Toà Thánh Vatican đồng ý với Ai Cập để “tránh cuộc leo thang”

Rôma, 11/1/2011. Hôm thứ ba vừa qua, Tòa Thánh Vatican đã tuyên bố “hoàn toàn đồng ý” với Chính quyền Ai Cập để “tránh cuộc leo thang” những căng thẳng thuộc bình diện tôn giáo tại nước này, sau khi Ai Cập tuyên bố triệu hồi Đại sứ Ai Cập bên cạnh Tòa Thánh về nước để tham khảo ý kiến.

Toà Thánh Vatican đồng ý với Ai Cập để “tránh cuộc leo thang

 

(Nguồn: Romandie.com, 11/1/2011)

 

Rôma, 11/1/2011. Hôm thứ ba vừa qua, Tòa Thánh Vatican đã tuyên bố “hoàn toàn đồng ý” với Chính quyền Ai Cập để “tránh cuộc leo thang” những căng thẳng thuộc bình diện tôn giáo tại nước này, sau khi Ai Cập tuyên bố triệu hồi Đại sứ Ai Cập bên cạnh Tòa Thánh về nước để tham khảo ý kiến.

 

Cha Federico Lombardi, Giám đốc Văn phòng báo chí Vatican, trong một thông cáo báo chí, đã cho biết Đức cha Dominique Mamberti, Thư ký phụ trách các vấn đề Liên lạc giữa Tòa Thánh với các Quốc gia, đã tiếp kiến Bà Lamia Aly Hamada Mekhemar, Đại sứ của Cộng hòa Ai Cập bên cạnh Tòa Thánh. Trong buổi tiếp kiến này, Đức cha Dominique Mamberti đã tuyên bố là Tòa Thánh Vatican “hoàn toàn chia sẻ mối bận tâm của Chính phủ Ai Cập để tránh cuộc leo thang những tranh luận và căng thẳng có nguyên nhân tôn giáo, và đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Ai Cập trong chiều hướng này”.

 

Thông cáo báo chí của Tòa Thánh Vatican cũng cho biết Đức cha Dominique Maberti đã nhấn mạnh rằng Tòa Thánh “chia sẻ sự xúc động của toàn thể dân chúng Ai Cập về cuộc mưu sát bằng xe cài bom tại thành phố Alexandrie, Ai Cập, làm 21 người chết trong Thánh lễ đêm mừng Năm Mới, trước một nhà thờ Chính thống Copte.

 

Thông cáo báo chí Vatican cũng cho biết thêm là về phần mình, Bà đại sứ Ai Cập bên cạnh Tòa Thánh, là người “sẽ trở về thủ đô Le Caire để tham khảo với Bộ Ngoại giao Ai Cập, đã diễn tả những mối bận tâm của Chính phủ Ai Cập trong giai đoạn khó khăn này”.

 

Thông cáo của Tòa Thánh xác định rõ là Bà Đại sứ Mekhemar “đã có thể nhận được những thông tin và thu thập nhiều yếu tố có lợi đế báo cáo một cách chính xác những can thiệp mới đây của ĐGH, đặc biệt là về tự do tôn giáo và bảo vệ những Kitô hữu tại Trung Đông”.

 

Le Caire hôm thứ ba vừa qua đã triệu hội Đại sứ của mình, và đã trách ĐGH Bênêđíctô XVI là đã đòi hỏi phải bảo vệ các Kitô hữu Đông phương, sau vụ mưu sát chống người Copte tại Alexandrie, những lời nói này được xem như là một sự “can thiệp không thể chấp nhận được”.

 

Cử chỉ phản đối này diễn tiếp theo sau một lời tuyên bố của ĐGH Bênêđíctô XVI hôm thứ hai đã nhấn mạnh rằng các Chính phủ tại Trung Đông cấp bách cần phải có “những biện pháp để bảo vệ những thành phần thiểu số tôn giáo, dầu cho những khó khăn và đe dọa”.

 

ĐGH Bênêđíctô XVI, trong buổi tiếp kiến Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh, khi cầu chúc Năm Mới cho Ngoại giao đoàn, đã tuyên bố là người ủng hộ những cuộc vận động nhằm kêu gọi Cộng đồng châu Âu có “một lập trường đồng thuận để bảo vệ những người Kitô hữu tại Trung Đông”.

 

Bộ Ngoại giao Ai Cập, hôm thứ ba vừa qua, đã bắt bẻ Tòa Thánh và cho rằng “vấn đề người Copte riêng biệt là một vấn đề nội bộ của Ai Cập”.

 

Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng nói thêm rằng: “Ai Cập sẽ không cho phép một bên nào không phải là Ai Cập được chen vào trong những công việc nội bộ của mình, dầu bất cứ dưới lý do nào”.

 

Le Caire cũng cho biết rằng Ông Ahmed Aboul Gheit, Trưởng ngoại giao, trong những ngày vừa qua, đã can thiệp với Vatican, để từ khước “bất cứ cuộc vận động nào” đến từ bên ngoài mà dựa trên cuộc mưu sát tại Alexandrie để “cổ vũ cho cái được gọi là bảo vệ những người Kitô hữu tại Trung Đông”.

 

ĐGH Bênêđíctô XVI, là người đã nhiều lần lên án cuộc mưu sát tại Alexandrie, vào ngày 1/1/2011, đã yêu cầu các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới bảo vệ những ngươi Kitô chống lại những lạm dụng và bất khoan dung.

 

Những lời nói này, ngay sau ngày hôm đó, đã bị vị Đại Imam Ahmed al-Tayyed, Viện trưởng Học viện Al-Azhar của phái Sunnite Ai Cập cho là “can thiệp nội bộ”. Tòa Thánh đã bác bỏ lời tuyên bố này.

 

Người Coptes Ai Cập, đa số theo đạo Chính thống, chiếm khoảng từ 6-10% trong số 80 triệu người dân Ai Cập.

 

G.B. Lưu Văn Lộc chuyển ngữ