23/01/2025

Chúa Nhật V Mùa Chay, năm A: Chứng nhân của sự sống phi thường

Lời mở Tuần trước, chúng ta được mời gọi tin vào Đức Giêsu sẽ mở đôi mắt mù loà của chúng ta để thấy Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta, trong anh chị em quanh ta và trong vạn vật.

CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY – A

CHỨNG NHÂN CỦA SỰ SỐNG PHI THƯỜNG

 

Hành Khất Kitô

Lời mở

Tuần trước, chúng ta được mời gọi tin vào Đức Giêsu sẽ mở đôi mắt mù loà của chúng ta để thấy Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta, trong anh chị em quanh ta và trong vạn vật. Hôm nay chúng ta không nhìn ra ngoài, chúng ta được mời gọi nhìn vào trong chính con người của mình, cảm nghiệm được cuộc sống mình đang có để cảm nhận được sự sống phi thường, kỳ diệu của Đức Giêsu.

Trước khi bước vào Tuần Thương Khó, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào cuộc sống để thấy mình đang sống như thế nào. Để rồi qua phép lạ làm cho Lazarô sống lại nhờ lòng tin vào Đức Giêsu như Matta và Maria, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự sống dồi dào mà Đức Giêsu ban cho chúng ta ngay trong trần thế.

1. So sánh cái chết của Lazarô và của Chúa Giêsu để hiểu được tiếng khóc của Người.

Nói đến sự sống là chúng ta nói đến cái chết vì từng ngày sống là chúng ta tiến gần đến cái chết. Có thể nói cái chết là tận cùng đời sống của con người ở trần thế vì nó mang đi tất cả, huỷ hoại tất cả. Nghĩ đến cái chết là chúng ta tưởng tượng đến một xác chết từ từ bốc mùi, tan rã như xác của Lazarô. Vẻ xinh đẹp, trẻ trung, sức mạnh… tất cả những gì chúng ta cảm nhận trong con người mình sẽ tan rã và biến mất. Tiền bạc, danh dự, bằng cấp, những người thân yêu mà chúng ta muốn chiếm giữ trong đời sống cũng sẽ rời bỏ chúng ta. Cái chết tàn phá tất cả, chia lìa tất cả. Nếu chỉ nghĩ đến cái chết, con người sẽ không muốn làm việc, sẽ rơi vào sự thất vọng tột cùng. Điều đó tượng trưng qua thân xác của Lazarô với nấm mồ chôn táng anh ta.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã hiện diện bên cạnh ngôi mộ Lazarô vì Người muốn mang lại cho chúng ta một ý nghĩa mới về đời sống con người. Chúng ta đừng quên, phép lạ làm cho Lazarô sống lại là phép lạ cuối cùng trước khi Đức Giêsu chết. Nó mang một ý nghĩa thâm sâu, khác hẳn những phép lạ mà Đức Giêsu đã làm cho các người khác sống lại như con gái của ông Giairô, con trai bà goá thành Naim: vì phép lạ này tương ứng với cuộc sống lại của Đức Giêsu, cũng như tương ứng với cái chết của Người.

Trong các phép lạ khác, Đức Giêsu không xúc động. Nhưng trong phép lạ này Người đã khóc. Bởi vì Người nghĩ đến thân phận con người đau khổ, thất vọng tột cùng, thể hiện qua những tiếng khóc của Matta, Maria và những người chia sẻ nỗi buồn với họ; Người nghĩ đến nỗi đau khổ của người Mẹ Thánh khi đứng trước cái chết của mình trên thập giá.

Đối với những phép lạ khác, Người nói với người mẹ Naim đừng khóc (x. Lc 7,13), các người nhà ông Giairô cũng vậy (x. Mc 5,39). Còn đây, chính Người đã khóc (Ga 11,35). Người hiểu rằng cái chết của Lazarô cũng như cái chết của mình là biểu tượng để mời gọi con người đi xa hơn, đi đến một sự sống kỳ diệu mà người ta có thể cảm nghiệm được bởi vì cái chết ấy không đáng. Chúa Giêsu khi nghe tin báo Lazarô bị bệnh nặng, nếu Người đến kịp, Người sẽ chữa lành cho anh. Thế nhưng Người cố tình ở lại thêm 2 ngày.

Chúa Giêsu cũng không đáng chết vì Người là Con Thiên Chúa hằng sống. Nhưng Chúa Cha đã trì hoãn không can thiệp, dù rằng Ngài có thể gửi ngay 12 đạo binh Thiên Thần (x. Mt 26,53) để giải thoát Con của mình khỏi tay những người Do Thái. Ngài đã để mặc con mình chết nhục nhã trên thập giá! Vì thế, có sự tương đồng giữa cái chết của Lazarô và cái chết của Người.

Chúa Giêsu xúc động vì Người nhớ lại cái chết của Lazarô, người bạn mình yêu thương. Lazarô tin tưởng là Chúa Giêsu sẽ đến cứu mình. Anh hy vọng rất nhiều. Nhưng Chúa Giêsu lại không đến. Anh đã thất vọng và đau khổ tột cùng. Có lẽ anh đã kêu lên: “Hỡi người bạn Giêsu! Hỡi Giêsu là Chúa của tôi! Tại sao lại bỏ rơi tôi?”. Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu cũng sẽ đau khổ như vậy và trên thập giá cũng từng kêu lên: “Lạy Thiên Chúa! Lạy Thiên Chúa của con! Sao Chúa bỏ rơi con?” (Mt 27,46).

Thế nhưng, Người muốn chứng tỏ cho mọi người thấy cái chết của Lazarô cũng như chứng tỏ cho cái chết của mình mang lại vinh quang cho Thiên Chúa và mang lại ơn cứu độ cho toàn thể vũ trụ và con người “Bệnh này không đến nỗi chết nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa: qua cơn bệnh này Con Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 11,4).

2. “Tôi ơi, đừng bao giờ tuyệt vọng!”

Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta suy nghĩ về cái chết của mình với những căn bệnh, nỗi đau và thất vọng để không rơi vào tuyệt vọng. Chúng ta được mời gọi để tin rằng Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta, đang hiện diện sống động trong cuộc đời của chúng ta và Người hỏi chúng ta cũng như hỏi Matta “Chị có tin như thế không?”. Nếu chúng ta dám trả lời rằng “Thưa Thầy có. Con tin thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng phải đến thế gian. Con xin đặt trọn sự sống của con ở nơi Thầy như Thầy đặt trọn sự sống nơi Chúa Cha” thì chúng ta sẽ thấy vinh quang của Thiên Chúa ngay trong cuộc sống của mình (x. Ga 11,40).

Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho Lazarô chết 4 ngày sống lại. Cái thân xác mà người ta tưởng đã thối nát, hư hỏng kia đã bước ra khỏi mồ. Đó là dấu hiệu để mời gọi chúng ta tin vì một ít năm sau đó Lazarô cũng sẽ chết. Còn Đức Giêsu, Người gợi ý để chúng ta tin vào Người vì chính Người mới là “sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25). Chúng ta sẽ chia sẻ sự sống kỳ diệu của Người mãi mãi khi chúng ta cảm nghiệm được mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu trong một vài tuần nữa.

Tuy nhiên, muốn cảm nghiệm được sự sống phi thường, kỳ diệu của Chúa Giêsu, chúng ta không phải chỉ tin một cách vớ vẩn, vu vơ trong suy nghĩ tự nhiên của mình. Chúng ta nhớ lại câu nói của Chúa Giêsu với Matta: “Ta là sự sống lại và là sự sống”. Người không nói: “Ta là sự sống và là sự sống lại”. Để biểu lộ sự sống kỳ diệu, phi thường của Thiên Chúa, Người phải sống lại sau cái chết như Lazarô trong mồ, phải chịu chết nhục nhã trên thập giá.

Người cũng mời gọi chúng ta dám chết cho cái chết tự nhiên của mình, đón nhận những bệnh tật, thất bại, nhục nhã, thua thiệt của cuộc sống trong khi vẫn giữ vững niềm tin vào Người. Khi dám chết với Chúa Giêsu như thế, chúng ta mới cùng sống lại với Người, mới cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa trong con người tầm thường, yếu đuối của ta.

Sự sống phi thường mới mẻ ấy sẽ được Đức Giêsu Kitô ban cho chúng ta nếu chúng ta nhận được Thần Khí Tình Yêu của Người. Thánh Phaolô nói rất rõ điều này trong bài đọc II: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11).

Kết luận

Đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu hôm nay để chúng ta luôn luôn giữ được niềm vui, bình an, hy vọng và tích cực làm việc dù chúng ta bị người đời chê trách, phản bội, nói xấu, làm hại; dù chúng ta gặp những nỗi khổ nhục như Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta vẫn hiểu được rằng tất cả đều đóng góp cho sự sống lại của chúng ta và cho sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa ở nơi chúng ta. Chúng ta sẵn sàng đón nhận tất cả vì yêu Chúa, yêu người.

Đó chính là Thần Khí Tình Yêu mà Chúa Giêsu đưa vào trong con người chúng ta như hai bài đọc nhắc nhở chúng ta hôm nay. Nếu chúng ta sống trong Thần Khí của Chúa Giêsu, Thần Khí của sự thật, của tình yêu, của hy vọng, chúng ta không sợ gì hết, chúng ta sẽ thấy vinh quang của Thiên Chúa trong con người nhỏ bé, tầm thường, tội lỗi của mình. Lúc bấy giờ chúng ta mới trở thành chứng nhân của sự sống chứ không phải chứng nhân của cái chết mà bao nhiêu người quanh ta đang lo sợ.