Người hoạ sĩ và con đường đơn côi
Nguyễn Văn Thạnh, một hoạ sĩ trẻ sinh năm 1981, người đã có một hành trình đến với hội hoạ đầy gian nan.
Người hoạ sĩ và con đường đơn côi
Bị bắt về quê, trốn nhà lên Sài Gòn, ban ngày đi làm, tối đến lớp luyện thi. Thi tới lần thứ năm mới đậu vào ĐH Mỹ thuật. Học khoa sư phạm mỹ thuật nhưng ra trường lại cầm cọ chứ không cầm phấn. Không được học chuyên khoa hội hoạ nhưng khi vừa tốt nghiệp đã có hẳn một triển lãm cá nhân khiến cả trường bất ngờ…
Con đường lạ của Thạnh
Mới tốt nghiệp được ba tháng rưỡi, Thạnh mở triển lãm cá nhân đầu tiên (ngày 9-11-2010). Nhiều người ngỡ ngàng vì những kỹ thuật đương đại của chàng trai sinh năm 1981 bị khiếm khuyết về thính giác, lại chỉ học khoa sư phạm ĐH Mỹ thuật, học để làm thầy chứ không làm hoạ sĩ.
Tranh Thạnh phảng phất sự bình yên bởi nét chân chất, hồn hậu chân quê và chiều sâu mang tính triết học. 40 tác phẩm đương đại, hầu hết là thể loại mới. Sơn mài trên vải bố, sơn mài mà gồ ghề, lồi lõm những chi tiết, hình khối, đường nét chứ không phẳng như sơn mài truyền thống. Sơn dầu kết hợp với acrylic và sợi đay, vải bố. Cách dùng màu rất tự nhiên và lạ của tác giả cùng cách thể hiện vượt ra ngoài khuôn khổ trường lớp đã khiến người xem ngạc nhiên.
“Tôi trân trọng sức lao động, sáng tạo, chịu khó nghiên cứu tìm tòi của Thạnh. Thạnh không học về chuyên ngành sáng tác nhưng đã nghiên cứu thêm một số chất liệu mới làm phong phú cho sơn mài, sơn dầu. Không phải sinh viên nào ra trường cũng có một triển lãm tranh cá nhân được như thế” Thầy Trương Phi Đức (phó hiệu trưởng ĐH Mỹ thuật TP.HCM) |
Sáu bức tranh khách hỏi mua, Thạnh lắc đầu dù tranh anh thuộc dạng… kén người xem vì quá lạ. “Họ trả giá, tôi không bán. Tôi bỏ tiền, bỏ công sức, trí óc làm ra một đống tranh lạ hoắc lạ huơ, nhiều người chưa biết. Đến một lúc nào đó sẽ có người hiểu được tranh tôi và trân trọng tác phẩm nghệ thuật của tôi” – Thạnh tự tin hi vọng vào một điều khởi sắc.
Nói về tranh của người hoạ sĩ mà cái tên còn quá lạ lẫm trong giới hội hoạ này, nhà phê bình mỹ thuật Phụng Quốc Hàm thủ thỉ: “Khi viết bài phê bình mỹ thuật, thường người ta đi tìm hoạ sĩ tầm cỡ, dễ viết hơn. Với tôi, sướng nhất, hạnh phúc nhất là viết cho một hoạ sĩ trẻ, còn vô danh nhưng tâm huyết và có nội lực như Thạnh. Nội lực của Thạnh thể hiện rõ nhất là sự tìm tòi, sáng tạo cái mới. Tranh của Thạnh thấp thoáng nhạc tính. Tôi tin Thạnh có thể phát triển xa hơn nữa”. Thạnh là hoạ sĩ rất trẻ mà ông Phụng Quốc Hàm sẽ đưa vào cuốn sách viết về những hoạ sĩ tên tuổi nhất VN sắp xuất bản.
Để có tiền làm triển lãm cá nhân đầu tiên, ba mẹ Thạnh phải bán một công đất. Còn Thạnh làm thêm “điên cuồng”. Anh nhận chép tranh cho một khách hàng ngay tại căn phòng trọ. Có khi làm ba ngày ba đêm không ngủ. Mệt thì nằm kềnh ra nghỉ ngơi chút đỉnh. Đói thì dừng tay ăn vội vã. Rồi Thạnh phụ việc gần năm tháng cho một hoạ sĩ đương đại nổi tiếng thế giới mang hai quốc tịch Nhật Bản và Mỹ đang sống tại VN. “Một ngày làm việc của tôi không bắt đầu từ lúc mấy giờ mà làm mọi lúc cho tới 4g sáng. Cứ ăn xong là làm” – Thạnh bảo.
Nhịn ăn để vẽ!
Thạnh vẽ sơn mài đương đại (sơn mài trên vải bố, sơn mài gồ ghề không láng phẳng như truyền thống). 12 bức sơn mài đương đại đầu tiên bị hư hết. Nhà trường không dạy, Thạnh học lóm từ nhiều nguồn, trong các lần nói chuyện với những người có chuyên môn hay tới nhà các hoạ sĩ giỏi học. “Học phí” có khi là tiền bán công đất dưới quê. “Kinh nghiệm đúc kết cả đời người đâu ai cho không” – Thạnh bảo. Sơn và màu mua về tự tính cách pha và kỹ thuật làm. Mài hoài không được, có lần Thạnh nhìn tranh, rơi nước mắt. Một miếng vóc rất đắt (gần 300.000 đồng). Không dám bỏ, Thạnh lấy đục sắt đục phần đã vẽ – vốn đã cứng như đá – rồi lấy giấy nhám Nhật Bản (loại chà cửa sắt) mài đi, vẽ lại.
Có khi giận quá, Thạnh liệng hai bức dở dang ngoài lan can. Thầy Nguyễn Văn Minh (ĐH Mỹ thuật) đến chơi, vô tình nhìn thấy kêu Thạnh mang vô đánh bóng lại. Một bức tranh sau đó đã xuất hiện trong triển lãm cá nhân của Thạnh.
“Một trong hai bức tranh có chất hội hoạ mạnh mà Thạnh chưa phát hiện – thầy Minh giải thích – Chỉ cần thêm bớt một chút như tăng độ đậm của màu hoặc mài ra là đẹp. Tranh của Thạnh lạ, có cái riêng. Tôi tin Thạnh sẽ sớm khẳng định được mình. Nhiều người học rất giỏi nhưng không vẽ tranh được. Có em học bình thường nhưng có tố chất. Thạnh là người như thế. Thật ra học lực của Thạnh khá chứ không tệ, vì bỏ thời gian đi làm thêm mưu sinh nhiều quá nên chỉ xếp loại trung bình khá”.
Khi đó, học trò của thầy Minh đang ở căn nhà trọ trên đường Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh). Căn phòng ngang 2,5m, chiều dài chỉ đủ dựng chiếc xe máy.
“Chỗ Thạnh ở giống như cái nhà kho nằm sau nhà tắm. Nơi đó lúc nào cũng lênh láng nước. Mùa mưa nước dâng tới đầu gối. Giường chỉ cách cửa 60cm. Trên giường để đầy tranh. Đầu giường là cọ, màu, vải bố… Đó là nơi vẽ tranh của Thạnh. Bên cạnh là quạt cũ, máy vi tính cũ bị hư. Thạnh bảo chỗ này yên tĩnh, không ai la lối lớn tiếng nên dễ vẽ. Biết thằng bé mấy ngày không ăn uống gì vì hết tiền, tôi xót quá, lặng đi… Hồi trước lần nào hỏi nó cũng giấu, kêu em ổn” – thầy Minh kể.
Người thầy giáo lẳng lặng mở ví tiền, còn đúng 400.000 đồng đưa hết cho học trò. Thầy còn tặng cậu sinh viên một chiếc áo sơmi, thay cho cái áo quá cũ đã bục sờn.
|
Vào thu (tranh sơn mài đương đại) |
Tìm kỹ thuật vẽ bằng mắt và tay
Không được học chuyên khoa, không có tiền, Thạnh học bằng cách đi coi triển lãm, vào bảo tàng ngắm tranh, sờ tranh rồi về suy nghĩ người ta làm như thế nào mà được kỹ thuật như thế. Khi phụ việc cho người hoạ sĩ đương đại nổi tiếng thế giới, Thạnh tranh thủ học từng cái mình nhìn thấy. Khoảng thời gian làm thuê cho các phòng tranh đã cho Thạnh một thứ quý giá: anh học được kỹ thuật của Pháp từ những thương gia đi đi về về giữa VN và nước ngoài.
Mỗi lần một thương gia đi công tác nước ngoài về mang tranh đến kêu Thạnh căng khung, anh lại biết thêm được một thể loại tranh mới. Thạnh sờ tranh, căng mắt nhìn vào từng sớ vải li ti để cảm nhận về kỹ thuật hiện đại, mới lạ của tác phẩm. Không có tiền mua một lúc, Thạnh tằn tiện từng đồng để mua từng mét vải bố, từng cây cọ, từng hộp màu. Có khi không có tiền ăn nhưng phải có đồ để làm thử, mày mò.
Thạnh đã nắm được kỹ thuật đánh bóng đơn giản nhưng làm cho tranh lên nước đẹp, cách đặt sơn sao cho trong và sâu. Anh đang ấp ủ ước mơ đem hết kỹ thuật vẽ sơn mài của VN từ Bắc đến Nam của những hoạ sĩ giỏi nhất, nghiên cứu và trộn lẫn bảy dạng kỹ thuật đó lại, sáng tạo ra một trường phái sơn mài mới. Còn bây giờ, sơn mài gương là một trải nghiệm sắp tới với Thạnh. Với sơn mài gương, vẫn là nguyên liệu truyền thống nhưng kỹ thuật khác. Tranh bóng và láng như gương mà không phải qua công đoạn mài như sơn mài truyền thống.
“Đã có lúc tôi mệt mỏi và hoang mang vì gánh nặng cơm áo gạo tiền. Khó khăn tới nỗi có lần trời mưa to, đang làm thêm, tôi xin chạy về mang tranh sơn mài đang làm ra để ở lan can nhờ nước mưa rửa tranh để… tiết kiệm nước. Nhưng tôi tin vào con đường mình đi. Tôi hạnh phúc vì được sống và làm cái mình yêu thích. Khi vẽ xong một tác phẩm là lưu giữ được một khoảnh khắc, một không gian, một thời gian đẹp” – Thạnh say sưa nói về thế giới của mình.
Khi tôi đang viết bài này, Thạnh đang vẽ trang trí phòng cho một khách sạn mới ở Đà Lạt để có tiền vẽ tranh tiếp…
Vượt qua bệnh tật Học tới lớp 9, Thạnh bỏ ngang. Anh chỉ muốn được học vẽ. Thạnh xin lên thị xã học trung cấp mỹ thuật. Sau giây phút “bàng hoàng”, bố mẹ và anh chị trong nhà ngăn cản quyết liệt. Họ sợ Thạnh học không nổi, nhà lại nghèo. Suốt 5-6 tháng ròng, Thạnh ra đồng làm từ sớm cho tới tối mịt mới về. Lúc nào cũng im ỉm, ủ rũ. Cuối cùng bố mẹ phải chiều lòng con. Năm 2001, Thạnh trốn nhà lên Sài Gòn ôn thi vào Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Ban ngày đi làm thêm, ban đêm tới lớp luyện thi. Thạnh xin phụ việc cho một công ty quảng cáo ở đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh), cầu Kiệu (Q.Phú Nhuận) rồi chép tranh thuê cho phòng tranh ở quận 1, quận 3… để có tiền thuê nhà và luyện thi. Mới luyện được hơn hai năm thì Thạnh phải trở về nhà vì một cơn bệnh “một sống chín chết”. Cơn bệnh đã khiến anh bị liệt rồi hư hẳn một bên tai. Vừa đi lại được, anh lại lên Sài Gòn ôn thi tiếp. Năm 2005, Thạnh mới trở thành sinh viên ĐH Mỹ thuật TP.HCM. |