Diễn văn khai mạc buổi Toạ đàm và Lễ Ra mắt UBCLHB của Đức cha Chủ tịch HĐGMVN
Nguyện xin Thiên Chúa ban cho anh chị em lòng nhiệt thành và niềm hăng say phục vụ mọi người trong cương vị là những người cổ vũ và thực thi công lý và hoà bình cho Dân tộc và Giáo hội Việt Nam chúng ta hôm nay.
BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHÊRÔ
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
NHÂN NGÀY RA MẮT UỶ BAN CÔNG LÝ VÀ HOÀ BÌNH (27-5-2011)
Kính thưa Đức cha Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hoà bình trực thuộc HĐGM Việt Nam.
Kính thưa quý Đức Cha
Kính thưa quý anh em linh mục, quý tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em.
Kính thư quý vị,
1. Trước hết, tôi xin gởi đến anh chị em lời chúc bình an của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và nhờ lời bầu cử của Mẹ Maria, nguyện xin Thiên Chúa ban cho anh chị em lòng nhiệt thành và niềm hăng say phục vụ mọi người trong cương vị là những người cổ vũ và thực thi công lý và hoà bình cho Dân tộc và Giáo hội Việt Nam chúng ta hôm nay.
2. Khi đến trần gian, Đức Giêsu đã nói: “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45). Ngài động lòng trắc ần trước những nỗi đau khổ của nhân loại và suốt quãng đời rao giảng Tin Mừng, Ngài đã chữa lành các bệng nhân, cho kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói, kẻ què được đi (x. Mt 11,5). Ngài được sai đến để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành cho những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa (x. Lc 4,18-19). Việc noi gương Chúa Giêsu yêu thương và phục vụ sẽ là nguồn an ủi lớn lao cho mọn người, nhất là những người đang phải chịu nghịch cảnh trong cuộc sống. Tinh thần phục vụ quảng đại đầy tình thương của anh chị em trong việc cổ vũ công lý và hoà bình sẽ giúp cho mọi người nhận thấy Đức Giêsu Kitô đang sống và phục vụ mà chính anh chị em là hiện thân của Ngài.
3. Chính vì thế, thay mặt Hội đồng Giám mục, tôi mong muốn bày tỏ một số suy nghĩ bắt nguồn từ Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo hội Công giáo về những vấn đề xã hội trong hoàn cảnh hiện nay.
Theo mạc khải Kinh Thánh, hoà bình là một điều lớn lao cao cả chứ không chỉ là vắng bóng chiến tranh; hoà bình nói lên cuộc sống sung mãn (x. Mch 2,5). Hoà bình là kết quả của phúc lành Chúa ban cho dân Ngài: “Đức Chúa đoái nhìn đến các ngươi và ban cho các ngươi sự bình an” (Ds 6,2). Hoà bình sẽ mang lại sự sung túc (x. Is 48,19), sự an vui (x. Is 48,18), thịnh vượng (x. Is 54,13), không lo sợ (x. Lv 26,6) và niềm vui sâu xa (x. Tv 12,20) (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 489). Vì hoà bình là một trong những ân huệ cao cả nhất mà Chúa ban cho mọi người, nên để xây dựng hoà bình và cổ vũ công lý, chúng ta cần phải tùng phục kế hoạch của Thiên Chúa.
4. Như chúng ta đã biết, chính ĐGH Phaolô XVI bằng Tự sắc Catholicam Christi Ecclesiam (Giáo hội Công giáo của Đức Kitô) ngày 1-6-1967, ngài khuyến khích cộng đồng Công giáo ý thức quan tâm đến những vùng nghèo khổ và gia tăng công lý xã hội trong bối cảnh quốc tế. Và qua nhiều giai đoạn hoạt động, thành quả của nó chính là Tự sắc Justitiam et Pacem (Công lý và Hoà bình) mà ĐGH Gioan Phaolô II đã công bố ngày 10-2-1976, nhắm đến mục tiêu và nhiệm vụ cổ vũ công lý và hoà bình theo đường hướng của Tin Mừng và giáo huấn xã hội của Giáo Hội, sao cho những quyền và tự do căn bản của con người được thể hiện một cách trọn vẹn.
Bởi lẽ ấy, cổ vũ một nền hoà bình và công lý cho xã hội hôm nay, trước hết là mang khuôn mặt yêu thương của Chúa Kitô đến với mọi người. “Đó là một Thiên Chúa gần gũi với những người nghèo, những người bị bỏ rơi, những người thấp hèn… một Thiên Chúa đồng bàn với các người tội lỗi, bảo đảm với họ rằng trong bàn tiệc của Chúa Cha sẽ có chỗ cho họ nếu họ biết từ bỏ con đường tội lỗi mà quay về với Chúa Cha. Thứ đến, vì tôn trọng quyền con người nên Ngài để cho mọi người tự do tiếp xúc với Ngài và không muốn một ai bị loại trừ khỏi tình thương của Ngài (x. Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu, số 11,2). Chính vì thế, trên nẻo đường cổ vũ một nền công lý và hoà bình trong hoàn cảnh hiện nay, người môn đệ của Chúa Kitô trong mọi ngôn từ và hành động phải mang tính Tin Mừng, để mọi người được chiêm ngưỡng và nhận thấy Thiên Chúa nghiêng mình, đoái thương, tôn trọng và gần gũi với mọi người.
5. Lịch sử hiện diện của Giáo hội Công giáo Việt Nam qua hơn 4 thế kỷ giữa Dân tộc và Đất nước Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào đời sống và sự phát triển của đất nước. Tưởng cũng cần phải nhắc lại Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa năm 2010 là kết quả của việc cầu nguyện và suy tư của mọi thành phần dân Chúa. Sứ điệp là định hướng cho Giáo hội Việt Nam sống Tin Mừng Chúa Kitô trong hoàn cảnh hôm nay và hướng về tương lai. Hội đồng Giám mục Việt Nam đã xác định hướng đi tiếp nối công trình của cha ông khi tuyên bố: “Hội Thánh ngày nay cũng phải dấn thân vào việc xây dựng đất nước về mọi mặt: văn hoá xã hội cũng như kinh tế chính trị, vì ý thức rằng: “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo, không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm”. Khi dấn thân xây dựng xã hội trần thế, Hội Thánh không hề muốn thay thế chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, Hội Thánh có thể góp phần vào đời sống của đất nước, nhắm phục vụ tất cả mọi người dân. Đó cũng là lời chứng cho mọi người thấy vẻ đẹp đích thực của Tin Mừng như ĐTC Bênêđictô XVI nhắn nhủ chúng ta, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt” (số 4).
Anh chị em thân mến, rất nhiều người trong xã hội đang âm thầm, khiêm tốn phục vụ quên mình trong mọi lĩnh vực để làm chứng cho nền văn mình tình thương. Nhiều mẫu gương sống đức độ thật đáng khâm phục. Tin Mừng tình yêu Chúa Kitô vẫn sống động qua các tổ chức và cá nhân như thế điều đó sẽ là một minh chứng hung hồn cho sự hiện diện của Chúa Kitô. Thư Chung của các Đức Giám mục Việt Nam công bố ngày 1-5 vừa qua, nhân ngày Chúa Nhât kính lòng thương xót của Chúa và là ngày Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II được tôn phong chân phước, mời gọi tất cả chúng ta “cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”. Với những mục tiêu trên, tôi mong anh chị em không ngừng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tu nghiệp, nhất là phải đắm chìm trong Lời Chúa, theo sát giáo huấn của Giáo Hội về các vấn đề xã hội để việc phục vụ anh chị em thực sự nối dài tình yêu thương của Thiên Chúa đến với mọi người. Như vậy, cách nào đó, công việc loan báo Tin Mừng Chúa Kitô trong lĩnh vực cổ vũ một nền hoà bình và công lý chân chính, sẽ cho mọi người thấy khuôn mặt từ ái của Đức Giêsu Kitô và ơn cứu độ của Ngài để mọi người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).
Xin Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần chúc lành và ở cùng anh chị em luôn mãi.