23/12/2024

Vượt lên hoàn cảnh

Chồng mất, con mất bởi “căn bệnh thế kỷ” AIDS, không ít phụ nữ ở xã Ân Hoà (H.Kim Sơn, Ninh Bình) rơi vào cảnh tuyệt vọng bởi sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng

 Vượt lên hoàn cảnh

Chồng mất, con mất bởi “căn bệnh thế kỷ” AIDS, không ít phụ nữ ở xã Ân Hoà (H.Kim Sơn, Ninh Bình) rơi vào cảnh tuyệt vọng bởi sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng.

Tầm 15 năm về trước, hàng trăm thanh niên huyện Kim Sơn, Ninh Bình ôm mộng đổi đời, rời quê, tứ tán đi tìm miền đất hứa tại các bãi đào đãi vàng, khai thác khoáng sản, đá đỏ ở Quỳ Châu (Nghệ An), Na Rì (Bắc Kạn), Lai Châu… Bẵng đi một thời gian, trai làng trở về quê hương không những không thực hiện được giấc mơ đổi đời mà phần đông còn thua lỗ, kiệt quệ về kinh tế, mang theo hậu quả từ các tệ nạn xã hội: ma tuý, mại dâm.

Buồn tủi

Chị Vũ Thị Xuân – gia đình đến 3 người có HIV/AIDS (vợ, chồng và con gái thứ hai) thuật lại quãng đời khốn khổ đã và đang phải trải qua: “Năm 2005, chồng tôi ốm nặng phải đưa lên bệnh viện tuyến trên, bác sĩ cho biết anh ấy đã bị nhiễm H và kết quả sau đó cho thấy cả tôi và cháu cũng có HIV. Lặn lội về quê bán đất, đi vay nặng lãi được 18 triệu lên Hà Nội chạy chữa, chăm sóc cho chồng và con. Sau một thời gian bệnh tình thuyên giảm, hai vợ chồng cùng con về quê thì bị dân làng xa lánh… Khi cháu T. đi học, nhiều phụ huynh không đồng ý cho con mình học chung với các cháu có H. Ngay cả thầy cô giáo cũng có người e ngại, không muốn nhận các cháu vào lớp. Có bận đến trường, nhìn thấy bạn bè không cho cháu chơi chung mà ứa nước mắt…”.

Có lẽ lâu lắm mới thấy có người lạ đến nhà, cháu T. nấp sau cánh cửa nhìn chúng tôi bằng ánh mắt dè chừng, cảnh giác. Tôi bước tới chìa tay về phía T., như một phản xạ tự nhiên cháu co rúm người lại lẩn tránh ánh nhìn và bàn tay của tôi. Từ sâu trong ánh mắt của đứa bé 7 tuổi là sự tủi thân khi mang trong người căn bệnh quái ác. Tôi ôm cháu vào lòng thì chỉ trong giây phút dường như cháu trở về tuổi thơ đúng nghĩa của một đứa trẻ bình thường, miệng tíu tít kể chuyện học hành… như cả hai đã quen từ lâu lắm. Chị Xuân lén quay đi gạt những giọt nước mắt.

 

Tuy nhiên, điều quyết định không hoàn toàn nằm ở thuốc điều trị. Bởi lẽ, yếu tố này chỉ hỗ trợ được 20%; 80% còn lại là sự quan tâm, yêu thương và chia sẻ chân thành từ phía gia đình và cộng đồng

 

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng H.Kim Sơn, Ninh Bình

Cùng có chung cảnh ngộ, chị Trần Thị Thu (31 tuổi) ở xóm 14 nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Vợ chồng đang sống cùng nhau, bỗng chốc anh ấy đã lìa xa tôi vĩnh viễn. Những ngày đơn độc, cùng đường hai mẹ con phải đối mặt với sự hắt hủi của gia đình, xóm giềng. Biết hai mẹ con có H, đi xin việc ở đâu người ta cũng không nhận. Thất vọng chán chường, bất lực, tôi chỉ còn biết ôm con khóc trong nỗi tuyệt vọng”.

Chung tay

Sau những ngày tháng trăn trở, được chính quyền địa phương ủng hộ, chị Vũ Thị Xuân đã mạnh dạn đứng ra thành lập câu lạc bộ (CLB) “Ân Hoà khát vọng tình thương” với 40 thành viên do chính chị làm trưởng nhóm: “Khi không còn nơi bấu víu, nương tựa, người bệnh phải sống những ngày cuối đời trong sự cô đơn, tuyệt vọng đến cùng cực. Với họ, một lời động viên, chia sẻ của người thân và của cộng đồng là báu vật vô giá. CLB ra đời đã đánh dấu sự đổi thay lớn đối với những người có H tại đây. Chúng tôi đã tích cực tuyên truyền cho cộng đồng hiểu về cơ chế lây lan của căn bệnh, thuyết phục những gia đình có người bị nhiễm bệnh không xa lánh, hắt hủi đối với con, em mình. Tuy thời gian hoạt động chưa dài lắm nhưng, CLB đã tạo được hiệu ứng xã hội khả quan rõ nét”.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng H.Kim Sơn cho biết: “Thực ra kiến thức HIV dự phòng không khó, cái chính là làm sao để người nhiễm tiếp cận được thông tin, điều trị sớm, không bị mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội. Tuy nhiên, điều quyết định không hoàn toàn nằm ở thuốc điều trị. Bởi lẽ, yếu tố này chỉ hỗ trợ được 20%; 80% còn lại là sự quan tâm, yêu thương và chia sẻ chân thành từ phía gia đình và cộng đồng”.