Bế tắc dạy bơi

Tỉ lệ trẻ 10-15 tuổi biết bơi ở Đồng Tháp và Tiền Giang – miệt sông nước chằng chịt – là 36%, còn tại Nghệ An và Hà Tĩnh tỉ lệ trẻ biết bơi chỉ vỏn vẹn 10%.

Bế tắc dạy bơi

Tỉ lệ trẻ 10-15 tuổi biết bơi ở Đồng Tháp và Tiền Giang – miệt sông nước chằng chịt – là 36%, còn tại Nghệ An và Hà Tĩnh tỉ lệ trẻ biết bơi chỉ vỏn vẹn 10%.

Học sinh làng Biên, xã An Trung, huyện Krông Chro (Gia Lai) phải lội sông Ba đến trường vào mùa mưa (nguồn: Bộ Y tế 2011) - Đồ họa: V.Cường  - Ảnh: Tiến Thành 

Trong khi đó, chương trình đưa môn bơi lội vào trường học đã và đang bế tắc vì… không có tiền.

Sống vùng sông nước nhưng không biết bơi

 

“Với điều kiện cơ sở vật chất và thể lực của trẻ em ở VN, nên bắt đầu học bơi từ 6 tuổi. Đây cũng là lứa tuổi trẻ bắt đầu có hiểu biết và biết nghe lời, thầy cô giáo dễ quản lý trẻ hơn”

Ông Nguyễn Trọng An

 

Giở báo cáo giám sát y tế 2005-2010, ông Nguyễn Trọng An, phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – thương binh và xã hội), buồn bã: Năm năm từ 2005-2010, mỗi năm có 2.400-3.700 trẻ chết đuối. Hai năm 2011-2012, con số đau xót này có giảm nhưng vẫn ở mức 1.800-2.000 trẻ/năm. “Giảm nhưng 2.000 cháu bé chết đuối/năm là con số rất lớn. Năm 2013, mới năm tháng đầu năm nhưng Phú Yên đã có 51 em chết đuối, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội… mỗi nơi hơn 20 em”- ông An nói.

Theo ông An, so với các nước xung quanh, tỉ lệ trẻ biết bơi ở VN vào nhóm thấp, thậm chí rất thấp. Khảo sát tại hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, tỉ lệ trẻ 10-15 tuổi biết bơi chỉ 36%, nhóm tuổi nhỏ hơn thì tỉ lệ này thấp hơn, còn ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tỉ lệ này là 10%. “Các nước tỉ lệ trẻ biết bơi cao hơn nhiều, như New Zealand 100% học sinh tiểu học biết bơi”- ông An trần tình.

“Nên phổ cập bơi từ khối tiểu học” – đó là đề xuất của TS Đỗ Trọng Thịnh (nguyên HLV tuyển bơi lội VN và đang công tác tại Phòng khoa học – y học thuộc Trung tâm Huấn luyện TDTT quốc gia 2 Thủ Đức, TP.HCM) trước tình trạng có quá nhiều trẻ em Việt Nam chết đuối mỗi năm. Thật ra, hiện nay trên cả nước đang có rất nhiều trường học điểm, địa phương triển khai thí điểm mô hình này. Một số nơi đã đạt thành công như quận Thủ Đức (TP.HCM) khi chính thức xóa “mù” bơi cấp tiểu học.

Tuy nhiên, mơ ước đưa môn bơi vào trường học của những người có tâm huyết hiện chưa có lời giải đáp. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho hay khi xây dựng đề án phát triển giáo dục 2011-2020, mục tiêu đưa dạy bơi vào trường học đã được đưa vào 4-5 lần dự thảo đầu tiên, nhưng sau đó khi đệ trình lên cấp cao hơn thì bị gạt với lý do không có tiền.

Có phải vì thiếu tiền?

Trong ý nghĩ của nhiều người, bơi là môn học khá xa xỉ, phải có hồ bơi mới có thể triển khai dạy bơi, trong khi rất nhiều trường học ở VN còn chưa đủ diện tích xây dựng lớp học, lấy đâu ra chỗ xây hồ bơi. Đây cũng là mấu chốt khiến môn bơi khó đưa vào trường học như các môn học thể chất khác như chạy, nhảy cao, nhảy xa… Nhưng theo ông An, kinh nghiệm của Cục Quản lý môi trường y tế và Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em khi thực hiện dự án phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp là sử dụng loại lồng bơi lưới, giá thành khi thực hiện dự án là 600.000 đồng/lồng, nay trượt giá nên tăng lên 900.000-1.000.000 đồng/lồng. “Sử dụng loại lồng này chỉ cần thả vào một cái ao hoặc hồ ở địa phương, dạy trẻ bé thì nâng đáy lồng lên, trẻ lớn hơn hạ đáy lồng xuống rất tiện lợi, dạy xong ở vùng này cuộn lại mang sang vùng khác”- ông An cho biết.

“Nhiều địa phương cũng băn khoăn tiền đâu xây bể bơi cố định, mà không biết rằng chi phí 60 bể bơi di động mới bằng một bể bơi cố định. Có đưa được môn bơi vào trường học hay không còn phụ thuộc vào địa phương, họ có thấy vấn đề này quan trọng hay không, và dành ngân sách cụ thể cho việc dạy bơi chứ không nói chung chung là phải dạy bơi mà không bố trí ngân sách. Kinh nghiệm ở Quảng Ninh năm 2012 có 17 tỉ đồng cho các hoạt động chăm sóc trẻ em nói chung, thì họ dành khoảng 20 triệu đồng/huyện cho sáu huyện dạy bơi cho trẻ em”- ông An nhấn mạnh.

Trong quá trình viết bài này, chúng tôi được nghe rất nhiều về kinh nghiệm của Đà Nẵng. Đà Nẵng là địa phương được nhận dự án do Liên minh vì sự an toàn của trẻ em (TASS) tài trợ. Từ dự án này, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động – thương binh và xã hội đã đưa giáo viên của 11 địa phương vào Đà Nẵng học bơi để tiến tới nhân rộng mô hình, nhưng kết quả là mô hình chưa nhân ra được địa phương nào. Trong khi đó, Đà Nẵng đã dạy bơi được cho 27.000 học sinh và giảm thiểu tối đa số trẻ em chết đuối. Năm 2012 Đà Nẵng có 3 trẻ chết đuối, năm tháng đầu năm 2013 chưa có em nào, trong khi một địa phương gần đó là Phú Yên có đến 51 trẻ em không may chết đuối.

Cái khó là chúng ta đang thiếu cơ sở vật chất và huấn luyện viên giỏi. Thêm vào đó, đa số trường hợp các em bị tai nạn sông nước lại diễn ra ở các vùng sâu, vùng xa. Vì thế, việc phổ cập này đã khó lại càng khó vì vấn đề kinh phí và sự thiếu quan tâm của người dân địa phương.

 

 

4 nguyên nhân khiến tỉ lệ trẻ em chết đuối ở VN rất cao:

– Sự vô ý, bất cẩn, xao nhãng của người lớn với con cái.

– Không chịu chấp hành các quy định như cố ý đi vào khu vực cấm.

– Không biết bơi.

– Môi trường không an toàn, nhiều nguy cơ rình rập như không có biển báo, rào chắn… tại các vùng nước xoáy, hố nước sâu.

(Nguồn: Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em)

Tiền Giang: dạy bơi cho trẻ trên kênh rạch

Theo ông Nguyễn Minh Hiếu, chuyên viên Phòng nghiệp vụ thể thao (Sở Văn hóa – thể thao và du lịch), trong 5-6 năm gần đây sở đã mở những lớp dạy bơi cho trẻ em ở địa phương ngay trên kênh, rạch tự nhiên. “Ở nông thôn thì phải đem các em ra kênh, rạch mà dạy chứ đem vào hồ bơi cũng không phát huy được tác dụng” – ông Hiếu nói.

Bà Võ Thị Tuyết, tổng thư ký Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Tiền Giang, cho biết từ năm 2012 tỉnh nhận được sự hỗ trợ từ nhóm tình nguyện viên người Úc thuộc Chương trình An toàn chống đuối nước trên sông Mekong đã trực tiếp dạy bơi và thực hành kỹ năng cho học sinh tiểu học.

THÚY HẰNG

 

 

LAN ANH – NGỌC HÀ – TẤN PHÚC