28/12/2024

Chúa Nhật XXIII Thường Niên, năm C: Lên Kế hoạch Cứu độ

Lời mở Đọc các đoạn Phúc Âm kể lại chuyện Chúa Giêsu làm phép lạ chữa những người bệnh hoạn, tật nguyền, làm cho kẻ chết sống lại hay nghe những bài giảng tích cực, vui tươi của Người… có lẽ chúng ta thấy đi theo đạo quá dễ! Nhưng sau khi nghe đoạn Phúc Âm hôm nay bỗng nhiên chúng ta thấy ngại ngùng không dám theo Chúa Giêsu vì thấy Chúa đòi hỏi gắt gao quá.

CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN – C

 

LÊN KẾ HOẠCH CỨU ĐỘ

Hành Khất Kitô

UBBAXH-Caritas Việt Nam

 

Lời mở

Đọc các đoạn Phúc Âm kể lại chuyện Chúa Giêsu làm phép lạ chữa những người bệnh hoạn, tật nguyền, làm cho kẻ chết sống lại hay nghe những bài giảng tích cực, vui tươi của Người… có lẽ chúng ta thấy đi theo đạo quá dễ! Nhưng sau khi nghe đoạn Phúc Âm hôm nay bỗng nhiên chúng ta thấy ngại ngùng không dám theo Chúa Giêsu vì thấy Chúa đòi hỏi gắt gao quá.

1. Chúa Giêsu có đòi hòi quá đáng không?

Người nói: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi được”; “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi thì không thể làm môn đệ tôi được”; “Ai không từ bỏ hết những gì mình có thì không thể làm môn đệ tôi được”.

Tại sao, Người lại đòi hỏi cao như vậy?

Mới nghe qua thì thấy Chúa Giêsu dường như đòi hỏi quá đáng. Tại sao lại phải bỏ những người thân yêu và cả mạng sống mình để đi theo Người? Thử hỏi Người làm được gì cho ta? Người cho ta cái gì quý hơn người yêu, quý hơn mạng sống của ta? Rồi những gì ta đang có như: nhà cửa, xe cộ, ruộng vườn, tài sản vật chất và tinh thần đang cần cho đời sống trần thế, nếu bỏ đi thì sẽ sống thế nào?

Dường như chúng ta không biết theo Đức Giêsu thì sẽ được gì! Có phải theo Người để được lên thiên đàng không? Những anh em Phật giáo muốn được vào Niết Bàn, nhưng không thấy Đức Phật đòi hỏi nhiều như Chúa Giêsu!

Trước hết, muốn trả lời những câu hỏi trên, chúng ta đang được mời gọi để nhìn vào đích điểm mà chúng ta sẽ đạt được khi theo Chúa Giêsu. Từ đích điểm ấy chúng ta mới thấy những đòi hỏi của Người không quá đáng nhưng xứng đáng được ta thực hiện. Quả thật, theo Chúa Giêsu là chúng ta sẽ nhận được ơn cứu độ.

Nhưng ơn cứu độ là gì?

Giáo huấn của Giáo hội Công giáo nhắc nhở chúng ta: khi theo Chúa Giêsu, chúng ta đi vào con đường cứu độ để hoà nhập thành một với Người, được chia sẻ bản tính Thiên Chúa của Người, được kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa và trở nên con cái Thiên Chúa. (x. Công đồng Vat. II, GH 2-5,9,48; MK 2-4; TG 2-5; MV 22, 32,38-39,45; GLHTCG, số 571, 601,605,613,616). Đây là đích điểm hết sức cao cả nhưng không dễ dàng cảm nhận đối với con người. Tại sao?

Chúng ta không dễ dàng cảm nghiệm được nội dung của ơn cứu độ vì con người trong thân phận thấp hèn, yếu đuối, tội lỗi, bị giới hạn trong không gian, thời gian không thể cảm nhận được Thiên Chúa thánh thiện cao cả, là nguồn của chân thiện mỹ, nguồn của sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc vô biên, nếu chúng ta không có ơn Chúa Thánh Thần, không nhờ Đức Khôn Ngoan mà Thiên Chúa ban cho chúng ta (x. Kn 9,17-18).

Vì thế, Bài đọc thứ I (x. Kn 9,13-18) dạy rằng: làm sao chúng ta hiểu được tâm tư của Chúa, làm sao chúng ta dùng lý trí của con người để suy thấu bản tính cao cả của Thiên Chúa, làm sao một cái bình nhỏ bé như thế này lại có thể chứa được cả đại dương bao la vô tận là Thiên Chúa?

Hơn nữa, ơn cứu độ không phải là một cái gì xa vời, ở ngoài đời sống trần thế. Chúa không ở xa chúng ta, Ngài đang ở giữa và ngay trong lòng ta để chúng ta cảm nghiệm được sức sống kỳ diệu, quyền năng vô tận và sự giàu có vô song của Ngài.

Tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm về quyền năng và sự giàu có của Thiên Chúa. Tuần rồi chúng tôi tổ chức Khoá Bảo Vệ Sự Sống cho 193 tham dự viên đến từ 25 giáo phận trong tổng số 26 giáo phận trong cả nước; 38 dòng tu và 11 tổ chức giáo dân. Nếu phải chi tiền vé máy bay, tiền di chuyển cho họ từ 3 đến 4 triệu đồng/người, cộng thêm tiền ăn 4 ngày (ngày 3 bữa), tiền thuê nhà ở, và các chi phí khác cho khoá tập huấn… thì chúng tôi phải tốn vài trăm triệu đồng. Thế mà Ngài đã quảng đại, thu xếp mọi việc và hội nghị thành công mỹ mãn.

Tôi làm công nhân 18 năm ở Liên hiệp Khoa học Sản xuất In (Liksin), làm tổ trưởng tổ sản xuất, phụ trách 10 máy sắp chữ chụp phim. Vì tin vào Chúa là nguồn của sự khôn ngoan nên vừa học, vừa làm và Chúa đã cho tôi được các trường Đại học mời dạy. Tôi dạy ở trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật, khoa Kỹ Thuật In 16 năm, Đại học Kiến Trúc, khoa Mỹ Thuật Công Nghiệp 3 năm, Đại học Tổng Hợp, khoa Ngữ Văn Báo Chí 2 năm. Nhìn lại mới thấy Chúa là nguồn của sự khôn ngoan và khi gắn bó với Ngài, ta nhận được sự thật để chia sẻ cho người khác.

Tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm cụ thể của đời mình với anh chị em, nhất là với các em học sinh, sinh viên: chúng ta là người Công giáo khi gắn bó với Chúa, ta sẽ học thật giỏi, giỏi hơn cả Tiến sĩ Ngô Bảo Châu nữa, bởi vì chúng ta tìm được con đường sự thật là chính Chúa Giêsu. Kiến thức của TS. Ngô Bảo Châu có ích cho đời sống trần thế, còn Chúa Giêsu lại ban cho ta đời sống vĩnh hằng. Đời sống này có giá trị gấp bội nên đáng cho ta theo đuổi để đạt cho kỳ được.

Nhưng muốn đạt được điều đó, không phải chúng ta cứ suy nghĩ, ngồi mơ mộng hay làm một số việc đạo đức quen thuộc là đủ. Hôm nay, qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu yêu cầu ta phải lên kế hoạch hành động. Một em học sinh mơ ước làm bác sĩ, đâu phải cứ ôm cặp đều đều đi học mà đạt được. Em phải có kế hoạch: bây giờ học lớp 7, lên lớp 9 phải học cho đàng hoàng, thi vào lớp 10 cho đúng ban, qua lớp 12 phải thi đậu vào Đại học Y Dược, phải chăm chỉ  học hành, bỏ đi những giờ chơi game, những chuyến đi chơi xa, mới hy vọng đậu được bằng bác sĩ. Chúa Giêsu dạy ta muốn đi theo Người để đạt ơn cứu độ cũng phải tính toán kế hoạch hành động như người xây tháp, hay như ông vua, đưa quân ra đánh với đối phương.

2. Thực hiện kế hoạch cứu độ

Ơn cứu độ đòi hỏi chúng ta phải lên kế hoạch cho cuộc đời mình. Kế hoạch đó như thế nào?

Chúa nói phải bỏ cha mẹ, anh chị em, vợ con và chính mình; phải bỏ những của cải mình có; phải vác thập giá mình. Từng bước, từng ngày mình phải bỏ, phải vác!

Khi Chúa Giêu nói “từ bỏ”, Ngài không có ý bảo ta phải dứt bỏ hay loại trừ những mối quan hệ với người hay vật mà chỉ muốn nhắc nhở ta đừng để mình lệ thuộc vào những thứ đó. Vào thời Chúa Giêsu, dù đã đi theo Người, nhưng các tông đồ vẫn giữ mối liên hệ với gia đình, nhiều người vẫn có vợ con.

Chúa Giêsu muốn tất cả những mối quan hệ, tình cảm của chúng ta với cha mẹ, vợ con, bạn bè và chính mình phải làm sao cho chúng quy hướng về mục đích cuối cùng là chính Thiên Chúa, đừng để chúng ngăn trở chúng ta trên con đường theo Chúa Giêsu.

Tuần rồi, ngày 2-9-2010, tôi đến thăm Mái ấm Giêsu, nơi nuôi dưỡng một số bà mẹ đơn hành. Thay vì phá thai, các chị em được giúp đỡ để sinh con, sau đó trở về gia đình. Tôi đến rửa tội cho con của một cô tên là Diễm My. Cha mẹ cô nhất định bắt phải phá thai nếu không sẽ làm mất mặt gia đình. Như thế trong trường hợp này cha mẹ đã trở thành người ngăn cản con mình đi theo Chúa Giêsu, vì thế Đức Giêsu phải đòi hỏi ta phải dứt bỏ cha mẹ.

Trong mái ấm đó, có một em 17 tuổi, sống theo Phái Tự Nhiên của người Nhật. Phái này chủ trương sống hết sức thoải mái theo những dục vọng của mình. Em đang mang thai 6 tháng. Tôi hỏi em có biết cha của bào thai là ai không. Em nói: con sống theo Phái Tự Nhiên nên chẳng biết cha của đứa nhỏ là ai cả!”. Cha mẹ em là giảng viên đại học, bắt con mình phải phá thai. Nhưng em quyết tâm giữ thai lại sau khi gặp gỡ các anh chị trong nhóm Bảo Vệ Sự Sống. Trong trường hợp này Chúa Giêsu yêu cầu ta phải dứt bỏ chính mình.

Kết luận:

Chúa Giêsu hôm nay mời gọi ta lên kế hoạch cho ơn cứu độ của mình với những thứ cần dứt bỏ, với những thập giá phải vác hằng ngày. Việc này có thể làm ta cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, không được như ý muốn. Nhưng càng bỏ mình đi bao nhiêu, tâm trí ta càng thanh thoát, trong sáng bấy nhiêu đồng thời càng dễ phát huy sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa. Lúc đó, chúng ta sẽ cảm nghiệm được ơn cứu độ trong con người hèn yếu tội lỗi của mình và chia sẻ ơn ấy cho người khác. Lúc đó, ta mới thấy Chúa Giêsu không đòi hỏi quá đáng và Người đáng cho chúng ta bỏ tất cả để theo Người.