24/12/2024

Thế giới cần có hoà bình và những người xây dựng hoà bình

Thế giới cần có hoà bình và những người xây dựng hoà bình. Tất cả mọi người tin nơi Thiên Chúa đều phải luôn luôn là suối nguồn và là tác nhân của hoà bình. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến 25.000 tín hữu và du khách hành hương năm tại Quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 23-3-2011.

Thế giới cần có hoà bình và những người xây dựng hoà bình

Thế giới cần có hoà bình và những người xây dựng hoà bình. Tất cả mọi người tin nơi Thiên Chúa đều phải luôn luôn là suối nguồn và là tác nhân của hoà bình.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến 25.000 tín hữu và du khách hành hương năm tại Quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 23-3-2011.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã giới thiệu một vị thánh Tiến sĩ Giáo Hội nổi tiếng khác sống vào thế kỷ XVI: đó là Thánh Lorenzo thành Brindisi, người Ý. Thánh nhân sinh năm 1559, có tên là Giulio Cesare Rossi, nhưng khi nhập dòng các cha Phanxicô Capucino, người đổi tên là Lorenzo. Đức Thánh Cha nói về thời thơ ấu của người như sau:

Ngay từ thời niên thiếu người đã bị thu hút bởi gia đình Thánh Phanxicô thành Assisi. Thật thế, mồ côi cha năm lên 7 tuổi, người được mẹ giao cho các tu sĩ Phanxicô trong thành phố chăm sóc. Nhưng vài năm sau thánh nhân cùng mẹ đến sống tại Venezia, và chính tại đây người biết các cha Capucino, thời đó đang quảng đại phục vụ toàn thể Giáo Hội nhằm gia tăng cuộc cải cách tinh thần do Công đồng Chung Trento thăng tiến. Năm 1575, thầy Lorenzo khấn dòng và được thụ phong linh mục năm 1582.

Ngay từ thời còn đi học, Lorenzo đã tỏ ra có các phẩm chất trí thức cao độ. Thầy học một cách dễ dàng các cổ ngữ như tiếng Hylạp, tiếng Dothái và tiếng Siriac, cũng như các ngôn ngữ tân thời như Pháp và Đức, cộng thêm với tiếng Ý và tiếng Latinh, là ngôn ngữ mà tất cả các người của Giáo Hội và giới văn hoá đều nói thông thạo thời đó.

Nhờ các khả năng ấy, Cha Lorenzo đã có thể làm việc tông đồ giữa nhiều giới khác nhau. Là một thuyết giảng viên rất hữu hiệu, cha không chỉ hiểu biết Thánh Kinh một cách sâu rộng, mà còn hiểu biết nền văn chương rabbi, đến độ chính các rabbi cũng kinh ngạc, khâm phục, kính trọng và quý mến. Là thần học gia hiểu biết Thánh Kinh và các Giáo phụ, cha có thể minh giải Giáo lý Công giáo cho cả các Kitô hữu tại Đức đã theo phong trào Cải cách nữa. Với kiểu trình bày khúc chiết rõ ràng, cha cho thấy nền tảng Kinh Thánh và Giáo phụ của tất cả mọi tín điều đức tin bị Martin Luther thảo luận. Trong đó có quyền tối thượng của Thánh Phêrô và các người kế vị, nguồn gốc thiên linh của chức giám mục, sự công chính hoá như là việc biến đổi nội tâm con người, sự cần thiết của các công việc tốt lành đối với ơn cứu rỗi.

Sự thành công của thánh nhân cũng giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của việc đối chiếu với Thánh Kinh được đọc trong Truyền Thống của Giáo Hội trong cuộc đối thoại đại kết.

Thánh nhân cũng nói với các người khiêm tốn và kêu gọi mọi người sống trung thực với đức tin. Đây là công lao lớn của các tu sĩ Capucino trong 2 thế kỷ XVI-XVII góp phần canh tân cuộc sống Kitô, bằng cách đem chứng tá và lời giảng dạy đi sâu vào lòng xã hội. Cả ngày nay nữa, việc tái truyền giảng Tin Mừng cũng cần có các tông đồ được chuẩn bị kỹ lưỡng, hăng say và can đảm, để ánh sáng và vẻ đẹp của Tin Mừng chiến thắng các chiều hướng văn hóa của chủ thuyết tương đối hoá luân lý đạo đức và thờ ơ tôn giáo, và biến đổi các kiểu suy tư hành xử khác nhau thành một nền nhân bản Kitô đích thực.

Thánh Lorenzo thành Brindisi đã hoạt động và rao giảng không biết mệt mỏi trong nhiều thành phố Italia và nhiều nước Âu châu, và nắm giữ nhiều trọng trách khác nhau. Trong dòng Capucino người đã là giáo sư thần học, giáo tập, nhiều lần làm bề trên tỉnh dòng và cuối cùng làm Bề trên tổng quyền giữa các năm 1602-1605. Đức Thánh Cha nêu bật nét đặc thù trong cuộc sống của thánh nhân như sau:

Giữa biết bao nhiêu công việc, Lorenzo đã vun trồng một đời sống tinh thần sốt mến ngoại thường, bằng cách dành nhiều giờ cho việc cầu nguyện và một cách đặc biệt cho việc cử hành Thánh lễ, thường kéo dài hàng giờ, thấu hiểu và xúc động trong việc tưởng niệm cuộc Khổ Nạn, cái Chết và sự Sống Lại của Chúa. Theo học trường các Thánh, mỗi linh mục đều có thể tránh nguy cơ của chủ trương duy hoạt động, nghĩa là hành động mà quên đi các lý do sâu xa của chức thừa tác, như đã thường được nhắc nhở nhiều lần trong Năm Linh Mục mới đây. Chỉ khi nào biết săn sóc cuộc sống nội tâm linh mục mới tránh được nguy cơ ấy. Như tôi đã nói với các linh mục và chủng sinh trong chuyến viếng thăm Brindisi năm 2008: “Thời gian cầu nguyện quan trọng nhất trong đời sống linh mục, trong đó ơn thánh Chúa hành động hữu hiệu hơn, bằng cách trao ban sự phong phú cho chức thừa tác linh mục. Cầu nguyện là việc phục vụ đầu tiên mà linh mục làm cho cộng đoàn. Vì thế, những lúc cầu nguyện phải chiếm chỗ nhất trong cuộc sống chúng ta… Nếu chúng ta không ở trong sự hiệp thông nội tâm với Thiên Chúa, chúng ta cũng không thể cho người khác cái gì cả. Do đó, Thiên Chúa là ưu tiên thứ nhất. Chúng ta phải dành thời giờ cần thiết để ở trong sự hiệp thông cầu nguyện với Chúa chúng ta”.

Thánh Lorenzo nồng nhiệt khích lệ tất cả mọi người, không phải chỉ có các linh mục mà thôi, vun trồng đời cầu nguyện, vì qua đó chúng ta nói với Thiên Chúa và Thiên Chúa nói với chúng ta.

Một nét đặc thù khác nữa trong cuộc sống của thánh nhân là hoạt động cho hoà bình. Các Giáo hoàng cũng như các vua chúa Công giáo nhiều lần giao phó cho thánh nhân các sứ mệnh ngoại giao quan trọng để giải quyết các tranh chấp và thăng tiến sự hoà hợp giữa các nước Âu châu, thời đó đang bị đe doạ bởi đế quốc Ottoman. Uy tín luân lý của thánh nhân khiến cho người trở thành cố vấn rất được tìm kiếm và lắng nghe. Áp dụng vào hiện tình thế giới ngày nay, Đức Thánh Cha nói:

Ngày nay cũng như vào thời Thánh Lorenzo, thế giới cần có hoà bình biết bao nhiêu, cần có các người nam nữ an bình và là các người giảng hoà. Tất cả mọi người tin nơi Thiên Chúa đều phải luôn luôn là suối nguồn và là tác nhân của hoà bình. Chính trong một sứ mệnh ngoại giao này mà Thánh Lorenzo kết thúc cuộc đời dương thế của người: đó là vào năm 1619 tại Lisboa, nơi người đến gặp vua Philippo III để bênh vực cho các người Napoli bị chính quyền địa phương sách nhiễu.

Người đã được phong hiển thánh năm 1881, và vì hoạt động sâu xa cũng như vì khoa học rộng rãi và hài hoà của người, năm 1959, Đức chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII đã phong người là “Tiến sĩ tông đồ”, nhân kỷ niệm 400 năm người sinh ra. Thánh nhân đã nhận tước hiệu đó vì nhiều tác phẩm chú giải Kinh Thánh, thần học và các bút tích rao giảng của người, trình bày lịch sử cứu độ tập trung nơi mầu nhiệm Nhập thể, là việc biểu lộ tình yêu lớn lao nhất của Thiên Chúa đối với loài người. Ngoài ra thánh nhân còn là nhà thánh mẫu học có giá trị lớn, tác giả một tập bài giảng về Đức Mẹ tựa đề “Mariale” đề cao vai trò duy nhất của Đức Trinh Nữ Maria, mà thánh nhân khẳng định rõ ràng là Đấng Vô Nhiễm Thai và sự cộng tác vào công trình cứu độ do Chúa Kitô thành toàn.

Sau cùng, Thánh Lorenzo cũng minh nhiên hoạt động của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống tín hữu. Người nhắc cho chúng ta biết về các ơn của Ngôi Ba Thiên Chúa Rất Thánh, và giúp chúng ta dấn thân sống sứ điệp Tin Mừng một cách tươi vui. Thánh nhân viết: “Chúa Thánh Thần khiến cho ách lề luật của Thiên Chúa êm dịu và sức nặng của nó nhẹ nhàng, để chúng ta tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa với sự dễ dàng rất lớn lao đến độ như thích thú”… Thánh Lorenzo thành Brindisi dạy chúng ta biết yêu mến Thánh Kinh, lớn lên trong sự thân tình với nó, và hằng ngày vun trồng tình bạn của chúng ta với Chúa trong lời cầu nguyện, để mọi hoạt động của chúng ta khởi sự và kết thúc trong Chúa.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Sloveni, Croat và Ý. Ngài nhắc cho mọi người biết Mùa Chay mời gọi tất cả hãm mình sám hối để có thể chia sẻ tràn đầy các khổ đau của Chúa Giêsu và cuộc hấp hối của Người. Đây là dịp thuận tiện giúp suy tư, xét mình và hoán cải. Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lạy Cha và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Nguồn: RV