Tác động “game thủ”: thử nắm cán dao

Với một giờ lên mạng tốn mấy nghìn đồng, nếu có ý thức và hứng thú các em có thể sử dụng email để trao đổi học tập với bạn bè khắp mọi nơi, có thể đọc nhiều tài liệu quý phục vụ học tập, nghe nhạc, xem phim hay… Song con số các em biết nắm cán dao lại không nhiều. Thật đáng tiếc, thay vì hướng mũi dao về hướng khác, các em lại chĩa chúng vào chính mình!

Tác động “game thủ”: thử nắm cán dao

Từ trải nghiệm của bản thân khi thử tác động vào các em chơi game online ở các tiệm Internet tại vùng quê của mình, tác giả đề xuất một giải pháp góp phần hạn chế tác động của game online đến giới trẻ.

Trẻ em chơi game tại một tiệm Internet – Ảnh: THUẬN THẮNG 

Những tiệm Internet ở dưới quê tôi khách hàng phần lớn là trẻ nhỏ, và hầu hết các em chỉ chơi game online. Chủ cửa hàng thường không hỏi khách sử dụng máy bao lâu, mà dùng từ “chơi”: anh chơi máy nào?… Cho nên khi vào những tiệm Internet này làm công việc như đọc tin, kiểm tra hộp thư, soạn thảo văn bản… thì sẽ trở thành thiểu số gây ngạc nhiên.

Bước tiến của khoa học kỹ thuật ở lĩnh vực công nghệ thông tin như con dao. Lưỡi dao luôn bén ngót: những phiên bản game online đã hút hồn các em nhỏ, cướp hết thời gian ngây thơ và trong trẻo của chúng, bứt chúng xa trường xa lớp, thậm chí dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng với những cái chết xuất hiện chỗ này chỗ khác… Bao nhiêu trẻ nhỏ (không kể người lớn) đã, đang và sẽ tiếp tục nghiện game online, cùng ăn cùng ở, cùng sống chết với thế giới ảo? Chắc chắn là một con số không nhỏ. Một bài toán về kinh tế, xã hội đau lòng đặt ra với mọi người. Trong lưỡi dao này còn có cả núi thông tin sex, trụy lạc, những thông tin nhiễu về đủ mặt…

Còn cán dao là một kho tài nguyên thông tin hữu ích của cả thế giới cùng những ứng dụng to tát khác, lại ít được khai thác ở những tiệm Internet dưới quê. Với một giờ lên mạng tốn mấy nghìn đồng, nếu có ý thức và hứng thú các em có thể sử dụng email để trao đổi học tập với bạn bè khắp mọi nơi, có thể đọc nhiều tài liệu quý phục vụ học tập, nghe nhạc, xem phim hay… Song con số các em biết nắm cán dao lại không nhiều. Thật đáng tiếc, thay vì hướng mũi dao về hướng khác, các em lại chĩa chúng vào chính mình!

Tôi đã cố hoàn tất một thí nghiệm nho nhỏ: đi hết thị trấn, vào tất cả tiệm Internet, lặng lẽ ngày lại ngày làm công việc của mình với máy tính bất chấp tiếng hò hét, khói thuốc, nhất là thái độ khó chịu của các ông bà chủ. Mấy tháng liên tục như thế, ngoài việc thâm nhập thế giới của các “game thủ”, tôi cũng tạo được tác động ít nhiều ngược lại đến các em. Có mấy em thử lần đầu tiên dành mấy phút lướt các trang báo mạng, rồi trao đổi bâng quơ về thời sự. Tôi mừng lắm. Hơn một chút, có ngày càng nhiều hơn các nam sinh nữ sinh với đồng phục đã mạnh dạn nhập cuộc với tôi vào ngồi chen với các “game thủ” để làm việc. Các em này làm bài tập, thi thử trắc nghiệm, copy tài liệu, tải nhạc… và trăm thứ hữu ích khác. Cùng với đó đã có thêm một số “game thủ” bớt giờ chơi game để nghe nhạc, đọc thông tin. Tuyệt vời.

Tôi nghĩ đến một cái tạm gọi là “ý tưởng” cho oai: Một chiến dịch “xây để chống” ở nhiều nơi, bằng việc huấn luyện các em học sinh tại chỗ và các tình nguyện viên từ các tổ chức xã hội và tôn giáo từng bước tràn ngập các tiệm Internet, tác động hợp lệ để thay đổi hành vi các em đã nghiện game online. Đây là việc khó song có thể làm được với sự kiên trì, bằng tình thương và trách nhiệm. Đồng thời làn sóng này sẽ tác động đến mọi người, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về ý thức sử dụng Internet có hiệu quả tích cực. Chắc chắn là có chuyển biến, các “game thủ” sẽ dần thấy trơ trọi, bị lôi cuốn vào những hoạt động tích cực hơn là chơi game.

Một phong trào như thế có lẽ hợp lòng người, nhất là những gia đình và cá nhân có con em, người thân vướng vào các trò chơi game trực tuyến có hại.

THÀNH CÔNG