29/11/2024

Quảng bá súng ống lên hàng nghệ thuật ở Mỹ

Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA) hàng chục năm qua đã gắn súng ống với những giá trị Mỹ về quyền tự do.

 

Quảng bá súng ống lên hàng nghệ thuật ở Mỹ

Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA) hàng chục năm qua đã gắn súng ống với những giá trị Mỹ về quyền tự do.

 
 

Những thông điệp như “NRA – Freedom safest place” (tạm dịch: NRA – nơi an toàn nhất của tự do), hay “It’s not just about gun, it’s about freedom” (Không chỉ là cây súng, mà là tự do) được rao giảng, chắp cánh bởi cỗ máy truyền thông hùng hậu mà đứng sau là NRA lắm tiền nhiều quyền.

Quảng bá súng ống lên hàng nghệ thuật ở Mỹ - Ảnh 1.

Hình ảnh trên kênh truyền hình dành cho phụ nữ của NRA TV – Ảnh: nrawoman.tv

Có một hệ thống tuyên truyền cho súng đạn

Làm truyền thông cho NRA trong 30 năm qua là Công ty Ackerman McQueen trụ sở tại Oklahoma. Tập đoàn này đã mài sắc các thông điệp tuyên truyền cổ vũ súng ống ở Mỹ, gieo niềm tin sắt đá cho cử tri bảo thủ rằng quyền sở hữu súng là một trong những giá trị cơ bản và là trụ cột của bản sắc Mỹ.

“Nếu báo chí được tự do đưa tin chính trị, tại sao chúng ta không tự mình trở thành cơ quan báo chí?” – Công ty Ackerman McQueen đã nảy ra sáng kiến về NRA News như vậy. 

 

Theo Quartz Media, vào năm 2004, Ackerman McQueen lập ra kênh truyền thông riêng có tên là NRA News, tập trung vào việc sản xuất các tin tức liên quan đến các vấn đề thuộc Tu chính án thứ 2, các sự kiện và vấn đề văn hóa cũng như các chương trình đối thoại trực tiếp với những người ủng hộ NRA.

NRA News sau này được chuyển thành Công ty NRA TV, sở hữu bốn kênh phát sóng trong đó có kênh nrawomen.tv chuyên nhắm đến đối tượng phụ nữ. Các kênh liên tục lặp lại các thông điệp của NRA, rằng súng đại diện cho nền tảng tự do của Mỹ.

Những hội viên “khủng”

Theo trang American Rifle Man, có 8 đời tổng thống Mỹ từng là thành viên trọn đời của NRA gồm John F. Kennedy, Ulysses S. Grant, Theodore Roosevelt, William Howard Taft, Dwight D. Eisenhower, Richard M. Nixon, Ronald Reagan và George H. W. Bush. Tổng thống Nixon rời hiệp hội năm 1969 và ông George Bush rời hiệp hội năm 1995. Ngoài ra còn nhiều chính trị gia, nghệ sĩ tên tuổi khác là thành viên hiệp hội.

Lèo lái dư luận

Bằng cách lập ra báo chí riêng cho NRA, Công ty Ackerman McQueen đã giúp NRA lèo lái dư luận ở Mỹ mỗi khi có những sự vụ như các vụ xả súng giết người hàng loạt khiến dân tình phẫn nộ.

Ví dụ, sau vụ thảm sát tại Trường tiểu học Sandy Hook ở bang Connecticut, NRA đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh thông tin riêng rằng tội đồ của vụ việc này chính là những trò chơi game online mang tính bạo lực chứ không phải do sở hữu súng ống.

Vài ngày sau vụ thảm sát tại trường trung học ở bang Florida khiến 17 người thiệt mạng, cũng những kênh này lập luận rằng tâm thần và việc thiếu trang bị vũ khí cho trường học mới là gốc rễ của vấn đề. Những lập luận này cũng xuất hiện ở những cuộc hội họp và trong phát ngôn của nhiều lãnh đạo cao cấp.

Các hoạt động truyền thông lèo lái dư luận của NRA được thực hiện một cách hiệu quả nhờ nguồn lực tài chính rất mạnh của hiệp hội. Chi tiêu hằng năm của hiệp hội vào khoảng 250 triệu USD và 3 triệu USD cho vận động chính sách.

Ngoài ra, NRA còn có ảnh hưởng chính trị gián tiếp nhờ mối quan hệ với các chính trị gia cấp cao trong số 5 triệu thành viên của họ. Hiệp hội công khai đánh giá các thành viên Quốc hội Mỹ theo thang điểm từ A đến F trên mức độ thân thiện của họ với súng. Đánh giá này có ảnh hưởng rất lớn trong các kỳ bầu cử và những người không ủng hộ súng có thể mất ghế Quốc hội.

Từ súng đạn đến chính trị

NRA được đại tá về hưu William C. Church và tướng George Wingate thành lập năm 1871 với mục tiêu “khuyến khích và cổ vũ việc dùng súng trên cơ sở khoa học”. Thời kỳ đầu, thành viên của hiệp hội chủ yếu là những người thợ săn.

Theo đài BBC, NRA dấn bước vào chính trị từ năm 1934 khi hiệp hội bắt đầu gửi thư thông báo đến các thành viên về những đạo luật sắp ban hành liên quan đến súng. Vào những năm 1970, NRA tích cực vận động chính trị để bảo vệ các luật súng năm 1934 và 1968 do trong xã hội bắt đầu xuất hiện nhiều tiếng nói kêu gọi cấm súng.

Năm 1975, hiệp hội thành lập Viện hành động pháp lý và năm 1977 thành lập Ủy ban hành động chính trị để đẩy mạnh hoạt động vận động các đạo luật về súng ở Mỹ.

HỒNG VÂN