23/11/2024

Đức Thánh Cha kêu gọi bảo vệ môi sinh

ĐTC Bênêđictô XVI tái kêu gọi các chính phủ tôn trọng môi sinh và khai thác các năng lượng sạch để bảo tồn thiên nhiên. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 9-6-2011, dành cho các đại sứ của 6 nước cạnh Toà Thánh là Moldavia, Guinea Equatoriale, Belize, Siry và Ghana, và New Zealand, đến trình quốc thư.

Đức Thánh Cha kêu gọi bảo vệ môi sinh

VATICAN – ĐTC Bênêđictô XVI tái kêu gọi các chính phủ tôn trọng môi sinh và khai thác các năng lượng sạch để bảo tồn thiên nhiên.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 9-6-2011, dành cho các đại sứ của 6 nước cạnh Toà Thánh là Moldavia, Guinea Equatoriale, Belize, Siry và Ghana, và New Zealand, đến trình quốc thư.

Trong diễn văn chung chào mừng các vị tân đại sứ, ĐTC nhắc đến nhiều thảm trạng liên hệ tới thiên nhiên, kỹ thuật và các dân tộc trong 6 tháng đầu năm nay và kêu gọi suy tư về tầm mức rộng lớn của các tai ương ấy. Ngài nói: “Hoàn toàn chấp nhận một lối sống tôn trọng môi sinh và hỗ trợ việc nghiên cứu, khai thác các năng lượng sạch, bảo tồn gia sản của công trình sáng tạo và không gây nguy hiểm cho con người, những điều ấy phải là những ưu tiên về chính trị và kinh tế”.

Trong số các thiên tai và tai nạn khủng khiếp trong những tháng qua có vụ sóng thần và lò năng lượng hạt nhân bị hư hại tại Nhật Bản.

Trong chiều hướng trên đây, ĐTC kêu gọi “hoàn toàn duyệt lại đường lối tiếp cận của chúng ta đối với thiên nhiên. Thiên nhiên không phải chỉ là một không gian có thể khai thác hoặc đùa giỡn. Nó chính là nơi sinh ra của con người, có thể nói là nhà của con người, là điều thiết yếu đối với chúng ta. Sự thay đổi não trạng trong lĩnh vực này, kể cả những bó buộc mà nó kéo theo, phải giúp mau lẹ đi tới một nghệ thuật sống cùng nhau, tôn trọng giao ước giữa con người và thiên nhiên, nếu không gia đình nhân loại có nguy cơ biến mất”.

ĐTC cũng nhấn mạnh: “Tất cả các nhà cầm quyền phải dấn thân bảo vệ thiên nhiên và giúp thiên nhiên chu toàn sứ mạng thiết yếu cho sự sống còn của nhân loại. Tôi thấy LHQ là một khuôn khổ tự nhiên để suy tư như thế, và suy tư này không thể bị lu mờ vì những lợi lộc chính trị và kinh tế sự mù quáng phe phái, trái lại cần dành ưu tiên cho tình liên đới hơn là tư lợi”.

Kêu gọi chính phủ Siri và Trung Đông

Ngoài diễn văn chung trên đây, ĐTC còn trao cho mỗi vị đại sứ một diễn văn riêng, liên tới tình hình của quốc gia liên hệ.

Dư luận đặc biệt chú ý đến ông Hussam Edin Aala, 45 tuổi, tân Đại sứ Siri cạnh Toà Thánh, và cũng là đại sứ của nước này tại Tây Ban Nha.

Trong bài diễn văn trao cho ông Đại sứ Aala, ĐTC nhắc đến những biến cố gần đây tại một số quốc gia quanh Địa Trung Hải, trong đó có Siri. Những biến cố đó “biểu lộ ước muốn một tương lai tốt đẹp hơn trong các lĩnh vực kinh tế, công bằng, tự do và sự tham gia vào đời sống công cộng. Các biến cố đó cũng chứng tỏ cần cấp thiết có những cải tổ thực sự trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, điều rất đáng mong ước là những diễn biến đó không được thực hiện trong sự bất bao dung, kỳ thị hoặc xung đột, và càng không phải bằng bạo lực, nhưng trong sự tôn trọng tuyệt đối đối với sự thật, sự sống chung, các quyền hợp pháp của cá nhân và tập thể, và tôn trọng sự hoà giải. Các nguyên tắc đó phải hướng dẫn chính quyền, để ý đến những khác vọng của xã hội dân sự cũng như các thẩm quyền quốc tế”.

ĐTC cũng cầu mong có giải pháp hoà bình cho vùng Trung Đông, và cần tìm được một giải pháp toàn bộ. Ngài nói: “Giải pháp này không được làm thương tổn quyền lợi của một phía nào liên hệ và phải là kết quả của một sự thoả thuận, chứ không phải do những chọn lựa đơn phương áp đặt bằng vũ lực. Vũ lực không giải quyết được gì cả, và cả những giải pháp đơn phương hoặc bán phần cũng không đủ. Ý thức về những đau khổ của tất cả các dân chúng, cần phải tiến hành với phương pháp toàn bộ, không loại trừ ai trong việc tìm kiếm một giải pháp thương thuyết và để ý đến những khát vọng và quyền lợi hợp pháp của các dân tộc liên hệ”.

ĐTC không quên tinh thần bao dung và sự sống chung hài hoà giữa các tôn giáo tại Siri, đặc biệt là giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo tại nước này. (SD 9-6-2011).