23/12/2024

Hồng Sáp – Chỉ mong có tờ hộ khẩu

Mấy chục năm nay, từ khi đoàn Huỳnh Long giải thể, tờ hộ khẩu tập thể đã bị xoá bỏ, còn giấy tờ tuỳ thân của gia đình bà cất trong cái rương gỗ đi hát đã bị ăn trộm lấy mất

 Hồng Sáp – Chỉ mong có tờ hộ khẩu

Hồng Sáp được giới làm phim yêu mến, vì hoàn cảnh khó khăn của bà và vì tính tình hiền lành, chịu khó. Gặp bà, ai cũng thấy một nụ cười trên môi, đâu có ngờ bà phải sống vất vả và tạm bợ.

Gương mặt nữ nghệ sĩ Hồng Sáp có nét già nua khắc khổ, đầy chịu đựng, nhưng khi cười thì sáng trưng nét nhân hậu, lạc quan. Quả là một gương mặt mà đạo diễn rất cần. Không chịu đựng sao được khi một mình nuôi con, đến lượt con và dâu cùng qua đời rất sớm, bỏ lại đứa cháu nội đỏ hỏn cho bà chăm sóc. Chính vì vậy người con trai út không dám có vợ, phải sống đơn thân đến nay đã 44 tuổi để làm chỗ dựa cho mẹ và cháu.

Anh là nhạc sĩ Dĩ An, thường đánh trống cho các tuồng cải lương hoặc các buổi tiệc tùng có đờn ca cổ nhạc, cũng là một cầu thủ trong đội bóng nghệ sĩ. Những người bạn gái của anh lần lượt chia tay vì anh mang nặng nỗi niềm: “Mẹ tôi mà tôi nuôi còn chưa nổi, sao dám nuôi ai”. 

 

Nữ nghệ sĩ Hồng Sáp sinh năm 1930, tại Hà Nội. Cha bà là nhạc công đàn cổ nhạc cho Đoàn cải lương Kim Chung, còn mẹ là đào hát của đoàn. Năm 1940, Kim Chung vào Sài Gòn, cả gia đình bà vào theo, và 15 tuổi bà trở thành diễn viên nối nghiệp cha mẹ. Hết Kim Chung, bà bôn ba cùng đoàn Nam Hồng, Huỳnh Long, Phước Thành… 60 tuổi, không còn sức để hát, bà phụ trách trang phục cho anh em nghệ sĩ. Mấy năm nay bỗng dưng bà “nổi tiếng” nhờ những vai bà nội, bà ngoại, vai lão cái bang… trong phim Khóc thầm, Dốc tình, Xóm bắt cào cào, Tình cha con, Đôi mắt nhung… Thật sự bà không nhớ nổi mấy chục phim đã đóng, chưa kể còn minh hoạ cho các album ca nhạc, đóng phù thuỷ cho phim thiếu nhi.  

 

Ba mảnh đời nương tựa vào nhau, lấy ngôi đình Nhơn Hoà tại Cầu Muối (TP.HCM) làm nơi chốn đi về. Thật ra đó là sân khấu của Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long ngày xưa, giờ đoàn giải thể, chỉ còn nơi thờ thần. Nhưng bàn thờ tổ của đoàn thì vẫn còn trên gác lửng, và bà Hồng Sáp là người tới lui chăm sóc, đốt nhang. Trên gác lửng còn có chỗ chứa trang phục cải lương của cô Kim Phượng làm chủ, nhờ bà chăm nom, rồi cô trả lương chút ít mỗi khi có người đến thuê, khoảng 100.000 – 150.000 đồng. Khi có suất diễn, bà soạn đồ, rồi theo chân nghệ sĩ để lúc chuẩn bị diễn thì mặc áo, cài dây, cài mão giúp họ. Trang phục cải lương rất phức tạp, phải có người rành rẽ và phụ giúp khi mặc vào, cởi ra như thế. Nghệ sĩ hay thương tình, cho bà thêm chút tiền riêng, bà rất cảm động. Bà nói: “Chương trình của Bảo Quốc vừa rồi, cô Thuỷ vợ Bảo Quốc cho tôi tới mấy trăm ngàn, tôi mừng quá”. Với bà, mấy trăm ngàn là khá nhiều.

Bà đứng chen lẫn trong đám trang phục đầy màu sắc của vua chúa, hoàng tử, vóc dáng nhỏ bé của bà như một con chim sẻ buồn bã. Thấy nét mặt bà khổ quá, tôi bảo bà cười để chụp lại tấm ảnh khác. Thật lạ, bà cười rất tươi, chẳng còn dấu vết gì của cái khổ ban nãy. Chắc trời cho vậy để bà kiên cường mà sống mấy chục năm qua. Căn gác lửng đầy những bao bì đựng trang phục, nhưng là chốn thân yêu của bà, ngày nào bà cũng tới chăm lo tận tụy. Dẫu sao, cải lương cũng là một phần máu thịt của bà, giờ vàng son còn một chút này thôi… Không có ai thuê đồ thì bà đi loanh quanh trong đình, hoặc ra mấy hàng rau củ của chợ Cầu Muối. Mỗi ngày bà chỉ dám đi chợ vài ba chục ngàn dành cho gia đình ba miệng ăn, nếu không có tiền thì đi mượn, rồi khi có sô, lãnh thù lao trả lại. Lây lất rồi cũng qua.

Nhưng đình không phải là chỗ để ở, nên bà và con cháu phải qua tuốt quận 7 thuê căn phòng nhỏ xíu chừng 20m2 để tối có nơi chạy về mà ngủ. Quận 7 giờ trở thành khu đô thị mới, tự nhiên giá cả tăng vọt, anh Dĩ An vất vả lắm mới đủ trả tiền hằng tháng. Còn bà sáng đi xe ôm qua đình, chiều đi xe ôm về để nấu cơm cho con cháu. Mấy anh xe ôm chợ Cầu Muối vậy mà sống có tình, chở bà xa lắc mà lấy có 10.000 đồng. Bà nói, mắt đỏ hoe: “Tôi cảm ơn tổ còn thương, cho tôi sống được bằng hai bàn tay. Nhưng tâm nguyện cuối cùng của tôi là có được tờ hộ khẩu và chứng minh nhân dân cho con tôi”. Hoá ra, mấy chục năm nay, từ khi đoàn Huỳnh Long giải thể, tờ hộ khẩu tập thể đã bị xoá bỏ, còn giấy tờ tuỳ thân của gia đình bà cất trong cái rương gỗ đi hát đã bị ăn trộm lấy mất. Thế là chẳng còn một chút gì chứng minh thân phận. May mắn bà có thẻ hội viên Hội Sân khấu TP.HCM, bà quý như vàng. Nhưng bà nói: “Tôi già rồi, sống chết tới nơi, giấy tờ không quan trọng nữa. Chỉ cần có tờ hộ khẩu cho thằng Dĩ An để nó sống mà nuôi cháu. Mong có ai đó giúp đỡ”.