23/11/2024

Càng yêu mến Thiên Chúa và Cầu nguyện liên lỉ, càng biết yêu thương tha nhân đích thực

Chúng ta càng yêu mến Thiên Chúa và cầu nguyện liên lỉ bao nhiêu, thì lại càng yêu thương người thân cận đích thực bấy nhiêu, bởi vì chúng ta sẽ có khả năng trông thấy nơi mọi người gương mặt của Chúa, là Đấng yêu thương vô bờ và không phân biệt. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhắn nhủ như trên trong buổi tiếp kiến hơn 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 12-1-2011.

Càng yêu mến Thiên Chúa và Cầu nguyện liên lỉ, càng biết yêu thương tha nhân đích thực

Chúng ta càng yêu mến Thiên Chúa và cầu nguyện liên lỉ bao nhiêu, thì lại càng yêu thương người thân cận đích thực bấy nhiêu, bởi vì chúng ta sẽ có khả năng trông thấy nơi mọi người gương mặt của Chúa, là Đấng yêu thương vô bờ và không phân biệt.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhắn nhủ như trên trong buổi tiếp kiến hơn 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 12-1-2011.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu một thánh nữ khác cũng có tên là Caterina: đó là thánh nữ Caterina thành Genova. Cuốn sách kể lại cuộc đời thánh nữ được xuất bản năm 1551 gồm ba phần: Cuộc đời thánh nữ, khảo luận chứng minh và tuyên bố về hoả ngục và Đối thoại giữa linh hồn và thân xác. Phần thêm cuối sách là do linh mục Cattaneo Marabotto, cha giải tội của thánh nữ viết. Đức Thánh Cha kể lại tiểu sử thánh nữ như sau:

Caterina sinh tại Genova năm 1447, là con út trong gia đình có 5 người con, và mồ côi cha là ông Giacomo Fieschi khi còn bé. Mẹ là bà Francesca di Negro đã giáo dục con cái rất đạo hạnh, đến độ cô con gái lớn trở thành nữ tu. Năm lên 16 tuổi, Caterina được gả cho ông Giuliano Adorno, một người đã sống kinh nghiệm thương mại và quân sự bên vùng Trung Đông, trở về Genova để lập gia đình. Nhưng cuộc hôn nhân không hạnh phúc vì tính tình đam mê cờ bạc của chồng. Ban đầu Caterina có kiểu sống trần tục, nhưng không tìm thấy an bình thanh thản. Sau mười năm nàng cảm thấy trống rỗng và cay đắng trong lòng.

Cuộc hoán cải bắt đầu ngày 20 tháng 3 năm 1473 nhờ một kinh nghiệm đặc biệt. Caterina đến nhà thờ thánh Biển Đức và đan viện Đức Bà Ban Ơn để xưng tội. Khi quỳ trước mặt linh mục, nàng nhận được một vết thương trong tim, một tình yêu mênh mông của Thiên Chúa và trông thấy rõ ràng các bần cùng và thiếu sót của mình, đồng thời với lòng lành của Thiên chúa, đến độ sắp xỉu… Từ kinh nghiệm đó Caterina nhất quyết hướng trọn cuộc sống về Chúa ”không trần tục, không tội lỗi nữa” (x. Vita mirabile, 3rv).

Caterina chạy trốn, bỏ dở việc xưng tội. Nàng về nhà, lên phòng và cay đắng khóc rất lâu. Chính trong lúc đó Caterina được dậy cầu nguyện và có ý thức về tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với nàng là người tội lỗi, một kinh nghiệm mà Caterina không thể diễn tả ra bằng lời nói (x. Vita mirabile, 4r). Chính trong dịp này Chúa Giêsu khổ đau mang thập giá hiện ra như được vẽ trên các hình của thánh nữ. Ít ngày sau đó Caterina trở lại xưng tội, rồi bắt đầu ”cuộc sống thanh tẩy” và trong một thời gian rất lâu nó khiến cho thánh nữ liên tục cảm thấy đau đớn vì các tội đã phạm và thúc đẩy nàng hy sinh hãm mình để chứng tỏ cho Thiên Chúa thấy tình yêu của thánh nữ.

Caterina tiến bước trên con đường ấy và ngày càng tiến tới gần Chúa hơn cho tới khi bước vào trong ”cuộc sống kết hiệp” nghĩa là một tương quan hiệp nhất sâu xa với Thiên Chúa… Thánh nữ hoàn toàn phó mình trong tay Chúa để sống trong vòng 20 năm ”mà không có thụ tạo nào chen vào giữa và chỉ được dậy đỗ và điều khiển bới Thiên Chúa mà thôi” (Vita, 117r-118r), được dưỡng nuôi bằng lời cầu nguyện liên lỉ và bằng việc rước lễ mỗi ngày, là điều ngoại thường thời đó. Chỉ nhiều năm sau đó Chúa mới ban cho chị một linh mục để lo lắng cho linh hồn chị.

Vì khiêm nhường trước các ơn nhận được Caterina không muốn tâm sự với ai về kinh nghiệm kết hiệp thần bí của chị với Chúa. Chị được thúc đẩy kể lại điểu xảy ra cho mình từ khi được ơn hoán cải, chỉ để làm sáng danh Chúa và mưu ích cho con đường thiêng liêng của người khác.

Đỉnh cao sự kết hiệp thần bí của chị với Chúa là nhà thương Pammatone, nhà thương lớn nhất tỉnh Genova, mà chị là giám đốc và là người linh hoạt. Như thế, Caterina sống cuộc sống hoạt động, mặc dù có cuộc sống nội tâm sâu xa. Tại Pammatone có một nhóm các môn đệ và cộng sự viên quy tụ chung quanh chị, vì bị hấp dẫn bởi cuộc sống đức tin và lòng bác ái của chị.

Chính ông Giuliano Adorno, chồng chị, cũng bỏ cuộc sống ăn chơi cờ bạc để gia nhập dòng ba Phanxicô và vào sống luôn trong nhà thương phụ giúp vợ săn sóc các bệnh nhân. Caterina đã sống như thế cho tới khi kết thúc con đường trần gian ngày 15 tháng 9 năm 1510.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha tóm tắt linh đạo của thánh nữ Caterina thành Genova như sau: từ khi hoán cải cho tới khi qua đời đã không có các biến cố ngoại thường nào, mà chỉ có hai yếu tố nòng cốt: một đàng là kinh nghiêm thần bí, nghĩa là sự kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa được cảm nghiệm như là sự kết hiệp hôn nhân, và đàng khác là việc trợ giúp các bệnh nhân, tổ chức nhà thương và phục vụ tha nhân, đặc biệt những người cần trợ giúp và bị bỏ rơi nhất. Hai sinh hoạt đó làm tràn đầy cuộc sống của chị trong bốn bức tường nhà thương. Và Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu như sau:

Các bạn thân mến, chúng ta đừng bao giờ quên rằng khi càng yêu mến Thiên Chúa và cầu nguyện liên lỉ bao nhiêu, chúng ta lại càng thành công trong việc yêu thương tha nhân đích thật bấy nhiêu, bởi vì chúng ta sẽ có khả năng trông thấy nơi mỗi người gương mặt của Chúa, là Đấng yêu thương vô bờ và không phân biệt. Thần bí không tạo ra xa cách với người khác, không làm cho cuộc sống trở thành trừu tượng, nhưng khiến gần gũi tha nhân, bởi vì bắt đầu nhìn và hành xử với đôi mắt và con tim của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: tư tưởng của thánh nữ Caterina liên quan tới luyện ngục được trình bầy trong hai phần sau của sách là Khảo luận luyện ngục và Đối thoại giữa linh hồn và thân xác.

Trong kinh nghiệm thấn bí thánh nữ Caterina đã không nhận được các mạc khải về luyện ngục hay các linh hồn đang được thanh tẩy, nhưng nó là yếu tố chính và kiểu miêu tả cũng khác với thói quen thời đó, coi luyện ngục như là một nơi các linh hồn được thanh tẩy. Đức Thánh Cha khai triển quan niệm về luyện ngục của thánh nữ Caterina thành Genova như sau:

Luyện ngục không được trình bày như là một yếu tố của phong cảnh trong lòng đất: nó là một ngọn lửa không phải bên ngoài, nhưng là bên trong. Đó là luyện ngục, một ngọn lửa nội tâm. Thánh nữ nói tới lộ trình thanh tẩy của linh hồn hướng tới sự hiệp nhất tràn đầy với Thiên Chúa, khởi sự từ kinh nghiệm riêng của nỗi đau đớn sâu xa vì các tội đã phạm, đối với tình yêu vô biên của Thiên Chúa (Vita, 171v)… Thánh nữ Caterina khẳng định rằng Thiên Chúa tinh tuyền và thánh thiện tới độ linh hồn với các vết nhơ tội lỗi không thể đứng trước sự hiện diện uy nghiêm của Người (Vita, 177r). Và linh hồn ý thức được tình yêu mênh mông và sự công thẳng hoàn thiện của Thiên Chúa. Do đó nó khổ đau vì đã không đáp trả lại một cách đúng đắn và hoàn hảo đối với tình yêu ấy, và chính tình yêu của Thiên Chúa trở thành ngọn lửa, chính tình yêu thanh tẩy linh hồn khỏi các vết nhơ của tội lỗi.

Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: nơi thánh nữ Caterina người ta nhận ra sự hiện diện của các nguồn thần học và thần bí, mà người thời đó hay kín múc. Đặc biệt có hình ảnh của Dionigi Aaropagita dùng: đó là hình ảnh sợi chỉ vàng cột trái tim con người vào chính Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa đã thanh tẩy con người, thì Ngài cột buộc nó vào Ngài bằng một sợi chỉ vàng rất nhỏ, là tình yêu của Ngài, và lôi kéo con người với tình yêu thương mạnh mẽ, tới độ con người như ”bị thắng vượt, thua trận và ra khỏi chính mình”. Như thế, trái tim con người bị tràn ngập bởi tình yêu của Thiên Chúa, là sự hướng dẫn duy nhất, là động cơ duy nhất cuộc sống của nó (Vita, 246rv)…

Các bạn thân mến, trong kinh nghiệm kết hiệp với Thiên Chúa, các Thánh đạt sự hiểu biết sâu thẳm các mầu nhiệm của Thiêm Chúa, trong đó tình yêu và sự hiểu biết hoà nhập vào nhau, đến độ trở thành sự trợ giúp cho chính các thần học gia trong dấn thân nghiên cứu, hiểu biết và đào sâu đức tin và các mầu nhiệm đức tin, chẳng hạn như luyện ngục là gì… Chúng ta càng yêu mến Thiên Chúa và bước vào sống sự thân tình với Ngài trong lời cầu nguyện bao nhiêu, Thiên Chúa lại càng khiến cho Ngài được hiểu biết và thắp sáng lên con tim chúng ta với tình yêu của Ngài bấy nhiêu.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau và chúc các tín hữu những ngày hành hương thánh thiện, trước khi cất Kinh Lạy Cha và ban phép lành toà thánh cho mọi người.