22/10/2024

Chúa Nhật XXI Thường Niên, năm C: Cửa hẹp

Lời mở Các bài Kinh Thánh hôm nay như gợi ý cho chúng ta tìm hiểu vấn đề: làm sao đạt được ơn cứu độ, làm sao thấy được vinh quang của Thiên Chúa (x. Bài đọc I, Is 66,18) giống như chúng ta được vào dự tiệc trong Nước Thiên Chúa? (Lc 13,22-30). Rồi người ta hỏi Chúa Giêsu: “Những người được như thế nhiều hay ít”. Chúa Giêsu không trả lời nhiều hay ít mà chỉ trả lời: hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp (x. Lc 13,24).

CHÚA NHẬT 21 TN – C

CỬA HẸP

Hành Khất Kitô

UBBAXH-Caritas Việt Nam

 

Lời mở

Các bài Kinh Thánh hôm nay như gợi ý cho chúng ta tìm hiểu vấn đề: làm sao đạt được ơn cứu độ, làm sao thấy được vinh quang của Thiên Chúa (x. Bài đọc I, Is 66,18) giống như chúng ta được vào dự tiệc trong Nước Thiên Chúa? (Lc 13,22-30). Rồi người ta hỏi Chúa Giêsu: “Những người được như thế nhiều hay ít”. Chúa Giêsu không trả lời nhiều hay ít mà chỉ trả lời: hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp (x. Lc 13,24).

1. Thực tế của đời sống

Nói đến cánh cửa để đi vào một nơi nào đó, tham dự vào sự kiện, biến cố nào đó thì nhiều khi nó không mở rộng cho tất cả mọi người. Trong thực tế đời sống, muốn vào làm ở một cơ quan, xí nghiệp nổi tiếng hay có vốn đầu tư nước ngoài, các cánh cửa ở đó hình như rất hẹp vì đòi hỏi người ta phải có bằng cấp, tài năng, sức khoẻ, thậm chí sắc đẹp. Người có cùng tài năng, cùng bằng cấp nhưng nếu hai cô gái (một cô đẹp, một cô xấu) đến xin, người ta thường chọn cô đẹp.

Trong những ngày qua, báo chí nói nhiều đến việc giáo sư Ngô Bảo Châu được nhận phần thưởng toán học Fields. Đó là niềm hãnh diện cho dân tộc Việt Nam. Nhưng có lẽ khi càng nhấn mạnh đến giải thưởng, đến tước hiệu cao quý thì những cơn sốt bằng cấp ở Việt Nam càng lên cao. Chỉ một huyện nhỏ ở đồng bằng sông Cửu Long, báo chí khám phá ra có 200 người dùng bằng giả. Nếu tính trong nước thì con số đó chắc phải lên hàng ngàn. Đó chỉ mới là bằng giả cấp phổ thông trung học để đi vào vị trí trung bình, còn bằng thạc sĩ, tiến sĩ để đi vào cấp cao hơn cũng không thiếu.

Người ta đòi hỏi chúng ta phải có tiền bạc, sắc đẹp, sức khoẻ, bằng cấp thì cánh cửa mới dễ dàng mở rộng cho chúng ta vào một chỗ nào đó có nhiều ưu đãi. Thậm chí ngay trong đời sống Giáo Hội, có người cũng nghĩ rằng muốn tham dự vào Nước Trời, hình như cánh cửa cũng không mở rộng cho tất cả mọi người, mà đòi hỏi phải có một số điều kiện ưu tiên nào đó. Thậm chí vào thiên đàng thì người giàu vào dễ hơn vì có nhiều tiền xin lễ! Người đó phải có sức khoẻ để chiến đấu, còn mấy người yếu đuối, trói gà không chặt như tôi, khó mà vào Nước Trời!

2. Cánh cửa hẹp là Chúa Giêsu

Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta xoá bỏ tất cả những ý nghĩ sai lầm đó vì ơn cứu độ và Nước Trời cũng như việc Thiên Chúa ban ơn cứu độ mở rộng cho tất cả mọi người.

Bài đọc I (x. Is 66,18-21) gợi ý cho người Do Thái hiểu rằng Thiên Chúa không dành riêng ơn cứu độ cho họ, nhưng cho tất cả mọi dân tộc sống theo lương tâm ngay chính. Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm cũng nhắc nhở chúng ta: “Có rất nhiều người từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam sẽ đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa cùng với Abraham, Isaac và Giacop”. Điều đó như giúp cho chúng ta hãy tin tưởng, hy vọng và là một niềm an ủi lớn lao cho chúng ta vì Chúa không xét chúng ta về bằng cấp, tiền bạc, sức khoẻ, sắc đẹp để vào Nước Trời. Tất cả chúng ta đều là con cái của Ngài nên có điều kiện như nhau để có thể lãnh nhận ơn cứu độ.

Tuy nhiên, con đường cứu độ ấy lại không phải mở rộng cho tất cả mọi người. Hàng triệu người phải đi qua cánh cửa nhỏ hẹp. Chúng ta tưởng tượng có một sự ùn tắc kinh khủng trước cổng thiên đàng! Vậy cánh cửa hẹp mà Chúa Giêsu muốn nói là gì?

Trong Phúc Âm thánh Gioan, Chúa Giêsu nói: “Tôi là cửa. Tất cả các chiên phải qua tôi mà vào để tìm được đồng cỏ xanh tươi, tìm được sự sống đời đời” (x. Ga 10,7-9). Cửa đây không phải là những luật lệ, những nghi lễ, những nguyên tắc sống khắc khổ nào đó mà nhiều khi người đã diễn giải theo ý nghĩ của mình. Cánh cửa ở đây chính là Đức Giêsu. Tất cả chúng ta phải đi qua Người mới nhận được ơn cứu độ và mới được chia sẻ sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa.

Nhưng tại sao nó lại hẹp? Đức Giêsu thì rộng mở, quảng đại và muốn cứu thoát mọi người. Người đã chết cho mọi người, mọi vật để cứu độ tất cả. Vậy tại sao Người lại trở thành nhỏ hẹp cho những ai muốn đạt được Nước Trời?

3. Giải thích tính cách nhỏ hẹp nơi cửa Giêsu

Đức Giêsu đã giới thiệu cho chúng ta con đường sự thật và sự sống của Người. Con đường này tận cùng bằng cánh cửa rất hẹp là cái chết trên thập giá khiến cho rất nhiều người phải cố gắng lách mình đi qua. Người là Thiên Chúa tuyệt đối, vô biên, cao cả và rộng mở vô cùng. Nhưng khi Người trở thành con người như chúng ta, bị giới hạn bởi không gian và thời gian, thì cánh cửa đó hẹp đi. Từ vô biên bây giờ trở thành giới hạn, từ giàu sang vô cùng đã tự nguyện trở thành nghèo khó để chúng ta sống tinh thần nghèo khó của Người. Nhờ tinh thần nghèo khó, chúng ta nhận Chúa là tất cả, bấy giờ chúng ta mới tìm được niềm vui dù sống giữa tiền bạc, của cải, vật chất hay giữa những khó khăn, gian khổ thử thách trăm bề. Từ vị Thiên Chúa cao sang vô cùng, được các thiên thần tôn kính, bây giờ tự nguyện trở thành con người vâng phục những luật lệ của loài người, chấp nhận cả những sỉ nhục con người gây nên để dạy chúng ta bài học khiêm tốn, hiền lành. Từ vị Thiên Chúa với sự sống kỳ diệu vô biên, bây giờ dám chịu chết nhục nhã trên thập giá để dạy chúng ta bài học hy sinh. Đó là cánh cửa hẹp.

Ai trong chúng ta cũng muốn đi trên con đường dễ dãi với cánh cửa rộng mở. Chúng ta mơ ước giàu sang, danh vọng, mơ ước có nhiều ân sủng. Nhưng Chúa lại mời gọi chúng ta hãy nhìn vào Đức Giêsu để học bài học “chiến đấu qua cánh cửa hẹp” mà chúng ta phải lách mình vào. Chúng ta càng thu nhỏ con người mình lại bao nhiêu, càng dễ đi qua bấy nhiêu.

Đức Giêsu mời gọi: “Ai muốn theo tôi, hãy bỏ mình đi” (Mt 16,24; Mc 8,34; Lc 9,23). Khi chúng ta thu nhỏ con người mình, chúng ta dễ dàng đi qua cánh cửa Giêsu. Khi ta hoàn toàn bỏ được con người mình thì Thiên Chúa chiếm được trọn vẹn con người ta. Lúc bấy giờ chúng ta mới phát huy sự sống kỳ diệu vĩnh hằng, hạnh phúc vô biên, niềm vui vô tận và quyền năng vô hạn của Người, chúng ta mới cảm nghiệm rằng ơn cứu độ và Nước Trời hiện diện ngay trong con người chúng ta, ngay trong trần thế này.

Kết luận

Hôm nay Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi vào cánh cửa nhỏ hẹp để sống như Người. Người muốn chúng ta đi qua Người để trở thành Thiên Chúa. Vì thế, cuộc chiến đấu đi qua cửa hẹp tuy gian khổ nhưng lúc nào cũng tràn đầy niềm vui, bình an với ân sủng trợ giúp vì Chúa Giêsu đang ở trong mỗi người chúng ta.

Cầu chúc cho anh chị em đạt được điều này để làm chứng cho xã hội hôm nay – một xã hội đang đi tìm những danh vọng, tiền bạc, bằng cấp, hình thức bề ngoài đến độ xáo trộn và bất hạnh – đồng thời giới thiệu cho dân tộc một con đường cứu độ thật sự với niềm vui, hạnh phúc và bình an.