27/12/2024

Chúa Nhật IV Mùa chay, năm C

Dụ ngôn người con hoang đàng là một trong những dụ ngôn đẹp, giàu ý nghĩa, mang lại nhiều niềm vui và hy vọng nhất cho người đọc khi khám phá ra người cha nhân từ chính là hình ảnh của người Cha Trên Trời.

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY, năm C

Người Hành Khất Kitô

UBBAXH-Caritas Việt Nam

 

 

Dụ ngôn người con hoang đàng là một trong những dụ ngôn đẹp, giàu ý nghĩa, mang lại nhiều niềm vui và hy vọng nhất cho người đọc khi khám phá ra người cha nhân từ chính là hình ảnh của người Cha Trên Trời.

Rất nhiều khi chúng ta hiểu người con phung phá là người con thứ vì anh đã hoang phí tài sản của cha. Nhưng thực ra, nếu đọc kỹ, chúng ta thấy cả hai đều làm cha buồn lòng, cả hai đều không biết sử dụng tài sản cha ban. Chúng ta đang được mời gọi để khám phá ra chính mình qua hai người con đó.

1. Người con thứ

Người con thứ khi xin cha chia giai tài, có lẽ anh không hiểu hành động này làm cha đau lòng đến thế nào, có thể vì tuổi trẻ thiếu suy nghĩ nên anh không biết, không quan tâm. Khi xin ai chia gia tài là người ta hàm ý muốn cho người đó chết sớm. Vì thực ra việc chia gia tài chỉ có ý nghĩa giúp cho người sắp chết ra đi thanh thản khi để lại cái gì đó cho những người còn sống. Đó là hành động tự nguyện của người sắp chết. Còn ở đây lại không phải hành động tự ý của người cha đã già mà là hành động ép buộc của người con còn trẻ. Nó nói lên thái độ bất hiếu, vô tâm như muốn cắt đứt mối quan hệ với người cha còn sống.

Tội lỗi cũng vậy. Tội lỗi là một hành động làm tổn thương mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, làm chết đi mối thân tình của chúng ta với Cha Trên Trời vì thế cắt đứt dòng ân sủng mà Cha ban cho chúng ta.

Thế nhưng, người cha không ngần ngại, cằn nhằn hay nài nỉ van xin mà chia ngay tài sản cho con bởi vì ông tôn trọng quyết định của con để nó được tự do chọn lựa cuộc sống của mình. Ông muốn con ông trưởng thành, dù biết rằng sự chọn lựa này có thể gây ra những thiệt hại mất mát cho ông. Cha Trên Trời cũng luôn tôn trọng tự do của mỗi người chúng ta, luôn luôn tôn trọng quyết định của ta và Ngài ban Thánh Thần để giúp chúng ta chọn lựa đúng hành động của mình. Ngài không muốn chúng ta hành động như những con rối trong bàn tay của Ngài nên Ngài ban ân sủng tự do cho ta. Tự do này đòi hỏi ta dám lãnh nhận trách nhiệm. Vì thế, khi phạm tội, chúng ta đừng đổ lỗi cho người khác lôi kéo, ma quỷ cám dỗ hay hoàn cảnh ép buộc. Ta hãy can đảm thú nhận: “Lạy Cha, con thật đắc tội với trời và với Cha”. Có can đảm như thế ta mới quyết tâm sám hối và trở về.

Người con thứ đã bỏ đi phương xa. Ở đó anh phung phí tất cả tài sản của mình. Tội lỗi luôn luôn là một hành động phung phí ân sủng của Thiên Chúa. Chúa ban cho chúng ta của cải, tiền bạc, thời giờ, khả năng thể xác và tinh thần nhưng nhiều khi chúng ta đã phung phí cho những tham vọng và dục vọng của mình chứ không phải làm sáng danh Chúa và mưu ích cho con người. Việc phung phí ấy luôn làm cho con người nghèo đi, giống như người con thứ, đến độ không còn gì để ăn, phải ra đồng chăn heo, làm công cho người bản xứ. Từ một cậu chủ, anh trở thành người làm công tồi tệ. Đối với người Do Thái, con heo là con vật bẩn thỉu, kinh tởm vì nó ăn những đồ cặn bã nên người Do Thái không bao giờ ăn thịt heo. Bài Phúc Âm như diễn tả tình trạng tồi tệ, nghèo khó, hèn hạ của đứa con khi nó cắt đứt quan hệ với người cha. Đó cũng là tình trạng tồi tệ, nghèo khó, hèn hạ của chúng ta khi cắt đứt mối liên hệ với Cha Trên Trời. Chúng ta vừa đánh mất địa vị làm con cái Thiên Chúa, vừa làm nghèo cuộc hiện hữu của mình dù Thiên Chúa là nguồn hiện hữu như ta đã suy niệm tuần trước.

2. Người con trưởng

Người con trưởng cũng không hành động tốt hơn. Dù không làm buồn lòng cha một cách gay gắt, nhưng anh lại làm cho cha ray rứt trong cách sống hằng ngày vì quan niệm rất hẹp hòi của anh. Trước hết anh khép kín với cha. Cha đã để lại tất cả gia tài cho anh nhưng anh lại tưởng tất cả đó vẫn còn là của cha, anh nói: “cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha mà cha chưa bao giờ cho con một con dê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn”. Anh được quyền không chỉ ăn một mà hàng chục con dê khi cần thiết. Nhưng anh nghĩ rằng đàn dê đó vẫn là của cha, tài sản vẫn là của cha chứ không phải của mình. Chúng chỉ thuộc về anh khi người cha đã chết, và anh mong đợi ngày đó!

Anh vẫn nghèo và còn nghèo hơn đứa em bởi vì anh sống giữa một kho tàng lớn lao như vậy mà anh vẫn không  nghĩ là của mình. Trong khi người em còn dám ăn chơi vì nghĩ số tiền đó là của hắn.

Cuộc sống của chúng ta cũng y như vậy. Cha Trên Trời đã ban cho ta tất cả: cuộc sống, trí thức, tình yêu, chân thiện mỹ, hạnh phúc và chúng ta có thể có gấp bội so với những gì chúng ta đang có hiện nay “vì mọi sự của cha đều là của con”. Nhưng chúng ta cứ nghĩ rằng kiến thức đó là do ta phải học đêm học ngày mới thu nhận được; sức khoẻ, sắc đẹp đó phải dùng biết bao nhiêu đồ ăn, mỹ phẩm mới đạt được. Không bao giờ chúng ta nghĩ được tất cả là của Cha và Cha còn ban cho chúng ta gấp bội nếu chúng ta gắn bó với Ngài.

Hơn nữa, người con trưởng còn đóng kín với anh em. Anh ta nhìn đứa em không phải là con cùng một cha, anh nói: “còn thằng con của cha kia”. Anh ghen tức với em khi thấy cha đối xử tốt lành. Chúng ta cũng vậy, thấy người ta đẹp hơn, giàu hơn, tài năng hơn là chúng ta ghen tức. Chúng ta quên rằng mỗi người có sứ mạng riêng và những ân sủng đó là để giúp họ chu toàn sứ mạng của mình. Chúng ta không phát huy những gì Chúa ban cho ta, ta chỉ nhìn vào người khác và bực bội với họ chứ chúng ta không nhớ rằng Cha nhân hậu với tất cả mọi người và Cha yêu thương mọi người. Chúng ta càng yêu thương mọi người như anh chị em thì tài sản ân sủng Cha ban cho ta sẽ càng tăng gấp bội.

Cuối cùng, nhiều khi chúng ta đóng kín với chính mình, tự mãn với đời sống tốt đẹp, với tài năng, bằng cấp, vẻ đẹp, sức khoẻ của ta. Chúng ta tưởng rằng mình đã tốn công thu lượm được những thứ đó nhờ đời sống đạo đức, đi lễ đều đặn, cầu nguyện tốt đẹp, chăm chỉ làm việc như người con cả. “Thưa cha, đã bao năm con hầu hạ cha, con đã không trái lệnh cha điều gì”. Chúng ta tưởng đời sống đó làm Chúa hài lòng nhưng quả thực Chúa buồn vì ta chưa phát huy thật sự bản chất cao cả của người con cái Chúa.

3. Người cha giàu lòng thương xót

Người Cha nhân lành trong dụ ngôn diễn tả tình yêu của Cha Trên Trời, đồng thời cũng trình bày cho ta hiểu những đòi hỏi của tình yêu đối với tha nhân để tình yêu đó thật sự là “bác ái” như “Thiên Chúa là bác ái” (1Ga 4,6).

Yêu thương trước hết là “tặng không”, là cho cách quảng đại như người cha chia gia tài cho hai con, dù hai đứa muốn gạt ông ra khỏi cuộc đời của chúng.

Yêu thương tiếp theo là tin tưởng nhau, tôn trọng tự do của nhau chứ không nghi ngờ, dò xét, thuê thám tử theo dõi nhau, hay ràng buộc nhau bằng đủ lời hứa, câu thề, biến nhau thành thần tượng hay thành nô lệ của nhau vì đây là tình yêu của những con người chứ không phải con thú! Nhưng vì con người bất toàn nên tình yêu lại đòi hỏi phải luôn thông cảm, tha thứ cho nhau. Người cha đã không để cho đứa con nói hết lời thú lỗi. Ông đã hiểu và tha thứ ngay khi thấy bóng dáng của nó từ đàng xa trở về vì tình yêu lúc nào cũng giữ cho ông sống trong niềm hy vọng, chứ không hề tuyệt vọng, buông xuôi.

Càng suy nghĩ thái độ của người cha, chúng ta càng tin tưởng và hy vọng vào Cha Trên Trời. Cha không để ý đến tội lỗi, không để cho chúng ta nói hết lời xin lỗi. Cha ôm lấy chúng ta, bảo những gia nhân trả lại địa vị làm ông chủ cho chúng ta vì chúng ta là con cái của Ngài, tiếp tục ban cho chúng ta biết bao ân sủng vì Cha là nguồn mọi ơn thiêng.

Lời kết

Nhìn vào tình trạng nghèo khó của chúng ta hôm nay, chúng ta sẽ thấy mình có thể giàu sang hơn nhiều, thông minh, thánh thiện hơn nhiều, quyền năng hơn nhiều vì tất cả những ân huệ ấy đều thuộc về bản chất người con cái Chúa. Chúng ta hãy mạnh dạn trở về với Cha thay vì phung phí ân sủng như người con thứ. Chúng ta đang được mời gọi cởi mở tâm hồn với Cha cũng như cho tất cả mọi người, để chia sẻ cho họ những ân sủng Cha ban, thay vì hẹp hòi như người con trưởng.

Nhờ vậy chúng ta trở thành hình ảnh sống động của người Cha giàu lòng nhân ái cho gia đình nhân loại hôm nay.