Sau thời gian loay hoay với việc giải quyết lấn chiếm, tái chiếm vỉa hè, UBND TP.HCM quyết định tạo cơ chế sử dụng vỉa hè đa chức năng, giao người dân tự sử dụng, tự quản lý.
Giao dân quản lý vỉa hè
Sau thời gian loay hoay với việc giải quyết lấn chiếm, tái chiếm vỉa hè, UBND TP.HCM quyết định tạo cơ chế sử dụng vỉa hè đa chức năng, giao người dân tự sử dụng, tự quản lý.
Chia sẻ Vỉa hè tại TP.HCM sẽ được cho phép kinh doanh, nhưng phải chừa ít nhất từ 1,5 – 2 m dành cho người đi bộẢNH: ĐỘC LẬP
Chừa ít nhất 1,5 – 2 m cho người đi bộ
Đối tượng được phép sử dụng phần vỉa hè này phải cam kết đảm bảo 2 nguyên tắc: thứ nhất là đảm bảo giao thông, chừa lại ít nhất từ 1,5 – 2 m dành cho người đi bộ. Thứ hai, phải tự quản lý, cam kết không lấn chiếm, giữ gìn vệ sinh khu vực tự quản
Vỉa hè bị lấn chiếm làm bãi giữ xe, kinh doanh hàng quán khiến người đi bộ phải đi tràn xuống lòng đường, mất an toàn giao thông, đồng thời cản trở lưu thông là thực trạng diễn ra từ nhiều năm nay ở TP.HCM. Từ đầu năm 2017 đến nay, hàng loạt “cuộc ra quân” của các quận, huyện nhằm lập lại trật tự vỉa hè đã phần nào mang lại hiệu quả tích cực.
Nhiều tuyến đường thông thoáng hơn, việc mua bán lấn chiếm một số nơi cũng đã được sắp xếp tương đối ổn định. Tuy nhiên, mặc dù nhận được nhiều sự đồng thuận của người dân nhưng sau mỗi “cuộc ra quân”, kiểm tra, vỉa hè lại bị tái chiếm.
Tại Hội nghị tổng kết trật tự an toàn giao thông năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 diễn ra ngày 10.1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận vỉa hè giống như “mảnh đất vàng”, việc kinh doanh trên vỉa hè trong một giờ có thể kiếm tiền chợ cho 2 – 3 ngày. Vì vậy, mọi người đều đang săm soi vào “miếng bánh” vỉa hè, chỉ cần sơ hở là bị chiếm dụng, kinh doanh.
Từ nhận định trên, ông Tuyến cho rằng nếu không nhìn nhận đúng vấn đề để có cách quản lý theo hướng tự quản thì rất khó. Tạm thời phải cho khai thác sử dụng vỉa hè với nhiều mục đích khác nhau. Trả lời Thanh Niên, ông Tuyến giải thích rõ luật Giao thông đường bộ quy định vỉa hè là phục vụ giao thông, cơ quan nhà nước được phép cho tạm sử dụng ở một số khu vực mà TP thấy cần thiết. Đơn cử, TP cho phép tạm thời giữ xe, để vật liệu xây dựng, kinh doanh tại một số khu vực. Tuy nhiên, do tình trạng lấn chiếm vỉa hè ngày càng gia tăng, nhân lực không đủ sức kiểm tra, lãnh đạo TP quyết định giao các quận, huyện, phường có nghiên cứu phù hợp, cho phép sử dụng vỉa hè cho mục đích khác tại những khu vực phù hợp.
Đối tượng được phép sử dụng phần vỉa hè này phải cam kết đảm bảo 2 nguyên tắc: thứ nhất là đảm bảo giao thông, chừa lại ít nhất từ 1,5 – 2 m dành cho người đi bộ. Thứ hai, phải tự quản lý, cam kết không lấn chiếm, giữ gìn vệ sinh khu vực tự quản. Nếu không đảm bảo 2 điều kiện trên sẽ bị thu hồi và xử phạt nặng. Ví dụ các nhà dân sử dụng mặt tiền sử dụng vỉa hè thì phải có vạch kẻ rõ ràng, có cam kết, thậm chí trả phí khi sử dụng vỉa hè.
“Làm gì cũng phải phù hợp, có lợi ích chính đáng, đảm bảo tôn chỉ ưu tiên đầu tiên phải dành cho giao thông. Cơ chế dân tự sử dụng và quản lý vừa công khai, minh bạch vừa thông minh, hiệu quả. Bộ máy chính quyền chỉ cần kiểm soát người sử dụng, nếu tiếp tục kiểm soát cả cộng đồng vây quanh vỉa hè như hiện nay, chỉ có nước ngủ ngoài vỉa hè mới xử lý hết được”, ông Tuyến nói.
Được nhiều nước áp dụng
Theo quan điểm của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, sử dụng vỉa hè đa chức năng sẽ hài hòa nhu cầu của nhiều đối tượng, đồng thời tạo cảnh quan sống động cho tuyến đường, làm nên sức sống và tạo nét văn hoá độc đáo cho TP. Đơn cử, trưng bày hàng hoá hay bàn ăn trên vỉa hè là nhu cầu của các cửa hàng mặt tiền. Việc trưng bày hàng hoá, biển quảng cáo trên vỉa hè trong trường hợp không cản trở người đi bộ sẽ giúp cửa hàng tiếp cận khách hàng tốt hơn, giúp tăng doanh thu. Quản lý, triển khai một cách đồng bộ, nghiêm túc, còn góp phần giải quyết tình trạng hàng rong và đậu, đỗ xe mà TP chưa quản lý được.
PGS-TS Nguyễn Minh Hoà, Trưởng khoa Đô thị học, Trường đại học KHXH-NV TP.HCM, ủng hộ phương án mới của lãnh đạo TP. Ông cho biết đây là cách làm đã và đang được áp dụng tại nhiều nước. Mỹ cũng cho sử dụng vỉa hè để phục vụ các mục đích khác ngoài giao thông. Chính quyền sẽ ký bản cam kết với chủ nhà, tùy từng vị trí mà chủ nhà trả tiền sử dụng tương ứng. Chủ nhà cam kết phải bảo vệ, giữ gìn khu vực sử dụng sạch sẽ, bảo vệ cả cây xanh, nếu vi phạm sẽ chịu xử phạt rất nặng… Chính quyền phải thành lập bộ phận thường xuyên theo dõi, giám sát bằng hệ thống camera hoặc các phần mềm quản lý thông minh, xử phạt các trường hợp trái phép. “Có thể gọi hình thức này là khoán vỉa hè cho người dân tự quản. Như vậy vừa nâng cao ý thức người dân, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chức năng quản lý”, ông nói.
Đồng tình với cách làm của TP nhưng PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Uỷ viên Hội đồng tư vấn khoa học – kỹ thuật – môi trường thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM, nhấn mạnh phải có rà soát, nghiên cứu thật kỹ trên toàn địa bàn; tùy từng trường hợp cụ thể, từng khu vực mới được cấp phép kinh doanh. “Làm gì cũng phải đặt quyền lợi của nhân dân, xã hội lên hàng đầu”, ông Ninh lưu ý.
Cho kinh doanh, có nên thu phí ?
Trước đó, Sở GTVT TP đã có đề án thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường làm bãi giữ xe, kinh doanh ẩm thực, chợ đêm và một số hoạt động, dịch vụ khác. Khoản thu này sẽ trở thành nguồn thu ngân sách lớn cho TP, phục vụ công tác duy tu đường, phát triển giao thông. Đề án này khi đó vấp nhiều ý kiến trái chiều khi cho rằng TP vừa lập lại trật tự vỉa hè lại đem cho thuê, thu tiền. Không phản đối chuyện thu phí nhưng kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định đây là thời gian đầu trong giai đoạn quy hoạch lại vỉa hè, chỉnh trang đô thị. Sau khi hoàn thành mục tiêu này hãy nghĩ đến chuyện thu phí, vì việc dọn đường quan trọng hơn thu tiền.
PGS-TS Nguyễn Minh Hoà thì cho rằng, vỉa hè được cho thuê có mục đích kinh doanh. Người kinh doanh có lãi, có thu nhập thì phải đóng phí. “Thí điểm cũng phải làm y như thật. Việc thu phí có thể sẽ gây ra các tiêu cực nhưng sẽ giúp các nhà quản lý nhìn ra vấn đề, rút kinh nghiệm và chỉnh sửa khi phát triển rộng rãi mô hình. Tuy nhiên thu phí bao nhiêu cần phải có sự điều chỉnh linh hoạt với từng đối tượng, thuộc từng vị trí khác nhau, tránh trường hợp hộ kinh doanh nhỏ, ở khu ít người cũng phải chịu chung mức phí như hộ kinh doanh ở khu vực rộng, thu hút nhiều khách”, PGS-TS Hòa nói.
Thí điểm ở Q.1
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, đối với vỉa hè có bề rộng trên 3 m, phạm vi cho phép sử dụng tạm thời hơn 1 m, phải có vạch kẻ rõ ràng. Còn vỉa hè nhỏ thì không thể cấp phép cho tạm sử dụng. Việc sử dụng tạm vỉa hè phải có ý kiến cho phép của chính quyền địa phương cũng như sự giám sát của đoàn thể, cộng đồng. Hiện TP đã chỉ đạo UBND Q.1 xây dựng kế hoạch, trước mắt cho thí điểm một số con đường có vỉa hè rộng để tạm sử dụng. Đó mới là giải pháp căn cơ trong việc tái lập trật tự lòng lề đường, chính quyền không thể đẩy đuổi, giám sát từng giờ, từng phút được. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đồng tình lấy Q.1 để thí điểm và đề xuất kế hoạch cụ thể gồm 4 bước để giải quyết tận gốc vấn đề vỉa hè. Theo đó, bước đầu tiên là phải trả lại không gian tối thiểu cho người đi bộ. Cần nghiên cứu hiện trạng, rà soát lại hết tất cả các con đường trên địa bàn quận, làm sao để người đi bộ có thể di chuyển được. Kiểm soát bằng vạch sơn màu vàng, để tối thiểu 1,2 – 1,5 m chiều rộng cho người đi bộ.
Bước hai, tiến đến giải quyết vấn đề để xe. Hiện TP rất thiếu chỗ để xe nên việc quy hoạch các vùng vỉa hè, lề đường rộng thành các khu cho phép để xe có thu phí rất cần thiết đối với vấn đề giải quyết giao thông. Việc cấp phép, quản lý tất cả các chỗ để xe trên địa bàn quận phải quy về một mối. Nên giao cho lực lượng thanh niên xung phong quản lý. Tiền thu được một phần sẽ giao lại cho lực lượng này, còn lại nộp vào ngân sách TP để triển khai các công trình giao thông. Phần cho thuê giữ xe sẽ được đánh dấu bằng vạch sơn màu đỏ.
Bước ba mới “đụng” tới các hàng quán kinh doanh. Như vậy loại trừ 2 khu vực tạm gọi vàng và đỏ, những tuyến đường nào vẫn còn không gian trống mới được cấp phép kinh doanh. Khoanh vùng khu vực này bằng vạch sơn màu xanh lá cây. Người được cấp phép kinh doanh phải có trách nhiệm giữ gìn khu vực được giao, nếu lấn chiếm, sai phạm xử thật nghiêm và rút lại quyền kinh doanh. Bước cuối cùng là xử lý các công trình sai phép mà thực chất đã được cảnh báo ngay từ bước đầu. Tất cả các cá nhân, tập thể, cơ sở vi phạm đều bị lập hồ sơ và công khai trên trang web của quận một cách chi tiết; có thời gian giải trình theo từng bước, có thể tự đập bỏ hoặc xin phép nếu có những lý do hợp lệ, được TP chấp nhận. Trong trường hợp các công trình vi phạm bị nhắc nhở mà vẫn không phản hồi sẽ thi hành cưỡng chế, đồng thời xử phạt nặng.