Góp ý các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XI: Cần thể chế hoá bằng luật việc trưng cầu dân ý

PGS-TS Đào Duy Quát (ảnh), chuyên gia cao cấp Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản VN nhấn mạnh quan điểm trên trên khi trao đổi với Thanh Niên về cách thức tiếp thu các ý kiến đóng góp cho dự thảo văn kiện trình Đại hội XI đang được Bộ Chính trị công bố lấy ý kiến rộng rãi của toàn dân.

Góp ý các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XI: Cần thể chế hoá bằng luật việc trưng cầu dân ý

  Báo Thanh Niên, ngày 14/10/2010 

PGS-TS Đào Duy Quát (ảnh), chuyên gia cao cấp Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản VN nhấn mạnh quan điểm trên trên khi trao đổi với Thanh Niên về cách thức tiếp thu các ý kiến đóng góp cho dự thảo văn kiện trình Đại hội XI đang được Bộ Chính trị công bố lấy ý kiến rộng rãi của toàn dân.

Nên giải thích rõ điều gì tiếp thu, điều gì không tiếp thu

 * Thưa ông, việc công bố dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI để lấy ý kiến đóng góp của toàn dân đến nay đã nhận được nhiều góp ý tâm huyết. Vẫn có điều người dân băn khoăn là cơ chế tiếp thu, quy trình xử lý các ý kiến đóng góp đó như thế nào để việc góp ý không bị đánh giá là hình thức?

– Các văn kiện của Đại hội XI gồm: bổ sung phát triển Cương lĩnh, Chiến lược phát triển 10 năm tới, Báo cáo chính trị, Kế hoạch 5 năm tới và sửa đổi Điều lệ Đảng. Hiện nay cũng đã có cơ chế rất rõ để tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp trong xã hội: một là đóng góp của đảng viên thông qua đại hội cơ sở, đại hội quận, huyện, tỉnh, thành và các cấp ủy sẽ tập hợp gửi về trung ương. Văn phòng trung ương sẽ tập hợp tất cả ý kiến đó. Hai là nhân dân đóng góp ý kiến qua các kênh: MTTQ, các đoàn thể và báo chí. Ban Tuyên giáo trung ương sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp từ các kênh này. Đây là hai trung tâm tập hợp ý kiến và phản ánh đến BCH trung ương thông qua Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào cuối tháng 10 này.

Tiểu ban văn kiện sẽ tổng hợp nghiên cứu các ý kiến, báo cáo Bộ Chính trị. Bộ Chính trị sẽ nghiên cứu và báo cáo trung ương. Trung ương nghiên cứu tiếp thu bổ sung vào dự thảo các văn kiện trình đại hội. Nói một cách khái quát là Bộ Chính trị, BCH trung ương và đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI sẽ nghiên cứu các ý kiến đóng góp này một cách nghiêm túc, đầy trách nhiệm. Trong các khâu nghiên cứu tiếp thu này đều làm rõ vì sao ý kiến này được tiếp thu và vì sao không tiếp thu ý kiến khác. Quy trình và quy chế trên đã khẳng định thực chất việc đóng góp ý kiến của nhân dân để các văn kiện của Đại hội XI là kết tinh ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng và toàn dân tộc.

* Thưa ông, những ý kiến đóng góp của toàn dân, kể cả ý kiến trái với quan điểm của Đảng và Nhà nước hiện nay, có cần thiết phải công bố và giải thích rõ để toàn dân biết vì sao tiếp thu, vì sao không?

 - Theo tôi, sau khi Đại hội XI thông qua các văn kiện, trong quá trình học tập, nghiên cứu văn kiện đại hội, khi phân tích quán triệt các nội dung chủ yếu của các văn kiện, đội ngũ báo cáo viên cần thông báo và giải thích rõ những loại vấn đề ý kiến đóng góp được tiếp thu và những loại vấn đề, ý kiến không tiếp thu và vì sao không tiếp thu. Nếu làm được điều này sẽ góp phần quan trọng tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với các văn kiện Đại hội XI, tin tưởng các văn kiện này thực sự là kết tinh trí tuệ, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân.

Cần thể chế hoá việc lấy ý kiến dân bằng luật

 * Theo kinh nghiệm của một số nước, chúng ta có nên lập một địa chỉ riêng để thường xuyên tiếp nhận tất cả ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong xã hội, kể cả ý kiến trái chiều, để tránh tình trạng các ý kiến được phát biểu trên các diễn đàn không chính thống, bị lợi dụng, xuyên tạc hay không?

– Chúng ta đã thiết lập được nhiều kênh để nhân dân đóng góp ý kiến như MTTQ VN đã tổng hợp các ý kiến của cử tri cả nước báo cáo Quốc hội trong các kỳ họp hằng năm. Hệ thống báo chí của ta cũng là diễn đàn của nhân dân. Và lần này, trung ương cho công bố dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI để xin ý kiến đóng góp của nhân dân và đã giao cho 2 cơ quan của trung ương là VP Trung ương Đảng và Ban Tuyên giáo trung ương có trách nhiệm tổng hợp các ý kiến đóng góp để Trung ương Đảng nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội XI. Có lẽ chúng ta nên thông qua một số kênh của công tác tư tưởng để thông báo cho nhân dân biết Đảng đã tiếp thu điều gì, không tiếp thu ý kiến nào, vì sao. Nếu làm tốt vấn đề này sẽ có tác dụng rất lớn để củng cố niềm tin của nhân dân vào các nghị quyết của Đại hội Đảng, góp phần bác bỏ có sức thuyết phục những quan điểm sai trái.

 * Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, một khi các dự thảo văn kiện đã được thảo luận và qua nhiều lần góp ý ở các cấp cơ sở, đã được cân nhắc từng câu chữ để công bố cho toàn dân thì việc tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân sẽ chỉ mang tính chất tham khảo?

 - Đúng là trong quá trình hình thành các quyết định của các cấp, chúng ta đã thực hiện quy trình khoa học và dân chủ. Tuy nhiên, không phải tất cả các cấp và tất cả các quyết định đều tuân thủ đúng quy trình khoa học đó. Và điều đáng chú ý là để ngăn ngừa các nhóm lợi ích tác động khi hình thành các quyết định, chính sách, cần thể chế hoá việc lấy ý kiến của nhân dân trước khi ban hành các quyết định quan trọng, các quyết định đụng đến những vấn đề quốc kế dân sinh thì phải có một quá trình dân chủ cao hơn. Thậm chí các quyết định đó phải được trưng cầu dân ý.

 Đáp ứng đòi hỏi này, xin kiến nghị QH khoá XIII tới đây việc xem xét, ban hành Luật Trưng cầu dân ý. Đảng ta về bản chất là không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân tộc và của giai cấp. Từ bản chất ấy, cần phải có cơ chế để nghe được tiếng nói của dân, nguyện vọng và trí tuệ của dân để hình thành các quyết định. Chính vì vậy, nên xem lần lấy ý kiến đóng góp của toàn dân cho dự thảo văn kiện Đại hội XI này là cơ sở thực tế để xây dựng thể chế tập hợp được ý kiến, nguyện vọng, trí tuệ của toàn dân trước khi hình thành các quyết định của Đảng.

Bảo Cầm (thực hiện)