24/12/2024

Cộng đoàn Kitô tiên khởi: Mẫu gương sống hiệp nhất cho cho các Kitô hữu bị chia rẽ ngày nay

Kiểu sống của cộng đoàn Kitô tiên khởi ở Giêrusalem là mẫu gương sự hiệp nhất cho các tín hữu Kitô bị chia rẽ ngày nay. Tuy bị ghi dấu bởi các khó khăn và các bấp bênh, nhưng lịch sử phong trào đại kết cũng là lịch sử của tình huynh đệ. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khẳng định như trên trước 7.000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến tại Đại Thính đường Phaolo VI sáng thứ tư 19-1-2011.

Cộng đoàn Kitô tiên khởi: Mẫu gương sống hiệp nhất cho cho các Kitô hữu bị chia rẽ ngày nay

Kiểu sống của cộng đoàn Kitô tiên khởi ở Giêrusalem là mẫu gương sự hiệp nhất cho các tín hữu Kitô bị chia rẽ ngày nay. Tuy bị ghi dấu bởi các khó khăn và các bấp bênh, nhưng lịch sử phong trào đại kết cũng là lịch sử của tình huynh đệ.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khẳng định như trên trước 7.000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến tại Đại Thính đường Phaolo VI sáng thứ tư 19-1-2011.

Vì đang trong tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô nên Đức Thánh Cha đã nói về bổn phận này của mọi Kitô hữu. Ngài nêu bật tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất như sau:

Thật là quan phòng sự kiện trên con đường xậy dựng sự hiệp nhất, lời cầu nguyện được đặt ở trung tâm: điều này một lần nữa nhắc nhớ chúng ta rằng sự hiệp nhất không phải là sản phẩm hoạt động của con người; nhưng trước hết nó là một ơn của Thiên Chúa, bao gồm việc lớn lên trong sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Công đồng Chung Vatican II nói: “Các lời cầu nguyện chung này chắc chắn là một phương thế rất hữu hiệu để nài xin ơn hiệp nhất, và chúng là một biểu lộ đích thực của các mối dây qua đó các tin hữu Công giáo hiệp nhất với các anh em đã tách rời: “Bởi vì ở đâu có hai hay ba người tụ họp nhau nhân danh Thầy – Chúa nói – thì Thầy ở đó giữa họ” (Mt 18,20) (Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, 8).

Đề tài chọn cho tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô năm nay là kinh nghiệm của cộng đoàn Kitô tiên khởi Giêrusalem như miêu tả trong sách Công vụ Tông đồ, chúng ta vừa nghe đọc: “Họ kiên trì trong việc lắng nghe giáo huấn của các Tông đồ và trong sự hiệp nhất huynh đệ, trong việc bẻ bánh và trong các lời cầu nguyện” (Cv 2,42).

Chúng ta phải chú ý rằng ngay từ lúc lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các người có ngôn ngữ và văn hoá khác nhau: điều đó có nghĩa là ngay từ đầu Giáo Hội ôm vào lòng các người thuộc nguồn gốc khác nhau, và chính từ các sự khác biệt đó Thần Khi tạo ra một thân thể duy nhất. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống ghi dấu việc rộng mở của Giao Ước của Thiên Chúa cho tất cả mọi thụ tạo, cho tất cả mọi dân tộc thuộc mọi thời đại, để toàn thụ tạo tiến bước về mục đích thật của mình là nơi ở của sự hiệp nhất và tình yêu thương.

Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: văn bản sách Công vụ các Tông đồ nói trên có 4 đặc tính định nghĩa cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi, qua đó thánh Luca cống hiến cho chúng ta mẫu gương nền tảng cuộc sống của Giáo Hội thuộc mọi thời đại. Và Đức Thánh Cha đã nêu bật 4 đặc điểm đó như sau:

Đặc điểm thứ nhất, hiệp nhất và kiên trì trong việc lắng nghe giáo huấn của các Tông đồ, rồi trong sự hiệp thông huynh đệ, trong việc bẻ bánh và trong các lời cầu nguyện. Bốn yếu tố này, cả ngày nay nữa, là các cột trụ cuộc sống của mọi cộng đoàn Kitô, và chúng cũng tạo thành nền tảng vững chắc duy nhất giúp tiến tới trong việc kiếm tìm sự hiệp nhất hữu hình của Giáo Hội.

Trước hết là việc lắng nghe giáo huấn của các Tông đồ, hay lắng nghe chứng tá của các vị đối với sứ mệnh, cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Đó là điều mà thánh Phaolô gọi là “Tin Mừng”. Các Kitô hữu tiên khởi đã nhận Tin Mừng từ miệng của các Tông đồ, họ được hiệp nhất bởi việc lắng nghe và công bố Tin Mừng ấy; bởi vì Tin Mừng “là quyền năng của Thiên Chúa cho sự cứu rỗi của bất cứ ai tin” (Rm 1,16). Cả ngày nay nữa, mọi cố gắng xây dựng sự hiệp nhất giữa tất cả mọi Kitô hữu đều đi qua việc đào sâu sự trung thành với gia tài đức tin do các Tông đồ truyền lại. Vững vàng trong đức tin là nền tảng sự hiệp thông của chúng ta, là nền tảng sự hiệp nhất Kitô.

Đặc điểm thứ hai là sự hiệp thông huynh đệ. Vào thời cộng đoàn kitô tiên khởi cũng như ngày nay, đây là việc diễn tả dễ nhận ra nhất của sự hiệp nhất giữa các môn đệ Chúa, đặc biệt đối với thế giới bên ngoài. Sách Công vụ Tông đồ cho biết các Kitô hữu để mọi sự làm của chung, và ai có đất đai của cải thì đem bán đi để cho các người túng thiếu cũng được chia sẻ (x. Cv 2,44-45). Trong lịch sử Giáo Hội, việc chia sẻ của cải đó đã tìm ra các mô thức diễn tả luôn luôn mới mẻ. Một trong các cách thức đó là tương quan huynh đệ và bằng hữu được xây dựng giữa các Kitô hữu thuộc các Giáo hội Kitô khác nhau. Lịch sử của phong trào đại kết đã được ghi dấu bởi các khó khăn và các bấp bênh, nhưng cũng là một lịch sử của tình huynh đệ, sự cộng tác và chia sẻ nhân bản và tinh thần, Nó đã khiến cho các tương quan giữa các người tin nơi Chúa Giêsu thay đổi một cách ý nghĩa: tất cả chúng ta đều dấn thân trên con đường này.

Như vây yếu tố thứ hai là sự hiệp thông, trước hết là sự hiệp thông với Thiên Chúa qua đức tin; nhưng sự hiệp thông với Thiên Chúa tạo ra sự hiệp thông giữa chúng ta và cần được diễn tả ra một cách cụ thể như miêu tả trong sách Công vụ Tông đồ, nghĩa là bằng việc chia sẻ. Không ai trong cộng đoàn Kitô phải đói, phải sống nghèo: đó là một đòi buộc nền tảng. Sự hiệp thông với Thiên Chúa được thể hiện như sự hiệp thông huynh đệ, được diễn tả ra một cách cụ thể, trong dấn thân xã hội, trong tình bác ái Kitô, trong công bằng.

Đặc điểm nòng cốt thứ ba trong cuộc sống cộng đoàn Kitô Giêrusalem là việc bẻ bánh, trong đó chính Chúa hiện diện với hiến tế duy nhất của Thập Giá, trong việc hoàn toàn tự hiến chính mình cho sự sống của các bạn hữu Người: “Đây là mình Thầy được hiến dâng làm của lễ vì các con… đây là chén máu Thầy… đổ ra cho các con”. “Giáo Hội sống Thánh Thể. Sự thật này không chỉ diễn tả một kinh nghiệm thường ngày của đức tin, nhưng chứa đựng trong tổng hợp nhân tố của mầu nhiệm Giáo Hội” (Giovanni Paolo II, Enc. Ecclesia in Eucharistia, 1).

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Sự hiệp thông với hy tế của Chúa Kitô là tuyệt đỉnh sự kết hiệp của chúng ta với Thiên Chúa, và vì thế cũng diễn tả sự hiệp nhất tràn đầy, sự hiệp thông trọn vẹn của các môn đệ Chúa Kitô.

Trong tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô này, thật đáng tiếc vì không thể cùng chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể. Nó là dấu chỉ cho thấy chúng ta chưa thực hiện được sự hiệp nhất mà Chúa Kitô đã cầu nguyện cho. Kinh nghiệm đớn đau đó cũng trao ban một chiều kích sám hối cho lời cầu nguyện của chúng ta. Nó phải trở thành lý do của một dấn thân quảng đại hơn nữa từ tất cả mọi người, để cho các chướng ngại cản ngăn sự hiệp thông trọn vẹn được tháo gỡ, và đạt đến ngày, trong đó mọi Kitô hữu có thể hiệp nhất chung quanh bàn tiệc của Chúa, và cùng nhau bẻ bánh Thánh Thể và uống cùng một chén.


Đặc điểm sau cùng là các lời cầu nguyện. Cầu nguyện đã luôn luôn là thái độ liên lỉ của các môn đệ Chúa Kitô, nó đồng hành với cuộc sống thường ngày của họ trong thái độ vâng theo ý của Thiên Chúa. Trong thư gửi tín hữu Thêxalônica, Thánh Phaolô khuyên họ như sau: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi, và hãy cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, vì đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5,16-18; x. Ep 6,18). Lời cầu nguyện kitô tham dự vào lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, là kinh nghiệm tuyệt diệu của tình con thảo, như lời Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện của gia đình… nói về Cha Chung. Vì vậy, ở trong tư thế cầu nguyện cũng có nghĩa là rộng mở cho tình huynh đệ…

Rồi Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau:

Anh chị em thân mến, như là môn đệ của Chúa, chúng ta có một trách nhệm chung đối với thế giới, chúng ta phải cùng nhau phục vụ: như cộng đoàn Kitô Giêrusalem tiên khởi, khởi hành từ những gì chúng ta đã cùng chia sẻ với nhau, chúng ta phải cống hiến một chứng tá mạnh mẽ, được xây dựng một cách thiêng liêng và được lý trí nâng đỡ, chứng tá về Thiên Chúa duy nhất, Đấng đã tự mặc khải và nói với chúng ta nơi Đức Kitô, để trở thành những người đem một sứ điệp hướng dẫn và soi sáng con đường của con người thời đại, thường không có các điểm quy chiếu rõ ràng và có giá trị. Vì thế, thật là điều quan trọng phải lớn lên trong tình yêu thương nhau mỗi ngày và dấn thân thắng vượt các hàng rào còn hiện hữu giữa các Kitô hữu…

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngài đặc biệt chào các thành viên hiệp hội “Con cái trên thiên đàng: các cánh giữa trời và đất”, quy tụ các cha mẹ đã mất con cái, thường là trong các hoàn cảnh thê thảm. Ngài khích lệ họ đừng thất vọng và ngã quỵ, nhưng biến khổ đau thành hy vọng như “Mẹ Maria đứng dưới chân Thánh Giá”. Sau cùng, Đức Thánh Cha đã cất kinh Lạy Cha và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Nguồn: RV