24/11/2024

Chúa Nhật XVI Thường Niên, năm C: Nghe được tiếng Chúa trong đời

Trong bài Phúc Âm hôm nay, “Maria đã chọn phần tốt nhất và không bị lấy đi” (Lc 10,42). Nhưng cô đã chọn phần gì của Chúa Giêsu? Cô đã chọn toàn bộ con người Giêsu, nhưng không phải là con người cụ thể để chia nhỏ từng phần vì Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Người đang nói với cô và cô hiểu được rằng thái độ tốt nhất là lắng nghe lời Người. Cô đã chọn Ngôi Lời làm người với tất cả tinh tuý qua thái độ lắng nghe của mình. Đó là bài học cho chúng ta hôm nay: Chúa Giêsu đang nói với chúng ta như thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Côlôsê: “Đức Giêsu Kitô đang ở giữa anh em” (Cl 1,27) và Người đang nói với anh em. Nhiều người chúng ta không nghe được lời Người vì chúng ta cũng nghĩ như dân Côlôsê rằng: Người chỉ nói trong dòng lịch sử cách đây 2000 năm thôi.

CHÚA NHẬT XVI TN – C

NGHE ĐƯỢC TIẾNG CHÚA TRONG ĐỜI

 

Hành Khất Kitô

Uỷ ban Bác ái Xã hội-Caritas Việt Nam

 

Nhập đề: Lấy phần nào của Chúa Giêsu?

Một câu hỏi được đặt ra cho chúng ta: Nếu chia nhỏ Đức Giêsu ra thì chúng ta lấy phần nào của Người?

Có người muốn lấy trái tim Đức Giêsu vì họ muốn yêu như Người, có người muốn lấy cái đầu vì Người là nguồn khôn ngoan để mình có trí óc siêu việt như Người, người khác muốn lấy đôi chân để đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, người khác nữa lấy đôi bàn tay vì muốn làm được những phép lạ… Nếu hỏi thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, có thể chị sẽ nói: “Con xin chọn tất cả”. Nhưng, nếu người khác đã lấy hết rồi thì mình còn gì mà chọn!

1. Cô Maria đã chọn phần tốt nhất

Trong bài Phúc Âm hôm nay, “Maria đã chọn phần tốt nhất và không bị lấy đi” (Lc 10,42). Nhưng cô đã chọn phần gì của Chúa Giêsu? Cô đã chọn toàn bộ con người Giêsu, nhưng không phải là con người cụ thể để chia nhỏ từng phần vì Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Người đang nói với cô và cô hiểu được rằng thái độ tốt nhất là lắng nghe lời Người. Cô đã chọn Ngôi Lời làm người với tất cả tinh tuý qua thái độ lắng nghe của mình.

Đó là bài học cho chúng ta hôm nay: Chúa Giêsu đang nói với chúng ta như thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Côlôsê: “Đức Giêsu Kitô đang ở giữa anh em” (Cl 1,27) và Người đang nói với anh em. Nhiều người chúng ta không nghe được lời Người vì chúng ta cũng nghĩ như dân Côlôsê rằng: Người chỉ nói trong dòng lịch sử cách đây 2000 năm thôi.

2. Đức Giêsu nói với ta như thế nào?

Công đồng Vaticanô II, qua Hiến chế Mạc khải Dei Verbum (số 34), đã nhắc nhở chúng ta: Thiên Chúa nói với chúng ta dưới 4 hình thức: qua vạn vật, qua tiếng lương tâm ngay chính của con người, qua các biến cố lịch sử – đặc biệt là lịch sử dân Do Thái ghi nhận trong Cựu Ước, và cuối cùng qua chính Ngôi Lời nhập thể là Đức Giêsu Kitô. Tại sao? Vì tất cả vạn vật và con người được dựng nên nhờ Người và cho Người, nên Đức Giêsu đang nói với ta qua con người và vạn vật quanh ta. Hơn nữa, vì lịch sử quy hướng về Đức Giêsu và Cựu Ước chuẩn bị cho Đức Giêsu nên Ngài cũng nói với ta qua toàn bộ Kinh Thánh và lịch sử.

Bốn cách thức ấy giới thiệu cho chúng ta những lời răn dạy của Chúa Giêsu để giúp chúng ta sống bình an, hạnh phúc, khôn ngoan và đầy ân sủng.

Trong dòng lịch sử Kitô giáo, trước đây các Kitô hữu luôn để ý đến bốn điểm này. Vào thế kỷ XII, chính các tu sĩ Công giáo lập ra các trường đại học đầu tiên tại Âu Châu để dạy các khoa học đời cũng như đạo. Dần dần sự ngăn cách giữa đời và đạo ngày càng lớn, các tu sĩ ngày càng thích nghiên cứu triết học và thần học, nhường việc nghiên cứu khoa học tự nhiên cho tín hữu giáo dân. Cuối cùng, trong một hai thế kỷ gần đây, người tín hữu lại quá tập trung vào việc nghe giảng Lời Chúa vì họ đồng hoá việc nghe Đức Giêsu với việc nghe các lời của Người ghi trong cuốn Kinh Thánh rồi bỏ quên việc Thiên Chúa nói với chúng ta qua vạn vật.

Thí dụ: Chúa nói với chúng ta qua cuộc sống hằng ngày với mặt trời soi sáng ban ngày và trăng sao chiếu sáng ban đêm để chúng ta ban ngày chịu khó làm việc, ban đêm dành để nghỉ ngơi. Nhưng nhiều người dù không có việc gì cần thiết vẫn đi ngược lại quy luật này, nên tâm trí căng thẳng, sức khoẻ suy yếu do không vâng lời Chúa.

Các tu sĩ thường được dạy: vâng lời bề trên là vâng lời Chúa. Truyện kể rằng: có một bề trên muốn thử đức vâng lời của một tu sĩ nên bảo người tu sĩ đi trồng cây, với ngọn cắm xuống đất và rễ chổng lên trời. Vị tu sĩ đó vâng lời nên Chúa cho cây đó sống! Hồi chưa học khoa tu đức, tôi tin chuyện này lắm. Nhưng bây giờ hiểu rằng đó là câu chuyện vớ vẩn. Chúa nói với chúng ta qua vạn vật với những định luật tự nhiên mà khoa học đã khám phá (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 37). Bề trên nào thử thách tu sĩ mình như vậy thì bề trên đó không bình thường. Đã không nghe được tiếng Chúa nói trong vạn vật thì làm sao bắt người khác vâng phục được!?

Chúa thường nói với chúng ta qua tiếng lương tâm ngay chính của con người dù nhiều khi chúng ta không để ý. Khi dựng nên ta, Chúa ban cho mỗi người một lương tâm ngay chính. Không có chính quyền nào, thế lực nào, hay bất cứ con người nào dù là cha mẹ, anh em… có quyền ngăn cản một người làm theo tiếng lương tâm ngay chính của họ (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 399).

Thí dụ: một cô gái cha mẹ bắt phải lấy một anh chàng đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi. Cô gái cũng quý anh đó nhưng không cảm thấy tiếng thôi thúc của lương tâm. Trong khi cô ấy cũng có người bạn khác, tuy không đẹp trai và giàu có, nhưng chăm chỉ làm việc và đối xử tốt với cô. Khi suy nghĩ, cầu nguyện và lắng nghe tiếng lương tâm, cô quyết định lấy người bạn trai của mình. Cha mẹ cô gái không có quyền áp đặt để bảo rằng không vâng lời cha mẹ là không vâng lời Chúa.

3. Chúng ta thường nghe tiếng Chúa như thế nào?

Trong cuộc sống thường ngày, rất nhiều khi chúng ta không nghe được tiếng Chúa vì chúng ta không khám phá ra Ngài nói với chúng ta qua nhiều cách khác nhau. Chúng ta thường ít quan tâm đến lời Chúa nói qua những con người rất tầm thường, có thể là con cái, đàn em, nhân viên của chúng ta. Chúng ta thường chỉ nghe theo người có uy tín, có quyền lực, có đức hạnh, có tuổi tác, thậm chí có bằng cấp hay tiền bạc và bỏ ngoài tai những lời người yếu kém nói với ta. Nhiều khi con cái, nhân viên thấp cổ bé miệng nói lên những sự thật không đẹp lòng ta “lời thật mất lòng” nhưng đó lại là sự thật giúp ta tiến bộ, phát triển và an lành.

Chúng ta hãy noi gương Abraham trong bài đọc I hôm nay (x. St 18,1-10) để nhận ra những con người đó là các sứ giả Chúa sai đến chúc phúc cho mình. Khi Abraham nhìn những con người đến với mình như là thiên sứ được Chúa sai đến, lúc bấy giờ ông mới lắng nghe được tiếng Chúa nói sang năm Sara vợ ông sẽ sinh cho ông một người con. Chúng ta sẽ nghe được lời chúc phúc từ những đứa con rất tầm thường trong gia đình, từ những bạn bè rất bình dị trong cuộc sống, từ những nhân viên rất thấp bé trong công ty, xí nghiệp.

Kết luận

Hôm nay, hình ảnh cô Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu mời gọi ta lắng nghe tiếng Chúa trong cuộc đời. Khi nhận ra Chúa Giêsu nói qua vạn vật, qua những con người chúng ta đang sống với, qua những biến cố xảy ra trong cuộc sống, qua Kinh Thánh với sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu, nhất là qua lương tâm ngay chính của mình, chúng ta sẽ khám phá ra rằng Chúa Giêsu đang yêu thương chúng ta, đang dạy dỗ chúng ta. Nghe được Lời Người, chúng ta sẽ được bình an, hạnh phúc vì chúng ta đã chọn phần tốt nhất và không bị ai lấy mất.