27/12/2024

Chúa Nhật II Phục Sinh, năm C: Các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh

Tuần này, Giáo Hội giới thiệu các lần hiện ra của Đức Giêsu như những bằng chứng tích cực. Tích cực vì giúp ta cảm nhận rằng đó thật sự là Đức Giêsu đã chết và nay sống lại. Các Phúc Âm kể ra rất nhiều lần hiện ra của Đức Giêsu: Người đã hiện ra với các phụ nữ, trong đó có Maria Madala, với Simon Phêrô, với hai môn đệ trên đường Emmaus, với Nhóm Mười Một tông đồ trong nhà Tiệc Ly và tuần sau đó có cả Tôma mà chúng ta vừa nghe kể trong bài Phúc Âm.

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH, năm C

 

CÁC LẦN HIỆN RA CỦA ĐẤNG PHỤC SINH  

Người Hành Khất Kitô

UBBAXH-Caritas Việt Nam

 

Tuần Phục Sinh chúng ta đã suy niệm về ngôi mộ trống rỗng của Đức Giêsu như bằng chứng tiêu cực của việc Người sống lại. Tiêu cực vì chúng ta chưa gặp được Đức Giêsu để xác định xem Người có thật sự sống lại hay không.

Tuần này, Giáo Hội giới thiệu các lần hiện ra của Đức Giêsu như những bằng chứng tích cực. Tích cực vì giúp ta cảm nhận rằng đó thật sự là Đức Giêsu đã chết và nay sống lại. Các Phúc Âm kể ra rất nhiều lần hiện ra của Đức Giêsu: Người đã hiện ra với các phụ nữ, trong đó có Maria Madala, với Simon Phêrô, với hai môn đệ trên đường Emmaus, với Nhóm Mười Một tông đồ trong nhà Tiệc Ly và tuần sau đó có cả Tôma mà chúng ta vừa nghe kể trong bài Phúc Âm. Người hiện ra với các môn đệ đang đánh cá ở gần bờ biển Galilê. Thánh Phaolô còn kể trong thư thứ nhất gửi tín hữu Corinthô rằng Đức Giêsu đã hiện ra với Tông đồ Giacôbê, với hơn 500 anh em, trong đó nhiều người còn sống, khi thánh Phaolô viết thư này vào khoảng năm 52-53 và cuối cùng Người hiện ra với Phaolô, như đứa trẻ sinh non (x. 1Cr 15,3-8).

Hôm nay chúng ta suy nghĩ về những lần hiện ra của Đức Giêsu theo 3 câu hỏi:

1. Tại sao Chúa Giêsu lại phải hiện ra?

Nếu cuộc sống lại của Đức Giêsu chỉ là một mầu nhiệm cần khám phá bằng đức tin, thì Đức Giêsu không cần hiện ra. Bởi vì mỗi người tín hữu đã được ban ơn đức tin đó và chúng ta tin thật qua lời dạy của các tông đồ và của truyền thống Giáo Hội rằng: Đức Giêsu đã thật sự sống lại.

Nhưng cuộc sống lại của Đức Giêsu không phải chỉ là một mầu nhiệm đức tin. Nó còn là một sự kiện đã xảy ra thật sự trong lịch sử của loài người. Chúng ta có thể kiểm chứng được bằng chính giác quan của con người trên thân thể Đức Giêsu bị đóng đinh, bị mũi giáo đâm thâu và nay đã sống lại.

Vì thế, Người hiện ra với các môn đệ cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Người mời gọi tất cả những ai nghi ngờ như Tôma: “Hãy xỏ ngón tay vào lỗ đinh, hãy thọc bàn tay vào cạnh sườn Người. Chớ cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Người đã ăn uống với các môn đệ và đưa phần thừa cho họ để họ cảm nghiệm được rằng Người không phải là ma vì “ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây!”. Người muốn cho họ hiểu rằng cuộc sống lại đã xảy ra trong lịch sử con người khi mà Thiên Chúa đã làm người, đã gắn bó với con người, đã chết cho con người và sống lại vì con người, thì cuộc sống lại đó mới liên can đến chúng ta và mới mang lại cho chúng ta niềm hy vọng sẽ được sống lại mãi mãi với Chúa Giêsu.

2. Tại sao Chúa Giêsu lại chỉ hiện ra với các môn đệ, với các tông đồ mà lại không hiện ra với tất cả mọi người?

– Trước hết, cuộc sống lại của Đức Giêsu là một mầu nhiệm mà nếu chúng ta tin, chúng ta sẽ khám phá ra tất cả ý nghĩa phong phú sâu xa của nó. Do đó Đức Giêsu nói với Tông đồ Tôma hôm nay: “Phúc cho ai không thấy mà tin”.

Tôma và các tông đồ khác thấy gì? Họ chỉ thấy một thân xác con người với những lỗ đinh ở tay chân và vết đâm ở cạnh sườn. Còn đức tin mới cho họ thấy rằng đây không phải chỉ là con người, nhưng còn là Thiên Chúa đã chết và sống lại để mang lại sự sống vĩnh hằng của Thiên Chúa cho con người và vạn vật. Vì thế, ông Tôma mới thưa với Đấng Phục Sinh: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”.

Điều chúng ta thấy thì tầm thường, nhưng điều chúng ta tin mới cao cả và mang lại ơn cứu độ cho chúng ta. Vì vậy, người Kitô hữu chúng ta không cần phải được Chúa Giêsu hiện ra vì ơn đức tin là ân sủng cao cả vô song cho tất cả mọi người.

– Tuy nhiên, Đức Kitô Phục Sinh lại còn phải hiện ra với các môn đệ để cho các ông xác tín thật sự và làm chứng cho Người. Người hiện ra với các tông đồ và nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. “Anh em hãy làm chứng cho Thầy ở Giêrusalem và khắp cùng thế giới”.

Để trở thành người làm chứng cho một vụ kiện nào đó, chúng ta phải là người tận mắt chứng kiến vụ việc xảy ra. Nếu chúng ta chỉ là người nghe kể lại, hay biết nhờ đọc báo thì chúng ta không thể làm chứng vì người kể lại có thể không kể đúng sự thật hay nhà báo có thể nói láo ăn tiền!

Để trở thành chứng nhân cho Đấng Phục Sinh, ta phải tận mắt xem thấy Người, tận tai nghe tiếng Người, phải tận tay chạm vào Người như Tông đồ Tôma và các môn đệ của Chúa Kitô. Thánh Gioan còn kể lại: “Chúng tôi đã cùng ăn cùng uống với Người sau khi Người sống lại từ cõi chết. Và chúng tôi xin làm chứng” (x.1 Ga 1, 1-4).

Đức Giêsu đã hiện ra với các môn đệ vì muốn cho các ông có một cảm nghiệm sống động, thật sự và làm chứng cho Người.

   

 

 

 

 

 

 

 

 

3. Chúa Giêsu có cần hiện ra với tôi?

Đó là câu hỏi cuối cùng chúng ta đặt ra hôm nay. Thật sự nếu chúng ta chưa đủ tình yêu, chưa ý thức về sứ mạng của mình thì chúng ta không nên xin Chúa Giêsu hiện ra, bởi vì cuộc hiện ra của Người, cuộc hiện ra của Đức Mẹ và các thánh sẽ làm cho ta mất tự do, không còn có thể chọn lựa hành động theo ý thức và ý chí của mình. Chúng ta trở thành người bị lệ thuộc về tâm lý. Từ đó, tất cả những hành động tốt đẹp của chúng ta sẽ không còn giá trị.

Ta lấy thí dụ: một người điên cầm tờ giấy bạc một trăm ngàn đồng đưa cho người khác thì đó không phải là hành động từ thiện bởi vì người đó không ý thức về giá trị của tiền bạc. Một người điên cầm khẩu súng bóp cò và viên đạn bắn ra giết chết một người. Người điên đó không bị kết án vì không ý thức được hành động của mình. Người đó mất tự do.

Nếu Chúa Giêsu và Đức Mẹ hiện ra với tôi, những hình ảnh sáng láng của Chúa và Mẹ in sâu vào ký ức tôi, khiến lúc nào tôi cũng chỉ thấy Chúa và Mẹ đến nỗi tôi bị ép buộc phải đọc kinh, dâng lễ, phải làm các việc bác ái và hành động tốt đẹp. Tôi không còn nghĩ đến ai, không còn làm điều gì xấu xa nữa. Như thế là tôi mất tự do về mặt tâm lý và luân lý. Cho nên chúng ta hãy cám ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ vì các Ngài chưa hiện ra với chúng ta.

Nhưng thưa anh chị em, nếu chúng ta nghĩ đến sứ mạng của mình, nếu chúng ta có đủ tình yêu thì chúng ta hãy xin Chúa, xin Mẹ hiện ra với chúng ta. Chính tình yêu đã nhắc nhở ta rằng: “Tôi cần loan báo cho mọi người về Đức Giêsu Kitô, người yêu đầu đời và muôn thuở của tôi”.

Hơn nữa, bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, nên sứ mạng của chúng ta là phải loan báo Đức Kitô Phục Sinh cho mọi người. Nhưng chúng ta chỉ có thể loan báo tin mừng về Đấng Phục Sinh, nếu chúng ta tận mắt, tận tai, tận tay cảm nghiệm được Người. Vì thế, rất cần Chúa hiện ra với chúng ta.

“Đức Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một”. Người đang sống giữa chúng ta và sẵn sàng cho chúng ta cảm nghiệm được Người, nếu chúng ta ý thức về sứ mạng của mình, và có đủ tình yêu để dâng hiến trọn vẹn đời ta cho Người.

Trong lịch sử Giáo Hội, biết bao nhiêu lần Chúa đã hiện ra với các vị thánh và ngày hôm nay mừng lễ Lòng Thương Xót Chúa, ta kỷ niệm việc Chúa hiện ra nhiều lần với chị thánh Faustina. Chúng ta đừng mang mặc cảm là mình yếu đuối, tội lỗi, tầm thường, không xứng đáng được Chúa chọn để làm tông đồ của Chúa, làm chứng nhân cho Người. Đức Giêsu đâu có phân biệt như thế, Người đã hiện ra với Phêrô kẻ đã chối từ Người, với các tông đồ đã bỏ rơi Người trong đêm Người bị bắt, với Maria Magdala, người được Chúa trừ cho 7 quỷ.

Kết luận

Vì thế, hôm nay chúng ta hãy nói với Đức Giêsu rằng: “Lạy Chúa, con rất mong ước có một cảm nghiệm sống động về Chúa. Xin Chúa hãy hiện ra với con để con có thể làm chứng cho Chúa, loan truyền Tin Mừng Phục Sinh của Chúa cho mọi người”.

 

 

 

 

 

 

 

 

Sự cứng lòng tin của Tôma, hoạ sĩ Pieter Paul Rubens (1577-1640).