Cảm hứng sống từ chàng kỹ sư bại não
Nguyễn Hoàng Gia Bảo – một cậu bé mồ côi cha mẹ, bị bại não, tưởng chừng cuộc đời gắn liền với chiếc xe lăn… Nhưng kỳ diệu thay: Gia Bảo giờ đây đang là kỹ sư công nghệ thông tin, làm việc tại một trường quốc tế ở TP.HCM.
Cảm hứng sống từ chàng kỹ sư bại não
Nguyễn Hoàng Gia Bảo – một cậu bé mồ côi cha mẹ, bị bại não, tưởng chừng cuộc đời gắn liền với chiếc xe lăn… Nhưng kỳ diệu thay: Gia Bảo giờ đây đang là kỹ sư công nghệ thông tin, làm việc tại một trường quốc tế ở TP.HCM.
“Có được hôm nay là sự chiến đấu bền bỉ mãnh liệt của Bảo. Một hành trình dài của cố gắng và cố gắng” – ông Nguyễn Bắc Đẩu, bác ruột Gia Bảo, nói về cháu mình.
Không chỉ thay đổi số phận mình, Bảo còn biết chăm sóc những bạn trẻ bất hạnh khác. Tết vừa rồi, Bảo đã lặn lội xe đò từ Sài Gòn về Quảng Nam trao số tiền gần 11 triệu đồng mà anh quyên góp được, giúp trẻ em tàn tật quê nhà.
Tôi được như ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của gia đình, cộng đồng. Và tôi muốn làm chút gì đó giúp các em đồng cảnh ngộ. Tôi muốn truyền cảm hứng sống cho các em. Rằng: nếu buông xuôi, chúng ta chỉ là một người khuyết tật
Kỹ sư NGUYỄN HOÀNG GIA BẢO
Số phận nghiệt ngã
Mẹ mất ngay khi Bảo vừa chào đời sau ca tai biến hậu sản. Vài năm sau, ba của Bảo cũng lìa xa cõi đời vì lao lực. Từ đó, bác Đẩu trở thành cha – mẹ của Bảo.
“Một đứa trẻ bị bại não lại gánh chịu hai nỗi mất mát quá lớn như vậy có phải cuộc đời quá bất công không?” – ông Đẩu trầm ngâm.
Dù khuyết tật nhưng ngay từ nhỏ Bảo đã rất ham học, thông minh dù phải đi lại trên chiếc xe đẩy và giọng nói ngọng nghịu. Con đường làng mỗi độ mùa mưa về ngập ngụa trong bùn đất, ông Đẩu làm đôi chân đưa Bảo đến trường.
“Có những lúc đường trơn trượt, chân tay Bảo lại lòng thòng nên cả hai bác cháu té nhào. Lúc đó, chỉ biết ứa nước mắt vì thương cháu” – ông Đẩu kể.
Những khi ông Đẩu bận, các bạn trong lớp thay ông đưa Bảo đến trường. Không phụ lòng mọi người, Bảo có thành tích học phổ thông rất ấn tượng khi thi đậu vào lớp chọn của trường THPT ở thị xã Điện Bàn.
Nhưng cuộc đời lại thử thách Bảo thêm một lần nữa. Năm học lớp 10, Bảo phải nhập viện cấp cứu vì học quá sức. Khi bác sĩ nói “có thể khó qua khỏi, gia đình hãy chuẩn bị tâm lý đi” là lúc ông Đẩu khuỵu xuống.
May mắn cùng với nỗ lực thuyết phục của ông Đẩu và sự tận tâm của các thầy thuốc, đêm đó Bảo dần hồi tỉnh. Hai vợ chồng ông Đẩu mừng quá, liền đi bán 1 cây vàng đã tích cóp bấy lâu nay để mua bộ máy vi tính vì “Bảo mê vi tính lắm, nhìn thấy có máy sẽ mừng, sẽ sống vui”.
Rồi Bảo thi đậu ngành công nghệ thông tin của một trường CĐ tại Đà Nẵng và tốt nghiệp loại giỏi. Với thành tích này, Bảo được đặc cách tuyển thẳng vào ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
Suốt hành trình Bảo đi, luôn có hình bóng của người bác. Và cả hai bác cháu lại tiếp tục đương đầu với những chông gai trên đường.
Bảo chia sẻ rằng từ lúc học CĐ rồi ĐH, mỗi khi đến kỳ thực tập, hai bác cháu rong ruổi từ Quảng Nam đến Đà Nẵng, gõ cửa biết bao nhiêu chỗ để xin thực tập nhưng đều nhận được những cái lắc đầu.
Năm 2014, Bảo tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thông tin với tấm bằng loại khá. Nhưng rồi lại một lần nữa, hai bác cháu lại buồn bã khi đến đâu xin việc đều tiếp tục nhận những cái lắc đầu.
Những tưởng cơ may đã mỉm cười: thông qua giới thiệu, có một công ty ở Đà Nẵng nhận Bảo vào làm việc. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Sáu tháng làm việc tại đây, mỗi tháng Bảo được hỗ trợ 500.000 đồng, trong khi phải thuê phòng trọ hết 1,5 triệu đồng.
Không cầm cự được ở Đà Nẵng, Bảo trở về quê nhà mượn được hơn 10 triệu đồng để nuôi gà. Nhưng rồi sự trắc trở vẫn chưa buông tha cho chàng trai bại não. Đàn gà bị dịch và chết hàng loạt khiến Bảo “bể nợ”. Lúc này, những ưu tư được anh giãi bày lên Facebook.
Tấm lòng bao dung
Không chỉ tự lo cho bản thân, Bảo còn biết giúp những người đồng cảnh. Từ năm 2017, Bảo lên mạng kêu gọi bạn bè cùng mình trích lương tổ chức chương trình Xuân yêu thương để trao quà cho các em nhỏ bị khuyết tật ở Đà Nẵng, Quảng Nam.
Bảo thường tâm sự với các em nhỏ khuyết tật: “Chúng ta là những người khuyết tật nhưng chỉ là khiếm khuyết một bộ phận, không có nghĩa là tất cả. Cho nên các em hãy cố gắng, nỗ lực học tập hết sức và các em sẽ có thành quả và có thể giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ với mình”.
Người tốt quanh ta
Những dòng tâm sự của Bảo tình cờ được nhà báo Quỳnh Anh – Truyền hình VTV8 tại Đà Nẵng – đọc được. Quỳnh Anh đã viết những dòng tâm sự xúc động về cuộc đời của Bảo trên Facebook của mình.
Nhiều người biết chuyện đã ngỏ lời nhận chàng trai khuyết tật vào Sài Gòn làm việc.
“Tôi chỉ là cầu nối, còn Bảo mới là người đáng ngưỡng mộ. Đó là một chàng trai rất nghị lực, cứng cỏi và bền bỉ. Tôi tin Bảo sẽ thành công” – nhà báo Quỳnh Anh chia sẻ.
Ông Đẩu vẫn còn nhớ rất rõ thời điểm mà như ông nói là “bước ngoặt” thay đổi cuộc đời Bảo. Ngày 21-6-2016, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh – chủ tịch HĐQT Trường quốc tế Canada tại TP.HCM – gọi điện trực tiếp cho ông Đẩu. Cô Oanh cho biết sẽ nhận Bảo vào làm việc tại trường.
Ông Đẩu cùng bà nội của Bảo trằn trọc nhiều đêm để đưa ra quyết định. Đắn đo bởi Bảo lần đầu đi xa đến vậy và phải tự lập cuộc sống hoàn toàn. Nếu không nắm bắt cơ hội này sẽ chẳng có lần 2.
Vài ngày sau hai bác cháu vào TP.HCM và được nhà trường ra đón. Chiều hôm đó, lãnh đạo nhà trường phỏng vấn Bảo và quyết định tuyển dụng anh vào bộ phận IT của trường, bố trí chỗ ăn ở miễn phí.
“Bảo được tuyển dụng vào Sài Gòn như một giấc mơ mà cả hai bác cháu chưa bao giờ nghĩ tới. Đúng là ở quanh ta luôn có người tốt” – ông Đẩu xúc động.
Tháng lương đầu tiên nhận được, Bảo gửi một phần về cho bác Đẩu mua hoa quả thắp nhang lên bàn thờ ba mẹ để báo tin mừng về thành quả của đứa con tật nguyền.
Bảo luôn dặn mình ở môi trường mới đòi hỏi cao hơn nên dù nói còn ngọng nghịu nhưng anh đã mời thầy về dạy tiếng Anh để bắt nhịp tốt hơn với công việc. Người thầy mến nghị lực của Bảo nên chỉ lấy tiền xăng xe, còn học phí thì miễn.
Mỗi buổi sáng, Bảo dù lóng ngóng vẫn tự tập đi bộ gần 1km, làm việc và học thêm tiếng Anh. Cuộc sống – với chàng kỹ sư nghị lực này – luôn là một ngày cố gắng không ngừng nghỉ.
“Em đã cho tôi nghị lực”
Đó là chia sẻ của cô Đỗ Thị Kim Tuyết – giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Đại Lộc, Quảng Nam), nơi Bảo theo học. Cô nói cô có ấn tượng với Bảo, dõi theo bước đi của chàng học trò từ đó cho đến ngày ra trường.
Cô Kim Tuyết kể: ngày trao bằng tốt nghiệp, giảng đường đầy ắp người, còn Bảo lẻ loi một mình dưới gốc bàng.
“Tôi đến chúc mừng em. Em ôm chặt lấy tôi vui mừng đến bật khóc. Tôi cảm ơn em đã cho tôi nghị lực, vượt lên mọi gian nan trong cuộc sống. Em là tấm gương vượt khó mà tôi cũng như mọi người vô cùng khâm phục và ngưỡng mộ” – cô Tuyết chia sẻ.