Làm gì với tin đồn?

Có bao nhiêu phần hữu lý trong cái tin đại – cồ – vịt “sắp đổi tiền” để rồi chiều thứ hai 22-4, Ngân hàng Nhà nước phải ra thông cáo bác bỏ?

Làm gì với tin đồn?

Có bao nhiêu phần hữu lý trong cái tin đại – cồ – vịt “sắp đổi tiền” để rồi chiều thứ hai 22-4, Ngân hàng Nhà nước phải ra thông cáo bác bỏ? 

Có lẽ những kẻ đầu têu tung con vịt cồ này vẫn còn nhớ đến thời kỳ mà nền kinh tế đất nước được điều hành bằng “mệnh lệnh cách”, để rồi ngủ một đêm thức dậy thấy tiền bạc tích cóp bị buộc đem đổi đến một ngưỡng nào đó, ai cũng như nhau.

Có thể đoan chắc rằng tin đồn dựa trên những “hoài niệm” trên là phi lý, vô nghĩa trước hiện thực đất nước từ hơn 20 năm qua: kinh tế thị trường (bước đầu) “thuận mua vừa bán” và quyền được tích lũy không chỉ được Hiến pháp và luật pháp bảo hộ mà còn bởi những cam kết quốc tế.

Một cuộc “đổi tiền” vào năm 2013 này sẽ là hủy hoại từ chân móng đến nóc nền kinh tế vốn đã từ giai đoạn bo bo trừ bữa và 2m vải/đầu người sang giai đoạn “cơm ăn áo mặc”, thậm chí “xe hơi, nhà lầu, máy bay”…! “Con vịt cồ” này cũng khai thác “môtip” đổi tiền của một Zimbabwe siêu – siêu lạm phát cho dù ở Việt Nam lạm phát đã quay về với một con số, hàng hóa (nhất là lương thực, thực phẩm…) đang thừa thãi!

Tất nhiên, cũng có một số vấn đề nan giải làm “mảnh đất màu mỡ” gieo rắc tin đồn như tái cơ cấu vẫn loay hoay, nợ xấu và thanh khoản, địa ốc thừa và ế, sản xuất đình trệ trong một số lĩnh vực…, song nhìn chung không đến nỗi phải “tự sát” bằng một quyết định “đổi tiền”!

Tâm lý học quần chúng mà nói, những tin đồn như thế có cơ hội lan thổi là do đang có một tâm lý bất an trước một số vấn nạn hay biểu hiện điều hành kinh tế vĩ mô bất cập, trong khi lại thiếu những thông tin minh bạch, chính thức. Như tình trạng công nợ cứ tăng trong khi nợ xấu cứ kéo dài khiến ít nhiều người dân không tin rằng nợ vẫn còn trong tầm kiểm soát. C

âu chuyện về bài báo của The Economist 21-4, theo đó tổng mức nợ công hiện là 72,523 tỉ USD, tính theo số liệu dân số Việt Nam mà Global Debt Clock (website Đồng hồ báo nợ toàn cầu) sử dụng là 89.740.893 người, mỗi người dân đang “gánh” 808,1 USD nợ công… càng là “nền móng” cho những tin đồn “đổi tiền”.Những tin tức nóng bỏng này là theo thời gian thực, đồng hồ công nợ chạy từng giây trên website Global Debt Clock, trong khi những bản tin nợ nước ngoài của Bộ Tài chính thì trên lý thuyết sáu tháng một lần và vẫn luôn giải thích là “chưa sao”!

Sự bất an còn đến từ cung cách quản lý thị trường vốn và vàng. Mới thứ hai 22-4, báo Sài Gòn Giải Phóng đã phải căng tít ngay trang 1: ”Quản lý thị trường vàng: mục tiêu mơ hồ, giải pháp chưa rõ”. Thật vậy, từ hơn một năm qua, người dân lao động chân chất tích cóp được chút tiền hay vàng không biết làm sao bảo toàn những khoản dành dụm của mình trước những quyết sách khó hiểu của Ngân hàng Nhà nước. Từ đó, người dân chân chính có chút tiết kiệm không thể không bất an.

Đấy chính là cơ hội gieo rắc tin đồn. Vậy làm gì trước những tin đồn (sẽ không là duy nhất) này?

Người dân ở đâu, thời nào cũng cần được an dân. Cách đây 60 năm, thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chính Pháp Antoine Pinay lên truyền hình cầm một tấm da và bảo: “Đây đất nước chúng ta, chỉ còn trơ da. Hãy cầm lấy nó!”. Rồi ông cam kết sẽ quản lý ngân sách một cách lành mạnh. Trước sự chân thành của người đứng đầu chính phủ, người dân Pháp đã cảm thông, đồng lòng cùng với nhà nước thắt lưng buộc bụng.

Có lẽ người dân Việt Nam đang cần nghe những tâm tình chân thực hơn là những diễn văn “GDP” thành tích hoặc những mẩu tin “lạnh lùng một chiều” như “Bộ Tài chính chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2013”…, “Lãnh đạo bộ yêu cầu… rà soát việc thực hiện các giải pháp chống thất thu thuế, rà soát công tác hoàn thuế…”. Kỳ họp mới của Quốc hội gần kề, hi vọng sẽ có một tiếng nói chân thực để dân chúng biết, hiểu và tin tưởng rằng khi phải thắt lưng buộc bụng thì cả Nhà nước và người dân cùng hi sinh. Chính trong sự chân thực đó mới không có chỗ cho những tin đồn.

 DANH ĐỨC