23/01/2025

Mầu nhiệm kẻ phản bội

Trình thuật rửa chân cho thấy có hai cách ứng xử khác nhau của con người trước hồng ân, thể hiện qua hành động của Giuđa và Phêrô. Ngay sau khi khuyên bảo hãy theo gương của Người, Đức Giêsu bắt đầu nói về Giuđa. Gioan bảo ta về điều này rằng Đức Giêsu cảm thấy tâm thần xao xuyến và chứng thực: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13,21).

 

 

Mầu nhiệm kẻ phản bội

 

Trình thuật rửa chân cho thấy có hai cách ứng xử khác nhau của con người trước hồng ân, thể hiện qua hành động của Giuđa và Phêrô. Ngay sau khi khuyên bảo hãy theo gương của Người, Đức Giêsu bắt đầu nói về Giuđa. Gioan bảo ta về điều này rằng Đức Giêsu cảm thấy tâm thần xao xuyến và chứng thực: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13,21).

 

Gioan ba lần nói về Đức Giêsu cảm thấy tâm thần “xao xuyến “: bên mồ Lazarô (11,33. 38), vào “Chủ nhật Lễ Lá” sau khi nói về hạt lúa mì chết đi trong một khung cảnh gợi nhớ đến Ghétsêmani (12,24–27), và lần cuối cùng ở đây. Đây là những giây phút Đức Giêsu chạm trán sự uy hùng của tử thần và cọ xát với quyền lực của bóng tối, mà nhiệm vụ của Người là vật lộn với nó và chiến thắng. Ta sẽ trở lại sự “xao xuyến” tâm thần của Đức Giêsu khi ta xem xét đêm trải qua trên Núi Câu Dầu.

 

Ta hãy trở về bản văn của ta. Điều dễ hiểu, lời tiên báo sự bội phản làm các môn đệ xao động và tò mò. “Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu. Ông Simôn Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: ‘Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?’ Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy?”  Đức Giêsu trả lời: ‘Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy’” (13,23–26).

 

Để hiểu bản văn này, trước hết cần lưu ý rằng trước hết việc ngả người tại bàn ăn được mô tả trong tiệc Vượt qua. Charles K. Barrett giải thích câu vừa dẫn đó như sau: “Những người tham gia bữa ăn nằm ngả người về phía trái; tay trái được dùng để đỡ lấy thân mình, tay phải được tự do sử dụng.  Môn đệ bên phải Đức Giêsu do đó để đầu ngả vào ngay trước Đức Giêsu và do có có thể nói được là nằm trong lòng của Người. Hiển nhiên người đó ở trong tư thế nói chuyện thân mật với Đức Giêsu, nhưng đó không phải tư thế vinh dự nhất; tư thế này ở bên trái người chủ trì. Vị trí do vị môn đệ mến yêu chiếm tuy nhiên lại là của một người bạn đáng tin”; Barrett liền tham chiếu đến một đoạn văn của Pliny (Phúc Âm theo Thánh Gioan, tr. 446).

 

Câu trả lời của Đức Giêsu, như trích dẫn ở đây, rất rõ rệt không chút hàm hồ. Tuy nhiên, tác giả Phúc Âm nói rằng các môn đệ vẫn còn không hiểu Người muốn nói về ai. Nên ta phải giả định rằng Gioan đã đem lại một sự rõ ràng cho câu trả lời của Chúa mà câu đó còn thiếu vào thời điểm đó cho những ai hiện diện. Gioan 13,18 đưa ta trở lại đúng đường. Ở đây Đức Giêsu nói: “Kinh Thánh phải được ứng nghiệm: ‘Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con’” (x. Tv 41:9; Tv 55,13). Đây là cách nói cổ điển của Đức Giêsu: Người muốn nói đến số phận của anh ta, sử dụng từ ngữ của Kinh Thánh, qua đó xác định vị trí của số phận đó trong lô-gic của Thiên Chúa, trong lô-gic của lịch sử cứu độ.

 

Vào một giai đoạn về sau, những lời này trở nên hoàn toàn trong suốt: người ta thấy rằng Kinh Thánh thực sự mô tả con đường mà anh phải đi — nhưng hiện nay câu đố vẫn còn. Tất cả những gì có thể suy luận về điểm này là một trong những người đồng bàn sẽ phản bội Đức Giêsu; rõ ràng là Chúa sẽ phải chịu đựng cho đến tận cùng và cho đến chi tiết cuối cùng sự đau khổ của người công chính, mà Thánh Vịnh nói riêng cung cấp nhiều cách diễn đạt khác nhau. Đức Giêsu phải cảm nhận sự không hiểu và bất trung ngay cả của những người thuộc nhóm các người bạn gần gũi nhất của Người và, về phương diện này, “làm trọn lời Kinh Thánh”. Người được mạc khải như là chủ thể thực của Thánh Vịnh, như “Đavít”, từ đó phát sinh các Thánh Vịnh và qua đó chúng có ý nghĩa.

 

Gioan đem lại một chiều sâu mới cho câu của thánh vịnh mà Đức Giêsu đã nói tiên tri về những gì nằm phía trước, bởi vì thay cho thành ngữ trong Kinh Thánh Hy Lạp để nói việc “ăn”, Người chọn động từ trôgein, từ được Đức Giêsu sử dụng trong đại diễn từ “bánh sự sống” để chỉ về việc “ăn” thịt và máu, nghĩa là, lĩnh nhận bí tích Thánh Thể (Ga 6,54-58). Cho nên câu thánh vịnh rải một cái bóng tiên tri trên Hội Thánh vào thời của tác giả Phúc Âm, trong đó Thánh Thể được cử hành, và quả thật, qua Hội Thánh vào mọi thời: sự phản bội của Giuđa không phải là sự vi phạm sau cùng về lòng trung thành mà Đức Giêsu chịu. “Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!” (Tv 41,9). Việc vi phạm tình bạn mở rộng sang cộng đồng bí tích của Hội Thánh, nơi người ta tiếp tục ăn “bánh của Người” và phản bội Người.

 

Cuộc khổ hình của Đức Giêsu, cuộc chiến chống lại cái chết, còn tiếp diễn cho đến tận cùng thế giới, như Blaise Pascal đã nói trên cơ sở những sự xem xét tương tự (x. Pensées VII, 553). Ta còn có thể nói cách khác:vào giờ này, Đức Giêsu hứng chịu lấy sự bội phản của mọi thời đại, nỗi đau gây ra bởi sự phản bội của mọi thời đại, và Người chịu đựng nỗi đớn đau của lịch sử cho đến kết cục cay đắng.

 

Gioan không đưa ra bất kỳ giải thích tâm lý nào về hành vi của Giuđa. Điều duy nhất Gioan đưa ra là một sự ám chỉ Giuđa đã bòn rút hòm tiền của các môn đệ, mà anh ta phụ trách (12,6). Trong ngữ cảnh chương 13, tác giả Phúc Âm chỉ nói ngắn gọn: “Y vừa ăn xong miếng bánh, Xatan liền nhập vào y” (13,27).

 

Đối với Gioan, điều xảy ra cho Giuđa vượt quá sự giải thích thuộc lĩnh vực tâm lý. Anh ta đã đến chỗ chịu sự thống trị của một thứ khác. Bất kỳ ai làm gãy tình bạn với Đức Giêsu, ném đi “gánh êm ái” của Người, thì không đạt đến sự tự do, nhưng lại rơi vào các quyền lực khác. Nói cách khác, anh phản bội tình bạn này bởi vì anh ở trong sự kiềm tỏa của một quyền lực khác mà anh đã tự mở ra cho mình.

 

Thật ra, ánh sáng mà Đức Giêsu đổ vào linh hồn Giuđa đã không hoàn toàn bị dập tắt. Anh tiến một bước đến chỗ hoán cải: “Tôi đã phạm tội”, anh nói với những kẻ sai anh. Anh tìm cách cứu Đức Giêsu, và anh trả lại số tiền (Mt 27,3-5).  Mọi thứ gì thanh khiết và vĩ đại mà anh đã nhận từ Đức Giêsu vẫn còn trong tâm hồn của anh — anh không thể nào quên.

 

Bi kịch thứ hai của anh ta — sau khi phản bội — là anh không còn có thể tin vào sự tha thứ. Nỗi ân hận cắn rứt của anh trở nên sự tuyệt vọng. Nay anh chỉ còn thấy bản thân và bóng tối của mình; anh không còn trông thấy ánh sáng của Đức Giêsu, thứ ánh sáng có thể chiếu soi và khắc phục bóng đêm. Anh chỉ cho ta thấy loại ân hận sai lầm: loại không thể hy vọng, chỉ thấy bóng đêm của mình, loại phá hoại và tuyệt nhiên không phải thứ thiệt. Sự ân hận chân thực được ghi dấu bằng niềm hy vọng xác thực sinh ra bởi niềm tin vào quyền lực cao siêu của thứ ánh sáng đã thành xác thịt trong Đức Giêsu.

 

Gioan kết thúc đoạn nói về Giuđa bằng những lời kịch tính này: “Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối” (13,30). Giuđa đi ra — trong một nghĩa sâu xa hơn. Anh ta đi vào trong đêm tối; anh ra khỏi ánh sáng vào trong đêm tối: “quyền lực bóng tối” đã nắm lấy anh ta (x Ga 3,19; Lc 22,53).

 

Trích từ Đức Giêsu Nazarét, Quyển II của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI

Đan Quang Tâm dịch

www.nguoitinhuu.com