24/12/2024

Chúa Nhật III Mùa Chay, năm A: Cơn khát của con người và cơn khát của Thiên Chúa

Lời mở Câu chuyện Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacob có rất nhiều chi tiết mang đầy ý nghĩa thâm sâu, nhưng hôm nay chúng ta cùng nhau suy niệm 1 chi tiết thôi, đó là cơn khát của con người và cơn khát của Thiên Chúa. 1. Cơn khát của con người 1.1. Trước hết, con người khát. Người phụ nữ đó cần nước để thoả mãn cơn khát của thể xác nên chị đến giếng để lấy nước. Chúa Giêsu, trong tư cách là con người, cũng khát và xin chị cho Người chút nước. Bài đọc thứ nhất (x. Xh 17,37) kể lại cơn khát của dân tộc Do Thái khi họ đi vào trong sa mạc. Quả thật con người chúng ta cũng như rất nhiều sinh vật cần nước. Nhiều khi chúng ta không hiểu rằng nước cần hơn lương thực.

CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY – A

CƠN KHÁT CỦA CON NGƯỜI

VÀ CƠN KHÁT CỦA THIÊN CHÚA

Hành Khất Kitô

Lời mở

Câu chuyện Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacob có rất nhiều chi tiết mang đầy ý nghĩa thâm sâu, nhưng hôm nay chúng ta cùng nhau suy niệm 1 chi tiết thôi, đó là cơn khát của con người và cơn khát của Thiên Chúa.

1. Cơn khát của con người

1.1. Trước hết, con người khát. Người phụ nữ đó cần nước để thoả mãn cơn khát của thể xác nên chị đến giếng để lấy nước. Chúa Giêsu, trong tư cách là con người, cũng khát và xin chị cho Người chút nước. Bài đọc thứ nhất (x. Xh 17,37) kể lại cơn khát của dân tộc Do Thái khi họ đi vào trong sa mạc. Quả thật con người chúng ta cũng như rất nhiều sinh vật cần nước. Nhiều khi chúng ta không hiểu rằng nước cần hơn lương thực. Chúng ta có thể nhịn ăn khoảng 30-40 ngày mới chết nhưng chỉ có thể nhịn nước tối đa là 3-4 ngày mà thôi, bởi vì 62% cơ thể con người với hàng trăm tỷ tế bào rất cần nước. Việc không có nước sẽ làm xáo trộn tiến trình hoạt động của các chất trong mỗi tế bào. Mỗi ngày, một người lớn bình thường cần từ 3-4 lít nước.

Hơn nữa, có thể nói, nhiều người không quý trọng nguồn nước. Nhiều nguồn nước đang bị ô nhiễm vì những công ty, xí nghiệp thải những chất bẩn. Nhiều dân tộc ở đầu nguồn làm chủ các con sông: họ xây những đập nước, khai thác thuỷ điện nhưng lại làm cho những dân tộc ở phía cuối nguồn bị thiếu hụt. Thí dụ như sông Mekong với những đập của người Trung Quốc xây ở thượng nguồn, phía dưới nữa là đập của người Campuchia làm cho đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam ngày càng thu hẹp dòng nước gây thiếu hụt nước trong năm vừa qua.

Rất nhiều người cũng không để ý cần phải giải khát như thế nào cho đúng. Có người khát một chút là dùng sữa vì nghĩ rằng uống sữa thay nước thì tốt hơn; trong khi cơ thể chỉ hấp thụ nước, còn sữa thì gồm đường và một số vitamin, chất khoáng, lại thuộc dạng khác giống như thực phẩm. Nhiều người khi khát lại lấy trà 0 độ, trà Dr. Thanh ra uống, tưởng là uống như vậy là tốt; nhưng thực ra không phải như vậy. Đó là chưa kể những kiểu giải khát: thay nước bằng càphê, bia, rượu… Quả thật, chúng ta chưa biết giải khát, hay nói đúng hơn, chưa biết cung cấp đủ nước cho chính mình. Nhưng đó mới chỉ là cơn khát thể chất.

1.2. Chúng ta nên để ý đến cơn khát của tinh thần. Nhiều người quên rằng ngoài thể xác mình còn có tinh thần. Tinh thần cũng chịu đựng những nỗi khát còn hơn cả thể xác nhưng vì chúng ta chưa cảm nghiệm được sự cấp thiết của cơn khát tinh thần nên chúng ta đã không thoả mãn nhu cầu này khiến cho tinh thần ngày một suy yếu, tàn tạ và có khi chết vì khát. Vậy tinh thần của chúng ta cần gì? Khát gì?

Chúng ta khát được yêu thương, tôn trọng, được an ủi, cảm thông. Chúng ta khát khao sự thật, khát điều tốt đẹp, kiến thức, tài năng… khát tất cả những gì là chân thiện mỹ. Nhưng chúng ta đã giải khát cho tinh thần của chúng ta như thế nào? Chúng ta khát khao được yêu thương nhưng chỉ nhận được những thù hằn, khát sự thật nhưng lại chỉ thu vào cho mình những gì là dối trá, dối trá ngay trong lời nói của con người, qua những phương tiện truyền thông xã hội như báo chí, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, internet và cả trong những quan hệ của con người với nhau. Chúng ta khao khát điều tốt đẹp, nhưng lại đưa vào tâm trí những phim ảnh đồi truỵ, bạo lực, ma quái làm cho tinh thần yếu dần, đến một lúc nào đó đánh mất sự sống tinh thần mà chúng ta không để ý.

2. Cơn khát của Thiên Chúa

Bây giờ chúng ta bàn một chút về nỗi khát của Thiên Chúa. Trước đây người ta tưởng rằng Thiên Chúa ở tít trên trời cao, Ngài có tất cả mọi sự nên Ngài không đói, không khát. Nhưng Đức Giêsu, qua bài Phúc Âm hôm nay, nói: “Thiên Chúa là Thần Khí, là tinh thần” (Ga 4,24) nên Người mạc khải cho chúng ta cơn khát của Thiên Chúa. Quả thật, Thiên Chúa là tinh thần nên Ngài không cần những thứ nước vật chất; nhưng vì là tinh thần nên Ngài cũng mong được yêu thương, được đối xử chân thành, được cảm thông, đón nhận. Chúa Giêsu nói với người phụ nữ về nỗi khát khao của Thiên Chúa, Ngài mong có “những người thờ phượng Thiên Chúa đích thực trong Thần Khí và trong sự thật” (x. Ga 4,23-25).

Thiên Chúa là nguồn của chân thiện mỹ nên Ngài không cần sự thật, lòng tốt, cái đẹp cho mình, nhưng Ngài khát khao chia sẻ cái đẹp, cái tốt, cái đúng cho con người và vạn vật. Khi chúng ta nhận được những ân sủng đó, Ngài cũng mong chúng ta đáp trả lại cho Ngài những gì Ngài đã trao ban. Rất nhiều khi chúng ta nhận sự thật của Ngài mà chúng ta lại đáp trả Ngài những điều dối trá; nhận được điều tốt đẹp của Ngài mà lại đáp trả bằng những điều xấu xa… nên Thiên Chúa khao khát những con người tôn thờ Ngài trong Thần Khí và sự thật là vậy.

Chúa Giêsu nói với người phụ nữ: “Nếu chị nhận ra ân huệ của Thiên Chúa và ai là người đang nói với chị: cho tôi chút nước uống thì hẳn chị đã xin và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4,10). Thiên Chúa đã cho chúng ta tất cả, và nếu chúng ta đáp trả một chút tất cả những gì Ngài đã ban cho chúng ta thì Ngài sẽ thoả mãn cơn khao khát của chúng ta gấp bội.

Chúa Giêsu còn diễn tả cơn khát đó cụ thể hơn: trên con đường thập giá, Người đã đổ nhiều máu; và trên thập giá, Người nói: “Ta khát!” (Ga 19,28). Người muốn diễn tả nỗi khát khao của Thiên Chúa bởi vì Người sẵn sàng chết và đã chết cho con người dù con người là tội nhân, để mong muốn con người hiểu được tình yêu cứu độ của Người và đáp lại tình yêu đó. Chính khi đáp lại tình yêu của Người, con người nhận được ơn cứu độ mà thánh Phaolô trong bài đọc thứ II đã nói cho chúng ta (x. Rm 5,5-8).

3. Việc giải khát của chúng ta hôm nay

Suy nghĩ về cơn khát của con người và cơn khát của Thiên Chúa, chúng ta thử nhìn lại xem mình đang giải cơn khát như thế nào cho thể xác? Chúng ta có uống đủ nước không? Có thay nước tinh khiết bằng những loại thức uống có hại cho thể xác không? Chúng ta có để ý đến cơn khát của tinh thần và làm thoả mãn cơn khát đó không? Khi hiểu biết mình không được làm ô nhiễm dòng nước tinh thần nơi người khác, chúng ta không thể nào đưa những tin tức, sách báo, phim ảnh đầy những nội dung dối trá, đồi truỵ, bạo lực, ma quái cho người khác để làm cho tinh thần của họ bị nhiễm bẩn. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về việc làm tổn thương, thậm chí giết chết, tinh thần người khác vì những hành động gây ô nhiễm tinh thần này.

Hơn nữa, chúng ta còn phải để ý đến cơn khát của Thiên Chúa, đến việc Ngài đang mong chờ chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài, tôn thờ Ngài trong Thần Khí là Thánh Thần tình yêu và trong sự thật là chính Chúa Giêsu, hay chúng ta lại hành động như người phụ nữ Samari đã nói với Chúa Giêsu: “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này, còn các ông lại bảo phải thờ Ngài ở Giêrusalem” (Ga 4,20). Chúa Giêsu bảo: “Chị ơi, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải ở Giêrusalem, cũng không phải trên núi này” (Ga 4,21).

Rất nhiều người nghĩ rằng mình cần phải đến Đức Mẹ La Vang ở Huế thì mới xin được một ơn lạ nào đó; phải đến Đức Mẹ Bình Triệu thì mới cầu nguyện một cách sốt sắng; cần phải đến Tà Pao mới nhìn được ánh sáng lạ lùng… còn Chúa và Đức Mẹ ở ngay trong nhà thờ này không đủ hấp dẫn để chúng ta cầu nguyện! Chúng ta có nghĩ như họ không!? Thiên Chúa khát khao chúng ta tôn thờ Ngài như thế nào?

Kết luận

Hôm nay suy nghĩ về cơn khát của con người và của Thiên Chúa, chúng ta thấy mình đón nhận biết bao ân sủng của Thiên Chúa để làm thoả mãn cơn khát của mình cũng như cơn khát của người khác, đồng thời cũng được mời gọi đáp lại tình yêu của Thiên Chúa để thoả mãn nỗi khát khao của Ngài. Hơn nữa, chúng ta cần phải trở thành hình ảnh sống động của Đức Kitô để làm cho con người cũng như cho Thiên Chúa được giải khát bằng nguồn nước tình yêu và sự thật mà Thánh Thần và Đức Giêsu đã chia sẻ cho ta trong đời sống thường ngày.