23/01/2025

Chúa Nhật IV PS – A: Tiếng gọi cho người hành khất Kitô

Hôm nay tiếng gọi ấy vẫn còn vang lên để gửi tới mỗi người chúng ta, biến chúng ta thành những hành khất của Bang chủ Kitô mang lưỡi gươm Lời Chúa đi khắp nơi hành hiệp giang hồ

 

Tiếng gọi cho người hành khất Kitô

Hành Khất Kitô

 

Lời mở

Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Giáo Hội mời gọi chúng ta cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Mỗi người tín hữu là con chiên trong đàn chiên của Chúa Kitô, Người Mục tử nhân lành, vì Người đã gọi tên từng người chúng ta từ muôn thuở khi dựng nên ta, đặt chúng ta vào trong thế gian này, đã chịu chết và sống lại vì ta để dẫn ta vào đồng cỏ Nước Trời, chia sẻ cho chúng ta sự sống nhiệm mầu của Thiên Chúa. Như thế, mỗi người tín hữu đều đã nghe được tiếng gọi của Đức Giêsu Kitô.

Hôm nay chúng ta muốn cùng nhau tìm hiểu về tiếng gọi đặc biệt mà Chúa Giêsu có thể gửi đến cho từng người chúng ta. Tiếng gọi ấy là gì? Làm sao nghe được tiếng gọi đó và đáp lại tiếng gọi ấy như thế nào?

1. Tiếng gọi ấy là gì?

Ơn gọi, hay ơn thiên triệu, là lời mời gọi của Đức Giêsu gửi đến bất kỳ ai trong chúng ta để mời gọi người ấy theo sát Đức Giêsu, trở thành tông đồ chài lưới người cho Chúa, trở thành nhân chứng sống động của Đấng Phục Sinh.

Chúng ta hãy nhớ lại hình ảnh của Đức Giêsu đi trên bờ biển Galilê và mời gọi những môn đệ đầu tiên gia nhập vào cộng đồng tông đồ như Phêrô, Andrê, Giacôbê, Gioan và Lêvi – người thu thuế (x. Mt 4, 18-22).  Tiếng gọi ấy không dành riêng cho nam giới hay những người đạo đức vì Người tiếp tục gửi tiếng gọi ấy cho Maria Madalena, một cô gái mại dâm, nhưng đã nghe được tiếng mời gọi của Người và thay đổi đời sống (x. Mt 16, 9-11). Tiếng gọi ấy cũng được gửi đến Matta, Maria, Lazarô và nhiều người khác:  cô Matta nói với cô Maria: “Thầy đến rồi và Thầy gọi em” (x. Ga, 11,8). Tiếng gọi ấy gửi đến riêng từng người, giống như Maria Madalena bên mồ Chúa: Người gọi “Maria!” và chị đã nhận ra Chúa Giêsu (x. Ga, 20, 16).

Tiếng gọi đặc biệt ấy gửi đến tất cả những ai muốn bước theo sát Chúa Giêsu, nghe lời dạy bảo thâm sâu của Người, nhìn tận mắt những hành động phi thường của Người như chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, tha thứ tội lỗi và mang lại ơn cứu độ cho nhiều  người khác. Tiếng gọi ấy dành cho những ai muốn cùng với Người phân phát những tấm bánh, con cá, giúp người bệnh đến gần Chúa Giêsu để được Người chữa lành. Tiếng gọi ấy gửi đến ai muốn trở thành những chứng nhân của Đấng Phục Sinh, khi Chúa Giêsu hiện ra với họ, cho họ xác tín sự hiện diện sống động của Người. Tiếng gọi ấy mời gọi họ gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu để Người chuyển thông cho họ sức mạnh, tình yêu, quyền năng rồi sai từng nhóm người đi để chuẩn bị cho Người và họ lại tiếp tục công trình kỳ diệu mà Chúa Giêsu muốn họ thực hiện khi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Đó là tiếng gọi đầy tự do đáp trả vả đầy tình yêu để nhận lãnh.

Chúng ta có nhận ra được tiếng gọi ấy gửi tới mình hay không?

2. Tiếng gọi ấy được thể hiện như thế nào?

Từ khi lập cộng đồng Giáo Hội đầu tiên là các Tông đồ cho đến ngày nay, những ai nghe được tiếng gọi ấy đều muốn diễn tả và thể hiện ơn gọi này trong đời sống của mình theo những lời khuyên Phúc Âm, đặc biệt là ba lời khuyên Nghèo khó – Vâng phục – Khiết tịnh, mà chúng ta thường nghe các linh mục thề hứa với vị giám mục giáo phận hay các tu sĩ khấn hứa với bề trên của mình.

 Nghèo khó vì họ chọn Đức Giêsu là sản nghiệp độc nhất của đời mình và sống theo tinh thần nghèo khó của Người. Đức Giêsu là Thiên Chúa vô cùng giàu có, cao sang đã tự nguyện trở thành con người nhỏ bé, thấp hèn để chúng ta được trở thành Thiên Chúa như Người. Tinh thần nghèo khó này không phải chỉ diễn tả qua đời sống thanh bần, ăn uống đơn sơ, áo quần đơn giản… nhưng hệ tại bắt chước Đức Giêsu để làm cho người khác được giàu có cả về tinh thần lẫn vật chất nhờ sự tự nguyện hy sinh của mình. Đó là những người tu sĩ hành khất, anh chị em của thánh Phanxicô Khó Nghèo, của thánh Đa Minh thời trước.

Vâng phục giống như Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá để đền tội cho con người và cứu thoát nhân loại. Thánh Phêrô trong bài đọc II hôm nay (x.1P 2, 20-25) đã mời gọi ta vâng phục như Đức Giêsu để trở thành chứng nhân của Thiên Chúa.

Khiết tịnh vì những người này đã nhận thức, cảm nghiệm được tình yêu vô bờ của Thiên Chúa nên nhận Chúa Giêsu là người yêu đầu đời và muôn thuở của mình. Từ tình yêu ấy, họ trở thành người hiến thân cho Chúa, trở thành người độc thân vì Nước Trời để toàn tâm, toàn ý phục vụ anh chị em.

Trước đây, người ta thường nghĩ rằng những người nhận được ơn gọi là những người không lập gia đình. Chúng ta đừng hiểu lầm. Ngay từ thời Chúa Giêsu, các tông đồ đều lập gia đình, chỉ trừ Gioan. Ngày nay, chỉ có Giáo Hội Rôma mới yêu cầu linh mục sống đời độc thân. Các giáo hội khác thuộc Công giáo Đông phương cho phép các linh mục trước khi chịu chức Năm, chức Sáu được lập gia đình.

Ngày nay, trong rất nhiều tu hội đời, những người giáo dân nghe được tiếng gọi đặc biệt của Thiên Chúa để hiến thân cho Chúa Giêsu. Họ là những người đã lập gia đình hoặc không lập gia đình nhưng ý thức được tình yêu của Chúa Giêsu và đã chọn Chúa là người yêu đầu đời và độc nhất của mình. Sống đời khiết tịnh là dành trọn vẹn tình yêu cho Chúa Giêsu và cho những anh chị em mang hình ảnh của Người. Họ trở thành những tu sĩ của Thiên Chúa theo những dòng tu, tu hội và tu đoàn khác nhau.

3. Làm sao nghe được tiếng gọi của Chúa Giêsu và đáp lại lời Người?

Tiếng gọi của Chúa Giêsu luôn vang lên trong đời sống của chúng ta, vang lên cho mọi người. Nhưng, chúng ta chỉ có thể nghe được tiếng gọi ấy trong đêm thanh vắng của tâm hồn, khi không có những tiếng vang của tham vọng và dục vọng làm át đi tiếng Chúa. Chúng ta chỉ có thể nghe được tiếng gọi nếu chúng ta có đời sống ổn định, quân bình. Những ai quá lo lắng vì công việc, buôn bán đầu tắt mặt tối, dồn tất cả cho những hoạt động ở trần thế, họ không có khả năng nghe và đáp lại tiếng Chúa, nhất là sống theo ba lời khuyên Phúc Âm.

Chúng ta đừng quên tiếng gọi ấy là của Đức Giêsu chứ không phải của ai khác. Trong lịch sử ơn gọi của các dòng tu, nhiều người đã lầm lẫn tiếng gọi của Chúa Giêsu với tiếng gọi của các thánh lập dòng như thánh Phanxicô Khó Nghèo, thánh Inhaxiô sáng lập Dòng Tên, của thánh Đa Minh sáng lập dòng Đa Minh… Nhiều tu sĩ chỉ bước theo thánh Phanxicô để sống khó nghèo mà quên mất tinh thần nghèo khó của Đức Kitô hay theo thánh Don Bosco để lo cho thanh thiếu niên mà quên mất tinh thần tươi trẻ của Người.

Rồi vì không gắn bó với Chúa Giêsu, nên đời sống họ không toát ra được niềm vui và hạnh phúc, không sử dụng được quyền năng Chúa Giêsu chia sẻ để làm nên những dấu lạ minh chứng cho Người. Vì thế, năm 1992, Thánh Bộ Tu sĩ đã phải ra Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Giêsu Kitô” để mời gọi tất cả bước theo Đức Giêsu và gắn bó với Người.

Tiếng gọi ấy chỉ có thể vang lên trong tâm hồn để ta đáp lại tiếng Chúa nếu chúng ta biết dành thời giờ suy tư, cầu nguyện để tìm được sự an tịnh cho tâm hồn, biết trung thành với bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể như hai môn đệ trên đường Emmaus đã nhận ra Chúa Giêsu khi Người bẻ bánh. Nhất là nếu chúng ta biết gắn bó với Thần Khí tình yêu của Đức Kitô để thể hiện bằng những hành động bác ái cho mọi người sống quanh mình, chúng ta mới cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Đức Kitô Phục Sinh.

Kết luận

Hôm nay tiếng gọi ấy vẫn còn vang lên để gửi tới mỗi người chúng ta, biến chúng ta thành những anh hùng, hiệp nữ cùng với Chúa Giêsu đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng cứu độ và mang lại niềm vui, hạnh phúc cho con người. Chúng ta trở thành những hành khất của Bang chủ Kitô, giống như những đệ tử của Cái Bang ở Trung Hoa thời xưa, mang lưỡi gươm Lời Chúa đi khắp nơi hành hiệp giang hồ. Chúng ta có sẵn sàng nghe tiếng gọi đó và đáp lại không?