CHÚA NHẬT 4 MC – A: Sống trong ánh sáng của Thiên Chúa

Bài Phúc Âm thu gọn hôm nay, nếu đọc toàn bộ, có rất nhiều chi tiết đáng lưu ý, nhưng chúng ta được mời gọi để suy niệm về một điểm cơ bản, đó là Đức Giêsu chữa lành cho người bị mù từ lúc mới sinh và Người mời gọi chúng ta đến với Người để chữa lành đôi mắt cho chúng ta.

SỐNG TRONG ÁNH SÁNG CỦA THIÊN CHÚA

Hành Khất Kitô

 

Lời mở

Bài Phúc Âm thu gọn hôm nay, nếu đọc toàn bộ, có rất nhiều chi tiết đáng lưu ý, nhưng chúng ta được mời gọi để suy niệm về một điểm cơ bản, đó là Đức Giêsu chữa lành cho người bị mù từ lúc mới sinh và Người mời gọi chúng ta đến với Người để chữa lành đôi mắt cho chúng ta.

1. Cuộc sáng tạo mới qua việc chữa lành người mù

Việc chữa lành của Chúa Giêsu mang ý nghĩa không phải chỉ chữa một bệnh tật cho con người, nhưng là đổi mới con người trong cuộc sáng tạo mới. Những chi tiết trong bài Tin Mừng như gợi ý cho chúng ta điều đó.

Chi tiết đầu tiên là người mù từ khi mới sinh. Người mù này khi sinh ra đã ở trong bóng tối, tượng trưng cho tất cả chúng ta đang ở trong bóng tối của sự chết, của tầm thường, yếu đuối, tội lỗi. Khi Thiên Chúa dựng nên con người và vạn vật, Ngài đã chia sẻ sự bất tử, khôn ngoan, tốt lành cho mọi người mọi vật; chia sẻ ánh sáng của Ngài cho tất cả. Thế nhưng, con người đã khước từ Thiên Chúa, đã cắt đứt mối liên hệ với Thiên Chúa nên họ đã đánh mất ánh sáng của Thiên Chúa, đánh mất ân sủng, khôn ngoan, xinh đẹp và những ân phúc cao cả Ngài ban: họ trở thành những con người sống trong tình trạng mù tối ngay từ lúc mới sinh. Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người, muốn cứu chuộc con người nên đã sai con của mình là Đức Giêsu xuống thế, trở thành con người để làm một cuộc sáng tạo mới. Các chi tiết của bài Phúc Âm như gợi ý về việc này.

Chúng ta lưu ý về việc Đức Giêsu nhổ xuống đất, lấy chút bùn bôi lên mắt người mù và yêu cầu anh ta đi rửa. Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa, từ miệng Người phán ra Lời để dựng nên mọi sự (x. St 1-3; Ga 1,3-4). Người lấy bùn đất mà trước đây Thiên Chúa đã dùng bùn ấy nặn nên con người và vạn vật (x. St 2,6-7; 2,19). Nếu lưu ý đến từ ngữ Do Thái, chúng ta sẽ thấy chữ bùn là adama, gợi ý cho chúng ta chất bùn đất là Adam, con người đầu tiên, được Thiên Chúa dựng nên và đã rơi vào tình trạng u tối. Bây giờ Đức Giêsu dùng bùn ấy với hơi thở là lời Thiên Chúa của Người để sáng tạo nên con người mới, giúp cho họ sống trong ánh sáng mới mẻ của Thiên Chúa.

Con người mới này cao cả hơn, vì khi Thiên Chúa dựng nên Adam vào ngày thứ Sáu, ngày thứ Bảy Ngài nghỉ ngơi; còn con người mới này được Đức Giêsu chữa lành vào ngày Sabat để nói lên sự tốt đẹp, cao cả hơn con người cũ và vãn vật cũ. Thiên Chúa không nghỉ việc, Ngài vẫn tiếp tục làm việc, sáng tạo và mang lại ơn cứu độ cho con người nên Ngài đã thực hiện vào ngày Sabat (x. Ga 5,17-18).

Cuộc tạo dựng ấy không phải chỉ trả lại cho Adam những gì mà con người nguyên tổ đã đánh mất: bất tử, khôn ngoan, xinh đẹp… mà còn hơn thế nữa. Ngài giúp cho con người ấy chia sẻ vào thần tính với Ngài, trở thành con Thiên Chúa như Ngài, nếu họ tin vào Ngài. Khi gặp người mù được sáng mắt, Chúa Giêsu hỏi “Anh có tin vào Con Người không?” (Ga 9,35). Thiên Chúa đã làm người, trở thành con người, mang tất cả những nét tự nhiên của con người, nhưng ẩn trong đó là bản tính cao cả, bất tử, vô biên, vô tận của Thiên Chúa. Anh ta đã tin và phủ phục thờ lạy Chúa Giêsu. Lúc này, đôi mắt tinh thần của anh mới mở ra và trong sáng trọn vẹn để anh ta thật sự trở thành con người mới.

2. Sống trong ánh sáng mới  mẻ của Thiên Chúa

Chúng ta cũng đang được mời gọi để tin như người mù hôm nay, đón nhận ánh sáng mới mẻ của Thiên Chúa, trở thành một con người mới trong cuộc sáng tạo mới mà Đức Giêsu thực hiện trong mầu nhiệm vượt qua của Người, nhất là khi Người gục đầu chết trên thập giá trao ban thần khí (x. Ga 19,30) để chúng ta sống lại mãi mãi với Thiên Chúa.

Nhưng trước hết chúng ta có nhận ra tình trạng mù tối của chúng ta không? Chúng ta có nhận ra con người của chúng ta tầm thường, yếu đuối, sống vài ba chục năm nữa rồi sẽ chết không? Hay chúng ta đang bám vào cuộc đời này để sống mãi với tình trạng mù tối của mình? Chúng ta có nhận ra vạn vật mà Chúa ban cho chúng ta sử dụng trong cuộc sống thường ngày chỉ là phương tiện nối kết chúng ta lại với Chúa và với anh em không hay trở thành những thần tượng để chúng ta lao vào đó tôn thờ chúng? Chúng ta kiếm tiền bằng bất cứ giá nào; học hành để đạt được bằng kỹ sư bác sĩ bằng bất cứ giá nào? Chúng ta có nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa đang ẩn thân nơi anh chị em mình hay đang coi thường họ, sử dụng họ như là những phương tiện để thoả mãn tham vọng và dục vọng của chúng ta hoặc để đạt được một chức vị, danh vọng, lợi lộc nào đó?

Khi nhận ra tình trạng mù tối, chúng ta mới tìm đến Chúa Giêsu để xin Người chữa lành đôi mắt. Lúc bấy giờ chúng ta mới mở mắt để nhìn thấy Chúa Giêsu đang ở giữa chúng ta, đang hiện thân trong những con người đang sống quanh ta, mới nhận ra người chồng phản bội, người vợ lắm điều, người con hư hỏng là hình ảnh của Chúa Giêsu để thương yêu, tha thứ và tôn kính như người mù sấp mình thờ lạy Chúa Giêsu.

Nếu chúng ta nhận ra Chúa Giêsu là con người đang ở giữa, ở trong chúng ta với đôi mắt trong sáng, chúng ta mới thay đổi thái độ sống với những người trong gia đình, với hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp, với tất cả mọi người quanh ta thay vì đánh giá nhau theo dáng vẻ bên ngoài như tiên tri Samuel trong bài đọc I (x. 1Sm 16,17).

Hơn nữa, khi nhận ra chút bùn mà Đức Giêsu bôi lên mắt người mù không phải là vật chất tầm thường, bẩn thỉu nhưng là phương tiện mang lại ơn cứu độ, mang lại ánh sáng cho con người, thì từ nay chúng ta sẽ dùng những vật chất Chúa gửi đến cho chúng ta với một thái độ mới. Vật chất đó là những đứa em mà Cha Trên Trời ban cho ta để ta đón nhận, tìm hiểu, yêu thương, cai quản chúng như người anh, người chị lớn trong gia đình Thiên Chúa (x. St 1,28). Từ đó, những đồng tiền, quần áo, phương tiện chúng ta dùng mang những ý nghĩa mới: chúng không phải là những vị thần chi phối chúng ta hay những thứ vô tri vô giác mà chúng ta sử dụng như một ông chủ độc tài, khắc nghiệt, nhưng là phương tiện mang lại ánh sáng, niềm vui, bình an, hy vọng cho chúng ta và những người xung quanh. Bấy giờ chúng ta mới sẵn sàng chia sẻ những gì mình có cho người khác vì nhận ra được hơi thở của Chúa Giêsu và Thần Khí tình yêu trong đám vật chất, bùn đất đó.

Kết luận

Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta hôm nay: “Trong Chúa, anh em lại là con cái ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng để mang lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5,8).

Trong tinh thần đó, chúng ta nhận ra rằng mình chính là hình ảnh của Chúa Giêsu, đi khắp nơi để chữa lành đôi mắt tinh thần cho những con người đang sống trong mù tối. Như thế, chúng ta làm cho xã hội hôm nay mỗi ngày một tốt đẹp hơn, công bình hơn, lương thiện hơn. Chính trong tinh thần ấy chúng ta mới thay đổi được thân phận, số mệnh của đất nước cũng như từng người chúng ta và mang Tin Mừng cứu độ cho muôn vật muôn loài.