26/12/2024

ĐGH Bênêđíctô XVI cắt nghĩa về một “sợi dây chỉ vàng” liên kết mỗi người với Thiên Chúa

Đức Bênêđíctô XVI đã cắt nghĩa làm sao một “sợi chỉ vàng” liên kết mỗi người với Thiên Chúa, trong bài huấn giáo của người về Thánh nữ Catarina thành Gênes. Sau Thánh nữ Catarina thành Sienna và Thánh nữ Catarina thành Bologne, Đức Bênêđíctô XVI đã dành bài huấn giáo của người hôm thứ tư vừa qua, 12/1/2011, để nói về một vị “Thánh nữ Catarina” khác, cũng là người Ý, đó là Thánh nữ Catarina thành Gênes (1447-1510), trước sự hiện diện của khoảng 9.000 khách tham quan, tại Đại Thính đường Phaolô VI.

Bài huấn giáo của Đức Bênêđíctô XVI Về Thánh nữ Catarina thành Gênes

 

Rôma, thứ tư, 12/1/2011(nguồn: Zénit.org, bài của Anita S. Bourdin)

 

Đức Bênêđíctô XVI đã cắt nghĩa làm sao một “sợi chỉ vàng” liên kết mỗi người với Thiên Chúa, trong bài huấn giáo của người về Thánh nữ Catarina thành Gênes.

 

Sau Thánh nữ Catarina thành Sienna và Thánh nữ Catarina thành Bologne, Đức Bênêđíctô XVI đã dành bài huấn giáo của người hôm thứ tư vừa qua, 12/1/2011, để nói về một vị “Thánh nữ Catarina” khác, cũng là người Ý, đó là Thánh nữ Catarina thành Gênes (1447-1510), trước sự hiện diện của khoảng 9.000 khách tham quan, tại Đại Thính đường Phaolô VI.

 

Đức Bênêđíctô XVI đã cầu chúc cho các khách hành hương nói tiếng Phápnhư sau: “Ước gì anh chị em, cùng với Thánh nữ Catarina thành Gênes có thể khám phá thấy rằng tình yêu của Thiên Chúa như thể một sợi chỉ vàng liên kết tâm hồn chúng ta với chính Thiên Chúa!”

 

Đức Bênêđíctô XVI cũng cắt nghĩa cho ta biết hình ảnh “sợi chỉ vàng” đến từ đâu. “Trong cuộc đời của Thánh nữ Catarina thành Gênes, ta thấy được sự hiện diện của nhiều nguồn thần học và thần bí, mà vào thời đó, việc kín múc những nguồn này là điều rất tự nhiên. Đặc biệt, ta tìm thấy một hình ảnh tiêu biểu của Denys Aréopagite, chẳng hạn hình ảnh sợi về chỉ vàng liên kết tâm hồn chúng ta với chính Thiên Chúa”.

 

Và Đức Bênêđíctô XVI cắt nghĩa: “Khi Thiên Chúa đã thanh luyện con người, thì Người liên kết họ với một sợi chỉ vàng rất mịn màng, đó là tình yêu của Người, và Người lôi kéo họ đến với Người bằng một tình yêu mến rất mãnh liệt đến độ con người như thể “bị vượt qua, bị Thiên Chúa chiến thắng và bị hút hồn”. Như thế, tâm hồn của con người bị tình yêu của Thiên Chúa chiếm hữu, và tình yêu của Người trở nên người hướng đạo duy nhất, động cơ duy nhất cho cuộc sống của mình. Trạng thái hướng lòng về Thiên Chúa, và phó thác vào Thánh ý của Người, được diễn tả qua hình ảnh sợi chỉ vàng, đã được Thánh nữ Catarina thành Gênes sử dụng đễ diễn tả hành động của ánh sáng thần linh lên trên các linh hồn trong luyện ngục, ánh sáng thanh luyện họ, và nâng họ lên những nguồn ánh quang huy của những tia nắng chói sáng của Thiên Chúa”.

 

Đức Bênêđíctô XVI đã nhắc lại đời sống “đáng làm cho chúng ta phải ngạc nhiên” này. “Sinh năm 1447, Catarina thành Gênes đã trải qua một kinh nghiệm hối cải rất đáng ngạc nhiên. Kết hôn lúc 16 tuổi với một người đàn ông đam mê cờ bạc, Catarina không hề cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống trần thế của mình, Catarina cảm thấy trống trải và cay đắng trong tâm hồn. Một ngày nọ, khi đi đến một nhà thờ để xưng tội, Catarina nhận được “tình yêu vô biên của Thiên Chúa tác động vào trong tâm hồn của mình như thể một vết thương”. Thiên Chúa chỉ cho Catarina thấy sự khốn cùng của mình và sự tốt lành của Thiên Chúa. Ngay lập tức, Catarina đã quyết định từ bỏ tội lỗi và thế gian”.

 

Đức Bênêđíctô XVI nhấn mạnh sự ân cần của Catarina đối với những bệnh nhân và những người nghèo khổ. Đức Bênêđíctô XVI kể lại rằng“Trong suốt 25 năm trời, Catarina được tình yêu của Chúa giáo huấn ngay từ bên trong, và được nuôi dưỡng bằng kinh nguyện chuyên cần cũng như rước lễ mỗi ngày. Catarina tận tụy phục vụ các bệnh nhân tại bệnh viện Pammatone do người điều hành”.

 

Đức Bênêđíctô XVI nhấn mạnh “Sự phục vụ khiêm nhường, trung thành và quảng đại mà Thánh nữ đã thực thi trong suốt cả cuộc đời của người tại bệnh viện Pammeton là một gương chói sáng về tình bác ái dành cho tất cả mọi người, và đạc biệt là một sự khích lệ cho các phụ nữ đã đóng góp thật quảng đại cho xã hội và Giáo Hội, qua những công việc thật quý giá của họ, những công việc được phong phú hóa nhờ sự nhạy cảm của họ, và nhờ sự quan tâm đối với những người nghèo khổ nhất và lâm cơn quẫn bách nhất”.

 

Đức Bênêđíctô XVI cũng nhấn mạnh là làm thế nào mà Thánh nữ Catarina thành Gênes đã trở nên nổi tiếng nhờ tình yêu của người dành cho các linh hồn trong “luyện ngục”: “Trong suốt cuộc đời đặt trọng tâm nơi Thiên Chúa và tha nhân, Catarina đã nhận được một kiến thức đặc biệt về luyện ngục mà Thánh nữ mô tả như một “ngọn lửa không phải ngoại tại mà là nội tại” trên con đường đi đến sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa”.

 

Như thế, Đức Bênêđíctô XVI đã cắt nghĩa sự thanh luyện này: “Trước tình yêu của Thiên Chúa, linh hồn cảm thấy vô cùng đau đớn về những tội đã phạm, trong khi mà những ước muốn và hình phạt của tội trói chặt linh hồn, và làm cho linh hồn không thể hưởng kiến được tôn nhan Thiên Chúa. Vì chưng ta cần phải đạt tới sự thánh thiện cần thiết để được hưởng niềm vui thiên đường.

 

Đức Bênêđíctô XVI đã đặc biệt khai triển giáo huấn của Thánh nữ Catarina về chân lý đức tin này: “Qua cuộc sống của mình, Thánh nữ Catarina dạy chúng ta rằng chúng ta càng yêu mến Thiên Chúa và càng sống thân tình với Người qua kinh nguyện, thì Người càng tỏ mình cho chúng ta biết và càng ôm ấp chúng ta bằng tình yêu của Người. Khi viết về luyện ngục, Thánh nữ nhắc lại cho chúng ta một chân lý cơ bản của đức tin, chân lý trở nên một lời kêu gọi chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời, để họ có thể hưởng kiến tôn nhan Thiên Chúa trong sự hiệp thông với các Thánh”.

 

Đức Bênêđíctô XVI  đã ghi nhận là “Các Thánh, qua kinh nghiệm hiệp thông với Thiên Chúa của mình, đã đạt được một “kiến thức” về những mầu nhiệm thần linh sâu xa đến độ các ngài có thể giúp đỡ tất cả mọi người, và giúp đỡ các nhà thần học trong việc tìm kiếm tri thức đức tin”.

 

G.B. Lưu Văn Lộc chuyển ngữ