23/11/2024

Rừng vẫn cháy

LTS: Những hình ảnh sau đây cho chúng ta thấy vấn đề đốt rừng làm rẫy của người dân vẫn còn tiếp tục tái diễn

Rừng vẫn cháy 

Năm 2011 là năm bảo vệ rừng. Ngày môi trường thế giới của năm 2011 cũng là ngày tôn vinh rừng (chủ đề Liên Hiệp Quốc đưa ra là “Rừng: giá trị cuộc sống từ thiên nhiên”). Nhưng…

Một khoảnh rừng bị chặt phá không thương tiếc ở thôn La Mưng thuộc địa phận xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, Quảng Nam

Rừng được tôn vinh, được trân quý bởi đó là “đoàn quân tiên phong” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng hưởng ứng tích cực với các chương trình bảo vệ rừng do Liên Hiệp Quốc đưa ra. Tuy nhiên, “cuộc chiến” bảo vệ rừng và phát triển rừng không hề đơn giản.

Sau khi đốt xong khoảnh rừng 1,5ha thuộc vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, người dân thôn Long Viên, xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn bắt đầu xuống vụ trỉa bắp

 

Một gia đình ở thôn Long Viên, xã Phước Mỹ bên khoảnh rừng vừa khai hoang

Mới cách đây một tuần, tại một cuộc hội thảo quốc tế ở Lâm Đồng, các nhà khoa học lâm nghiệp VN đã phải la hoảng: Rừng đầu nguồn tan nát! Và phóng sự ảnh này của chúng tôi là một bằng chứng. Tại vùng cao Quảng Nam, những cánh rừng nguyên sinh được ví như những lá phổi xanh lại bị đốt cháy nham nhở bởi chính bàn tay con người. Câu chuyện đốt rừng làm rẫy đang có dấu hiệu bùng phát trở lại ở các huyện từ Nam, Bắc Trà My đến Phước Sơn, Nam Giang…. 

Từ rẫy về, người đàn ông này (xã Pà Dồn, huyện Nam Giang) vẫn không quên mang theo khúc gỗ rừng về làm nhà

 

Một phụ nữ ở thôn La Mưng (xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn) vác trên vai hai khúc cây rừng

Tại xã Trà Giác của huyện Bắc Trà My, một trong số khu vực dùng làm điểm tái định cư cho dân thuộc dự án thuỷ điện Sông Tranh 2, nhiều cánh rừng đã bị phóng hỏa cháy nham nhở từ nhiều ngày trước. Bên dưới mặt đất, những cây cổ thụ bị cưa đổ nằm ngổn ngang bên cạnh những thân cây vừa bị đốt cháy rụi. Để làm thuỷ điện, hơn 1.000 hộ dân trong vùng phải di dời, ngoài ra hơn 2.448ha đất rừng các loại đã bị ngập trong lòng hồ. 

Trong khi vợ đang trỉa bắp thì người đàn ông này tiếp tục châm lửa đốt những gì của rừng còn sót lại trên rẫy mà gia đình ông vừa phát được

Tương tự tại Phước Sơn, nhiều cánh rừng vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh tại địa bàn xã Phước Mỹ cũng bị chính người dân địa phương đốt cháy. Lợi dụng cơ hội, lâm tặc đã vào rừng cưa hạ gỗ rồi vô tư chở đi! Đó là cảnh thường thấy ở khắp các cánh rừng Phước Xuân (huyện Phước Sơn).

 

Một góc rừng già nằm cạnh đường ở xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam bị đốt cháy vào trung tuần tháng 5

 

Người phụ nữ này ngồi bần thần bên cánh rừng vừa bị đốn hạ. Màu xanh của khu rừng đã không còn đủ để che phủ nữa (ảnh chụp tại thôn La Mưng, xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn)

 

“Nếu không đốt rừng thì lấy đất đâu nhà mình trồng bắp” – ông Nguyễn Văn Năm ở xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, nói

 

Gỗ ở lòng hồ thuỷ điện Sông Tranh 2 được đưa về tập kết dưới chân cầu bắc qua dòng sông Tranh, cạnh đó là bảng tuyên truyền về bảo vệ rừng

 

Gỗ trục vớt từ lòng hồ thuỷ điện Sông Tranh 2 được tập kết chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Đã có không dưới 6.000 ha rừng già biến mất kể từ khi Quảng Nam bắt tay xây dựng các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn

 

Để có đất trồng lúa, bắp, người dân vùng cao Quảng Nam phải đánh đổi bằng cách đốt cháy những cánh rừng nguyên sinh sau nhà mình. Trong ảnh: một người dân (xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My) cặm cụi chăm bón những cây bắp non vừa lên