Câu chuyện từ nước Đức: Một ý thức mới nơi dân tộc Đức

Khi tôi đang viết những dòng này thì Âu châu đang trong cơn sốt giải vô địch bóng đá. Kỳ này do 2 nước Áo và Thuỵ Sĩ đồng đăng cai tổ chức. Mới qua vòng loại, xem ra Hà Lan và Bồ Đào Nha có triển vọng đoạt giải.

Khi tôi đang viết những dòng này thì Âu châu đang trong cơn sốt giải vô địch bóng đá. Kỳ này do 2 nước Áo và Thuỵ Sĩ đồng đăng cai tổ chức. Mới qua vòng loại, xem ra Hà Lan và Bồ Đào Nha có triển vọng đoạt giải. Người ta gọi nhóm C là “Nhóm Tử” (Todesgruppe), vì đó là đấu trường một mất một còn ngay vòng đầu của 3 ông khổng lồ: Ý, Hà Lan và Pháp. Và cậu “hoàng tử bé” Hà Lan đã cho 2 anh Gôliát đương kim vô địch thế giới (Ý) và cựu vô địch thế giới (Pháp) đo ván một cách nhẹ nhàng.

Ở đây, tôi không bàn tiếp chuyện giải bóng đá, vì đã có nhiều người luận bàn rồi; vả lại khi bài này tới tay bạn, thì các kết quả đã rõ và câu chuyện có lẽ cũng hết tính thời sự.

Tôi muốn nhân đây nói về một biểu hiện bên lề tại Cộng hoà Liên Bang Đức. Một biểu hiện rất thường ở các nơi khác, song lại rất bất thường ở quốc gia này. Đó là sự xuất hiện nhan nhản quốc kỳ Đức trong dịp tranh đua thể thao này. Người ta gắn quốc kỳ trên xe chạy ngoài đường hoặc treo nó ở cửa sổ các căn hộ gia đình…

Nói tới việc treo cờ quốc gia trong những dịp lễ hội, hẳn ai cũng thấy đó là chuyện thường tình, tự nhiên. Chẳng hạn như ở Hoa Kỳ. Nơi đây, quốc kỳ xuất hiện khắp nơi và gần như mọi lúc: ngay cả trong nhà thờ và trong các dịp cưới xin. Ngoài biểu tượng cho quốc gia và dấu chỉ liên kết hội nhập của nhiều sắc dân trong một hiệp chủng quốc, quốc kỳ Mỹ còn được mọi người dùng như một vật để trang hoàng lễ hội. Ở Đan Mạch, trước sân mỗi nhà đều có một cột cờ; không những cờ được treo trong các dịp lễ quốc gia, mà còn cả vào những dịp lễ gia đình (giỗ chạp, sinh nhật người thân…), nghĩa là cờ cũng được coi là một dấu chỉ của niềm vui. Tôi còn nhớ, thời mới vô Nam, trước sân nhiều nhà (lúc đó chỉ là những căn nhà mái lá vách đất) chúng tôi đều dựng một cột cờ, bằng cách chôn 2 trụ gỗ xuống đất, và thân cột cờ nằm giữa 2 trụ ấy, được gắn chặt bởi 2 thanh chốt tre trên dưới xuyên qua 2 lỗ đã khoan sẵn nơi trụ và cột. Mỗi lần muốn treo cờ, cứ rút một chốt ra là có thể hạ cột, buộc cờ vào, rồi lại dựng lên đóng chốt lại. Thời đó chẳng ai bắt “dân di cư” phải dựng cột cả. Chúng tôi làm vì niềm vui và vì ý thức được sống trong tự do. Và cờ (đủ loại) cứ phất phới suốt ngày đêm, tháng năm.

Nói tóm lại, khắp nơi việc sử dụng quốc kỳ là chuyện đương nhiên, phổ biến, tự do, và nó được trưng lên với ít nhiều niềm tự hào dân tộc.

Nhưng, các yếu tố: phổ biến, đương nhiên và tự hào này đã không có ở Đức.

Cách đây 2 năm, mùa hè năm 2006, lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh tượng tràn ngập quốc kỳ Đức (gắn trên xe, treo trước cửa nhà, quấn trên mình, cầm trên tay, vẽ trên mặt…). Một “mùa hè thần thoại” (Märchensommer). Một mùa hè khác hẳn mọi mùa hè khác từ khi thành lập Cộng hoà Liên Bang Đức vào đầu thập niên 50 của thế kỷ trước tới nay. Đó là dịp nước Đức đứng ra tổ chức thế vận hội bóng đá, với khẩu hiệu “Mời khách thế giới tới chơi nhà bạn” (Die Welt zu Gast bei Freunden). Một mùa hè với những biển cờ tam tài (đen đỏ vàng) đầy đường, đầy phố, ngập các công trường.

Cảnh tượng trên thật ra chẳng có gì là lạ lùng và ngạc nhiên nơi bất cứ một quốc gia nào khác. Nhưng ở Đức, đó là một biến cố, có một không hai cho tới lúc đó, và biến cố này đã không ai ngờ trước được. Khởi đi từ đó, quốc kỳ nay có thể nói đã trở thành một cái gì gần gũi, thân thương và ít nhiều là dấu chỉ tự hào của dân tộc này.

Tại sao lại như thế?

 

         Trước khi đi sâu vào nội dung và ý nghĩa của biến cố, cần nói vài dòng về lịch sử lá cờ của Đức.

Nền cờ gồm 3 màu tuần tự từ trên xuống: đen, đỏ và vàng. Truyền thuyết kể lại, mẫu cờ này đã có từ thời Hoàng đế Barbarossa. Năm 1152, trong buổi lễ lên ngôi của Barbarossa, người ta đã trải thảm 3 màu nơi chỗ hành lễ. Sau đó, thảm được cắt nhỏ ra phát cho dân làm kỷ niệm và từ đó dùng làm cờ. Xét theo lịch sử cận đại, thì cờ tam tài này nguyên là màu đồng phục của đạo binh lê dương của Đế quốc Phổ do Adolf ở Lützov chỉ  huy (1813) chống lại quân chiếm đóng của Napoléon nước Pháp. Sau đó, một nhóm sinh viên thuộc đội quân này đã dùng nó làm cờ cho hội ái hữu của họ, từ đó nó được phổ biến rộng rãi và sau đó đã được nhận làm quốc kỳ Đức. Sinh thành ra trong không khí những cuộc chiến tranh giải phóng và vào một thời điểm, trong đó tinh thần và chủ nghĩa quốc gia đang nổi lên ở Âu châu, 3 màu của cờ được diễn giải như sau: đen là màu của nô lệ, đỏ là màu máu; vàng là tự do: Khởi đi từ thân phận nô lệ (vì bị Napoléon đánh), dân tộc Đức sẵn sàng đổ máu mình ra đấu tranh để vươn tới tự do, ánh sáng. Ba màu này sau đó cũng được coi là biểu trưng cho 3 mục tiêu mà dân tộc này hướng vọng tới, đó là Hiệp đoàn, Luật pháp và Tự do (đối ứng lại với 3 tiêu đích Fraternité (Huynh đệ), Égalité (Công bằng), Liberté (Tự do) của Pháp). Đó là 3 ước vọng dân tộc đã được nói lên trong bản quốc ca Đức (nhạc của Joseph Haydn soạn năm 1797, lời của Heinrich Hoffmann năm 1841):

Einigkeit und Recht und Freiheit / Für das deutsche Vaterland! / Danach lasst uns alle streben / Brüderlich mit Herz und Hand!/ Einigkeit und Recht und Freiheit / Sind des Glückes Unterpfand: / Blüh im Glanze dieses Glückes / Blühe, deutsches Vaterland!

(Hiệp đoàn, Luật pháp và Tự do cho Tổ quốc Đức! Đó là tâm vọng của tất cả chúng ta cùng huynh đệ nắm chặt tay trong tay! Hiệp đoàn, Luật Pháp và Tự do là bảo đảm cho hạnh phúc dân tộc. [Điệp khúc: Hạnh phúc ơi, hãy nở hoa sáng lạn. Bừng sáng lên, Tổ quốc ơi!]).

Sau khi Hitler lên nắm quyền, ông đưa cờ chữ vạn là cờ của đảng Quốc Xã vào dùng song song với quốc kỳ cũ. Nhưng sau vụ xảy ra ngày 26-7-1935 với chiếc tàu “Bremen” của Đức trên sông Hudson ở Mỹ, Quốc Xã Đức cho dẹp quốc kỳ cũ, và lấy cờ chữ vạn thay thế. Khi tàu Bremen đang neo trên sông, với 2 lá quốc kỳ và chữ vạn đang phất phới trên mui, một nhóm người chống Quốc Xã nhảy lên uy hiếp tàu và xé cờ chữ vạn vứt xuống sông. Đại sứ Đức gửi công hàm phản đối chính phủ Mỹ về chuyện đám “phản động” đã làm nhục lá “quốc kỳ” của họ. Chính phủ Mỹ trả lời, lá cờ bị xé không phải là quốc kỳ Đức! Từ đó, Hitler cho dẹp quốc kỳ tam tài.

Sau thế chiến II, nước Đức bị chia đôi. Vì nhu cầu thực tế, Tây Đức quyết định lấy lại quốc kỳ cũ. Đông Đức cũng đã quyết định giữ lại cờ tam tài làm nền cho quốc kỳ mới của họ (một quyết định sáng suốt!). Trên nền quốc kỳ cũ, đảng cộng sản Đức cho thêm vào giữa cờ 3 yếu tố mới: búa, compa và nhánh lúa, tượng trưng cho 3 giai cấp công nhân, kĩ thuật viên và nông dân. Sau khi tái thống nhất, cộng sản đổ thì quốc kỳ Đông Đức cũng tiêu luôn.

Nói tới quốc kỳ, cũng cần thêm vài chữ về quốc ca. Bản nhạc của Haydn được viết trước hết cho Hoàng đế Áo (Franz II) làm hiệu ca. Khi Vương quốc Đức hình thành vào năm 1871, nó được dùng làm quốc ca cho Vương quốc và sau đó cho các chính quyền tiếp nối.  Hoffmann viết 3 lời và đặt tên cho bản nhạc: Bài ca người Đức. Lời viết ra trên đây là lời 3, lời chính thức và duy nhất của quốc ca hiện nay (từ 1991) của Đức. Còn 2 lời khác:

Lời 1: Đức quốc, Đức quốc vượt trên tất cả, trên tất cả mọi thứ trong trần gian. Khi đất nước lâm nguy, tất cả huynh đệ đoàn kết tay trong tay. Từ sông Maas đến sông Memel, từ sông Etsch tới vùng Belt (đó là ranh giới nước Đức cũ – ND). Đk: Đức quốc, Đức quốc vượt tên tất cả, trên tất cả mọi thứ trong trần gian.

Lời 2: Phụ nữ Đức, lòng thuỷ chung Đức, rượu Đức, ca nhạc Đức. Những cái đẹp kì cựu đó phải được bảo tồn trong thế giới. Chúng thôi thúc ta hành động cao thượng, suốt cuộc đời. Đk: Phụ nữ Đức, lòng thuỷ chung Đức, rượu Đức và ca nhạc Đức.

Dưới thời Cộng hoà Weimar (1922-1933) quốc ca gồm cả 3 lời. Thời Quốc Xã (1933-1945) chỉ hát lời 1 mà thôi. Từ 1991 chỉ công nhận duy nhất lời 3.

Vượt qua chấn thương dân tộc

Dân Đức không thuần chủng. German chỉ là một nhóm nhỏ trong hàng chục chủng tộc lập nên liên bang Đức ngày nay. Quốc gia Đức cũng mới hình thành vào cuối thế kỷ 19, từ vô số tiểu vương kết hiệp lại một cách lỏng lẻo. Tuy nhiên, sự chung sống và kết quả những pha trộn chủng tộc từ hàng ngàn năm đã làm cho dân này mang những đặc tính khác người. Văn hoá Hylạp đã mở trí cho họ. Nền luật pháp Đế quốc Rôma đã tạo nơi họ tinh thần kỷ luật và thượng tôn pháp luật. Văn hoá Kitô giáo và đặc biệt tinh thần dòng tu Biển Đức đã định cư họ, thuần hoá họ, dạy cho họ giá trị lao động và cách làm việc, đồng thời tạo nên nét nhân bản nơi họ. Đã tin gì thì tin cho tới cùng. Đã làm gì thì làm cho đến nơi đến chốn. Đã nghĩ gì thì nghĩ cho thật rốt ráo. Bao nhiêu triết gia sáng chói của Đức đã nảy sinh từ truyền thống rốt ráo đó. Sản phẩm máy móc Đức bền và ăn khách là nhờ truyền thống cẩn trọng đó. Và niềm tin đến độ quá khích của người Đức (mà Luther hay Quốc Xã là những ví dụ) cũng xuất phát từ tính rốt ráo đó. Tin lành tại Đức nổ ra cũng vì nhu cầu đạo đức của dân Đức, nhu cầu này đối kháng lại lối sống phục hưng dễ dãi và bề ngoài của giáo triều thời đó tại Rôma. Trong thời gian Michelangelo đang nằm ngửa trên giá vẽ các hình tượng loã lồ trên trần nhà nguyện Sixtin, Luther có lai vãng ở Rôma. Và hẳn ông đã bực mình lắm khi phải đối diện với lối nghệ thuật và nếp đạo đức buông thả của dân Ý lúc đó.

Tất cả những thứ trên làm nảy sinh lòng tự hào dân tộc nơi người Đức. Người Đức quá hãnh diện về dân tộc mình. Họ không muốn tiếp nhận người ngoại quốc và không muốn người ngoại quốc làm chủ mình. Ngoài ra, họ tỏ ra lãnh đạm và dè dặt, có lẽ là do ảnh hưởng của khí lạnh miền bắc đổ xuống”, đó là nhận định của Thánh Canisius, Linh mục dòng Tên người Đức đầu tiên báo cáo về cho Tổng quyền ở Rôma vào tháng 1-1583. Với cái nhìn này của Thánh Canisius thì việc Quốc Xã sau này tàn sát người Dothái cũng chẳng phải là chuyện lạ.

Với niềm tự hào dân tộc – biểu hiện phần nào nơi 2 lời đầu của bản quốc ca – người Đức đã châm ngòi thế chiến I. Thua trận và bị thế giới làm nhục. Một phần do cái nhục ấy họ đã đưa tay Hitler vô học và đảng của ông lên, với hy vọng giúp dân tộc và đất nước họ quật cường trở lại.

Với niềm tự hào dân tộc và chủ nghĩa quốc gia, Hitler lại thách thức thế giới một lần nữa với thế chiến II. Cuộc bại trận lần này tuy có thê thảm và nặng nề, nhưng đã không quật ngã tinh thần của họ.

Cái quật ngã và đánh sụp tinh thần của dân tộc ngàn đời kiêu hãnh này là tội ác diệt chủng Dothái của Hitler và tập đoàn Quốc Xã, mà dân Đức đã dần nhìn ra sau khi kết thúc chiến tranh. Một “tội ác ngàn năm”, một “món nợ ngàn năm”. Thật kinh hoàng! Họ không ngờ dân tộc họ có thể tàn ác và bất nhân đến như vậy. Nhân bản Kitô giáo đã giúp họ nhìn nhận và hối hận tội ác kia. Không như Thỗ Nhĩ Kỳ vẫn cố tình chối món nợ 1 triệu người Armeni, hay Nhật vẫn chối món nợ của họ ở Trung Quốc và Đại Hàn, Đức thành tâm nhìn nhận tất cả.

Cả một dân tộc như rút vào ăn năn. Mặc cảm tự ti bỗng chốc bao trùm cả một dân tộc. Cả một dân tộc bị chấn thương nặng. Họ không dám ngửng mặt. Không ai dám và muốn nghĩ tới niềm tự hào dân tộc truyền thống. Dân Đức từ đó chỉ biết than thở. Thở than đã trở thành thói quen và nó đã trở thành biểu hiện của sự an tâm, thoả mãn. Vì thế, ngược lại, ai khen Đức, kẻ ấy đang phá Đức. Chỉ có người ngoại quốc cực chẳng đã mới được phép khen Đức chút đỉnh. Một người Pháp, khi mở miệng mà không nói lời khen là không phải người Pháp. Người Đức mà làm như thế thì bị coi là lập dị.

Người Pháp tự hào về la culture française, về la langue française, về le gourmet français, về la Tricolore, về rượu sâm banh, bánh mì Baguettes, về révolution française của họ. Sáng điểm tâm là phải có Baguettes, đi nghỉ hè ở hải ngoại cũng phải mang vài chai Bordeau theo. Người Đức thì không. Người Đức có hơn 100 thứ sản phẩm tiêu biểu để tự hào, như bia, kem Nivea, Mercedes, BMW, máy móc, xe tăng… nhưng họ chào hàng một cách âm thầm. Người Pháp, đặc biệt giới trí thức, dám chống lại anh Hai – Mỹ, dám bịt mũi trước văn hoá fast food của anh Hai, dám chê american way of life là kém văn hoá. Nhưng Đức bao nhiêu chục năm dài anh Hai bảo gì cúi đầu nghe. Trí thức Đức ngán ngẫm lối sống Mỹ mà cũng phải đành im tiếng. Tổng thống Chirac phản đối bỏ ra khỏi phòng họp cấp lãnh đạo Âu châu, khi cựu Giám đốc Nghiệp đoàn Xí nghiệp Pháp Ernest-Antoine Medef lên diễn đàn đọc diễn văn bằng tiếng Anh. Truyền thanh, truyền hình Pháp cấm sử dụng chuyên từ ngoại quốc ba rọi, như computer, email, mà phải dùng “ordinateur”, “couriel”. Nhưng Đức thì vẫn âm thầm chịu đựng việc Âu châu trong mấy chục năm qua coi tiếng Đức như không có trên diễn đàn chung; tiếng Đức vẫn không được coi là ngôn ngữ giao dịch ở Vatican. Truyền thông Đức thì hỗn độn bát nháo với tiếng Anh, điều mà một số trí thức đứng đắn đã phải than.

Người Ba Lan ý thức về lịch sử của họ, hãnh diện về vai trò của Công đoàn Đoàn Kết của họ. Người Anh tự hào về những chiến thắng quân sự, lấy tên những chiến địa để đặt tên đường, tên phố, công trường… Người Đức thì không. Họ xấu hổ và cố quên đi những chiến thắng vinh quang.

Người Mỹ tự hào về lá cờ hiệp chủng quốc, về quốc ca, về tôn giáo của họ. Người Đức thì không. Họ ít ai biết hát bài quốc ca, trước đây hầu như không ai có trong nhà lá quốc kỳ.

Về kinh tế, Đức là một anh khổng lồ. Nhưng về chính trị thì là một người lớn không dám làm người lớn. Sự thống nhất 2 miền của họ đã phải mua của Liên Xô (phải chi không biết bao nhiêu tiền), phải xin phép anh Hai – Mỹ, phải xin ý kiến anh Ba – Pháp, phải trấn an anh Năm – Ba Lan. Anh Ba đã chẳng muốn tí nào, nhưng vì anh Hai đã đồng ý nên đành phải ngậm bồ hòn. Chuyện giải thoát mấy bác sĩ và y tá con tin vừa qua do Kadafi (Libi) chộp để làm tiền đã được đại diện Liên hiệp Âu châu và Bộ trưởng Ngoại giao Đức dàn xếp xong. Nhưng trước cảnh Tổng thống Pháp nhảy ngang tiếm công, Đức cũng đành vui vẻ im lặng. Trước những vai trò chính trị thế giới, Đức như cô gái thẹn thùng em chả em chả, chỉ biết đưa tiền ra để mua lấy bình yên. Muốn có một ghế chính thức trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà cũng chẳng dám mạnh miệng nói ra.

Tóm lại, lòng yêu nước là một cái gì đương nhiên đối với Pháp, Mỹ, Anh, Ba Lan và với hầu hết các dân tộc trong chế độ dân chủ tự do. Nhưng với Đức thì đó chẳng đương nhiên tí nào cả. Họ mặc cảm với dân tộc họ, với lịch sử họ. Năm 1994 còn có 44% dân chúng xác tín rằng, quá khứ lịch sử không cho phép họ nghĩ tới tình cảm quốc gia và các biểu tượng quốc gia. Nay chỉ còn trên 22%. Tất cả là do hệ quả của cuộc chấn thương tinh thần do tội ác Quốc Xã tạo ra.

Nhưng, hình ảnh những biển cờ của mùa hè thần thoại vừa qua cho thấy dân tộc này đã có chuyển biến trong ý thức. Họ không còn âm thầm ngồi đó gặm nhấm niềm đau của họ nữa. Họ đã có một ý thức mới về mình. Có lại được tự tin. Lòng yêu nước, quốc kỳ, quốc ca chẳng còn là những thứ gì cấm kỵ. Thủ tướng Kohl là người đầu tiên đặt một lá quốc kỳ nhỏ nơi bàn làm việc của mình. Cũng dưới thời Kohl trong thập niên 80, cậu Boris Becker, 2 lần thắng giải quần vợt Wimbledon, lần đầu tiên đã cầm cờ Đức chạy trên sân quần vợt sau khi thắng giải. Trong “mùa hè thần thoại” 2006, theo Viện Allenbach, có tới 58% thanh niên Đức dưới 30 tuổi và 50% của lớp tuổi 30 – 44 đã cầm cờ Đức trong dịp tranh tài bóng đá. Biến cố thế vận bóng đá 2006 đã phá đi một cấm kỵ: từ nay công dân Đức có quyền được có cờ!

Mà không phải chỉ từ “mùa hè thần thoại” mà thôi. Theo tôi, dấu hiệu tinh thần tự tin của họ lần đầu tiên lộ diện với việc Thủ tướng Schroeder, một thành viên thế hệ 68 – một thế hệ đã dương cao khẩu hiệu “Nie wieder Deutschland!” (Không bao giờ là Đức quốc nữa!), dám công khai chống lại quyết định tấn công Irắc của Hoa kỳ năm 2003. Tôi để ý, từ đó chính giới và lớp trí thức Đức đã có những hành vi và ngôn ngữ tự tin hơn. Và sau đó, việc Hồng y Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng Rôma vào năm 2005 cũng là một dấu chỉ rất quan trọng làm dậy lên niềm tự tin dân tộc của họ.

Và như thế, thế giới nên mừng trước một con bệnh đang trên đường bình phục, hay nên lo về khả năng phục hồi lòng tự hào dân tộc quá khích nơi người Đức?

Augsburg, ngày 18-6-2008

Phạm Hồng Lam

Quốc kỳ Đức