Phí vào sân bay: Biết sai vẫn thu vì không ai bảo dừng
Thanh tra Chính phủ kết luận việc thu phí đường dẫn ra vào sân bay là sai, nhưng lãnh đạo ACV khẳng định tiếp tục thu phí vì chưa có cơ quan nào yêu cầu ngừng…
Phí vào sân bay: Biết sai vẫn thu vì không ai bảo dừng
Trạm thu phí cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM vẫn đang tiếp tục hoạt động – Ảnh: DUYÊN PHAN
Tại 21 cảng hàng không trên cả nước, việc thu phí dịch vụ đường dẫn vào nhà ga với các ôtô đón, trả khách (không dùng dịch vụ trông, giữ xe; chỉ tạm dừng dưới 3 – 5 phút) đang tiến hành bình thường với mức giá vé lượt 7.000 – 30.000 đồng và vé tháng 600.000-1.650.000 đồng/tháng.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), nói:
– Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ nói ACV thu phí ôtô ra vào tại các sân bay không đúng với quy định pháp luật đất đai vì không phải nộp tiền sử dụng đất.
Chúng tôi đã có báo cáo giải trình với Bộ Giao thông – Vận tải và Chính phủ.
Kết luận thanh tra chỉ nêu ACV thu sai quy định… Hiện vẫn chưa có cơ quan nào kết luận ACV phải ngừng thu, nếu có quyết định dừng, chúng tôi sẽ chấp hành
Ông Lại Xuân Thanh
* Thanh tra Chính phủ kết luận ACV thu phí ra vào sân bay giai đoạn 2012-2015 là không đúng quy định, gây thiệt hại cho hành khách… Căn cứ nào ACV tiến hành thu phí thời gian qua?
– Đất mà ACV sử dụng được Nhà nước giao. Trong pháp luật về đất đai, với đất Nhà nước giao thì không thu tiền sử dụng đất, nếu doanh nghiệp đầu tư trên đất đấy sẽ được hưởng kết quả đầu tư trên đất.
Do đó, nếu nói ACV vi phạm không đúng với Luật đất đai vì đất mà Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, ACV thấy chưa hợp lý. Đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất được ACV đầu tư như khu bay, đường hạ cất cánh, sân đỗ máy bay… nhưng ACV vẫn đang thu, các khung giá này đều được Bộ Giao thông – Vận tải quy định rất cụ thể.
Luật đất đai không cấm việc thu phí hoặc qua giá với những công trình được đầu tư trên đất được Nhà nước giao cho doanh nghiệp mà không thu tiền sử dụng đất.
Khi ACV đầu tư con đường dẫn vào cảng là dịch vụ phi hàng không với mức đầu tư khá lớn và phải quản lý khai thác, bảo trì, phân luồng… Để duy trì được chuyện này, ACV phải thu. Việc này là bù đắp chi phí, không phải mang tính kinh doanh.
TTO – Liên quan bài viết “Thu phí sân bay, sai sao chưa dừng?” trên Tuổi Trẻ 17-1, nhiều chuyên gia cho rằng cần yêu cầu tạm dừng thu phí “đi qua” khu nhà chờ các sân bay…
* Thưa ông, việc thu phí này Bộ Giao thông – Vận tải và Bộ Tài chính quản lý hay ACV tự định mức giá?
– Theo Luật hàng không, giá của dịch vụ phi hàng không như giá dịch vụ thuê mặt bằng và giá dịch vụ thiết yếu tại cảng hàng không sân bay do Bộ Giao thông – Vận tải quy định khung. Còn giá dịch vụ hàng không khác tại sân bay do doanh nghiệp quyết định.
Năm 2000, tất cả việc thu phí tại cảng hàng không đều được Cục Hàng không VN quyết định. Tuy nhiên, năm 2016, việc thu phí ra vào sân bay không nằm trong danh sách dịch vụ phi hàng không thiết yếu, nên Bộ Giao thông – Vận tải không quy định khung giá với dịch vụ này.
Quy định cho phép giá dịch vụ khác cảng hàng không sân bay do doanh nghiệp tự quyết định và niêm yết giá, do đó, ACV đã tổ chức thu.
* Đến nay là gần 3 tháng từ khi Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận khẳng định thu sai quy định pháp luật, phải chăng do tự tin mình vẫn đúng nên ACV không dừng thu?
– Trong kết luận thanh tra chỉ nêu ACV thu sai quy định đất đai, nhưng lại không đưa vào kiến nghị xử lý. Nếu có đưa vào kiến nghị, chúng tôi sẽ chấp hành dừng thu phí ngay. Hiện vẫn chưa có cơ quan nào kết luận ACV phải ngừng thu, nếu có quyết định dừng, chúng tôi sẽ chấp hành.
* Số tiền thu phí này được chi vào những việc gì, thưa ông?
– Số tiền thu phí sân bay để đầu tư lại kết cấu hạ tầng. Tính trong giai đoạn 2012-2016, ACV chi hơn 1.770 tỉ đồng đầu tư nâng cấp, duy tu bảo dưỡng và chi phí khác tất cả các đường ra vào tại 22 cảng hàng không bằng nguồn vốn của ACV.
Nguồn thu từ việc thu giá dịch vụ chưa bù đắp chi phí đầu tư khai thác. Trong khi ACV vẫn phải thực hiện trách nhiệm đầu tư theo quy định, đảm bảo an ninh trật tự, bảo trì, đảm bảo giao thông trong khu vực nội cảng, đặc biệt trong bối cảnh một số cảng hàng không lớn đang quá tải, thường xuyên ùn tắc…
* Khi thu hồi vốn xong, liệu ACV có ngừng thu phí?
– Muốn đi vào nhà ga phải đi qua đường mà ACV đã bỏ tiền đầu tư, không thể có sự lựa chọn nào khác. Đường nối của sân bay được Bộ Giao thông – Vận tải quy định trách nhiệm làm đường này là của doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi vẫn có quan điểm rằng đây là thành quả đầu tư và kinh doanh trên đất chuyển giao.
Cho đến bây giờ, quy định Luật đất đai cũng không rõ ràng về vấn đề này, mà chỉ quy định doanh nghiệp được quyền hưởng thành quả đầu tư trên đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
* Nhiều người thắc mắc chỉ vào sân bay đoạn đường ngắn 400-600m nhưng vẫn bị thu tiền, ông nghĩ sao về vấn đề này?
– ACV cũng rất “lăn tăn” về vấn đề này vì Luật đất đai cho phép đầu tư nhưng không quy định dài, rộng bao nhiêu mới được hưởng. Luật chỉ quy định nếu có đầu tư chi phí thì được hưởng thành quả đầu tư. Riêng đường ở sân bay Nội Bài đầu tư là 800 tỉ đồng, sân bay Vinh 68 tỉ… Số tiền thu được chưa thể bù đắp được chi phí.
* Cơ quan thanh tra khẳng định sai, nhưng ACV lại nói đúng theo Luật đất đai. Hướng xử lý sắp tới của ACV trong chuyện thu phí là như thế nào?
– ACV đang kiến nghị Bộ GTVT đưa việc thu phí sân bay vào danh mục dịch vụ phi hàng không thiết yếu để Nhà nước chính thức quản lý về mặt giá, chứ không thể để doanh nghiệp tự đi tham khảo giá tương đương ở địa phương rồi đưa ra giá thu.
Chúng tôi đang chờ quyết định của Bộ Giao thông – Vận tải và Chính phủ về vấn đề này để có phương án xử lý trong thời gian tới.