Bám rừng… ôm nợ
Nhiều năm qua hàng ngàn người dân vùng đệm rừng U Minh (Kiên Giang, Cà Mau) luôn sống trong cảnh lo lắng vì mắc nợ ngân hàng. Nhiều khoản nợ vay từ nhiều năm qua không thể trả và nghèo đói vẫn đeo bám họ
Bám rừng… ôm nợ
Nhiều năm qua hàng ngàn người dân vùng đệm rừng U Minh (Kiên Giang, Cà Mau) luôn sống trong cảnh lo lắng vì mắc nợ ngân hàng. Nhiều khoản nợ vay từ nhiều năm qua không thể trả và nghèo đói vẫn đeo bám họ.
Năm 1999, tỉnh Kiên Giang triển khai đề án phát triển kinh tế vùng đệm rừng U Minh Thượng thuộc địa bàn hai xã Minh Thuận và An Minh Bắc (huyện U Minh Thượng). Hàng ngàn hộ dân nghèo được đưa đến vùng này khai hoang lập nghiệp. Theo đề án, ngân hàng đầu tư vốn vay để múc bờ bao khép kín và cho nông dân vay vốn sản xuất.
Lúa thất mùa, tràm mất giá
Tại vùng đệm U Minh Thượng, ông Lê Văn Chương, ấp Minh Kiên A (xã Minh Thuận), cho biết vùng đất này nhiễm phèn rất nặng nên lúa cấy xuống phát triển chậm. “Làm lúa một năm một công lớn (1.200m2) thu hoạch chừng 5-7 giạ lúa (100-140kg) nên dân vùng này đói thường xuyên” – ông Chương nói.
Khi nhắc đến số nợ ngân hàng, ông Chương buồn thiu: “Khi triển khai đề án tôi vay 29 triệu đồng nhưng tới nay hơn 10 năm vẫn chưa trả được, không biết tiền lãi bao nhiêu”. Tương tự, ông Trần Văn Nam, ấp Minh Kiên B, cũng than thở: “Ngân hàng đòi hoài mà lấy tiền đâu trả. Giờ mùa vụ đến rồi, tôi phải vay nóng để sản xuất”.
Theo các hộ dân nơi đây, do là đất vùng đệm nhiễm phèn nên trong 5-6 năm đầu triển khai đề án, sản xuất lúa, mía không hiệu quả, cộng với mất mùa liên tục… khiến cuộc sống người dân chật vật. Còn trồng tràm, thời điểm bắt đầu đề án giá cừ tràm 60-70 triệu đồng/ha, ai cũng ngỡ chỉ cần một vụ tràm là trả xong nợ.
Nhưng oái oăm thay khi tràm bán được cũng là lúc giá rớt thê thảm, bán không ai mua, trong khi theo đề án không được trồng cây khác. “Số lãi của hầu hết hộ dân còn nợ ngân hàng đều tăng hơn gấp đôi so với nợ gốc” – ông Nguyễn Việt Hùng, phó chủ tịch UBND xã Minh Thuận, ngao ngán khi nhắc đến số nợ của người dân sống trong vùng đệm. Theo khảo sát, trung bình mỗi hộ nợ 50-60 triệu đồng, có hộ lên đến cả 100 triệu đồng trong khi đa số mức thu nhập chỉ vừa đủ ăn.
Còn tại vùng đất U Minh Hạ, người dân nơi đây có thâm niên “sống chung với rừng” lâu năm hơn. Từ đầu năm 1991, tỉnh Minh Hải (nay đã chia thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau) thực hiện chủ trương xã hội hoá nghề rừng đã có 6.000 hộ dân nhận khoán với diện tích khoảng 33.000ha. Thế nhưng sau 20 năm, nhiều hộ dân vẫn lâm vào cảnh nợ nần.
Bà Nguyễn Thị Ninh (ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Vùng đất này khắc nghiệt lắm! Làm lúa một năm ăn chừng ba tháng là hết, nên còn rất nhiều hộ nghèo”. Theo bà Ninh, nguyên nhân lúa thất mùa là vì đất này phèn quá nặng, lúa cấy xuống lên không nổi.
Theo ông Nguyễn Hoàng Cầu, trưởng ấp 13, xã Nguyễn Phích, gần một nửa ấp là hộ nghèo, trong đó rất nhiều hộ nợ ngân hàng từ hơn chục năm qua chưa dứt, với mức nợ trung bình 35 triệu đồng/ hộ.
“Giải cứu” nợ
Ông Lý Nam Hải – giám đốc chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Cà Mau – cho biết ngay từ những năm đầu khi triển khai giao khoán đất rừng tại U Minh Hạ, ngân hàng đã hỗ trợ vốn cho dân để cải tạo, đầu tư sản xuất.
Theo tổng hợp vùng đệm U Minh Hạ có hơn 3.200 hộ vay với số tiền trên 76 tỉ đồng. Hiện nhiều hộ rất khó khăn trong việc trả nợ nên nợ cứ phình nợ.
“Trên nguyên tắc vay thì phải trả, nhưng khi xét những trường hợp cụ thể, nếu dân gặp khó khăn thật sự, ngoài miễn lãi phạt, chúng tôi cũng có thể miễn 20% tiền lãi trong hạn. Ngoài ra, có thể ưu tiên cho người dân trả nợ gốc trước còn lãi trả sau nhằm tránh phát sinh lãi”, ông Hải nói.
Để tìm giải pháp “giải cứu” nợ ngân hàng của người dân, tỉnh Kiên Giang đã tiến hành thành lập ban chỉ đạo thu hồi nợ. Bà Nguyễn Thị Kim Liên – phó chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng – cho biết: ban chỉ đạo thu hồi nợ đã thống nhất với các ngân hàng trên địa bàn là xoá lãi, chỉ thu nợ gốc cho những hộ nghèo và cận nghèo. Các đối tượng còn lại chỉ thu nợ gốc và lãi trong hạn.
“Các chính sách miễn, giảm trên chỉ thực hiện trong thời gian từ đây đến hết năm 2011. Sau thời gian này việc thu hồi nợ vẫn tiến hành… như cũ”, bà Liên nói. Cũng theo bà Liên, hiện còn trên 1.100 hộ dân vùng đệm mắc nợ các ngân hàng 32 tỉ đồng nợ gốc và tiền lãi “đội” lên trên 41 tỉ đồng.
Tách dân ra khỏi rừng Để tìm lối ra cho các cư dân sống trong vùng đệm, ông Nguyễn Bá Thuấn – Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau) – cho biết đang triển khai lập quy hoạch chi tiết đề án tổ chức lại sản xuất và bố trí lại dân cư khu vực rừng tràm. Mục tiêu của đề án là tách dân ra khỏi rừng, giải quyết mâu thuẫn giữa rừng và nông nghiệp. Theo ông Thuấn, thực tiễn gần 20 năm qua cho thấy việc bố trí sản xuất lúa xen kẽ với rừng không bền vững, kém hiệu quả và chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Cụ thể để đắp đập giữ nước phục vụ chống cháy về mùa khô sẽ làm lúa bị ngập úng và ngược lại, nếu xả nước để sản xuất lúa thì nguy cơ cháy rừng sẽ tăng lên. Mặt khác, do bố trí đất sản xuất nông nghiệp đan xen với đất rừng nên không có điều kiện cải tạo đất, dẫn đến năng suất cả lúa và rừng đều thấp, chất lượng kém. Mặc dù đa số người dân đồng thuận với việc sắp xếp lại sản xuất, dân cư nhưng không ít người còn băn khoăn. Ông Lưu Hoàng Tiễn nói đất giao khoán hiện đã được cải tạo, ít nhiều có thể sống đắp đổi qua ngày, nếu được giao đất mới mà không được Nhà nước hỗ trợ thì không có vốn đầu tư sản xuất, cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Ông Lê Thanh Triều – chủ tịch UBND huyện U Minh – cho biết tách dân ra khỏi rừng bố trí lại cho hợp lý là việc làm cấp thiết để tổ chức lại sản xuất, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên theo ông Triều, việc tách dân ra khỏi rừng cần tránh làm ồ ạt, xáo trộn cuộc sống người dân. Trước mắt làm thí điểm, xem tính hiệu quả và khả thi như thế nào rồi rút kinh nghiệm triển khai quy mô lớn. |