ĐTC Phanxicô: Giáo lý: “Chữa lành thế giới”
Bài 1: Giới thiệu

Theo Vatican News, tại buổi yết kiến chung ngày thứ tư vừa qua, Đức Phanxicô đã phát động loạt bài giáo lý mới về việc chữa lành thế giới. Ngài tái tục các buổi yết kiến trên sau kỳ nghi thường lệ trong tháng Bẩy và cho biết các nhân đức tin, cậy, mến của Kitô giáo giúp ta có khả năng chữa lành các tật bệnh thể lý, xã hội và tâm linh của thời ta, như các tật bệnh được đại dịch vạch trần.

POPE FRANCIS

GENERAL AUDIENCE

Library of the Apostolic Palace
Wednesday, 5 August 2020

ĐTC Phanxicô: Giáo lý: “Chữa lành thế giới”
Bài 1: Giới thiệu

 

Anh chị em thân mến,
chào buổi sáng!

Đại dịch tiếp tục gây ra những vết thương sâu, để lộ ra sự tổn thương của chúng ta. Trên mọi lục địa có rất nhiều người đã chết, nhiều người bị bệnh. Nhiều người và nhiều gia đình đang sống trong thời kỳ bấp bênh vì các vấn đề kinh tế – xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến những người nghèo nhất.

Chữa lành nhờ đức tin, đức cậy và đức mến

Ngài nói, Vương quốc của công lý và hoà bình này, được tỏ hiện qua các hoạt động bác ái, làm tăng và củng cố đức tin. Nhờ đức tin, đức cậy và đức mến, Chúa Thánh Thần không chỉ chữa lành chúng ta mà còn khiến chúng ta trở thành những người chữa lành. Các nhân đức này “mở cửa cho chúng ta thấy những chân trời mới, ngay cả khi chúng ta đang lênh đênh trên những vùng nước khó khăn của thời đại chúng ta”.

Đức Giáo Hoàng nói, một tiếp xúc mới mẻ với “Tin Mừng đức tin, đức cậy và đức mến sẽ giúp chúng ta khả năng biến đổi các gốc rễ của tính yếu đuối thể xác và những thực hành phá hoại khiến chúng ta ngăn cách với nhau, đe doạ gia đình nhân loại và hành tinh của chúng ta”.

Chữa lành thể lý, xã hội và tâm linh

Đức Thánh Cha lưu ý rằng, trong vô số phép lạ của Người, Chúa Giêsu “chữa lành không những sự dữ thể xác mà còn chữa lành toàn bộ con người”. Nhờ khôi phục “con người trở lại với cộng đồng, Người giải phóng họ khỏi sự cô lập”.

Đức Giáo Hoàng đặc biệt chú trọng đến việc chữa lành người bại liệt tại Caphácnaum, người đã được hạ xuống tới Chúa Giêsu từ một cái lỗ trên mái nhà. Xúc động bởi đức tin của họ, trước tiên Chúa Giêsu nói với người bại liệt, “Con ơi, tội lỗi của con đã được tha thứ”. Và sau đó, như một dấu hiệu hữu hình, Người nói thêm, “Hãy chỗi dậy, vác chiếu mà về nhà”.

“Hành động của Chúa Giêsu là phản ứng trực tiếp đối với đức tin của những người đó, đối với đức cậy mà họ đặt nơi Người”, và đối với đức ái mà họ tỏ bầy cho nhau.

Chúa Giêsu không những chỉ chữa lành người bại liệt mà còn tha thứ tội lỗi của anh ta và đổi mới cuộc sống của anh ta và bạn bè anh ta như thể họ được tái sinh. Đức Giáo Hoàng nói, “Đó là một sự chữa lành về thể lý và tinh thần, kết quả của việc tiếp xúc bản thân và xã hội”; ngài tự hỏi cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu và hành động chữa lành của Người đã giúp tình bạn và đức tin này phát triển ra sao trong ngôi nhà đó.

Đức Thánh Cha nhắc nhở các Kitô hữu rằng trong tư cách môn đệ của Chúa Giêsu, thầy thuốc chữa linh hồn và thể xác, chúng ta cũng được kêu gọi tiếp tục “công việc chữa lành và cứu rỗi của Người” theo nghĩa thể lý, xã hội và tâm linh.

Giáo huấn xã hội của Giáo Hội

Đức Giáo Hoàng nói rằng mặc dù Giáo hội thực hiện ơn thánh chữa lành của Chúa Kitô qua các Bí tích và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các vùng xa xôi nhất của hành tinh, nhưng Giáo Hội không phải là một chuyên gia trong việc phòng ngừa hoặc chữa lành dịch bệnh và không cung cấp các đề xuất chính trị xã hội chuyên biệt. Như Thánh Phaolô VI đã chỉ ra, công việc này thuộc các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội.

Tuy nhiên, qua nhiều thế kỷ, và dưới ánh sáng của Phúc âm, Giáo hội đã khai triển các nguyên tắc xã hội căn bản có thể giúp chúng ta tiến lên trong việc chuẩn bị tương lai mà chúng ta cần đến. Đức Giáo Hoàng nói rằng, các nguyên tắc như nhân phẩm, ý niệm về ích chung, ưu tiên chọn người nghèo, đích điểm phổ quát của hàng hoá, tính liên đới, tính phụ đới, việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta diễn tả các nhân đức tin, cậy, mến theo những cách khác nhau.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, các nguyên tắc này sẽ giúp các nhà quản trị và những người cầm quyền phát triển xã hội và giúp hàn gắn các mối liên hệ bản thân và xã hội trong thời kỳ đại dịch này.

Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu trong những tuần lễ sắp tới suy nghĩ với ngài về những nguyên tắc này và những vấn đề cấp bách mà đại dịch đã vạch trần, nhất là các tệ nạn xã hội. Dưới ánh sáng Tin Mừng, đây sẽ là một trong các nhân đức đối thần và các nguyên tắc của giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng hy vọng rằng chúng có thể làm sáng tỏ các vấn đề xã hội cấp bách ngày nay và góp phần xây dựng một tương lai hy vọng cho các thế hệ tương lai.

Trong buổi yết kiến, Đức Thánh Cha cũng bày tỏ sự gần gũi của ngài với các nạn nhân và gia đình của họ bị ảnh hưởng bởi vụ nổ kinh hoàng ở thủ đô Beirut của Libăng hôm thứ Ba.

Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholicnews.net/News/Html/257796.htm
___________________________

Tóm tắt những lời của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến: Để đối phó với những thách thức nghiêm trọng do đại dịch hiện nay gây ra, người Kitô hữu chúng ta được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan và sức mạnh sinh ra từ các nhân đức của đức tin, đức cậy và đức mến. Là quà tặng của Thiên Chúa, những đức tính này chữa lành cho chúng ta và cho phép chúng ta mang sự hiện diện chữa lành của Đấng Kitô đến thế giới của chúng ta. Họ có thể khơi dậy trong chúng ta một tinh thần mới và sáng tạo để giúp chúng ta đối mặt với những bệnh tật đã ăn sâu vào thể chất, xã hội và tinh thần ngày nay và thay đổi những hành vi bất công và phá hoại đe doạ tương lai của gia đình nhân loại chúng ta. Ngày nay, Hội Thánh tìm cách tiếp tục sứ vụ chữa lành của Chúa, không chỉ cho các cá nhân mà còn cho toàn xã hội. Hội Thánh thực hiện điều này bằng cách đề xuất một số nguyên tắc rút ra từ Phúc âm, bao gồm: phẩm giá con người, công ích, lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, mục tiêu phổ quát của hàng hoá, tình liên đới, sự tương trợ và sự quan tâm đến công chúng của ngôi nhà chung của chúng ta. Trong những tuần tới, tôi sẽ suy ngẫm về những chủ đề này và các chủ đề khác trong học thuyết xã hội của Giáo hội, tin tưởng rằng chúng có thể làm sáng tỏ các vấn đề xã hội cấp bách ngày nay và góp phần xây dựng tương lai hy vọng cho các thế hệ mai sau.