Chúa Nhật III PS – A: Đường về Emmaus

Câu chuyện Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus mang rất nhiều ý nghĩa, nhưng hôm nay chúng ta chỉ nên suy nghĩ về một điểm. Đó là hai môn đệ tượng trưng cho người tín hữu chúng ta trong hoàn cảnh sống mang nhiều thử thách như hiện nay

Đường về Emmaus

Hành Khất Kitô

 

Câu chuyện Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus mang rất nhiều ý nghĩa, nhưng hôm nay chúng ta chỉ nên suy nghĩ về một điểm. Đó là hai môn đệ tượng trưng cho người tín hữu chúng ta trong hoàn cảnh sống mang nhiều thử thách như hiện nay.

1. Sống trong cảnh hoang mang, lo sợ

Trước khi đi sâu vào vấn đề, có lẽ chúng ta nên biết sơ qua về tâm trạng hoang mang, lo lắng của hai ông vào buổi sáng ngày Chúa sống lại. Sáng sớm hôm đó, các phụ nữ đã đến mồ Chúa và thấy hòn đá đã lăn ra khỏi cửa mồ. Căn mộ trống rỗng, xác Chúa Giêsu không còn. Họ về báo cho các tông đồ và các môn đệ khác. Vài người đến xem cũng thấy như vậy nhưng chưa ai gặp được Đấng Phục sinh. Lời kể của các phụ nữ còn làm cho mọi người hoang mang hơn. Hai môn đệ trên đường Emmaus đã ở lại suốt buổi sáng để nghe ngóng tin tức về Chúa Giêsu, về phản ứng của chính quyền.

Họ tính toán, lo lắng sợ hãi: nếu mình còn lại ở Giêrusalem thì chính quyền Rôma và những người có trách nhiệm canh gác mồ Chúa có thể sẽ bắt họ để điều tra, tốt hơn là nên rời xa nơi nguy hiểm này! Nên sau bữa cơm trưa, họ vội vàng đi ngay về Emmaus cách đó 11km. Trung bình người ta đi bộ 4km/1giờ, quảng đường đi đó phải mất gần3 tiếng đồng hồ. Như vậy sau bữa cơm trưa, họ về tới Emmaus khoảng 4 giờ chiều, lúc đó trời đã xế chiều.

Trong suốt quãng đường đi, họ nói chuyện với một người khách lạ về biến cố Giêsu. Càng nghe họ càng cảm thấy yên lòng vì người lữ khách giải thích cho họ hiểu rõ những gì Thánh Kinh nói về Giêsu là Người phải chịu nhiều thử thách trước khi bước vào vinh quang. Sau khi nhận ra Chúa Giêsu lúc Người bẻ bánh, họ lại vội vàng trở về ngay Giêrusalem, cũng đi mất khoảng 3 tiếng đồng hồ, để gặp lại các tông đồ và những anh em khác vào khoảng 7 giờ tối. Đang khi họ còn đang đứng nói chuyện với nhau thì Chúa Giêsu hiện ra nói: “Bình an cho anh em”, Người thổi hơi trên các môn đệ và ban Thánh Thần cho họ (x. Lc 24, 36-43; Ga 20, 19-20).

2. Hy vọng và thất vọng

Hai môn đệ trên đường Emmaus đã theo Chúa Giêsu, đã tận mắt thấy những phép lạ Chúa Giêsu làm để chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, tận tai nghe những lời giảng đầy uy quyền của Người. Họ đã từng giúp bệnh nhân đến với Chúa Giêsu, cùng chia những tấm bánh, con cá cho người khác trong phép lạ Người làm hoá bánh ra nhiều. Họ cảm thấy hãnh diện vì được cộng tác với Giêsu, Người Thầy vĩ đại, để cứu độ toàn thế giới. Họ thấy đời mình có ý nghĩa. Họ hy vọng rất nhiều vì với quyền năng của Thiên Chúa, Đức Giêsu có thể cứu dân tộc Do Thái thoát khỏi ách nô lệ của người Rôma và mang lại hoà bình, thịnh vượng cho nhiều dân tộc khác. Họ đã từng được Người chia sẻ quyền năng làm phép lạ, chữa lành bệnh nhân nên họ đã mơ ước rất nhiều.

Tuy nhiên, họ đã thất vọng, thất vọng vì thấy Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, vì thấy Người không phản kháng mà lại chết một cách nhục nhã, thụ động. Họ chờ đến ngày thứ ba vì hy vọng Người sẽ sống lại như Người đã báo trước. Quả thật sáng ngày thứ ba, cửa mồ đã mở, nhưng xác Chúa Giêsu lại không còn. Họ đã sợ hãi và nghĩ rằng phải tránh xa nơi nguy hiểm cho cuộc đời của họ.

Có lẽ chúng ta cũng giống như hai môn đệ đi về Emmaus, những người theo Chúa Giêsu. Chúng ta cũng mơ ước thật nhiều vì chúng ta thấy rằng làm tín hữu là chúng ta được bình an, hạnh phúc với những nghi lễ trang nghiêm, những lời giảng dạy lạ lùng và bí tích nhiều ý nghĩa trong cộng đồng Giáo Hội. Chúng ta hy vọng nhiều thứ: đau bệnh thì nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, thánh Giuse che chở, ta có thể – giống như rất nhiều anh em khác – được chữa lành. Cùng lắm là ta ra La Vang, đến Tà Pao để xin ơn, xuống cha Bửu Diệp để cầu khẩn. Gặp nghèo khó, cứ cầu nguyện, hy vọng Chúa sẽ giải thoát chúng ta, cho trúng số hay có ai cho vay tiền vì Người yêu thương chúng ta cơ mà! Chúng ta hy vọng sẽ làm được việc này, việc nọ theo ý chúng ta để làm sáng danh Chúa và đem lại hạnh phúc cho con người!

Nhưng khi thấy Chúa Giêsu không đáp lại nguyện vọng của mình, không đáp ứng điều chúng ta xin,  chúng ta dần dần thất vọng giống như hai môn đệ trên đường Emmaus. Nhất là khi đời sống đạo đòi ta phải hy sinh, nhục nhã, vất vả, thử thách, chúng ta vội vàng đi về miền quê nào đó để tìm yên ổn cho cá nhân mình.

3. Cuộc can thiệp của Chúc Giêsu

 Nhưng, Chúa Giêsu luôn luôn hiện diện trong cuộc đời của ta. Người không bao giờ bỏ ta. Người theo dõi ta từng bước vì Người dựng nên ta, đã chết và sống lại vì ta. Dưới một hình thức nào đó, qua một con người nào đó, Người đến giải thích cho chúng ta về niềm hy vọng chưa chính đáng của ta, Người dạy cho chúng ta hiểu rằng đời sống người tín hữu cần phải có những đau khổ và thử thách, cần phải chết như Người thì mới hy vọng được sống lại với Người; cần phải gian khổ chiến đấu với Người thì mới mong chiến thắng như Người. Kinh Thánh đã nói rất nhiều qua những lời giảng dạy nhưng hình như chúng ta không lắng nghe, không thấm nhập lời Chúa, không hiểu được ý nghĩa của “người Kitô – được xức dầu” là gì, là ai.

Đứng trước những thử thách, Người mời gọi chúng ta dám chấp nhận như Người bởi vì Cha Trên Trời sẽ ban ân sủng giúp chúng ta đổi mới, giúp chúng ta chia sẻ vinh quang với Đấng Phục Sinh. Khi lắng nghe như vậy, lòng chúng ta mới bắt đầu bừng cháy lên một ngọn lửa mới. Nhưng ngọn lửa đó chỉ mới soi sáng cho tâm trí của chúng ta thôi để chúng ta hiểu cuộc đời người Kitô hữu, cuộc đời của người mang hình ảnh Chúa Giêsu mà Người muốn giới thiệucho thế giới đang sùng bái vật chất và sự sống nhất thời hôm nay. Chúng ta cần phải đi xa hơn.

Chúa Giêsu không chỉ giải thích những lời Kinh Thánh để hai môn đệ hiểu thấu. Người mời gọi hai môn đệ cũng như chúng ta đi sâu hơn vào đời sống bí tích nên Người đã bẻ bánh để họ thấy rằng chính khi họ tham dự bí tích với những ân sủng, nhất là bí tích Mình và Máu Người, họ có sự sống, có sức mạnh để có thể chiến đấu chống lại thử thách, chịu đưng những cơn đau khổ, va chạm, hiểu lầm, phản bội mà họ luôn luôn gặp phải trong cuộc sống. Chính trong ân sủng của bí tích, hai môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu. “Họ nhận ra Người khi Người bẻ bánh”. Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng sẽ nhận ra Người, nhận được những ân sủng của Người để vượt qua những thử thách, đau thương, thất bại trong cuộc đời.

Yếu tố thứ ba là Người mời gọi chúng ta hãy trở về hoà nhập vào cộng đồng, giống như hai môn đệ vội vàng trở về Giêrusalem hoà nhập vào nhóm Mười Một Tông đồ và với anh chị em khác, hoà nhập với Người Mẹ Thánh đang ở đó. Chính trong cộng đồng chúng ta mới được nâng đỡ, yêu thương để cầu nguyện cho nhau, giúp đỡ nhau để trở thành hình ảnh thật sự trọn vẹn của Đấng Cứu Thế gổm cả Đầu và các chi thể trong Thân Thể Nhiệm Mầu. Chính trong cộng đồng đó, Chúa Giêsu hiện ra và ban Thánh Thần của Người cho ta để giúp ta trở thành người chứng cho Người khi chúng ta kể lại những kinh nghiệm sống động của Người cho những anh chị em khác như hai môn đệ Emmaus.

Kết Luận

Hôm nay, hình ảnh của hai môn đệ mời gọi chúng ta suy nghĩ về cuộc sống của mình: chúng ta đã được soi sáng để hiểu giá trị của những đau khổ, thử thách, đã gắn bó với Chúa Giêsu trong đời sống bí tích và gắn bó với Người trong đời sống cộng đồng Giáo Hội chưa? Chúng ta đã làm chứng cho Chúa Giêsu với  hàng xóm láng giềng, tại gia đình, nơi xí nghiệp, chỗ làm việc để nói với họ những gì mà Chúa đã làm cho ta, đã thương ta bởi vì ta đã cảm nghiệm được Đấng Phục Sinh trong cuộc đời chúng ta chưa? Đó là bài học mà chúng ta học được từ hai môn đệ trên đường Emmaus hôm nay./.