Đàn ông “yêu nhau” có phạm tội?

Tại Singapore, điều 377A bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2007 coi việc quan hệ tình dục đồng thuận giữa 2 người đàn ông là phạm tội hình sự, có mức án tù tối đa đến 2 năm. Từ khi có hiệu lực, điều 377A bị nhiều giới chỉ trích, đặc biệt là cộng đồng những người đồng giới nữ, nam, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT) và những tổ chức đấu tranh vì người đồng giới.

 

Đàn ông “yêu nhau” có phạm tội?

Tại Singapore, điều 377A bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2007 coi việc quan hệ tình dục đồng thuận giữa 2 người đàn ông là phạm tội hình sự, có mức án tù tối đa đến 2 năm. Từ khi có hiệu lực, điều 377A bị nhiều giới chỉ trích, đặc biệt là cộng đồng những người đồng giới nữ, nam, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT) và những tổ chức đấu tranh vì người đồng giới.

Chuyện trở nên căng thẳng khi cảnh sát bắt quả tang ông Tan Eng Hong, làm nghề mát xa, quan hệ tình dục với một người đàn ông khác trong nhà vệ sinh ở khu mua sắm CityLink vào tháng 3.2010. Tội danh của hai người cuối cùng được gọi là “có hành vi ô uế nơi công cộng”. Mỗi người bị phạt 3.000 SGD (51 triệu đồng). Tháng 9.2010, ông Tan, nay 49 tuổi, đâm đơn đòi tòa án tuyên bố điều 377A là vi hiến, với bị đơn là Tổng chưởng lý (AG). Nhưng yêu cầu của ông Tan bị cả tòa cấp thấp lẫn tối cao bác bỏ. Ông tiếp tục kiện lên Tòa Phúc thẩm tối cao và được thụ lý hồi tháng 8.2012.

Tháng 11.2012, cặp đồng tính nam chung sống với nhau đã 15 năm là Gary Lim (44 tuổi) và Kenneth Chee (37 tuổi) cũng đâm đơn lên Tòa Tối cao. Tương tự ông Tan, cặp đôi này cáo buộc điều 377A là: vô lý, tùy tiện và mơ hồ; vi phạm điều 12 của Hiến pháp vốn thừa nhận quyền bình đẳng và được bảo vệ của mọi người trước pháp luật; vi hiến do phân biệt đối xử giữa tình dục đồng tính nam với quan hệ đồng tính nữ hay quan hệ đồng thuận giữa hai cá nhân trưởng thành.

Dư luận Singapore chia rẽ sâu sắc trước các vụ kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử tư pháp nước này. Phần đông cộng đồng mạng và trí thức ủng hộ các nguyên đơn và mong muốn bỏ điều 377A. Trong khi đó, một số linh mục Thiên Chúa giáo kêu gọi duy trì điều luật này nhằm bảo vệ “đạo đức và các giá trị xã hội”. Cũng có lo ngại tình dục đồng giới nam vi phạm nặng nề giáo lý đạo Hồi, chiếm gần 15% dân số Singapore.

Ngày 6.3.2013, Tòa Phúc thẩm tối cao xử vụ kiện của ông Tan quyết định bảo lưu điều 377A sau khi đại diện phía AG biện luận rằng tình dục đồng tính nam có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, và “phần lớn công chúng Singapore coi hành vi này là không chấp nhận được” theo một khảo sát năm 2010.

Tòa Tối cao hôm 9.4 trong phán quyết dài 94 trang về vụ kiện của cặp Lim – Chee tiếp tục khẳng định điều 377A không vi hiến và việc giữ hay bỏ điều này là tùy thuộc vào Quốc hội. Chưa quyết định có kháng án hay không, hai ông Lim và Chee chỉ biết than: “Thật đau đớn khi chúng tôi bị coi là tội phạm trong mắt luật pháp”.

Chưa rõ Quốc hội Singapore sẽ quyết thế nào. Nhưng báo The Straits Times ngày 13.4 bất ngờ trích đăng phát biểu của cựu Chánh án Tối cao Chan Sek Keong hồi tháng 9.2012: “Singapore sẽ phải giải quyết nhu cầu và lợi ích của nhóm LGBT vốn đang lớn dần khắp thế giới, bất chấp sắc tộc, tôn giáo lẫn tập quán văn hóa”.