã Hải Khê là phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp khai thác và chế biến quặng titan của đất nước nên phải làm”.

Không chỉ bây giờ, cách đây không lâu ở Quảng Trị đã có câu chuyện cay đắng về titan tại làng Cang Gián (Trung Giang, Gio Linh). Do không đồng tình việc khai thác titan mà xảy ra xô xát giữa dân làng và doanh nghiệp, hậu quả 13 người của làng Cang Gián lãnh án. Giờ đây, nhớ lại chuyện hồi ấy, bà Nguyễn Thị Con, 66 tuổi, nói như nghẹn: “Nếu không có titan thì làng ven biển này vẫn bình yên như bao đời…”.

Phá nát rừng lá chắn

Trên trảng cát thôn Trung Tân (xã Sen Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình), chúng tôi bắt gặp hình ảnh hàng chục dãy vít khoan titan nổ ầm ầm. Hàng trăm chiếc vòi rồng phun cát tạo thành những núi cát khổng lồ. Ở đây từ năm 2008, những cánh rừng dương chắn gió, chắn cát hơn 50 tuổi đã dần bị đốn hạ để khai thác titan. Nạn cát bay, cát nhảy và mạch nước ngầm xuống thấp khiến cuộc sống người dân trong thôn đảo lộn…

Ông Lê Xuân Luận, một người dân ở thôn Trung Tân, nói: “Rừng dương hơn 50 năm tuổi làm lá chắn bảo vệ làng bị phá bỏ để khai thác titan tạo ra những núi cát khô khốc, rát bỏng. Cát từ các mỏ titan bay mù trời, bồi lấp cả các kênh dẫn nước thuỷ lợi”. Ông Nguyễn Văn Hiểu, chủ tịch UBND xã Sen Thuỷ, lo lắng nói: “Chỉ vì món lợi của titan mà phải chặt phá hết rừng, phá huỷ môi trường thì sợ rằng con cháu mình sau này ắt phải nhận hậu họa của thiên tai”.

Theo ghi nhận, dù công ty khai thác titan đã hoàn thổ, trồng lại cây sau khi khai thác nhưng do mạch nước ngầm bị cạn kiệt nên hơn nửa diện tích cây trồng chết khô, số còn sống thì còi cọc. Cả một vùng cát trắng thôn Trung Tân rộng trăm hecta trơ trọi với những núi cát khát cháy như một sa mạc. “Trong thời gian chờ công ty khai thác titan thực hiện lời hứa trồng lại cây, rồi cây lớn lên ken dày thành rừng thì hằng ngày người dân phải đối mặt với những trận bão cát, ruộng vườn bị bồi lấp, đời sống thêm phần khó khăn là việc không thể tránh khỏi” – một cán bộ có trách nhiệm nói.

Tương tự như ở thôn Trung Tân, tại vùng đất được phép khai thác titan thuộc thôn Tây Thôn (xã Ngư Thuỷ Nam, Lệ Thuỷ), cát cũng bay mịt mù giữa tháng 5 nắng như đổ lửa. Khu rừng phi lao chắn bão nằm kẹp giữa khe Đất Sét và khe Mù U đã được san ủi trống trơn. Ông Nguyễn Văn Phú, giám đốc Xí nghiệp khai thác titan Nam Quảng Bình, cho biết đã giải phóng xong mặt bằng gần 15ha, công nhân đang lắp đặt các vít khoan để chuẩn bị khai thác titan.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thịnh Vượng  – một cựu chiến binh ở Tây Thôn – nhìn cánh rừng ven biển đã bị đốn hạ còn trơ lại những gốc cây to ngao ngán than thở: “Đây là vùng rừng phi lao chắn cát, chắn gió ven biển, có cây được trồng từ năm 1957. Nhưng nay “tấm bình phong” che chở cho dân làng trước những trận cuồng phong của biển đã bị đào cả gốc, mới đầu mùa khô mà cát đã bay mịt trời, phủ lấp hết vườn tược. Cứ đà này cát cũng phủ kín làng, mùa gió bão đến không biết người dân làng chài này sẽ phải chống chọi răng đây?”.

 Người dân cũng đào bới titan

Tích tụ từ hàng trăm năm, những triền cát ven biển xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định có trữ lượng titan khá lớn. Người dân địa phương cho biết có chỗ chỉ cần gạt cát bề mặt nửa mét là gặp lớp titan đen dày 20-30cm. Nhiều hộ nông dân nghèo ở đây đào bới titan kiếm sống từng ngày.

Chị Trần Thị Thanh (thôn An Quang Đông) nói: “Người ta đang mua 1.000 đồng/kg titan thô. Vài tháng nay, mấy miệng ăn cả nhà đều trông vào nguồn thu này”. Không rầm rộ máy móc, thiết bị như các công ty, bà con nông dân chỉ cần thuê một chiếc xe công nông cọc cạch, 5-7 người với cuốc, xẻng là mỗi ngày có thể đào bới được cả tấn titan thô trộn lẫn trong cát.

Thời gian gần đây, khi các lực lượng chức năng kiểm tra, không cho vận chuyển titan thô khai thác trái phép, tình hình đào bới titan có giảm. Tuy nhiên, nhiều gia đình nông dân vẫn chứa hàng chục tấn titan thô trộn trong cát tại vườn nhà, sau đó lọc bỏ cát lấy titan, đến khuya lén chở bằng xe máy ra ngoài bán với giá 3.000 đồng/kg.

Trước đây, tại khu vực này Công ty khoáng sản Bimal (liên doanh Việt NamMalaysia) được cấp phép khai thác titan trong hơn mười năm. Hậu quả là môi trường bị đảo lộn, suy thoái. Sau khi hết hạn khai thác, Công ty khoáng sản Bimal giải thể năm 2010, đến nay chưa hoàn thổ và trồng rừng đầy đủ như cam kết ban đầu.

Theo một nguồn tin từ UBND tỉnh Bình Định, ngay tại khu đất rộng hơn 100ha ở xã Cát Khánh đang có dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện. Trước tình hình này, có doanh nghiệp đang làm thủ tục trình xin cấp phép tiếp tục tận thu titan trước khi giải phóng mặt bằng cho dự án trên.

BẢO TRUNG