28/12/2024

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI với chủ đề: Chứng tá sẽ khơi dậy các Ơn Gọi

Chứng tá sẽ khơi dậy các ơn gọi. Sự phong phú của đề xuất về ơn gọi, quả thật, lệ thuộc chính yếu vào hành động ân sủng của Thiên Chúa, nhưng, như kinh nghiệm mục vụ minh chứng, nó cũng được nâng đỡ rất nhiều từ chứng tá cá nhân và cộng đoàn của tất cả những ai đã đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa trong sứ vụ linh mục và trong đời thánh hiến, vì chứng tá của họ có thể khơi dậy trong những người khác ước muốn quảng đại đáp trả tiếng gọi của Đức Kitô.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI với chủ đề: Chứng tá sẽ khơi dậy các Ơn Gọi

Trích từ trang web http://www.donboscoviet.org

Anh em hàng Giám Mục và Linh Mục kính mến,

Anh chị em thân mến!

Ngày thế giới ơn thiên triệu lần thứ 47, được cử hành vào Chúa Nhật IV PS – Chúa Nhật “Chúa Chiên Lành”- 25 tháng 4 năm 2010, cống hiến cho tôi cơ hội để đề xuất cho anh chị em suy tư về một đề tài rất phù hợp với Năm Linh Mục: Chứng tá sẽ khơi dậy các ơn gọi. Sự phong phú của đề xuất về ơn gọi, quả thật, lệ thuộc chính yếu vào hành động ân sủng của Thiên Chúa, nhưng, như kinh nghiệm mục vụ minh chứng, nó cũng được nâng đỡ rất nhiều từ chứng tá cá nhân và cộng đoàn của tất cả những ai đã đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa trong sứ vụ linh mục và trong đời thánh hiến, vì chứng tá của họ có thể khơi dậy trong những người khác ước muốn quảng đại đáp trả tiếng gọi của Đức Kitô. Do vậy, chủ đề này trực tiếp gắn kết với đời sống và sứ mệnh của các linh mục và các tu sĩ thánh hiến. Bởi thế, tôi muốn mời gọi tất cả những ai đã được Thiên Chúa kêu gọi vào làm vườn nho của Ngài canh tân lời đáp trả trung thành của họ, trên hết trong năm Linh Mục mà tôi đã loan báo trong dịp kỷ niệm 150 năm ngày mất của cha thánh Gioan Maria Vianey, cha sở họ Ars, mẫu gương mãi mãi hiện thực của các mục tử và các cha xứ.

Ngay trong Cựu Ước, các ngôn sứ đã ý thức về việc được gọi để cống hiến toàn bộ hiện hữu của họ nhằm làm chứng về tất cả những gì họ loan báo, sẵn sàng đương đầu với hiểu lầm, loại trừ và bách hại. Nhiệm vụ mà Thiên Chúa trao phó cho họ hoàn toàn chiếm lấy họ, như “ngọn lửa bừng bừng” cháy trong tim họ, khiến họ không thể kìm hãm được (Gr 20,9), và do đó họ sẵn sàng trao phó cho Thiên Chúa không chỉ lời nói, mà toàn bộ yếu tố hiện hữu của họ. Trong thời viên mãn, Đức Giêsu cũng đã thực thi như thế trước lời mời gọi của Cha (Ga 5,36), đó là làm chứng, qua sứ mệnh của Ngài, về tình yêu Thiên Chúa cho tất cả mọi người, không phân biệt, và đặc biệt chú tâm đến những người rốt hết, những tội nhân, những người sống bên lề xã hội, những người nghèo. Ngài là Chứng Nhân vĩ đại nhất về Thiên chúa và về khát khao phần rỗi mọi người. Ngay từ bình minh của thời đại mới, Gioan Tẩy Giả, bằng đời sống hoàn toàn hiến trọn để chuẩn bị con đường cho Đức Kitô, đã làm chứng rằng các lời hứa của Thiên Chúa sẽ hoàn tất nơi Con của Bà Maria, Nadaret. Khi ông thấy Ngài đến sông Giođan, nơi ông đang rửa tội, ông liền chỉ cho các môn đệ của mình biết “Ngài là chiên Thiên Chúa, Đấng gánh lấy tội trần gian” (Ga 1,29). Chứng từ của ông đã sinh hoa kết quả tức thì. Thật vậy, hai môn đệ của ông “khi nghe ông nói như thế đã đi theo Đức Giêsu.” (Ga 1,37).

Ngay ơn gọi của Phêrô, theo những gì được viết trong Tin Mừng Gioan, cũng đến từ chứng từ của anh mình Anrê. Thật vậy, sau khi gặp gỡ Thầy và đáp lại lời mời gọi ở lại với Ngài, Anrê thấy cần phải thông tin ngay cho Phêrô tất cả những gì ông đã khám phá ra khi “ở” cùng Chúa: “Chúng tôi đã tìm thấy đấng Messia – được dịch là Đức Kitô – và ông dẫn Phêrô đến với Đức Giêsu” (Ga 1,41-42). Chuyện cũng xảy ra với Nathanaen, Batôlômêô như vậy, nhờ chứng từ của một môn đệ khác, Philiphê, khi ông này hân hoan loan báo về khám phá vĩ đại của mình: “Chúng tôi đã tìm thấy đấng mà sách luật Môse và các tiên tri đã viết: Đức Giêsu, con ông Giuse người Nadarét” (Ga 1,45). Sáng kiến tự do và nhưng không của Thiên Chúa gặp gỡ và chất vấn trách nhiệm của tất cả những ai tiếp nhận lời mời gọi trở nên khí cụ của Ngài, bằng chứng tá của chính bản thân mình, về lời mời gọi thần linh. Điều này ngày nay cũng xảy ra trong Giáo Hội: Thiên Chúa dùng chứng tá của các linh mục, các tín hữu trong sứ mệnh của họ, để khơi dậy các ơn gọi linh mục và tu sĩ nhằm phục vụ Dân Thiên Chúa. Vì lý do này, tôi muốn nhắc lại ba khía cạnh của đời sống linh mục, mà với tôi có tính chất thiết yếu cho một chứng tá hữu hiệu về đời linh mục.

Yếu tố nền tảng và khả tín của mỗi ơn gọi linh mục và thánh hiến và tình bạn với Đức Kitô. Đức Giêsu đã sống trong mối dây hiệp nhất liên lỉ với Cha, và chính điều này khơi dậy nơi các môn đệ ước muốn sống cùng một kinh nghiệm như thế, học hỏi nơi Ngài sự hiệp thông và đối thoại không ngừng với Thiên Chúa. Nếu linh mục là “người của Thiên Chúa”, tức là thuộc về Thiên Chúa và giúp người khác nhận biết và yêu mến Ngài, thì không thể không vun trồng tình thân mật sâu sắc với Ngài, ở lại trong tình yêu của Ngài, dành chỗ cho việc lắng nghe Lời Ngài. Cầu nguyện là chứng tá đầu tiên khơi dậy ơn gọi. Như tông đồ Anrê đã lập tức thông truyền cho anh em mình việc được biết Thầy thế nào, thì ai muốn trở nên môn đệ và chứng nhân của Đức Kitô hẳn cũng phải “thấy” Ngài, biết Ngài và chắc hẳn phải học yêu mến và ở lại với Ngài như vậy.

Một khía cạnh khác của ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến là dâng hiến trọn vẹn bản thân cho Thiên Chúa. Thánh tông đồ Gioan viết: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy cả chúng ta nữa cũng phải thí mạng vì anh em.” (1Ga 3,16). Với những lời này, ngài mời gọi các môn đệ đi vào cùng một lối nghĩ của Đức Giêsu, Đấng, trong tất cả hiện hữu của mình, đã một mực chu toàn thánh ý Cha đến mức hiến dâng bản thân mình trên thập tự. Lòng xót thương của Thiên Chúa được biểu lộ ở đây, trong tất cả sự viên mãn của Người; tình yêu xót thương đánh bại bóng tối của sự dữ, của tội lỗi và sự chết. Hình ảnh Đức Giêsu rời khỏi bàn ăn giữa Bữa Tiệc Ly, bởi áo khoác và lấy khăn mà thắt lưng rồi cúi xuống rửa chân cho các cho các Tông Đồ, biểu lộ ý nghĩa của sự phục vụ và của sự hiến dâng vốn tỏ hiện trong toàn bộ hiện hữu của Ngài, trong sự vâng phục thánh ý Cha (xem Ga 13, 2’15). Theo Đức Giêsu, tất cả những ai được mời gọi đến đời sống thánh hiến đều phải dấn thân làm chứng về sự tận hiến toàn thân cho Thiên Chúa. Chính đây là nguồn mạch của khả năng dâng hiến bản thân cho những người mà Đấng Quan Phòng trao phó cho người được thánh hiến trong sứ vụ mục tử, với sự tận hiến trọn vẹn, liên lỉ và trung thành, và với niềm vui đồng hành với tất cả anh chị em mình, cốt sao cho họ mở lòng gặp gỡ Đức Kitô và cốt sao cho Lời của Ngài trở nên nguồn sáng soi dẫn hành trình của họ. Lịch sử mỗi ơn gọi gần như luôn gắn liền với chứng tá của một linh mục vui sống đời hiến dâng cho anh chị em vì Nước Trời. Điều này là do sự gần gũi và lời của một linh mục có khả năng làm sống dậy những chất vấn cho chính bản thân người nghe và thúc đẩy một quyết định dứt khoát (xem Gioan Phaolô II, Esort. Ap. Post-sinod. Pastores dabo vobis, 39).

Cuối cùng, khía cạnh thứ ba không thể không là đặc trưng của người linh mục và tu sĩ là sống hiệp thông. Đức Giêsu đã chỉ ra rằng dấu chứng đặc trưng của những ai muốn là môn đệ của ngài chính là sự hiệp thông sâu xa trong tình yêu: “Cứ dấu này mà người ta nhận biết anh em là môn đệ thầy: Đó là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Theo cách thức cụ thể, linh mục phải là con người của sự hiệp thông, rộng mở với mọi người, có khả năng quy tụ toàn bộ đoàn chiên mà lòng nhân hậu của Chúa đã trao phó cho ngài, giúp vượt qua những chia rẽ, hàn gắn những vết nứt, tẩy trừ những đối kháng và hiểu lầm, thứ tha những xúc phạm. Tháng 7 năm 2005, trong cuộc gặp gỡ với các chủng sinh tại Aosta, tôi đã khẳng định rằng nếu giới trẻ thấy các linh mục sống cô lập và buồn chán, thì chắc chắn họ sẽ không thể can đảm bước theo mẫu gương đó. Họ sẽ nghi nan vì nghĩ rằng đây sẽ là tương lai của một linh mục. Trái lại, quan trọng biết bao việc thực thi hiệp thông đời sống, vốn có tác dụng minh chứng cho người trẻ vẻ đẹp của việc trở thành linh mục. Giới trẻ sẽ nói: “đây có thể là một tương lai cho tôi, và người ta có thể sống như thế” (Giáo Huấn I, [2005], 354). Công Đồng Vatican II, khi đề cập đến chứng tá khơi dậy các ơn gọi, đã nhấn mạnh đến mẫu gương về đức ái và sự cộng tác huynh đệ mà các linh mục phải cống hiến.

Tôi thích nhắc lại tất cả những gì mà vị tiền nhiệm của tôi, đức Gioan Phaolô II, đã viết: “Chính đời sống của các linh mục, chính chứng tá của họ về việc phụng sự Thiên Chúa và Giáo Hội với một lòng mến yêu tha thiết – một chứng tá được đánh dấu từ sự chọn lựa thập giá là biểu tượng được đón nhận trong niềm hy vọng và niềm vui phục sinh-, tình huynh đệ hòa hợp của họ và lòng nhiệt thành loan báo tin mừng của họ là nhân tố đầu tiên và thuyết phục nhất của sự phong phú ơn gọi” (Pastores dabo vobis, 41). Người ta có thế nói rằng các ơn gọi linh mục sinh ra từ sự tiếp xúc với các linh mục, chẳng khắc chi một gia sản quý giá được chuyển giao bằng lời, bằng mẫu gương và bằng toàn bộ hiện hữu.

Điều này cũng giá trị cả với đời sống thánh hiến. Chính sự hiện hữu của các tu sĩ nam nữ nói lên tình yêu của Đức Kitô, khi họ theo sát Ngài bằng lòng trung thành tuyệt đối với Tin Mừng và vui vẻ đảm nhận những tiêu chuẩn phán đoán và hành xử của Tin Mừng. Họ trở nên “dấu chỉ của những mâu thuẫn” cho thế gian, vốn thường mang trong mình lối suy luận của chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa vị kỷ và chủ nghĩa cá nhân. Vì họ đã để Thiên Chúa chiếm lấy con người mình và đã từ bỏ bản thân, nên lòng trung thành của họ và sức mạnh về chứng tá của họ sẽ không ngừng khơi dậy nơi tâm hồn biết bao bạn trẻ ước muốn bước theo Đức Kitô mãi mãi cách quảng đại và toàn diện. Bắt chước Đức Kitô thanh khiết, nghèo khó và vâng phục và đồng nhất mình với Ngài: đây là lý tưởng của đời thánh hiến, chứng tá tiên vàn và tuyệt đối về Thiên Chúa trong cuộc sống và trong lịch sử nhân loại.

Mỗi linh mục, mỗi người nam người nữ thánh hiến, các tín hữu trong ơn gọi của mình, đều chuyển tải niềm vui phục vụ Thiên Chúa, và mời gọi tất cả các Kitô hữu đáp trả lời mời gọi nên thánh của Ngài. Do đó, để cổ võ các ơn gọi chuyên biệt cho sứ vụ linh mục và cho đời thánh hiến, để làm cho việc loan báo ơn gọi được mạnh mẽ và sắc bén hơn, thì thật không thể thiếu mẫu gương của tất cả những ai đã thưa lên tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa và với kế hoạch sống mà Ngài ban cho mỗi người. Chứng tá cá nhân, được tạo thành từ những chọn lựa cốt yếu và cụ thể, sẽ khích lệ các bạn trẻ quyết định dấn thân, dâng hiến tương lai bản thân. Nghệ thuật gặp gỡ, đối thoại nhằm soi sáng và đồng hành với người trẻ, trước hết thông qua chứng tá về toàn bộ hiện hữu được sống như ơn gọi, sẽ là một trợ lực rất cần thiết cho họ. Cha thánh họ Ars đã thực hiện điều này. Ngài luôn tiếp xúc với giáo dân của mình, “giảng dạy trên hết bằng chứng tá đời sống. Từ mẫu gương của ngài, các tín hữu học biết cầu nguyện” (Thư Khai Mạc Năm Linh Mục, 16 tháng 6 năm 2009).

Một lần nữa ngày quốc tế ơn thiên triệu này có thể cống hiến một cơ hội quý giá cho rất nhiều bạn trẻ suy tư về ơn gọi của bản thân, tham gia vào đó với lòng đơn sơ, tín thác và quảng đại sẵn sàng. Nguyện xin Đức Nữ Trinh Maria, Mẹ của Giáo Hội, bảo vệ mọi mầm non ơn gọi bé nhỏ trong tâm hồn những ai được Chúa mời gọi theo sát Ngài hơn; xin Mẹ dạy họ thưa vâng để trở nên những cây vững mạnh, sum sê hoa trái, vì lợi ích Giáo Hội và toàn thể nhân loại. Tôi cầu xin Thiên Chúa khấng nhận lời nguyện xin này và ban phúc lành Tông T cho tất cả anh chị em.

Vatican, 13 tháng 11 năm 2009.

BENEDETTO XVI

Học Hải, SDB chuyển ngữ