24/11/2024

Bài giảng Lễ Chúa Hiển linh, tại Nhà nguyện Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI

Anh chị em thân mến, Ngày hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Kitô, Ánh sáng của trần gian, tỏ mình ra cho muôn dân. Trong ngày Lễ Giáng Sinh, sứ điệp của phụng vụ vang vọng như sau: “Hodie descendit lux magna super terram – Hôm nay, một luồng sáng lớn đã tỏa xuống địa cầu“ (Sách lễ Rôma). Tại Bêlem, “ luồng sáng lớn“ này đã xuất hiện cho một nhóm nhỏ người, “một số nhỏ bé còn sót lại của Israel”, đó là Đức Trinh Nữ Maria, Thánh cả Giuse bạn đời của Người, và một vài mục đồng. Một luồng sáng thật tầm thường, trong phong cách của Thiên Chúa thật: một ánh sáng nhỏ bé được thắp lên trong màn đêm tăm tối: một trẻ thơ mỏng manh đang nằm khóc oa oa trong sự thinh lặng của trần gian… Nhưng bài thánh ca của vô số các Sứ thần thiên quốc hát mừng vinh danh và hòa bình giờ đang đồng hành với cuộc sinh hạ ẩn giấu và vô danh này (x. Lc 2, 13-14).

Hiển linh và Hiện xuống

 

Bài giảng Lễ Chúa Hiển linh, tại Nhà nguyện Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, tại Vương cung thánh đường Vatican

Chúa nhật Hiển linh, 6/1/2008

 

 

Anh chị em thân mến,

 

Ngày hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Kitô, Ánh sáng của trần gian, tỏ mình ra cho muôn dân. Trong ngày Lễ Giáng Sinh, sứ điệp của phụng vụ vang vọng như sau: “Hodie descendit lux magna super terram – Hôm nay, một luồng sáng lớn đã tỏa xuống địa cầu“ (Sách lễ Rôma). Tại Bêlem, “ luồng sáng lớn“ này đã xuất hiện cho một nhóm nhỏ người, “một số nhỏ bé còn sót lại của Israel”, đó là Đức Trinh Nữ Maria, Thánh cả Giuse bạn đời của Người, và một vài mục đồng.  Một luồng sáng thật tầm thường, trong phong cách của Thiên Chúa thật: một ánh sáng nhỏ bé được thắp lên trong màn đêm tăm tối: một trẻ thơ mỏng manh đang nằm khóc oa oa trong sự thinh lặng của trần gian… Nhưng bài thánh ca của vô số các Sứ thần thiên quốc hát mừng vinh danh và hòa bình giờ đang đồng hành với cuộc sinh hạ ẩn giấu và vô danh này (x. Lc 2, 13-14).

 

Như thế, ánh sáng này, một khi xuất hiện trên địa cầu, mặc dầu là tầm thường, nhưng đã chiếu sáng huy hoàng trên bầu trời: việc Vua dân Dothái hạ sinh đã được loan báo bằng sự xuất hiện của một vì tinh đẩu, được nhìn thấy từ đàng xa. Đó là lời chứng của “một số nhà Đạo sĩ“ từ Phương đông đến Giêrusalem, không lâu sau khi Đức Giêsu hạ sinh, vào thời vua Hêrôđê (x. Mt 2, 1-2). Lại một lần nữa, trời cao và đất thấp, vũ trụ và lịch sử gọi tên nhau và cùng trả lời cho nhau. Các lời sấm cổ xưa lại gặp nhau trong ngôn từ của những vì tinh tú. “Một tinh đẩu xuất thân từ Giacóp trở thành thủ lãnh,/ một vương trượng xuất phát từ Israel đã xuất hiện“ (Ds 24,17), đó là lời tiên báo của một nhà bói toán ngoại giáo tên là Balaam, được người ta yêu cầu phải nguyền rủa dân Israel, nhưng trái lại, ông đã chúc phúc cho dân tộc này, bởi vì, như Đức Chúa đã mạc khải cho ông, “dân tộc này […] đáng được chúc tụng“ (Ds 22,12). Chromace d’Aquilée, trong tác phẩm chú giải Phúc Âm theo Thánh Mátthêu của mình, đã đặt mối dây liên kết giữa Balaam và các nhà Đạo sĩ: “Một người thì tuyên sấm rằng Đức Kitô sẽ đến; còn những người kia thì lại nhìn thấy Người với cặp mắt đức tin“. Và tác giả đã đưa ra một nhận xét quan trọng sau đây: “Mọi người đều thấy ngôi sao, nhưng không phải là hết tất cả mọi người đều hiểu được ý nghĩa của nó. Cũng thế, Chúa là Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã sinh ra cho tất cả mọi người, nhưng không phải ai cũng đều đón tiếp Người cả đâu“ (Sđd 4, 1-2). Ý nghĩa của biểu tượng ánh sáng, được áp dụng cho biến cố Đức Kitô hạ sinh, đã  hiện rõ nơi đây, trong một nhãn quan lịch sử: biểu tượng ấy biểu lộ phúc lành đặc biệt của Thiên Chúa trên miêu duệ Ápraham, và sẽ lan tràn đến tất cả mọi dân tộc sống trên địa cầu.

 

Biến cố Tin Mừng mà chúng ta nhắc đến trong ngày Lễ Chúa Hiển linh – việc các nhà Đạo sĩ đến chầu Con Trẻ Giêsu tại Bêlem – đem chúng ta trở về cội nguồn của Dân Chúa, nghĩa là việc Chúa kêu gọi ông Ápraham. Chúng ta đang ở chương 12 Sách Sáng thế. Mười một chương đầu được xem là những bức bích họa trả lời cho những câu hỏi căn bản mà nhân loại đã đặt ra: đâu là nguồn gốc của vũ trụ và con người? Điều dữ từ đâu mà đến? Tại sao lại có nhiều ngôn ngữ và nền văn minh như thế? Qua những trình thuật trong phần đầu Sách Thánh, ta thấy xuất hiện một “giao ước“ đầu tiên, được Thiên Chúa thiết lập với ông Noe, sau trận lụt đại hồng thủy. Đây là một giao ước hoàn vũ có liên hệ đến toàn thể nhân loại: khế ước mới với gia đình ông Noe đồng thời cũng là một khế ước với “mọi loài xác phàm“. Sau đó, trước khi Chúa gọi ông Ápraham, ta thấy một đại bích họa khác rất quan trọng có thể giúp ta hiểu được ý nghĩa của biến cố Hiển linh: đó là tấm bích họa về tháp Baben. Bản văn được linh ứng khẳng định rằng, vào thời nguyên thủy “mọi người đều sử dụng cùng một ngôn ngữ và cùng những từ vựng như nhau“ (St 11,1). Đoạn rồi mọi người nói với nhau: “Này!  Chúng ta hãy xây cho mình một thành phố, và một ngọn tháp cao cho đến tận trời xanh! Chúng ta hãy tạo cho mình một tên tuổi, và chúng ta sẽ không bị tản mác ra khắp mặt địa cầu“ (St 11,4). Hậu quả của tội kiêu ngạo này, giống như tội của Ađam và Eva, đó là sự lẫn lộn giữa các ngôn ngữ, và sự tản mác của nhân loại trên khắp mặt địa cầu (x. St 11, 7-8). Đấy là ý nghĩa của chữ “baben“, và đấy là một loại chúc dữ, giống như lời chúc dữ đối với Ađam và Eva, khi nguyên tổ bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng.

 

Như thế, đã bắt đầu lịch sử của sự chúc lành, qua việc Thiên Chúa kêu gọi ông Ápraham: đấy là khởi đầu của kế hoặch vĩ đại mà Thiên Chúa đã thực hiện, để làm cho nhân loại trở thành một gia đình, nhờ giao ước được ký kết với một dân mới mà Người đã tuyển chọn, để trở nên mối chúc phúc cho các quốc gia (x. St 12, 1-3). Chương trình của Thiên Chúa vẫn đang được diễn ra, và đã đạt đến  cao điểm trong mầu nhiệm Đức Kitô.Từ nay, “thời gian cuối cùng“ đã điểm, theo nghĩa là kế hoặc đã được mạc khải trọn vẹn, và được thực hiện trong Đức Kitô, nhưng kế hoặch nầy còn phải được lịch sử của con người đón nhận, và lịch sử ấy, từ phía Thiên Chúa, vẫn luôn là một lịch sử tín trung, nhưng bất hạnh thay, từ phía chúng ta, cũng lại là một lịch sử bất trung. Giáo Hội là kho ơn chúc lành của Chúa, thì thánh thiện, nhưng lại bao gồm những tội nhân, luôn được ghi dấu bằng lực căng giữa cái “đã rồi“ với cái “chưa tới“. Khi thời gian đến hồi viên mãn, Đức Giêsu Kitô đã đến đưa giao ước đến chỗ thành toàn: Đức Giêsu, Thiên Chúa thật, và là người thật, là Bí tích nói lên sự trung thành của Thiên Chúa đối với kế hoặch cứu rỗi toàn thể nhân loại, cứu độ mọi người chúng ta.

 

Việc các nhà Đạo sĩ từ Đông phương đến Bêlem để thờ lạy Đấng Thiên Sai mới hạ sinh, là dấu chỉ việc Vua hoàn vũ tỏ mình ra cho chư dân, và cho mọi người đi tìm chân lý. Đây là giai đoạn đầu của một động tác đi ngược lại động tác của tháp Baben: từ hỗn loạn đến thông cảm, từ phân tán đến hòa giải. Như thế, chúng ta thoáng thấy một mối dây liên kết giữa Hiển linh với Hiện xuống: nếu Lễ Chúa Kitô giáng sinh, là Thủ lãnh của chúng ta, cũng là lễ Giáng Sinh của Hội Thánh, là thân thể Người, thì chúng ta sẽ thấy, qua con người các nhà Đạo sĩ, những dân tộc đến gia nhập vào số còn sót lại của dân Israel, tiên báo dấu hiệu vĩ đại về “Hội Thánh nói nhiều thứ tiếng“, được Chúa Thánh Thần khai sinh, năm mươi ngày sau lễ Phục Sinh. Tiên báo tình yêu trung thành và dai dẳng của Thiên Chúa là Đấng, từ thế hệ này qua thế hệ khác, không bao giờ vi phạm giao ước. Đây là “mầu nhiệm“ mà Thánh Phaolô nói đến trong các lá Thư của người, cũng như trong đoạn Thư gới tín hữu thành Êphêxô vừa mới được công bố: Thánh Tông đồ khẳng định rằng mầu nhiệm này “đã được mạc khải cho người“ (x. Ep 3, 3) và người đã được Chúa giao cho nhiệm vụ đi công bố.

 

“Mầu nhiệm“ Thiên Chúa trung thành cấu tạo nên hy vọng của lịch sử. Chắc chắn là mầu nhiệm này đã được đánh dấu bằng những hành động chia rẽ, và những lạm dụng quyền hành, và vì tội lỗi, cũng như vì những xung đột của lòng ích kỷ, mà nhân loại đã bị xâu xé. Trong lịch sử, Giáo Hội phục vụ  “mầu nhiệm“ chúc lành của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại. Trong mầu nhiệm Thiên Chúa trung thành, Giáo Hội chỉ hoàn thành được trọn vẹn sứ mạng của mình, một khi ánh sáng của Chúa Kitô phản chiếu trong lòng Giáo Hội, và một khi Giáo Hội giúp cho các dân tộc trên thế giới bước đi trên con đường hòa bình và phát triển đích thật. Thật thế, Lời Chúa được mạc khải qua trung gian của Sứ ngôn Isaia vẫn còn có giá trị: “…Kìa bóng tối bao trùm mặt đất,/ và tối tăm phủ lấp chư dân”  (Is 60, 2).  Lời Sứ ngôn tiên báo tại Giêrusalem nay đã được ứng nghiệm trong Giáo Hội của Đức Kitô: “Chư dân sẽ bước đi theo ánh sáng của ngươi, và  vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước“ (Is 60, 3).

 

Cùng với Đức Giêsu Kitô, lời chúc phúc cho Ápraham đã được ban cho các dân tộc, đã được ban cho Giáo Hội hoàn vũ được xem như dân Israel mới đang đón nhận toàn thể nhân loại vào trong lòng mình. Thế nhưng, ngày hôm nay cũng thế, những gì vị Tiên tri công bố vẫn còn đúng theo nhiều ý nghĩa khác nhau:  “tối tăm phủ lấp chư dân” và phủ lấp lịch sử của chúng ta. Thật thế, ta không thể nào nói được rằng toàn cầu hóa là đồng nghĩa với trật tự hoàn vũ, mà trái lại, nó có thể đi ngược lại nền trật tự ấy. Những cuộc xung đột nhằm dành lấy ưu việt về kinh tế, và sự thống trị các nguồn năng lượng, thủy lực, và nguyên liệu thô đã làm cho những ai, thuộc mọi bình diện khác nhau, đang nỗ lực xây dựng một thế giới công bình và liên đới, càng gặp nhiều khó khăn hơn. Cần có một niềm hy vọng lớn lao hơn giúp chúng ta chuộng công ích của mọi người hơn sự xa hoa của một nhóm nhỏ người và hơn nỗi khốn cùng của một số lớn người. “ Niềm hy vọng lớn lao này chỉ có thể là Thiên Chúa… không phải bất cứ vị thần nào, mà là vì Thiên Chúa có một gương mặt con người“ (Spe salvi, Được cứu rỗi trong niềm hy vọng, s. 31): vị Thiên Chúa đã tự mạc khải chính mình trong Con Trẻ thành Bêlem, và trong Đấng Chịu Đóng Đinh và Sống Lại. Nếu có một niềm hy vọng lớn lao, thì ta có thể kiên vững được trong sự đạm bạc. Nếu thiếu đi niềm hy vọng đích thật, thì ta chỉ biết đi tìm hạnh phúc trong sự say sưa thừa mứa, trong những cái thái quá, và đi đến chỗ hủy hoại chính mình và thế giới. Như thế, tính điều độ không chỉ là một quy luật khổ hạnh, mà còn là một con đường cứu độ cho nhân loại.  Từ nay, hiển nhiên là chỉ khi nào ta chấp nhận một lối sống đạm bạc, cùng với một sự cam kết nghiêm chỉnh trong việc phân phối của cải một cách công bằng, thì lúc đó, ta mới có thể thiết lập được một nền trật tự cho sự phát triển công bằng và trường cửu. Chính vì thế, ta cần đến những con người nuôi niềm hy vọng lớn lao và có nhiều can đảm. Sự can đảm của những nhà Đạo sĩ tiến bước trong cuộc hành trình dài ngày, mắt nhìn ánh sao, và biết quỳ gối trước mặt một Con Trẻ, và dâng lên những tặng phẩm quý giá của mình. Mọi người chúng ta cần có sự can đảm này, sự can đảm gắn chặt vào một niềm hy vọng vững chắc.  Ước gì Đức Maria giúp chúng ta nhận được ân huệ này, và đồng hành với chúng ta trên suốt cuộc lữ hành trần gian, qua sự bảo vệ đầy tình mẫu tử của Người.  Amen!

 

Thầy Lưu Văn Lộc chuyển ngữ