Chúa Nhật XXXII Thường Niên, năm C: Chứng nhân của sự sống lại
Lời mở Các bài Kinh Thánh hôm nay đều tập trung vào việc mời gọi chúng ta tin vào sự sống lại, dù chúng ta đã bàn đến điều này trong mùa Phục Sinh về cái chết và sống lại của Chúa Giêsu. Nhưng hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ sâu xa hơn không phải chỉ nhằm vào Chúa Giêsu Kitô mà nhằm vào mỗi người chúng ta.
CHÚA NHẬT 32 TN – C
CHỨNG NHÂN CỦA SỰ SỐNG LẠI
Hành Khất Kitô
UBBAXH-Caritas Việt
Lời mở
Các bài Kinh Thánh hôm nay đều tập trung vào việc mời gọi chúng ta tin vào sự sống lại, dù chúng ta đã bàn đến điều này trong mùa Phục Sinh về cái chết và sống lại của Chúa Giêsu. Nhưng hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ sâu xa hơn không phải chỉ nhằm vào Chúa Giêsu Kitô mà nhằm vào mỗi người chúng ta.
1. Sống lại nghĩa là gì?
Rất nhiều người nghĩ rằng sống lại là sau khi chết sẽ được trở lại tình trạng mình đã sống trước đây, dù nó có thay đổi đôi chút. Nhưng nhiều người lại nghĩ nếu sống lại như vậy thì không biết có hạnh phúc hay không. Người bị cụt chân, cụt tay, mù mắt sống vài chục năm còn đỡ, bây giờ Chúa cho sống lại mà cứ cụt chân, cụt tay, mù mắt muôn đời thì thà đừng sống lại thì hơn! Nếu Chúa cho sống lại trong thân xác già nua bệnh tật của mình thì nhiều người chẳng vui thú chút nào. Nếu Chúa cho sống lại vào tuổi 20, tươi tắn trẻ đẹp, nhưng tâm trí lúc đó còn non nớt, chưa được học hành, chưa có kinh nghiệm bao nhiêu thì dù có thân xác đẹp nhưng tinh thần tầm thường, có lẽ chẳng ai muốn sống lại như thế. Đó cũng là vấn đề mà phái Sađốc đặt ra cho Chúa Giêsu:
Một gia đình có 7 anh em trai cùng lấy 1 người vợ. Theo luật Do Thái, nếu người anh lấy vợ và chết mà chưa có con, người em phải lấy người vợ đó để người anh có kẻ nối dòng. 7 anh em cùng lấy 1 người vợ và chết mà không có con, thế khi sống lại thì người vợ đó thuộc về ai? Giả như người đàn bà đó sinh cho họ 1 người con thì đỡ, đây lại không sinh đứa con nào. Vì thế, phái Sađốc đa số là tư tế, không tin vào sự sống lại, dù rằng họ vẫn tế lễ đều đều trong đền thờ và đọc kinh trong các hội đường (x. Lc 20,27-33).
Chúa Giêsu đã trả lời: sống lại không phải là chỉ trở về cuộc sống trước đây mình đã có với một sự đổi thay nào đó của con người, nhưng là một cuộc tái sinh. Người ta được sinh ra cho một đời sống mới để kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa, để được chia sẻ tất cả nguồn chân thiện mỹ là chính Chúa như các thiên thần (x. Lc 20,34-38). Lúc bấy giờ, mỗi ngày, mỗi giây phút sống ta đều cảm nghiệm được hạnh phúc Chúa ban để mình đẹp hơn, khoẻ hơn, thông minh, tốt lành hơn như chính Thiên Chúa tốt lành mãi mãi. Đó là hạnh phúc của những người sống lại. Đó là hạnh phúc ở thiêng đường.
Người ta không cần phải lấy vợ gã chồng nữa bởi vì cuộc sống ở trần gian cần có người nối tiếp thì mới cần lập gia đình. Một khi con người sống mãi mãi với Thiên Chúa, chuyện lấy vợ gã chồng sẽ không còn cần thiết nữa. Người ta sẽ giống như các thiên thần. Những thiên thần gắn bó với Thiên Chúa luôn luôn cảm nghiệm được nguồn chân thiện mỹ dồn vào cho mình và mình thăng tiến mãi mãi trong đời sống vĩnh hằng. Thân xác vẫn còn nhưng được quyền năng Chúa biến đổi giống như bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi khi Chúa hiện ra với ông Môsê và xưng mình là Thiên Chúa của các tổ phụ ông, những người mà ông cho là đã chết ở trần thế nhưng thật ra vẫn đang sống hạnh phúc với Thiên Chúa. Đó là hạnh phúc của cuộc sống lại.
Ngày nay, hình như người Công giáo cũng không mơ ước chuyện đó, vì người ta không cảm nghiệm được cuộc sống lại thực hiện ngay trong cuộc đời này. Nhiều người chưa cảm nghiệm được hạnh phúc, quyền năng Chúa nên nghĩ rằng ở đời sau mới có sự sống lại còn đời này vẫn đau khổ, vẫn già nua, chết chóc và họ sống bám vào vật chất như không tin có sự sống lại. Nhưng chúng ta đã biết Đức Giêsu Kitô là trưởng tử đầu tiên hưởng hoa trái của sự sống lại, Người đã minh chứng cuộc sống cho con người như thế nào: nhà đóng kín Người vẫn hiện ra, vẫn ăn, vẫn uống, những vật chất ấy hoàn toàn biến đổi trong Người.
Người chia sẻ cho các Tông đồ ân huệ của Thánh Thần để các ông đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ. Không phải những tông đồ sau khi chết mới được hưởng ơn phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng ngay khi còn đang sống họ đã hưởng ơn đó.
2. Cuộc sống lại của người tín hữu
Đây chính là sứ mạng của người Kitô hữu để khi gắn bó với Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta đón nhận được những ân sủng của Thánh Thần và minh chứng cho người khác biết rằng mình đang được chia sẻ hạnh phúc của sự sống lại: vui hơn, bình an hơn, khoẻ mạnh hơn, thánh thiện và đạo đức hơn. Có thể nói đó là những mặt hàng quảng cáo về Thiên Chúa, về sự sống lại cho người khác. Vậy người tín hữu chúng ta đã cảm nghiệm được ơn phục sinh này chưa?
Ngày 12-10 vừa qua, ĐTC Bênêđictô XVI đã lập ra một hội đồng giáo hoàng mới để Tái truyền giảng Tin Mừng cho các nước đã từng theo Kitô giáo. Các nước Tây Phương trước đây đã từng theo đạo Kitô giáo, nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 7% người Công giáo đi lễ ngày Chủ Nhật. Tại sao lại như vậy? Tại vì đời sống đạo quá tập trung vào những nghi lễ mà không gặp được Đức Giêsu Kitô sống động, quyền năng khiến người ta thấy những nghi lễ không mang ích lợi gì bao nhiêu nên cuối cùng người ta bỏ đạo. Nhiều anh em linh mục cố gắng làm sao cho thánh lễ thật nhanh gọn, nên bớt đi phần này phần nọ; nhiều tín hữu cũng chọn dự những thánh lễ nhanh gọn đó cho đỡ mệt, đỡ tốn giờ. Bài giảng chỉ dài 10-15 phút nhưng người ta chỉ muốn thật ngắn cho khỏi buồn ngủ, các cử chỉ thánh lễ dần thành như một cái máy. Người ta chỉ thích nghe ca đoàn hát thật hay với tiếng nhạc như ở các tụ điểm hơn là chính mình hát ca tụng Chúa. Dần dần thánh lễ trở thành cái gì bất đắc dĩ!
Người ta có thể bỏ ra 1,2 tiếng đồng hồ ngồi xem phim, nhưng chỉ cần giảng thêm 5 phút là thấy khó chịu lắm, dù rằng tất cả thời giờ là của Chúa, vì thế đến dự thánh lễ mà người ta không cảm nghiệm được ơn Chúa ban. Đó là tình trạng đang xảy ra tại các nước Âu Châu.
Trong cuộc sống, người ta đi nghỉ tại các bờ biển, đến các khu an dưỡng, xem ca nhạc, vũ kịch cho bớt căng thẳng chứ không tìm về Thiên Chúa là nguồn bình an, nguồn hạnh phúc. Rồi vì không hết căng thẳng, người ta tìm đến thuốc men, đến các nhà tâm lý giải đáp cho họ những nỗi bức xúc chứ không tìm đến Chúa, tìm đến những vị linh mục được đào tạo để giúp họ vượt qua sự căng thẳng đó.
3. Thể hiện niềm tin vào sự sống lại trong đời sống
Nhiều người cũng thấy rằng dường như theo đạo càng ngày càng mệt mỏi vì những luật lệ, những đóng góp giúp cho đồng bào lũ lụt chỗ này, giúp cho nhà thờ xây dựng ở nơi. Họ nghĩ rằng thà đừng có đạo để khỏi phải đóng góp gì cả và mình sẽ giàu hơn. Họ không cảm nghiệm được Chúa là nguồn giàu sang, nguồn chân thiện mỹ, nguồn hạnh phúc vô tận và sự sống vô biên có thể ban cho họ tất cả. Họ không cảm nghiệm được sự sống lại của Đức Kitô trong con người mình.
Tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm riêng tư: Trong hai tuần vừa qua, khi cứu trợ đồng bào lũ lụt, người ta nói tôi hãy làm dự án xin các tổ chức nước ngoài yểm trợ. Tôi nghĩ rằng: đất nước chúng ta có nhiều người đóng góp rộng rãi và rất quảng đại… Chúng tôi cầu nguyện, và chúng tôi nhận được số thuốc trị giá khoảng 2 tỷ đồng của Công ty Rohto Mentholatum. Chị giám đốc thương mại của công ty này không có đạo, đến gặp chúng tôi và cho chúng tôi rất nhiều thuốc cần cho đồng bào lũ lụt. Ngoài ra, bao nhiêu nhà hảo tâm khác đã góp tiền và vật dụng cho đồng bào nghèo. Tôi thầm cảm tạ Chúa và cảm nhận được quyền năng vô biên của Ngài.
Chúng ta thấy rằng Thiên Chúa chúng ta giàu sang vô cùng, đẹp vô cùng. Nếu chúng ta gắn bó với Chúa thì chúng ta cũng sẽ tốt đẹp, mạnh mẽ, giàu sang. Khi chứng minh được điều đó chúng ta mới trở thành con cái của sự sống lại vì Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải Thiên Chúa của kẻ chết. Vì Chúa đang sống ở trong ta và trong người khác nghe thấy tất cả nên ta chỉ nói những lời tốt đẹp, không thể nói xấu, nói dối người khác. Vì Chúa là Đấng Hằng Sống nên nỗi đau, nỗi nhục mà người ta gây ra cho mình không đáng là gì; ta chỉ cần giữ tấm lòng thật trong sáng là ta sẽ an lành mãi mãi. Khi sống quảng đại, tha thứ, yêu thương như thế, con người chúng ta sẽ an bình hơn, khoẻ mạnh hơn, hạnh phúc hơn, xinh đẹp hơn, giàu sang hơn. Đấy là chúng ta trở thành chứng nhân cho Đấng Phục Sinh, chứng nhân cho Thiên Chúa hằng sống.
Kết luận
Hôm nay, suy nghĩ về sự sống lại, chúng ta đang được mời gọi để nhìn lại đời sống của mình để loại bỏ những tàn tích của sự chết chóc, tàn tạ, tiêu cực ra khỏi đời sống. Khi cố gắng giữ quyết tâm “chỉ nghĩ điều tốt đẹp, chỉ nói lời chân thành, chỉ làm việc chính đáng”, là chúng ta đang thể hiện những nét đẹp của sự sống lại trong đời sống của mình.