Đức Kitô, người bạn đồng hành của chúng ta trên đường Emmau
Tấm thảm kịch của hai môn đệ làng Emmau dường như phản ảnh tình trạng của nhiều Kitô hữu ở vào thời đại chúng ta: dường như niềm hy vọng của đức tin đã tắt ngúm. Đôi khi đức tin cũng bị khủng hoảng do những kinh nghiệm tiêu cực làm cho chúng ta cảm thấy như bị Chúa bỏ rơi
Đức Kitô, người bạn đồng hành của chúng ta trên đường Emmau
Bài nói chuyện giờ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng
Tại Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật III Phục Sinh, 6/4/2008
Anh chị em thân mến,
Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay – Chúa Nhật III Phục Sinh – là trình thuật nổi tiếng về “các môn đệ làng Emmau“ (x. Lc 24, 13-35). Trình thuật đề cập đến hai môn đệ của Đức Kitô, sau ngày hưu lễ, tức là ngày thứ ba sau cái chết của Thầy mình, lòng buồn bã và thất vọng, bỏ đi về một ngôi làng không xa đó bao nhiêu, đó là làng Emmau. Dọc đường đi, Đức Giêsu phục sinh tiến lại gần họ, nhưng họ không nhận ra được Người. Khi thấy họ chán chường, Đức Giêsu, dựa trên nền tảng Kinh Thánh, mà cắt nghĩa cho họ biết là Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ và chịu chết để đi tới vinh quang. Cùng vào nhà với họ, Người ngồi vào bàn, làm phép bánh và bẻ ra, lúc đó họ mới nhận ra được Người, nhưng Người lại biến đi, để họ lại đó, vô cùng thán phục trước tấm bánh bẻ ra, là dấu hiệu mới mẻ nói lên sự hiện diện của Người. Cả hai lập tức quay trở lại Giêrusalem, và thuật lại cho các môn đệ khác điều đã xảy ra cho mình.
Chúng ta không xác định được rõ ràng địa điểm làng Emmau nằm ở đâu. Có nhiều giả thuyết khác nhau, và mỗi gia thuyết đều mang nhiều ý nghĩa, là vì nó cho phép ta được nghĩ rằng, trong thực tế, làng Emmau tượng trưng cho bất cứ địa điểm nào: con đường dẫn ta tới đó, là con đường của bất cứ Kitô hữu nào, và thậm chí của bất cứ con người nào.Đức Kitô phục sinh đã trở nên người bạn đồng hành của chúng ta trên những bước đường chúng ta đi, để thắp lại trong lòng ta sức nóng của đức tin và đức cậy, và bẻ cho ta bánh mang lại sự sống vĩnh cửu. Qua cuộc đối thoại giữa các môn đệ với vị khách lữ hành vô danh, chúng ta bị đánh động bởi câu nói mà Thánh sử Luca đã đặt trên môi miệng của một trong hai môn đệ: “Chúng tôi đã hy vọng…“ (Lc 24, 21). Động từ ở thì quá khứ này đã nói lên tất cả: chúng tôi đã tin, chúng tôi đã đi theo Người, chúng tôi đã hy vọng… nhưng giờ đây, tất cả đã chấm dứt. Đức Giêsu thành Nazareth, Người xuất hiện như một vị Tiên tri có quyền năng trong lời nói cũng như trong hành động, Người cũng đã thất bại và chúng tôi đã thất vọng. Tấm thảm kịch của hai môn đệ làng Emmau dường như phản ảnh tình trạng của nhiều Kitô hữu ở vào thời đại chúng ta: dường như niềm hy vọng của đức tin đã tắt ngúm. Đôi khi đức tin cũng bị khủng hoảng do những kinh nghiệm tiêu cực làm cho chúng ta cảm thấy như bị Chúa bỏ rơi. Nhưng con đường Emmau này, con đường mà trên đó chúng ta bước đi, có thể trở thành một con đường thanh luyện, và làm cho niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa được trưởng thành hơn. Ngày hôm nay cũng thế, chúng ta có thể đàm thoại với Đức Giêsu và lằng nghe Lời Người.Ngày hôm nay cũng thế, Người bẻ cho chúng ta tấm bánh, và tận hiến chính thân mình làm Bánh nuôi sống chúng ta. Và như thế, ngày hôm nay, chúng ta cũng có thể gặp được Đức Kitô phục sinh, và cuộc gặp gỡ này mang lại cho chúng ta một đức tin đích thật và sâu xa hơn, và có thể nói được là một đức tin được tôi luyện trong lửa của biến cố Phục Sinh; một đức tin vững mạnh, không phải bởi vì được nuôi dưỡng bằng những ý tưởng của phàm nhân, mà bằng Lời của Thiên Chúa, và bằng sự hiện diện thực sự của Người trong Bí tích Thánh Thể.
Bản văn tuyệt diệu của bài Tin Mừng này đã chứa đựng cấu trúc của Thánh lễ:phần đầu là phần lắng nghe Lời Chúa qua Thánh Kinh; phần thứ hai là phụng vụ Thánh Thể, và sự hiệp thông với Đức Kitô hiện diện trong Bí tích Mình và Máu Người. Khi nuôi dưỡng mình qua hai bàn tiệc, Hội Thánh không ngừng được xây dựng, và ngày càng canh tân trong đức tin, đức cậy và đức mến. Nhờ lời cầu thay nguyện giúp của Đức Trinh Nữ Maria Chí Thánh, chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn, khi sống lại kinh nghiệm của các môn đệ làng Emmau, biết tái khám phá ân huệ ơn được gặp Chúa Phục Sinh biến đổi con người chúng ta.
Cuối giờ Kinh Lạy Nữ Vương
Các bạn thân mến, Đại hội quốc tế lần thứ nhất về Lòng Chúa Thương Xótđã kết thúc vào sáng nay qua việc cử hành Bí tích tạ Ơn, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Tôi xin cám ơn những người tổ chức, đăc biệt Văn phòng Tổng Đại Diện của Giáo phận Rôma, và tôi xin gởi đến tất cả những tham dự viên lời chào thân ái mà giờ đây cũng trở nên một lệnh truyền: Hãy ra đi và trở nên những chứng nhân cho Lòng Chúa Thương Xót, là nguồn mạch hy vọng cho mỗi một con người và cho toàn thể thế giới. Ước gì Chúa Phục Sinh luôn ở cùng anh chị em.
Trong ngày hôm nay, chúng ta cũng mừng Ngày Đại học Thánh Tâm Công giáo, để tưởng nhớ tỳ nữ Chúa là Armida Barelli, người đồng sáng lập Đại học cùng với Cha Gemelli, và cũng là hoạt náo viên quan trọng của giới nữ thuộc Phong trào Công giáo Tiến hành, vào tiền bán thế kỷ vừa qua. Tôi cầu chúc cho ngày sinh nhật hôm nay sẽ góp phần giúp tổ chức quan trọng này biết canh tân công việc phục vụ nền văn hoá công giáo đại chúng của mình.
Tôi xin chào anh chị em là những khách hành hương nói tiếng Pháp đến Quảng trường Thánh Phêrô để đọc Kinh Lạy Nữ Vương, đặc biệt là những nhà giáo và các bạn trẻ thuộc Học viện Stanislas tại Paris, trong đó có một số người chuẩn bị để tuyên xưng đức tin. Theo gương các môn đệ làng Emmau, ước gì anh chị em cũng để cho Đức Giêsu hướng dẫn đời mình, hầu nhận ra Người trong Lời Chúa và trong Bí tích Thánh Thể, là tấm bánh bẻ ra để cho thế gian được sống dồi dào. Tôi xin ban Phép Lành Toà Thánh của tôi cho anh chị em.Xin chúc Mùa Phục Sinh tốt đẹp.
Tôi xin chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tốt đẹp.