23/01/2025

Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 Nhân Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân: 11-2-2011

Anh chị em thân mến, trong Ngày Thế Giới các bệnh nhân này, tôi mời gọi các chính quyền ngày càng đầu tư nhiều năng lực hơn vào các cơ cấu y tế để chúng trợ giúp và nâng đỡ những người đau khổ, nhất là những người nghèo túng nhất, …

Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 Nhân Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân: 11-2-2011

VATICAN. Ngày 3-2-2011, Đức TGM Zygmunt Zimowski, người Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh mục vụ y tế, và các vị phụ tá, sẽ mở cuộc họp báo tại Phòng báo chí Toà Thánh để giới thiệu và giải thích Sứ điệp của ĐTC Biển Đức 16 nhân ngày Thế giới các Bệnh nhân lần thứ 19 sẽ được cử hành vào ngày 11-2-2011 tới đây, lễ Đức Mẹ Lộ Đức.

Sứ điệp mang tựa đề ”Từ những vết thương của Chúa anh chị em được chữa lành” (1 Pr 2,24), và đã được Phòng báo chí Toà Thánh công bố ngày 18-12-2010, trong đó ĐTC cảnh giác rằng: ”Một xã hội không biết chấp nhận những người đau khổ và không có khả năng góp phần nhờ lòng từ bi làm cho đau khổ được chia sẻ và chịu đựng cả trong nội tâm, thì đó là một xã hội tàn ác và vô nhân đạo” (Spe salvi 38).

ĐTC cũng cho biết mỗi giáo phận sẽ đề ra những sáng kiến nhân ngày thế giới các bệnh nhân nhắm làm cho việc săn sóc những người đau khổ được hữu hiệu hơn. Ngài cũng loan báo Ngày Thế Giới các bệnh nhân sẽ được cử hành trọng thể vào năm 2013 tại Đền thánh Đức Mẹ Altoetting ở miền nam Đức. Sau đây, là bản dịch nguyên văn sứ điệp của ĐTC.

”Anh chị em thân mến

Hằng năm, vào dịp lễ kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức, ngày 11 tháng 2, Giáo Hội đề nghị Ngày Thế Giới các bệnh nhân. Như Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô 2 đã muốn, dịp này trở thành cơ hội thuận tiện để suy tư về mầu nhiệm đau khổ, và nhất là để làm cho các cộng đoàn và xã hội dân sự chúng ta nhạy cảm hơn đối với các anh chị em bệnh nhân. Nếu mỗi người là anh em chúng ta, thì người yếu, người đau khổ và người cần được săn sóc càng phải ở trung tâm sự chú ý của chúng ta hơn nữa, để không một ai trong họ bị lãng quên hoặc bị gạt ra ngoài lề; thực vậy, ”mức độ tình người được xác định chủ yếu trong quan hệ với khổ đau và người đau khổ. Điều này có giá trị đối với mỗi cá nhân cũng như xã hội. Một xã hội không đón nhận người đau khổ và không có khả năng góp phần nhờ sự cảm thương để làm cho đau khổ được chia sẻ và chịu đựng cả trong nội tâm thì đó là một xã hội tàn ác và vô nhân đạo” (Thông điệp Spe salvi, 38). Các sáng kiến sẽ được cử hành trong mỗi giáo phận nhân Ngày này, là một khích lệ làm cho việc săn sóc bệnh nhân ngày càng hữu hiệu, cả trong viễn tượng cử hành một cách trọng thể sẽ diễn ra tại Đền thánh Đức Mẹ Altoetting vào năm 2013 tại Đức.

1. Tôi vẫn nhớ giờ phút trong cuộc viếng thăm mục vụ tại Torino, tôi được đứng trước Khăn Liệm Thánh để suy tư và cầu nguyện, trước khuôn mặt của người đau khổ, mời gọi chúng ta suy niệm về Đấng đã mang trên mình cuộc thương khó của con người thuộc mọi thời đại và mọi nơi, cả những đau khổ, khó khăn và tội lỗi của chúng ta. Qua dòng lịch sử, bao nhiêu tín hữu đã đi trước tấm khăn liệm ấy, tấm khăn bọc thi thể của một người chịu đóng đanh, hoàn toàn tương ứng với trình thuật của cách sách Phúc Âm về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu! Chiêm ngắm khăn liệm ấy là một lời mời gọi suy tư về điều mà thánh Phêrô đã viết: ”Từ những vết thương của Chúa, anh chị em được chữa lành” (1 Pr 2,24). Con Thiên Chúa đã chịu đau khổ, chịu chết, nhưng đã sống lại, và chính vì thế, các vết thương ấy trở thành dấu chỉ ơn cứu chuộc chúng ta, ơn tha thứ và hoà giải với Chúa Cha; và cũng trở thành điều thử thách đối với đức tin của các môn đệ và của chúng ta: mỗi lần Chúa nói về cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, các môn đệ không hiểu, họ phủ nhận và chống đối. Đối với họ, cũng như đối với chúng ta, đau khổ vẫn luôn là điều đầy huyền nhiệm, khó chấp nhận và chịu đựng. Hai môn đệ làng Emmaus bước đi trong sầu thảm vì những biến cố xảy ra trong những ngày ấy ở Jerusalem, và chỉ khi Đấng Phục Sinh đồng hành với họ, họ mới cởi mở đối với một cái nhìn mới (Xc Lc 24,13-31). Cả Tông đồ Tôma cũng tỏ ra khó tin nơi con đường khổ nạn cứu chuộc: ”Nếu tôi không thấy dấu đanh nơi bàn tay Ngài, và không xỏ ngón tay tôi vào những dấu đanh và không đặt tay tôi vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin” (Ga 20,25). Nhưng khi Chúa Kitô tỏ các vết thương của Ngài, câu trả lời của Tôma biến thành lời tuyên xưng đức tin thật cảm động: ”Lạy Chúa, lạy Chúa tôi!” (Ga 20,28). Điều mà trước kia là một chướng ngại không thể vượt qua nổi, vì đó là một dấu chỉ điều có vẻ là một thất bại của Chúa Giêsu, nay, trong cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh, trở thành bằng chứng tình thương chiến thắng của Ngài: ”Chỉ có một vị Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi mang lấy những vết thương và đau khổ của chúng ta, nhất là đau khổ vô tội, thì vị ấy mới đáng tin” (Sứ điệp Urbi et Orbi, Phục Sinh 2007).

2. Anh chị em bệnh nhân và người đau khổ thân mến, chính qua những vết thương của Chúa Kitô mà chúng ta có thể nhìn tất cả những tai ương đang đè nặng trên nhân loại với cặp mắt hy vọng. Khi sống lại, Chúa không tước bỏ đau khổ và tai ương khỏi thế giới, nhưng Ngài chiến thắng chúng tận gốc rễ. Ngài dùng sự toàn năng của Tình Thương để đối lại với quyền lực của Sự Ác. Vì thế, Ngài chỉ cho chúng ta thấy rằng con đường hoà bình và vui tươi chính là Tình Thương: ”Như Thầy đã yêu thương các con, các con cũng hãy yêu thương nhau như vậy” (Ga 13,34). Chúa Kitô chiến thắng sự chết và đang sống giữa chúng ta. Và trong khi cùng với thánh Tôma, chúng ta cũng nói ”Lạy Chúa, Lạy Chúa của con!”, chúng ta bước theo Thầy trong sự sẵn sàng xả thân vì anh chị em chúng ta (Xc 1 Ga 3,16), trở thành những sứ giả về một niềm vui không sợ đau khổ, niềm vui Phục Sinh.

Thánh Bênađô quả quyết: ”Thiên Chúa không thể chịu đau khổ, nhưng có thể cảm thương”. Thiên Chúa, Đấng là hiện thân của Chân Lý và Tình Thương, đã muốn chịu đau khổ vì chúng ta và với chúng ta; Ngài đã làm người để có thể cảm thương với con người, một cách cụ thể, trong thân thể của Ngài. Vì thế, trong mỗi đau khổ của con người có một Đấng cùng chia sẻ đau khổ và chịu đựng; trong mỗi đau khổ có sự an ủi được lan toả, sự an ủi của tình yêu tham phần của Thiên Chúa để làm cho ngôi sao hy vọng mọc lên (Xc Thông điệp Spe salvi, 39).

Anh chị em thân mến, tôi lập lại với anh chị em sứ điệp này để anh chị em trở thành chứng nhân của sứ điệp ấy qua đau khổ, qua cuộc sống và đức tin của anh chị em.

3. Nhìn về cuộc hẹn ở Madrid, vào tháng 8 tới đây (2011) với Ngày Quốc Tế giới trẻ, tôi cũng muốn đặc biệt nghĩ đến giới trẻ, nhất là những người đang sống kinh nghiệm bệnh tật. Nhiều khi Khổ nạn, Thập giá của Chúa Giêsu làm ta sợ hãi, vì chúng có vẻ là một sự phủ nhận sự sống. Thực tế hoàn toàn ngược lại! Thập giá là ”sự đồng thuận” của Thiên Chúa đối với con người, là sự biểu lộ cao cả và nồng nhiệt nhất về tình thương của Chúa và là nguồn mạch sự sống đời đời. Từ trái tim bị đâm thâu qua của Chúa Giêsu vọt lên sự sống thần linh ấy. Chỉ Ngài mới có thể giải thoát thế giới khỏi sự ác và làm tăng trưởng Nước công lý, bình an và yêu thương của Ngài mà tất cả chúng ta khao khát (Xc Sứ điệp Ngày Quốc Tế giới trẻ 2011, 3). Các bạn trẻ thân mến, hãy học cách ”nhìn” và ”gặp gỡ” Chúa Giêsu trong Thánh Thể, nơi Ngài hiện diện thực sự cho chúng ta, đến độ trở thành lương thực cho cuộc hành trình, nhưng các bạn cũng hãy biết nhận ra và phụng sự Chúa nơi những người nghèo, các bệnh nhân, nơi anh chị em đau khổ và gặp khó khăn, đang cần sự giúp đỡ của các bạn (Xc cùng Sứ điệp, 4). Tôi lập lại với tất cả bạn trẻ, đau yếu cũng như khỏe mạnh, lời mời gọi hãy kiến tạo những nhịp cầu yêu thương và liên đới, để không một ai cảm thấy lẻ loi, nhưng gần gũi với Thiên Chúa và là thành phần của đại gia đình các con cái Chúa (Xc Buổi tiếp kiến chung, 15-11-206)

4. Khi chiêm ngắm các vết thương của Chúa Kitô, chúng ta nhìn Trái Tim cực thánh của Ngài, trong đó có biểu lộ tột đỉnh tình thương của Thiên Chúa. Thánh Tâm là Chúa Kitô chịu đóng đanh, với cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thâu qua, từ đó nước và máu chảy ra (Xc Ga 19,34), ”biểu tượng các bí tích của Giáo Hội, để mọi người được Trái Tim Đấng Cứu Thế lôi cuốn, vui mừng kín múc nơi nguồn mạch trường cửu của ơn cứu độ” (Sách Lễ Roma, Kinh Tiền Tụng lễ trọng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu). Anh chị em thân mến, anh chị em đặc biệt cảm thấy sự gần gũi của Trái Tim đầy tình thương và với niềm tin, vui, anh chị em kín múc nơi nguồn mạch ấy và cầu khẩn: ”Lạy Nước từ cạnh nương long Chúa Kitô, xin thanh tẩy con. Lạy cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, xin củng cố con. Ôi Chúa Giêsu từ nhân, xin nghe lời con cầu. Xin giấu con nơi các vết thương của Chúa” (Kinh nguyện của thánh Ignatio Loyola).

5. Vào cuối Sứ điệp này nhân Ngày Thế giới các bệnh nhân sắp đến, tôi muốn bày tỏ lòng quý mến đối với tất cả và từng người, và tôi cảm thấy được tham phần những đau khổ và hy vọng mà anh chị em đang sống hằng ngày trong niềm kết hiệp với Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, để Ngài ban cho anh chị em an bình và ơn chữa lành tâm hồn. Cùng với Chúa, Đức Trinh Nữ Maria canh thức cạnh anh chị em, Đấng mà chúng ta cầu khẩn với lòng tín thác là Sức Khỏe của các bệnh nhân và là Đấng an ủi kẻ đau khổ. Dưới chân Thập Giá đã ứng nghiệm nơi Mẹ lời tiên tri của Simeon: Trái tim của Mẹ bị đâm thâu qua (Xc Lc 2,35). Từ vực thăm đau đớn của Mẹ, từ sự tham phần vào đau khổ của Chúa Con, Mẹ Maria có thể đón nhận sứ mạng mới, đó là trở thành Mẹ Chúa Kitô nơi các chi thể của Người. Trong giờ Thập Giá, Chúa Giêsu giới thiệu Mẹ với mỗi người trong các môn đệ của Chúa và nói: ”Đây là con của Mẹ” (Xc Ga 19,26-27). Sự cảm thương của người mẹ đối với Con trở thành sự cảm thương của Mẹ đối với mổi người chúng ta trong những đau khổ hằng ngày (Xc Bài giảng ở Lộ Đức, 15-9-2008).

Anh chị em thân mến, trong Ngày Thế Giới các bệnh nhân này, tôi mời gọi các chính quyền ngày càng đầu tư nhiều năng lực hơn vào các cơ cấu y tế để chúng trợ giúp và nâng đỡ những người đau khổ, nhất là những người nghèo túng nhất, và khi nghĩ đến tất cả các giáo phận, tôi thân ái gửi lời chào thăm đến các Giám Mục, Linh Mục, những người thánh hiến, các chủng sinh và nhân viên y tế, những người thiện nguyện và tất cả những người đang xả thân với lòng yêu mến để săn sóc và thoa dịu các vết thương của mỗi anh chị em bệnh nhân, trong các bệnh viện, hoặc các nhà điều dưỡng, trong các gia đình: ước gì nơi khuôn mặt của các bệnh nhân, anh chị em luôn nhìn thấy Khuôn mặt của mọi khuôn mặt: tức là khuôn mặt của Chúa Kitô.

Tôi sẽ nhớ đến tất cả anh chị em trong kinh nguyện trong lúc tôi ban phép lành Toà Thánh đặc biệt cho mỗi người trong anh chị em.

Vatican ngày 21 tháng 11 năm 2010, Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ

Biển Đức 16, Giáo Hoàng