30/11/2024

Số phận những người phụ nữ đẻ thuê ở Campuchia

Hàng chục phụ nữ nghèo ở Campuchia đang đối diện với cáo buộc buôn người khi tham gia vào đường dây mang thai hộ cho các cặp vợ chồng người Trung Quốc.

 

Số phận những người phụ nữ đẻ thuê ở Campuchia

Hàng chục phụ nữ nghèo ở Campuchia đang đối diện với cáo buộc buôn người khi tham gia vào đường dây mang thai hộ cho các cặp vợ chồng người Trung Quốc.

 

 
Những phụ nữ Campuchia bị bắt trong đường dây đẻ thuê 	 /// Ảnh: Reuters

Những phụ nữ Campuchia bị bắt trong đường dây đẻ thuê  ẢNH: REUTERS

 

Theo cảnh sát Campuchia, 32 phụ nữ từ nhiều vùng nông thôn ở nước này đã bị bắt giữ vì tham gia đẻ thuê cho người Trung Quốc. Theo sắc lệnh mới, những ai liên quan đến việc đưa trẻ ra khỏi lãnh thổ Campuchia sẽ bị xem là buôn người và có thể chịu mức án từ 7 – 14 năm tù. Trước ngày 8.1.2018, chỉ cần được toà cho phép, trẻ có thể rời khỏi Campuchia theo người nhận nuôi mà không gặp rắc rối nào về mặt luật pháp. Những năm gần đây, Thái Lan và Lào siết chặt việc mang thai hộ, vì vậy Campuchia trở thành điểm đến của những cặp vợ chồng nước ngoài vì giá rẻ, một ca tốn khoảng 50.000 USD, chỉ bằng một nửa so với ở Ấn Độ. Phụ nữ nông thôn là đối tượng được nhắm đến nhiều nhất.

Nỗi lo tù tội
 
Srey Pech (24 tuổi, ở tỉnh Kratie), lần cuối gặp mặt chồng cách đây 5 tháng, khi cô quyết định lên Phnom Penh để đẻ thuê. Những kẻ môi giới nói Srey sẽ được số tiền lớn và đổi đời nếu nhận công việc này. Tương lai tươi sáng chưa thấy đâu, chỉ biết Srey hiện đang bị giam giữ trong một bệnh viện ở Phnom Penh với cảnh sát canh gác suốt ngày đêm. Srey bị bắt cùng 31 phụ nữ khác hồi tháng 6.2018. Phía cảnh sát cho hay, Công ty Fertility Solutions PGD thuê họ đẻ thuê và trả 10.000 USD cho một ca sinh thành công. Họ được đưa trước 500 USD và mỗi tháng được cung cấp 300 USD rồi đến ngày sinh nhận tiếp 6.000 USD cho gói dịch vụ đẻ thuê.
 
Sophat, chồng của Srey, cho biết mới chỉ gặp vợ một lần, khoảng 15 phút ở bệnh viện kể từ khi cô bị đưa vào đó. Sophat đã khuyên vợ không tham gia mang thai hộ vì sẽ bị tù tội, nhưng do cần tiền, người vợ đã không nghe lời can ngăn của chồng. “Cô ấy còn bảo tôi đừng lo vì trong đường dây có một quan chức cấp cao và người này sẽ bảo vệ cô”, theo ucanews.com dẫn lời Sophat kể. Mẹ của Sophat nhớ con dâu và khóc nhiều.
 
“Nó làm việc vất vả để nuôi gia đình, khi thì đi giặt đồ, lúc giúp việc nhà cho làng bên. Nó cần tiền để làm nhà cho gia đình ở riêng”, bà Pheap, mẹ chồng của Srey, tâm sự khi nói về con dâu. Sophat phát hiện vợ mang thai hộ vào tháng thứ 4. Khi sang tháng thứ 5, Srey quyết định rời nhà vào ở trong một bệnh viện nhỏ, nơi cô gặp nhiều phụ nữ khác chuẩn bị sinh.
 
Cũng ở bệnh viện trên, một phụ nữ khác vừa sinh cũng thuộc đường dây đẻ thuê cho biết rất nhớ nhà và nhớ “đứa con trai” mới lọt lòng. “Tôi cảm thấy gần gũi và thương nhớ nó hơn cả bé gái mà tôi đã sinh khi mới 19 tuổi”, Lee (24 tuổi) xúc động khi nói đến đứa trẻ mà cô mang thai hộ. Lee nhớ lại ngày sinh đứa trẻ, cô được đưa đến một bệnh viện rồi bị xích vào giường vì cảnh sát sợ cô bỏ trốn. Sau khi sinh, cô bị đưa trở lại nơi giam giữ. “Gia đình đang trông ngóng, nhưng tôi không biết khi nào được về nhà. Họ nhớ tôi đến phát điên, khóc suốt khi biết tôi bị xích vào giường”, Lee kể.
 
Buộc phải nuôi con người khác
Sophat cho biết gia đình anh sẵn sàng nuôi đứa trẻ và cảm thấy mừng khi biết vợ và đứa trẻ trong bụng vẫn khoẻ mạnh. “Srey đã không lường trước nguy hiểm khi tham gia đường dây mang thai hộ. Cô ấy chấp nhận vì muốn có tiền nhanh. Chúng tôi sẽ chăm sóc đứa trẻ”, người chồng nghẹn ngào nói.
 
Uỷ ban Quốc gia chống buôn người Campuchia cho biết đang cố gắng giúp đỡ 32 phụ nữ trên. “Luật sư của chúng tôi cố gắng giúp, nhưng không biết số phận của họ thế nào. Điều đó phụ thuộc vào câu trả lời của họ trước tòa”, Khmer Times dẫn lời bà Chou Bun Eng, Chủ tịch uỷ ban trên, chia sẻ. Theo bà, họ không đáng bị xử phạt với tội buôn người, họ chỉ đẻ thuê vì cần tiền, nhưng toà không quan tâm điều đó mà chỉ muốn biết họ có ý định “bán” đứa trẻ để lấy tiền hay không. “Nếu họ thuyết phục được tòa rằng họ sẽ nuôi đứa trẻ và không đem chúng cho người khác, hy vọng họ sẽ được tự do”, bà Bun Eng nói. Hiện Tổ chức Agape International Missions đang hỗ trợ pháp lý để giúp 32 phụ nữ trên tại ngoại.
 

 (Văn phòng Bangkok)

MINH QUANG